5. Cấu trúc luận văn
2.2. Từ quan niệm về con người đến những kiểu nhân vật đặc trưng
2.2.2.3. Con người dị dạng, dị biệt (ngoại hình, tính cách, tâm hồn)
Nếu như nhân vật trong truyện ngắn Đỗ Chu thường được xây dựng khá hoàn hảo, mang những vẻ đẹp của thời đại, của dân tộc, nhân vật của ông miêu tả bao giờ cũng thanh tú, lịch lãm, hiền lành với bút pháp miêu tả chân dung ít nhiều mang tính ước lệ như nhân vật Chuyên, Quế, An, Lân, Hàm, Sơn, Vĩnh, Hạnh Nguyễn, Nham… thì trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, người đọc lại thấy xuất hiện một thế giới người dị biệt, dị dạng về ngoại hình, tích cách và cả tâm hồn. Loại hình nhân vật này được cụ thể hoá
bằng hình ảnh của chàng Khó, nàng Pùa trong Những ngọn gió Hua Tát, lão già bại liệt Chương, thằng bé Dân mồ côi trong Con gái thuỷ thần, như Tốn trong Không có vua, cô Lài trong Tướng về hưu, nhân vật Cún trong Cún, Hạnh trong Giọt máu, chú Hoạt trong chú Hoạt tôi, Trương Chi trong Trương
Chi. Trong kho tàng truyện cổ dân gian của người Việt, độc giả cũng có thể
dễ dàng bắt gặp những hình mẫu con người dị biệt như thế như Sọ Dừa, Lấy
vợ cóc, Lấy chồng dê… Thế giới nhân vật dị biệt này mang những phẩm chất
người cao quý hay có tài năng đặc biệt. Hình tượng người dị biệt trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp cũng kết tinh những đặc điểm truyền thống ấy.
Cô Lài trong Tướng về hưu dù gàn dở, ngờ nghệch nhưng tình cảm đối với
mọi người, hành động trong cuộc sống lại hết sức trong sáng và chân thực.
Trong thế giới Không có vua của gia đình lão Kiền, giữa lúc mọi giá trị bị lật
nhào, mọi tôn ti sụp đổ, người ta nhìn thấy ở bé Tốn – đứa trẻ thiểu năng một tâm hồn thánh thiện. Chỉ có Tốn là đối xử với Sinh bằng lòng tốt vô bờ bến và cũng chỉ có nó là không chịu được bẩn, lúc nào cũng lau sàn hay là lau đi cái
bạc ác của thế gian. Hay trong tác phẩm Cún, Cún là một nhân vật nhìn bề ngoài không ra người, không ra vật. Có thể nói đó là một “Hình nhân mặt
đẹp: đứa bé này cũng không phải là người. Nó kỳ hình dị dạng, đầu nó to tướng, hai chân tay mềm oặt như chẳng có xương,… đôi mắt của nó làm tất cả mọi người xung quanh đều sợ hãi”. Ngay cả cái tên Cún thì cũng là tên của
loài vật – loài chó chứ không phải tên của con người. Cún lớn lên và dần dần ý thức được thân phận mình, mang trong mình những mặc cảm về thân hình. Tuy có hình hài kỳ dị như thế nhưng tâm hồn Cún rất trong sáng, thánh thiện. Cún sống vì người khác, thương người khác hơn bản thân mình. Cún cũng có những ước mơ, khát vọng hết sức bình dị như bao người. Cún có một tình yêu đơn phương đối với cô Diệu, mặc dù cô Diệu luôn trêu đùa và chà đạp lên nỗi đau của Cún. Cún dành tặng cô Diệu tất cả những gì Cún có, tất cả gia tài dành dụm suốt một đời ăn xin đã đưa Cún đến chiếc giường của cô Diệu, mở
ra một khát vọng thánh thiện: “Một kẻ chưa thành người lại sẽ có con”. Niềm vui của một người bố khiến Cún quên đi bao nỗi khổ cực, đau đớn: “Trời
mưa phùn, cái lạnh thấm vào người làm Cún tê buốt. Đầu Cún nóng bừng bừng, thỉnh thoảng Cún lại ngất đi mê man,… Cún chờ tín hiệu của đứa con mình, Cún cứ hét mê lại tỉnh”. Và khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời thì Cún
đã lịm người đi, Cún đã chết khi cảm nhận được hạnh phúc, hạnh phúc lần đầu tiên được làm bố. Vẻ ngoài xấu xí đáng sợ nhưng bên trong tâm hồn Cún lại là cả một tấm lòng vàng vô giá. Những người như Cún, như Lài, bé Tốn...
