2.1. Nội dung chủ yếu của học thuyết “kiêm ái”
2.1.1. Kiêm ái là yêu thương tất cả mọi người không phân biệt đẳng
cấp, sang hèn
Ở chương 1 chúng ta đã phân biệt được hai khái niệm “kiêm” và “biệt”. Theo Mặc Tử con người phải kiêm ái, vì “trời muốn con người yêu thương nhau, làm lợi cho nhau chứ không muốn con người ghét nhau, làm hại nhau” (Thiên dục chi nhân tương ái, tương lợi; nhi bất dục nhân tương ố, tương tặc dã). Bởi vậy, kiêm ái thì xã hội thái bình ngược lại thì xã hội sẽ hỗn loạn.
“Ái” là “nhân”, “kiêm” là “nghĩa”, “kiêm ái” là “nhân nghĩa”. Cho nên khi thực hiện được cái đức căn bản ấy sẽ làm cho đạo đức luân lý xã hội trở nên tốt đẹp và người ta có thể đạt được tất cả những phẩm chất đạo đức khác như huệ, trung, từ, hiếu, kính đễ…, người người no đủ, nhà nhà hạnh phúc, quốc gia yên lành, thiên hạ bình trị. Mặc Tử viết: “Nếu thiên hạ cùng yêu thương nhau, ai ai cũng yêu người như yêu thân mình thì còn kẻ bất hiếu nữa
chăng? Coi cha mẹ và vua như thân mình thì còn kẻ bất hiếu, bất trung nữa chăng? Coi anh em và bề tôi như thân mình, ghét làm những điều bất từ, bất hiếu thì sự bất từ, bất hiếu sẽ không còn nữa. Còn có trộm giặc nữa chăng? Đã coi nhà người như nhà mình thì ai ăn trộm? Đã coi thân người như thân mình thì còn ai làm giặc? Cho nên trộm, giặc sẽ không còn nữa. Còn đại phu làm loạn nhau, chư hầu đánh nhau nữa chăng? Đã coi nhà người như nhà mình thì còn ai làm loạn? Đã coi nước người như nước mình thì còn ai đánh lẫn nhau nữa? Cho nên cái nạn đại phu làm loạn lẫn nhau, chư hầu đánh lẫn nhau sẽ không còn nữa. Nếu như thiên hạ đã gồm yêu nhau, nước nọ nước kia không còn đánh lẫn nhau, nhà nọ nhà kia không còn loạn lẫn nhau, trộm giặc không có, vua tôi, cha con đều hiếu từ, như thế thì thiên hạ trị” [5, tr.101-102].
Như vậy, qua đây chúng ta nhận thấy trong tư tưởng của Mặc Tử “kiêm ái” cụ thể là gì ? Tuy nhiên, “kiêm ái” đối với ông không chỉ là mọi người yêu thương những người thân với mình, gần với mình, mà nó còn có một bước phát triển cao hơn. Do chỗ trong xã hội có sự khác nhau về thứ bậc sang hèn, giàu nghèo nên “kiêm ái” ở đây phải là “thương yêu rộng khắp, không kể thân sơ, không phân biệt thứ bậc”, chỉ lấy tình yêu thương của con người để đối đãi với nhau. Ông viết: “Thương yêu người phải yêu cho rộng khắp rồi mới cho là thương yêu người, không thương yêu người thì không rộng khắp”; “Thân với họ hàng thì sẽ riêng biệt, yêu cái riêng tư thì sẽ phải hiểm ác với mọi người. Dân thì đông đảo mà chỉ nhắm vào cái riêng biệt và hiểm ác thì dân sẽ loạn” [45, tr.136].
Quan điểm yêu thương tất cả mọi người trong xã hội của Mặc Tử đã vô tình chống đối lại một cách gay gắt so với các tư tưởng đương thời, đặc biệt là Nho giáo của Khổng Tử. Nếu như Khổng Tử coi “nhân” là đạo sống của con người, hết lòng hết dạ thành tâm thật ý, suy lòng mình ra lòng người, cái gì mình không muốn thì đừng đem thi hành cho người khác, nhưng lại có sự phân biệt luân loại thứ bậc, “thương yêu người thân, quý trọng người sang”.
Thì với Mặc Tử, nhân nghĩa hay “kiêm ái” lại là yêu thương tất cả mọi người như nhau không phân biệt trên dưới, thân sơ, quý tiện.
“Kiêm ái” của Mặc Tử ở đây có nét giống với “bác ái” của Thiên chúa giáo, “từ bi” của Phật giáo… Đó là điều hướng tới con người, vì con người. Mặc dù nó vẫn còn mang đậm tính chất duy tâm.