b. Chương trình khảo sát nghề cá viễn duyên Nam Việt Nam (1968-1971)
1.2.4. Hoạt động điều tra nghiên cứu biển Việt Nam sau năm
Việc thống nhất đất nước năm 1975 đã tạo ra tình hình mới cho hoạt động điều tra nghiên cứu biển ở nước ta, với một vùng biển thống nhất rộng gấp 3 lần đất liền, một đường bờ biển dài trên 3.260km. Việc lực lượng cán bộ khoa học về biển ở cả hai miền Nam và Bắc được thống nhất lại, các cơ sở nghiên cứu khoa học ở các ngành đã có và mới xây dựng ở hai miền được tổ chức lại, là điều kiện thuận lợi để có thể tổ chức thực hiện các chương trình điều tra nghiên cứu biển của Nhà nước và các ngành trong phạm vi cả nước.
Chương trình điều tra tổng hợp vùng biển ven bờ Thuận Hải - Minh Hải (1977-1980)
Đây là một trong 4 chương trình của Nhà nước đầu tiên về điều tra tổng hợp vùng lãnh thổ trọng điểm trong kế hoạch 5 năm 1976-1980, là Chương trình điều tra nghiên cứu biển ở quy mô trung bình, được tổ chức thực hiện với khả năng phương tiện và lực lượng hiện có của ta lúc đó. Mục tiêu của Chương trình là cung cấp các dẫn liệu, số liệu cơ bản về điều kiện tự nhiên và nguồn lợi biển của vùng biển giảm nguồn lợi hải sản, phục vụ các ngành sản xuất, quốc phòng trên biển, góp phần thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước 1976-1980 làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cho thời gian sau, đề xuất phương hướng biện pháp sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn lợi biển và thềm lục địa nước ta. Chương trình gồm 16 đề tài điều tra nghiên cứu về vật lý thuỷ văn, địa hình địa mạo, địa chất, nguồn lợi sinh vật và khoáng sản vùng thềm lục địa, ven biển và cửa sông. Tham gia thực hiện Chương trình có các cơ quan nghiên cứu khoa học biển thuộc Viện Khoa học Việt Nam, Bộ Hải sản, Bộ tư lệnh Hải quân, Tổng cục Địa chất, Tổng cục Dầu khí, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Giáo dục, Bộ Đại học, Bộ Y tế, Cục Đo đạc Bản đồ Nhà nước và các địa phương ven biển, do Viện khoa học Việt Nam chủ trì.
Phạm vi điều tra bao gồm dải đất ven biển rộng 30-40 km tính từ bờ biển, từ Phú Khánh tới Minh Hải, với diện tích khoảng 25.000 km2. Phần khảo sát trên biển nhìn chung kéo dài từ vĩ độ 70 - 120 Bắc, kinh độ 1050 - 1150
Đông. Hoạt động khảo sát trên biển do các tàu Biển Đông (Viện Hải sản), NCB-03 (Viện Nghiên cứu Biển) đảm nhiệm. Tàu Biển Đông đã thực hiện 12 chuyến khảo sát, đường dò cá tổng cộng dài 34.650 hải lý, khảo sát 333 lần/trạm, tới độ sâu 500m, cách xa bờ 300 km. Tàu NCB-03 đã thực hiện 5 chuyến điều tra tổng hợp theo 18 trạm mặt rộng và 1 trạm liên tục tới độ sâu 125m, cách xa bờ 100km . Toàn khu vực biển điều tra có diện tích khoảng 10.000 km2.
Chương trình được thực hiện trong 3 năm (1977-1980) đã thu một khối lượng tư liệu giá trị về điều kiện tự nhiên, sinh vật, khoáng sản của vùng biển phía Nam còn ít biết, phát hiện nhiều vấn đề quan trọng của vùng biển nhiệt đới mà trước đây còn chưa rõ, đặc biệt là các vùng nước trồi (upwelling) trên vùng biển lục địa phía nam các hệ sinh thái vùng biển cửa sông với hệ thực vật sú vẹt phát triển, đặc tính phân bố di động của cá nổi, sinh vật nổi vùng nhiệt đới và các vấn đề khác ... Một ý nghĩa quan trọng khác của Chương trình là ở chỗ đây là lần đầu tiên ta tổ chức thực hiện một chương trình điều tra biển liên ngành, với phương tiện kỹ thuật của ta hiện có, không có sự hỗ trợ, tham gia của nước ngoài, qua đó có được kinh nghiệm tốt cho các hoạt động điều tra nghiên cứu biển lớn sau này.
