6. Kết cấu của luận văn
2.4. Những giá trị nổi bật và hạn chế chủ yếu trong vấn đề tu thân của Nho
của Nho giáo Khổng – Mạnh
2.4.1. Những giá trị nổi bật
Qua sách Luận ngữ và sách Mạnh tử đề cập đến vấn đề tu thân (mà trong luận văn này đã cố gắng trình bày những nội dung chủ yếu nhất) cho thấy rõ rằng, quan niệm của Khổng Tử và Mạnh Tử về tu thân mặc dù còn nhiều hạn chế, song về cơ bản, nó cũng có những giá trị nổi bật, cần thiết phải được bổ sung, phát triển để phù hợp với điều kiện hiện nay. Có thể khái quát và đưa ra một số giá trị tích cực chủ yếu sau đây trong vấn đề tu thân của Nho giáo Khổng – Mạnh:
Trước hết, là thái độ đối với việc học và việc dạy trong tu thân. Người
sáng lập ra Nho giáo là Khổng Tử đã từng đưa ra một luận điểm nổi tiếng là: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Khổng Tử không coi việc học chỉ dành riêng cho một ai đó, ông cũng không cho rằng, con người có được cái tri, cái trí là hoàn toàn do tự phát, hoặc là chỉ do trực giác mà theo ông, tất cả sự hiểu biết của con người đều là do học: “Hồi mười lăm tuổi ta đã để tâm chí vào việc học, ba mươi tuổi chí đã kiên định, bốn mươi tuổi không còn ngờ vực, năm mươi tuổi biết mệnh trời, sáu mươi tuổi nghe gì hiểu nấy, bảy mươi tuổi dẫu lòng tham muốn điều gì cũng không vượt khuôn phép” [27, tr.216] và “Mọi người sinh ra đều như nhau, người ta hơn nhau chỉ là ở cái chí, có chí thì ắt việc gì cũng thành công. Bởi vậy, việc lập chí là hết sức quan trọng. Khi đã lập được chí rồi, tức là đã xác định được phương hướng cho cuộc đời rồi, thì phải ra sức học và thực thi những cái đã học được” [Dẫn theo 13, tr.6]. Có thể nói rằng, nội dung cơ bản nhất của tu thân cũng chính là nội dung giáo dục của Khổng – Mạnh, do vậy mà tu thân là gắn liền với sự học tập và sự tu
dưỡng đạo đức. Ngay từ khi mười lăm tuổi, Khổng Tử đã để hết chí vào việc học và thực tế là ông đã luôn khuyên học trò phải học suốt đời, tự tìm thầy mà học, tự tìm sách mà đọc, học ở mọi người, học trong cuộc sống. Với ông, ai cũng có thể là thầy của mình, như ông đã từng quan niệm, trong ba người cùng đi với mình thì cũng đã có thầy của mình rồi. Ông rất tự hào về việc học đó, chứ không chỉ tự hào về đạo đức của mình. Chính cái chí học đó lại là để thực hiện đạo làm người, để trở thành người có đạo đức, thành nhân, để từ đó mà làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình với người thân, gia đình và xã hội. Khổng Tử luôn khuyên người ta không nên lo là mình sẽ không có địa vị gì, không nên lo người đời không biết đến mình [27, tr.212], mà chỉ nên lo là mình không có năng lực gì để gánh vác được việc đời, với xã hội và xem liệu mình có tài đức gì để được đặt vào địa vị ấy [27, tr.276]. Thiết tưởng lời khuyên này vẫn còn có giá trị trong thời đại chúng ta. Một người lãnh đạo chân chính thì ắt hẳn không thể thiếu được mục đích chân chính, không thể thiếu được sự hiểu biết thực sự, một học vấn cao, một sự tu thân, sửa mình kiên trì, thường xuyên, suốt đời. Nói cách khác, nhà chính trị, nhà quản lý thì phải lấy học vấn làm cơ sở, làm nền tảng, song không thể thiếu được cái đức, bởi vì nếu “thượng bất chính thì hạ tắc loạn”, không có đức thì cũng không có được học vấn thực sự và đem cái học vấn đó giúp ích cho mọi người, cho xã hội một cách có hiệu quả được.