Nguyễn Huy Thiệp đã thật sự tìm thấy “Viên ngọc ẩn dấu bên trong bề sâu
tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu).
Tuy nhiên tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp không phải là những câu chuyện cổ tích. Bởi lẽ, nếu như truyện cổ thường có một kết thúc có hậu, những con người dị biệt trong thế giới ấy luôn tìm được hạnh phúc cuối cùng thì truyện của Nguyễn Huy Thiệp lại đa số có kết thúc không có hậu, nhân vật của ông thường có kết cục bi thảm với những cái chết đầy bi kịch như Cún
(Cún), Khó và Pùa (Trái tim hổ), Trương Chi (Trương Chi)… Dường như
người nghệ sỹ dân gian muốn gửi gắm đằng sau những hình tượng nghệ thuật ấy là một niềm khát khao sự công bằng trong cuộc sống, còn Nguyễn Huy Thiệp tái tạo lại kiểu nhân vật dị biệt với một dụng ý nghệ thuật khác. Việc các nhân vật dị biệt xuất hiện ngày càng nhiều trong tác phẩm của Nguyễn
Huy Thiệp nói riêng và văn học thời kỳ Đổi mới cho thấy nhà văn đã nhìn cuộc sống trong tính toàn vẹn, quan tâm đến nhiều loại nhân vật khác nhau chứ không bằng lòng với những nhân vật “quá sạch sẽ”. Thông qua loại nhân vật này, nhà văn muốn biểu đạt quan niệm riêng của họ về một thế giới chưa hoàn thiện, một xã hội phức tạp và bồn bề nhiều vấn đề như chính quy luật của cuộc sống.
Nhận xét về thế giới nhân vật trong “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vài cảm nghĩ”, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã khái quát: “Nguyễn Huy Thiệp có một thế giới nhân vật, cũng độc đáo. Toàn những con người góc cạnh, gân guốc. Người nào dường như cũng sống đến tận cùng cá tính của mình. Có loại như chui lên từ bùn lầy, rác rưởi, tâm địa đen tối, có loại lại như những bậc chí thiện, có thể bao dung cả kẻ xấu, người ác, thậm chí sẵn sàng chết vì đồng loại” [12].
Tiểu kết
Có thể nói năm 1975, chiến tranh kết thúc đã đánh dấu những chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống và văn học cũng vì thế cựa mình thay đổi. Một
luồng gió mới ào ạt thổi vào đời sống văn học nước nhà. Bên cạnh tiểu thuyết,
thơ, kí, kịch… truyện ngắn trở thành một thể loại rực rỡ của văn học Việt
Nam sau 1975. Nó được xem là một “cú hích” mạnh mẽ và khả quan, tạo nên một phản ứng dây chuyền, có tác dụng “kích nổ” sự phát triển truyện ngắn với
rất nhiều gương mặt tiêu biểu như: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp,… Ngòi bút của các nhà văn thay đổi trên nhiều phương diện, trong đó
đặc biệt chú ý nhất là thay đổi quan điểm nghệ thuật về con người, đây là một
bước chuyển quan trọng cho truyện ngắn. Nhìn lại quan niệm nghệ thuật về con người của Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp, người đọc phần nào thấy được phong cách, giọng điệu riêng của hai nhà văn, đồng thời thấy được sự vận động của truyện ngắn Việt Nam sau Đổi mới. Sau Nguyễn Huy Thiệp, hoàn toàn không thiên cưỡng để nói rằng, một diện mạo mới của truyện ngắn Việt