Chương trình điều tra tổng hợp biển và thềm lục địa Việt Nam (1981-1985) (Chương trình 48-06)
Với kinh nghiệm tổ chức thực hiện và lực lượng tập hợp được trong chương trình Thuận Hải - Minh Hải. Chương trình Điều tra Nghiên cứu Biển 48-06 giai đoạn 1981-1985 đã mở rộng ra trên phạm vi toàn vùng biển. Đây là lầm đầu tiên ta có một chương trình điều tra cơ bản về biển ở cấp Nhà nước tương đối toàn diện, đồng bộ, lớn về quy mô, địa bàn hoạt động cũng như nội dung khảo sát.
Chương trình gồm 13 đề tài, tập trung các vấn đề cơ bản của vùng biển Việt Nam, trong đó chú ý đến các hệ sinh thái nhiệt đới tiêu biểu, dải ven biển, các quá trình sinh học và động lực như năng suất sinh học sơ cấp, nước dâng trong bão ... Chương trình do Viện Khoa học Việt Nam chủ trì với sự tham gia thực hiện của các cơ quan đã tham gia Chương trình Thuận Hải -
Minh Hải. Các hoạt động hợp tác với nước ngoài (Liên Xô) của các ngành như Viện Khoa học Việt Nam, Bộ Thuỷ sản, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn đã hỗ trợ cho chương trình khảo sát vùng biển khơi, vùng sâu mà ta chưa có khả năng tiến hành do yêu cầu chi phí về phương tiện quá lớn.
Sau 4 năm hoạt động. Chương trình đã thu được những kết quả đáng kể. Từ chỗ chỉ có những tư liệu về từng khu vực biển, lần đầu tiên đã xây dựng được phác hoạ bức tranh tổng thể về điều kiện tự nhiên trên phạm vi toàn vùng biển và thềm lục địa Việt Nam trong khung cảnh Biển Đông, về khí tượng thuỷ văn, động lực, địa hình, địa mạo, phân bố trầm tích, cấu trúc địa chất, phân bố sinh vật, đánh giá một số nguồn lợi sinh vật và khoáng sản ven bờ, triển vọng dầu khí ở mức độ dự đoán, đặc trưng các hệ sinh thái biển nhiệt đới như : rừng sú vẹt, rạn san hô, đầm phá ven biển, vùng triều cửa sông. Trên cơ sở các kết quả này, bước đầu đề xuất phương hướng, biện pháp sử dụng hợp lý, bảo vệ các nguồn lợi thiên nhiên, các hệ sinh thái biển. Với những kết quả nói trên. Chương trình 48-06 có thể coi là một bước phát triển của hoạt động điều tra nghiên cứu biển nước ta, từ mức độ khu vực đã tới mức độ bao quát trên toàn vùng biển, nâng cao hiểu biết về các vấn đề cơ bản của biển nước ta.
Chương trình điều tra nghiên cứu tổng hợp điều kiện tự nhiên tài nguyên thiên nhiên và một số vấn đề kinh tế xã hội biển phục vụ phát triển kinh tế biển (1986-1990). (Chương trình 48-B)
Chương trình 48-B là chương trình điều tra nghiên cứu biển cấp Nhà nước thứ ba kể từ năm 1977, được tổ chức thực hiện trong kế hoạch 5 năm 1986-1990 trong hoàn cảnh có nhiều đổi mới. Ngành kinh tế biển trước hết là hải sản và dầu khí, trong tình hình chung đã có nhiều chuyển biến của đất nước ta, đang đặt ra nhiều vấn đề của thực tiễn sản xuất cần giải quyết. Lực lượng khoa học kỹ thuật biển nước ta cũng đã có những bước phát triển về tổ chức cũng như về trình độ, từ chỗ chỉ có một số ít cơ quan nghiên cứu biển chuyên trách trước đây, cho tới nay đã có tới hơn 20 đơn vị (viện, trung tâm, phòng thí nghiệm nghiên cứu) ở các ngành tham gia hoạt động nghiên cứu biển, với số lượng cán bộ trình độ Tiến sĩ, Phó tiến sĩ nhiều hơn. Từ chỗ chỉ quen với phương pháp thống kê mô tả, đã tiếp cận được và sử dụng các phương pháp kĩ thuật hiện đại trong nghiên cứu biển như mô phỏng toán học, kĩ thuật tin học, viễn thám, nâng cao trình độ và chất lượng nghiên cứu. Với
những đặc điểm mới của tình hình trên đây. Chương trình Biển 48-B do Viện Khoa học Việt Nam chủ trì, với sự tham gia của trên 20 cơ quan thuộc 10 bộ, ngành và 16 địa phương ven biển đã có nhiều đổi mới về quy mô và trình độ nghiên cứu. Chương trình gồm 19 đề tài thuộc 7 vấn đề, trong đó có những vấn đề còn chưa đặt ra trong các chương trình trước đây như : ô nhiễm môi trường biển, kĩ thuật công trình biển, kinh tế xã hội biển. Phạm vi điều tra khảo sát của Chương trình đã bao quát được từ dải ven biển tới các quần đảo vùng khơi như Trường Sa. Bên cạnh nhiệm vụ bổ sung và hoàn thiện điều tra cơ bản vùng biển và thềm lục địa, đã có khả năng đặt ra nhiệm vụ ứng dụng phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế giao thông hàng hải, thăm dò khai thác dầu khí, hải sản ...