Thứ hai, quan niệm tu thân trong Nho giáo Khổng – Mạnh đã để lại giá
trị tích cực là khuyến khích và giúp con người nỗ lực phấn đấu, tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cá nhân, đặc biệt là đối với nhà vua và người cầm quyền. Tu thân có vai trò nổi bật là giúp con người hoàn thiện về mặt đạo đức và để ứng xử có đạo đức trong mối quan hệ với gia đình, ngoài xã hội, nhằm xây dựng mẫu người lý tưởng và xã hội lý tưởng, thái bình, thịnh trị. Tu thân còn có vai trò giúp mỗi người, con người tự xem xét, phê bình bản thân mình
và phấn đấu trở thành con người có đạo đức, có lễ, nghĩa, có trí lớn để giúp ích cho xã hội, cho mọi người.
Thứ ba, với chủ trương coi trọng tu thân, giáo dục, giáo hóa đạo đức
cho con người và cùng với điều đó là chủ trương “học nhi ưu tắc sĩ”, “vi quan nhi tắc học” mà Khổng Tử đưa ra trong sách Luận ngữ, rõ ràng trong Nho giáo Khổng – Mạnh, tu thân còn có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một tầng lớp tri thức trong xã hội và tầng lớp cai trị, cầm quyền có học, có đạo đức. Đồng thời, nó góp phần tạo ra một xã hội “đề cao văn hóa, đề cao văn hiến, trọng kẻ có học, kẻ làm văn chương”, tạo ra “tâm lý hiếu học, tôn sư trọng đạo” trong toàn xã hội. Với chủ trương coi trọng đạo đức, coi việc tu dưỡng đạo đức và hoàn thiện nhân cách đạo đức của mỗi người là điều kiện để xây dựng và hoàn thiện xã hội lý tưởng, quan niệm về tu thân trong Nho giáo Khổng – Mạnh đã góp phần tạo dựng cho con người ý thức và lối sống có trách nhiệm với gia đình, đất nước, với cả chính mình, và đặc biệt là coi trọng trật tự, kỷ cương và một lối sống cao thượng: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” [27, tr.971]. Quan niệm về tu thân trong Nho giáo Khổng – Mạnh còn góp phần tạo ra một cộng đồng, một xã hội có tôn ti, trật tự, hòa mục từ trong gia đình đến nhà nước, thiên hạ, cho dù, do những hạn chế trong nội dung giáo dục, nội dung tu thân mà Nho giáo Khổng – Mạnh không thể không góp phần tạo ra những con người bảo thủ, trì trệ, lạc hậu, và do đó, hạn chế mặt tài năng và sáng tạo của con người cũng như cản trở sự phát triển của xã hội, của lịch sử đi chăng nữa.
Tóm lại, Nho giáo Khổng – Mạnh khuyên con người tu thân học đạo để
đào tạo và hoàn thiện con người lý tưởng, con người có đạo đức và nhằm xây dựng một xã hội lý tưởng cho dù còn có những điểm hạn chế nhất định. Song, có thể khẳng định rằng, nó vẫn có một ý nghĩa nhất định đối với chúng ta trong việc nhận thức con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và xác định những mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, nhất
là mục tiêu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, có văn hóa, có trật tự, kỷ cương.
2.4.2. Những mặt hạn chế chủ yếu
Mặc dù vấn đề tu thân trong Nho giáo Khổng – Mạnh có những giá trị nổi bật như đã trình bày trên đây nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, mà chủ yếu là những hạn chế sau đây:
Một là, trong vấn đề về tu thân, Nho giáo Khổng – Mạnh không nói tới
việc học tập, tu dưỡng toàn diện của con người trên mọi phương diện, mà chỉ đề cập đến phương diện đạo đức, đến sự tu dưỡng về mặt đạo đức và năng lực thi hành đạo đức. Ngay nội dung chữ “trí” trong Nho giáo Khổng – Mạnh cũng chỉ là những kiến thức về đạo đức, về phương thức học và thi hành đạo đức. Vì vậy, ở một khía cạnh nhất định, có thể nhận định rằng, nội hàm của khái niệm “tu thân” trong Nho giáo Khổng – Mạnh là chưa đầy đủ, phiến diện, không hướng tới nhu cầu và yêu cầu cần có để hình thành và phát triển con người toàn diện, toàn năng.