Nam đã hình thành. Nếu văn học cách mạng thời gian qua hầu như chỉ tập trung vào nội dung xã hội và lịch sử mang triết lí nhà nước thì ý thức nghệ thuật của Đỗ Chu sau đổi mới và đặc biệt là của Nguyễn Huy Thiệp đã vượt qua mô hình văn học chính trị, sử thi nghiêm trang, thành kính để hướng tới một mô hình văn học bình dân, thông tục với nội dung triết lí về con người và lịch sử. Trong giai đoạn mới này, truyện ngắn đã phát huy được khả năng tiếp cận và phản ánh hiện thực con người một cách nhanh nhạy và sắc bén. Với đặc trưng cơ bản của thể loại, truyện ngắn đã tạo cơ sở cho sự biểu hiện những thay đổi trong quan niệm nghệ thuật về con người. Với tầm nhìn mới phóng chiếu vào quá khứ và hiện tại, các tác giả trẻ sau năm 1975 đi sâu khám phá về đời tư của cá nhân. Nhà văn cũng không bị chìm vào các sự kiện, không khí lịch sử. Trọng tâm chú ý của nhà văn là từng con người, từng số phận. Văn học sau 1975 hướng đến khám phá và tạo dựng con người thế sự - đời tư, con người cá nhân với những phức tạp và bí ẩn của nó. Nhân vật thực sự là điểm mấu chốt trong sự đổi mới của văn học nói chung và truyện ngắn đương đại nói riêng. Sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người đã phá bỏ truyền thống của những sự phân tuyến tốt – xấu; cao cả- thấp hèn… rạch ròi; con người cá nhân thay thế cho con người cộng đồng, được nhìn nhận từ nhiều góc độ, nhiều chiều. Khác với hình tượng phổ biến của văn học giai đoạn 1945 - 1975 về những con người lạc quan, yêu đời, sống hòa mình vào cái ta chung, một bộ phận lớn truyện ngắn sau đổi mới 1986 khai thác hình ảnh con người cô đơn như một loại hình nhân vật tiêu biểu của thời hiện đại. Sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người này đã chứng minh cho luận điểm của Milan Kundra: “con người là hiền minh của lưỡng lự”, con người quả là đa dạng, phong phú. Chính điều này đã khiến cho nhân vật trong truyện ngắn thời kỳ Đổi mới đã có những đặc trưng khác biệt so với giai đoạn trước: đa dạng và phong phú với nhiều kiểu dạng nhân vật, tính cách. Điều này thể hiện rõ hơn khả năng nhạy bén trong việc tiếp cận và khai thác hiện
thực của các nhà văn, đồng thời thấy được hiện thực cuộc sống luôn bộn bề và phức tạp. Nó thể hiện cái nhìn toàn vẹn, đa chiều về đời sống bằng tính đa nguyên của nghệ thuật. Có thể nói chưa bao giờ trong văn xuôi nói chung và truyện ngắn nói riêng, con người lại được khai thác ở nhiều chiều kích và bình diện đến vậy. Tiếp cận với thế giới nhân vật trong các sáng tác, người đọc như được tiếp xúc với những con người có thực ở ngoài đời, cũng sinh động, phong phú và không kém phần phức tạp. Với ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, truyện ngắn góp phần làm cân bằng hài hoà trở lại cách nhìn nhận con người về mặt cộng đồng tập thể của giai đoạn văn học trước.
Có thể nói, sự thay đổi trong quan niệm về nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật – tất yếu vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của những đổi thay trong cấu trúc tự sự. Cuộc “cách mạng về nhân vật” bao giờ cũng là cuộc cách mạng tác động trực tiếp và rõ rệt đến cảm quan và tầm tiếp nhận của độc giả nói chung. Các nhà văn như Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp đã quyết liệt thay đổi quan niệm mang tính truyền thống của độc giả về phạm trù “nhân vật” trong các tác phẩm của họ. Và như vậy, họ cũng đã quyết liệt đặt nền móng cho một cuộc “cách mạng về cấu trúc thể loại” cho truyện ngắn Việt Nam hiện tại và tương lai.
Chương 3
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VẬN ĐỘNG VỀ NGHỆ THUẬT CỦA TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
QUA TRUYỆN NGẮN ĐỖ CHU VÀ NGUYỄN HUY THIỆP
3.1. Sự vận động về nghệ thuật xây dựng cốt truyện và kết cấu