Kết quả thực hiện Chương trình 48-B có ý nghĩa quan trọng đối với công tác điều tra nghiên cứu biển nước ta. Thừa kế các kết quả điều tra khảo sát đã có từ trước tới nay, được bổ sung, hoàn thiện, tổng hợp lại trong Chương trình lần này, nên đã có được một tài liệu tương đối hoàn chỉnh, đủ tin cậy về những nét đặc trưng cơ bản của điều kiện tự nhiên cũng như các nguồn lợi thiên nhiên chủ yếu của nước ta, hoàn thành một bước quan trọng nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn điều tra khái quát, làm cơ sở cho việc định hướng các nhiệm vụ khảo sát khu vực cũng như nghiên cứu ứng dụng kĩ thuật phục vụ phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu các ngành, các địa phương trong giai đoạn tới. Các kết quả nghiên cứu ứng dụng phục vụ thực tiễn sản xuất của Chương trình tuy chưa lớn, song cũng đóng góp thiết thực cho hoạt động của các ngành kinh tế, quốc phòng trên biển.
Chương trình điều tra nghiên cứu biển Việt Nam, mã số KT-03 giai đoạn 1991-1995. Chương trình KT-03 có 22 đề tài, đề cập một cách toàn diện các lĩnh vực khoa học hải dương, nhưng đều tập trung vào các vấn đề điều tra nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, các nhiệm vụ an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia trên Biển Đông như sau :
* Điều tra cập nhật các số liệu điều tra cơ bản các vùng biền còn ít được quan tâm như vùng biển ven bờ Cà Mau, Kiên Giang, vùng biền miền Trung Việt Nam theo hai hình thức, một là tự tổ chức điều tra vùng nước nông (<50m), hai là hợp tác với Viện Hải Dương học Viễn Đông Nga điều tra vùng nước xa bờ miền Trung (50-500m) bằng NC Bogorop (1.200 CV). Điều tra đánh giá đặc sản ven bờ biển Việt Nam và xây dựng các bản đồ địa chất
biển tỷ lệ 1 : 1.000.000đ.
* Tập trung nghiên cứu, tính toán bằng các phương pháp mô hình toán hiện đại động lực thuỷ triều Biển Đông, các qúa trình xói lở bờ biển, bờ đảo, cửa sông.
* Nghiên cứu xây dựng các qui trình công nghệ dự báo sóng biển, nước dâng trong bão, dự báo biến động sản lượng khai thác và phân bố nguồn lợi cá khai thác nguồn lợi cá biển, dự báo lan truyền ô nhiễm do sự cố tràn dầu.
* Xây dựng những cơ sở khoa học về xây dựng công trình trên đảo, về ranh giới thềm lục địa, và thiết kế, sản xuất các thiết bị đo hải dương.
Chương trình KT-03 đã đánh dấu một bước tiến bộ về công nghệ điều tra nghiên cứu biển Việt Nam, các kết quả nghiên cứu đã đặt nền tảng cho các bước nghiên cứu ứng dụng tiếp theo.
Bên cạnh các chương trình điều tra tổng hợp biển của Nhà nước nói trên, còn có các hoạt động nghiên cứu từng vấn đề về biển trong các chương trình cấp Nhà nước khác do các bộ chuyên ngành quản lý như: Tìm hiểu thăm dò, đánh giá tiềm năng nguồn lợi dầu khí (Chương trình 22-01); Nguồn lợi hải sản (Chương trình 08-02, 08-A): Môi trường sinh thái ven biển (Chương trình 52.02, 52-D); Xây dựng và bảo vệ các công trình thuỷ lợi ven biển (Chương trình 06-8); Hiện tượng sa bồi, luồng lạch ở các cảng (Chương trình 36-A) và các chương trình khác.
