1.1. Khái niệm:
Công ty cổ phần là loại hình công ty mà vốn công ty được phân chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty cho đến hết giá trị cổ phần mà họ sở hữu.
1.2. Công ty đại chúng:
Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong 3 loại hình sau (theo Điều 25 Luật Chứng khoán):
• Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng.
• Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại SGDCK hoặc TTGDCK.
• Công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên.
Với 3 loại hình trên, có thể nhận thấy có Công ty đại chúng chưa niêm yết là loại hình 1 và 3, Công ty đại chúng đã niêm yết trên SGDCK hoặc TTGDCK là loại hình 2.
Để thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty cổ phần phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định (Điều 12 Luật Chứng khoán):
• Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.
• Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán.
• Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Một công ty muốn niêm yết cổ phiếu trên SGDCK Tp. Hồ Chí Minh nhất thiết phải là Công ty đại chúng. Tuy nhiên, một công ty cổ phần sau khi trở thành Công ty đại chúng không có nghĩa công ty đã có thể niêm yết trên SGDCK. Để
được niêm yết trên SGDCK, Công ty đại chúng phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 8 Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 của Chính phủ.
Từ các điều kiện để trở thành Công ty đại chúng và Công ty đại chúng niêm yết trên SGDCK, Công ty đại chúng chưa niêm yết và Công ty đại chúng đã niêm yết khác nhau ở một số điểm sau:
• Về vốn điều lệ: Công ty đại chúng phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ VNĐ trở lên trong khi Công ty đại chúng đã niêm yết phải có vốn điều lệ từ 80 tỷ VNĐ trở lên.
• Về năng lực sản xuất kinh doanh: Năng lực sản xuất kinh doanh của Công ty đại chúng là có lãi 1 năm trước khi chào bán trong khi năng lực sản xuất kinh doanh của Công ty đại chúng niêm yết phải là có lãi 2 năm trước khi niêm yết; • Về tính đại chúng: Công ty đại chúng yêu cầu tối thiểu 100 nhà đầu tư nắm
giữ không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp là các tổ chức tài chính trong khi Công ty đại chúng niêm yết yêu cầu thêm điều kiện là 100 cổ đông nắm giữ ít nhất 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết.
• Về thời gian nắm giữ cổ phiếu của các thành viên trong ban lãnh đạo công ty: Công ty đại chúng không quy định tỷ lệ và thời gian nắm giữ bắt buộc của các thành viên lãnh đạo trong khi Công ty đại chúng niêm yết trên SDGCK yêu cầu ban lãnh đạo phải nắm giữ 100% trong 6 tháng đầu tiên và 50% trong 6 tháng tiếp theo kể từ ngày niêm yết.
1.3. Đặc điểm:
Công ty cổ phần có những đặc điểm:
• Về thành viên công ty: trong quá trình hoạt động ít nhất phải có ba thành viên tham gia công ty cổ phần. Là loại công ty đặc trưng cho công ty đối vốn, cho nên có sự liên kết của nhiều thành viên và vì vậy, việc quy định số thành viên tối thiểu phải có đã trở thành thông lệ quốc tế.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam không có giới hạn về số thành viên của công ty cổ phần nhưng theo quy định của pháp luật Trung Quốc có quy định về giới hạn cổ đông sáng lập của côngty cổ phần từ 2 đến 200 người.
• Vốn điều lệ của Công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phần và được phản ánh trong cổ phiếu. Một cổ phiếu có thể phản ánh mệnh giá của một hay nhiều cổ phần. • Tính tự do chuyển nhượng phần vốn góp: Phần vốn góp của các thành viên
được thể hiện dưới hình thức cổ phiếu. Các cổ phiếu do công ty phát hành là một loại hàng hoá. Người có cổ phiếu có thể tự do chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
• Về chế độ trách nhiệm: Công ty cổ phần chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty. Các cổ đông chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty (tức là đến hết giá trị cổ phần mà họ sở hữu);
• Trong quá trình hoạt động, công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu) ra công chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán để huy động vốn. Điều này thể hiện khả năng huy động vốn lớn của công ty cổ phần.
• Công ty cổ phần là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.