Tác động về kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga đối với ASEAN những năm đầu thế kỷ XXI (Trang 81 - 85)

3.3. Tác động của quan hệ Ng a ASEAN đối với Việt Nam

3.3.2 Tác động về kinh tế

Lĩnh vực kinh tế là lĩnh vực mà Nga, ASEAN và Việt Nam cần tìm cách phát huy hơn nữa để đáp ứng lợi ích của mỗi bên và tương xứng với tiềm năng to lớn của Nga và ASEAN. Các nước ASEAN không có được lợi thế về kinh nghiệm trong quan hệ hợp tác về kinh tế với Nga như Việt Nam. Do đó, ASEAN rất coi trọng kinh nghiệm hợp tác Nga - Việt và vì thế, khi Nga có chủ trương mở rộng và nâng cao khả năng hợp tác kinh tế với ASEAN thì trước mắt, hiệu quả hợp tác kinh tế với Việt Nam cần được quan tâm hơn nữa, trở thành lăng kính để Nga đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại với ASEAN. Trong điều kiện ấy, kinh tế Việt Nam sẽ có được nhiều lợi ích thông qua mối quan hệ kinh tế được mở rộng giữa Nga và ASEAN.

Để hợp tác hợp tác kinh tế Nga - Việt và Nga - ASEAN đạt hiệu quả cao hơn, hai bên cần phải tiến hành đổi mới cơ chế hợp tác cho phù hợp với cơ chế của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN. Do thực tế hiện nay, hợp tác kinh tế diễn ra chủ yếu ở cấp độ chính phủ nên trong thời gian tới, các bên

cần xúc tiến hợp tác thông qua các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân, các hội doanh nghiệp… hay thành lập các quỹ đầu tư nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án. Bên cạnh đó, cần tiến hành điều tra và dự báo về môi trường đầu tư tại Nga và các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam (là nước có nhiều lợi thế nhất trong hợp tác kinh tế với Nga). Hội doanh nghiệp ở mỗi nước đều có thể giúp đỡ và trao đổi thông tin khi tổ chức các cuộc viếng thăm lẫn nhau ở cấp cao, các hội chợ triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nga với Việt Nam và ASEAN.

Trong bối cảnh quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, cũng như quan hệ hợp tác kinh tế Nga - ASEAN còn chưa đáp ứng được với mong muốn và lợi ích của hai bên thì với chính sách hướng Đông của mình, Nga vẫn sẽ kiên trì với việc phát triển các mối liên hệ về mọi mặt với Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng. Kinh tế tất nhiên là lĩnh vực sẽ được ưu tiên hàng đầu, không những đối với Nga mà cả với ASEAN. Hai bên cần thiết phải đẩy mạnh hợp tác kinh tế lên một bước phát triển mới, mạnh mẽ về chất. Quá trình này sẽ có tác động kích thích sự phát triển quan hệ kinh tế giữa Nga với Việt Nam với tư cách như một đầu mối và cửa ngõ cho doanh nghiệp Nga tiến vào ASEAN và ngược lại, thông qua cầu nối Việt Nam, các doanh nghiệp ASEAN có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận thị trường Nga và Đông Âu.

Trong ASEAN, mặc dù năng lực phát triển còn thua kém so với Singapore, Thailand hay Malaysia… nhưng trong các lĩnh vực khác như công nghệ vật liệu mới, năng lượng, công nghệ sinh học, Việt Nam đang có tốc độ phát triển cao và có quan hệ gắn bó và lâu dài với Nga trong các lĩnh vực này. Hơn thế nữa, Việt Nam còn có đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ được đào tạo ở Nga, có các cơ sở nghiên cứu triển khai trong các lĩnh vực trên nên có điều kiện rất tốt để tiếp tục phát triển hợp tác với Nga.

Trên cơ sở quan hệ chính trị truyền thống tốt đẹp Nga - Việt, kinh tế và thương mại giữa hai nước trong thời gian qua cũng có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là từ sau chuyến thăm và dự Hội nghị APEC tại Việt Nam của tổng thống V. Putin năm 2006. Sau đó là các chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2007, 2009) và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2008). Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước đã góp phần củng cố sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nga, đồng thời trao đổi các biện pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận đã ký kết và ký kết một số thỏa thuận song phương. Qua các cuộc viếng thăm trên đây, phía Nga khẳng định quan điểm luôn coi trọng phát triển quan hệ kinh tế với Việt Nam, tương xứng với quan hệ tốt đẹp về chính trị. Lãnh đạo hai nước cũng đã thể hiện sự nhất trí quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, có sự phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế như Liên hiệp quốc, APEC, ASEAN, ARF.