Công tác điều tra nghiên cứu biển trong giai đoạn này, ngoài các chương trình cấp Nhà nước, còn có các hoạt động của các ngành và các địa phương. Đây là các hoạt động nghiên cứu mang tính ứng dụng rõ rệt, được đẩy mạnh trong thời gian từ 1985 trở lại đây, như khảo sát hiện tượng xói lở và bồi lắng vùng cửa sông và bờ biển Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam Ninh, huyện Duyên Hải, các cảng miền Trung, điều tra khảo sát thuỷ văn phục vụ công trình dầu khí phát triển kinh tế các huyện ven biển, nghiên cứu kỹ thuật biển phục vụ xây dựng công trình dàn khoan biển, công trình trên nền san hô trên thềm lục địa.
Cần phải kể đến cả những hoạt động hợp tác điều tra nghiên cứu biển nước ta với nước ngoài trong thời gian này. Chương trình hợp tác nghiên cứu sinh thái, các yếu tố hải dương giữa Viện Khoa học Việt Nam và Viện HLKH Liên Xô đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát bằng các tàu công suất lớn, ra tới tận khu vực Trường Sa thu được số liệu trên 10.000 điểm đo thuỷ văn, tư liệu
điều tra các đảo ven bờ và vùng khơi ( Trường Sa và Hoàng Sa). Chương trình hợp tác khảo sát tuyến 1C trong Chương trình SEATAR của CCOP-IOC. Chương trình hợp tác điều tra đánh giá nguồn lợi cá biển giữa Bộ Thuỷ sản và Bộ Nghề cá Liên Xô từ 1979-1987 đã thực hiện 32 chuyến khảo sát theo ô vuông trên toàn vùng biển với hàng chục tàu lớn nhỏ. Chương trình hợp tác giữa Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn với Uỷ ban Khí tượng Thuỷ văn Nhà nước Liên Xô đã khảo sát có hệ thống theo các trạm trên toàn vùng thềm lục địa từ vĩ độ 7" đến 22" Bắc, kinh độ 103" đông với trên 200 trạm và 3 polygon. Công tác thăm dò dầu khí trên thềm lục địa trong thời gian này cũng được đẩy mạnh hơn với chính sách mở cửa cho nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Các bể trầm tích sông Hồng, Malaysia - Thổ Chu, Cửu Long, Nam Côn Sơn được khảo sát chi tiết hơn, đã phát hiện trên 100 cấu tạo và đã khoan tìm kiếm một số cấu tạo, đã tìm thấy dầu chứa trong tầng móng ở mỏ Bạch Hổ, hiện đang khai thác.
Các hoạt động hợp tác điều tra khảo sát biển trên đây góp phần quan trọng vào công tác điều tra cơ bản biển và thềm lục địa nước ta, nhất là trong điều kiện khả năng phương tiện kĩ thuật khảo sát lớn của ta còn hạn chế.
Nhìn lại lịch sử nghiên cứu biển Việt Nam có thể thấy rằng, trong khi vùng cực đông và nam Biển Đông đã được điều tra khảo sát từ thế kỷ trước, thì vùng biển Việt Nam chỉ mới được nghiên cứu từ đầu thế kỷ này. Những công trình nghiên cứu thực sự đóng góp vào sự hiểu biết về biển Việt Nam chỉ có từ khi thành lập viện Hải dương học Nha Trang (1930) với lực lượng chuyên viên, phương tiện kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu cần thiết.
Kết quả 70 năm điều tra nghiên cứu đã cho ta hiểu biết được những nét cơ bản về điều kiện tự nhiên cũng như nguồn lợi thiên nhiên vùng biển nước ta. Đây là cơ sở trong việc định hướng nghiên cứu ứng dung cũng như nghiên cứu chuyên đề, đi vào giải quyết các vấn đề quan hệ, cơ chế của các quá trình biển trong điều kiện thiên nhiên nhiệt đới, có ý nghĩa to lớn về khoa học cũng như về ứng dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế biển nước ta. Lực lượng cán bộ khoa học về biển nước ta, cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức các cơ quan nghiên cứu cũng có bước phát triển to lớn. Từ chỗ phải dựa vào lực lượng khoa học nước ngoài, hiện nay ta đã có thể tự đảm nhiệm được việc tổ chức thực hiện những chương trình nghiên cứu lớn về biển. Từ chỗ chỉ có duy nhất (Viện Hải dương học Nha Trang), đến nay trong cả nước đã có tới hàng chục đơn vị nghiên cứu khoa học về biển ở các ngành. Trình độ cán bộ nghiên
cứu từ chỗ chỉ ở mức điều tra mô tả, thống kê hiện tượng, đã có thể tiếp cận được với các phương pháp kĩ thuật hiện đại trong nghiên cứu biển, từng bước trưởng thành, tiến kịp trình độ tiên tiến thế giới. Quan hệ quốc tế về khoa học