Quan hệ kinh tế song phương nhìn chung vẫn còn thấp về giá trị, chưa tương xứng với quan hệ chính trị và tiềm năng của hai phía. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 1995 đến 2007, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng trung bình 15% mỗi năm. Kim ngạch thương mại hai nước đã tăng từ 354 - 400 triệu USD năm 1995 lên hơn 1 tỷ USD năm 2007; năm 2008 đạt 1,641 tỷ USD. Năm 2009, bất chấp ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kim ngạch thương mại hai nước vẫn đạt hơn 1,7 tỷ USD. 1

Về đầu tư, tại thời điểm cuối năm 2009, Nga có 55 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn là 302,9 triệu USD (không kể lĩnh vực dầu khí). Nga hiện đứng thứ 23 trên tổng số 81 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. 2

Dầu khí và năng lượng là các lĩnh vực hợp tác truyền thống và hiệu ––––––––––––––

1 - 2. Báo Đất Việt. Quan hệ Việt - Nga ngày càng đơm hoa kết trái. www.baodatviet.vn. Ngày 30/01/2010.

quả, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước. Cùng với liên doanh Vietsovpetro, một điển hình của hợp tác Việt - Nga, hai bên đã lập các liên doanh mới như Vietgazprom, Rusvietpetro và Gazpromviet để tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực dầu khí không chỉ tại Việt Nam mà còn ở Nga và tiến tới hợp tác với nước thứ ba. Nga tiếp tục hợp tác tốt với Việt Nam trong việc hiện đại hóa và xây mới các công trình năng lượng tại Việt Nam. Hai bên cũng đã xem xét mở rộng hợp tác sang lĩnh vực điện hạt nhân theo kế hoạch phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam và đa số các nước ASEAN đã gia nhập WTO, (ngoại trừ Laos) trong khi Nga đang đi vào giai đoạn đàm phán song phương để gia nhập. Sau khi Nga gia nhập WTO, Nga, Việt Nam và các nước ASEAN khác sẽ có thể dễ dàng điều chỉnh hàng rào thuế quan cho thông thoáng. Theo đó, khối lượng mậu dịch giữa các bên sẽ gia tăng nhanh chóng. Riêng Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để sớm tiến hành ký kết hiệp định FTA với Nga và Việt nam có thể được hưởng các ưu đãi thương mại từ phía Nga, tương tự như chính sách ưu đãi của Nga đã dành cho một số nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).

ASEAN đang là điển hình của của một hiệp hội các quốc gia đang phát triển, một liên kết khu vực khá thành công. Tuy rằng các nền kinh tế của các nước thuộc ASEAN hiện nay đều chưa thực sự phát triển nhưng rất được thế giới, nhất là các nước lớn quan tâm đến. Nga hiện nay chưa thể cạnh tranh với các nước lớn khác nhưng đã có những chính sách cụ thể để đẩy mạnh quan hệ với ASEAN, đặc biệt là chính trị và kinh tế. Quan hệ với ASEAN có nghĩa là quan hệ tổng thể hay từng phần với tổ chức ASEAN, với AFTA, ARF … hay với từng nước ASEAN, với xu hướng tiến tới cộng đồng Đông Á, các mối quan hệ trong APEC và ―khu vực tự do thương mại Châu Á - Thái Bình Dương‖ do Mỹ khởi xướng, cũng như giải quyết một cách hợp lý các quan hệ với các nước lớn đang có ảnh hưởng đến ASEAN.

Vì vậy, khi nước Nga thực hiện chính sách mở rộng quan hệ với ASEAN, nước Nga sẽ cần mở rộng quan hệ trên tất cả các mặt, với tất cả các thành viên của ASEAN. Nước Nga cần mở rộng quan hệ với ASEAN vì chính lợi ích của bản thân nước Nga. Kinh tế - thương mại cần được xem như mũi nhọn để phát triển quan hệ hai bên, dựa trên các khuôn khổ có liên quan đến ASEAN. Khi quan hệ kinh tế giữa Nga và ASEAN phát triển thì cũng trực tiếp tác động đến các thành viên của ASEAN, trong đó có Việt Nam, với nhiều lợi thế riêng có trong quan hệ với Nga sẽ thu được những thành quả ngày càng lớn hơn trong quá trình hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Nga, với tư cách là đối tác chiến lược duy nhất của Nga trong ASEAN.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga đối với ASEAN những năm đầu thế kỷ XXI (Trang 81 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)