Hai là, nội dung giáo dục, tu thân chỉ giới hạn ở những nguyên lý, chuẩn mực đạo đức trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, với phương châm học tập và tu dưỡng đạo đức chủ yếu là “cách vật, tri chí” các chuẩn mực, quy phạm đạo đức và với mục đích của giáo dục, tu thân là đào tạo ra người làm quan để hưởng bổng lộc và hoàn thiện đạo đức con người phù hợp với yêu cầu của chế độ phong kiến, cho nên giáo dục, tu dưỡng đạo đức theo triết lý giáo dục, tu thân trong Nho giáo Khổng – Mạnh không thể không để lại những di hại, những hạn chế. Điều dễ nhận thấy là, sự tu dưỡng ấy, việc giáo dục đó chỉ tạo ra một lớp người mà tri thức của họ chỉ giới hạn, thu hẹp ở những hiểu biết về đạo đức, về mặt đạo đức trong các quan hệ xã hội và cách ứng xử có tính đạo đức của con người trong các quan hệ xã hội. Do vậy, trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật, trước những bước ngoặt của sự phát triển xã hội, thì những
con người ấy không thể không bộc lộ những hạn chế như bi quan, thụ động, thiếu tính sáng tạo, v.v..
Thứ ba, trong vấn đề tu thân, Nho giáo Khổng – Mạnh coi việc tu thân
có kết quả còn phải phụ thuộc vào mệnh trời, không cưỡng lại được mệnh trời. Các nhà Nho đều khẳng định tầm quan trọng của đạo đức, nhưng quan niệm về đạo đức lại mang tính duy tâm khi coi “mệnh trời” là trên hết, chi phối và sắp đặt tất cả. Như Khổng Tử khẳng định, đạo của ông có được thực hành hay bị phế bỏ cũng đều do mệnh trời [27, tr.553]. Ông còn dẫn ra lời trong sách Kinh Thi rằng: “Vui vẻ thay người quân tử! Đức tốt rõ ràng hợp với mệnh trời, hợp với lòng người. Trời cho hưởng lộc lại còn giữ gìn, giúp đỡ cho. Tất cả là do trời sắp đặt. Cho nên người có đức lớn thế nào cũng chịu mệnh trời” [31, tr.163]. Xét đến cùng, thành đạt hay không trong việc tu đức, tu đạo, còn phụ thuộc vào mệnh trời và hơn nữa, người có đức sáng và làm sáng tỏ cái đức sáng đó trong thiên hạ được hay không, theo Khổng Tử và Mạnh Tử, cũng do ý trời. Với quan niệm duy tâm thần bí đó, quan niệm về tu thân trong Nho giáo Khổng – Mạnh vô hình chung đã phủ nhận tính chủ động, sáng tạo của con người trong tu thân, khiến cho họ hoàn toàn thụ động, dựa vào mệnh trời. Chính vì lẽ đó đã làm hạn chế nhiều giá trị tích cực trong vấn đề tu thân của Nho giáo Khổng – Mạnh.
Thứ tư, một trong những hạn chế trong vấn đề tu thân của Nho giáo Khổng – Mạnh không thể không nói đến là xem thường phụ nữ. Hầu hết các nhà Nho không quan tâm đến vai trò của phụ nữ trong xã hội. Họ cho rằng: “phụ nhân nan hóa” (đàn bà khó dạy); xem đàn bà “tiểu nhân”, đàn bà chỉ là “cỏ”, còn đàn ông là “gió”, mà “gió lướt trên cỏ”; đàn bà là những kẻ có dạy cũng không biết. Như vậy, quan niệm về tu thân của Nho giáo Khổng – Mạnh thể hiện sự phân biệt nam – nữ, trọng nam khinh nữ. Tuy rất coi trọng giáo dục, học tập để tu thân – sửa mình nhưng trong số học trò đến trường của nhà Nho không thấy phụ nữ. Đạo của người phụ nữ không có gì lớn hơn hai chữ:
thuận, tòng. Như sách Mạnh Tử viết: “Sự thuận tòng là cái đạo đàn bà vậy” [Dẫn theo: 61, tr.329], “Sách Lễ ký cũng dạy đạo làm con gái phải nhu mì, chớ trái lệnh chồng” [Dẫn theo: 47, tr.70]… Khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến, để tăng cường tính chuyên chế, khắc nghiệt vốn có của chế độ quân quyền, phụ quyền, thì người phụ nữ càng bị ràng buộc trong cái vòng khắc nghiệt “tam tòng” và “tứ đức”, dù rằng, trong đó còn có những điểm tích cực cần được phát huy đi chăng nữa.
Phụ nữ trong con mắt của các nhà Nho là người không có nhân cách độc lập. Họ chỉ là công cụ trong gia đình. Nho giáo không thấy và không biết khai thác vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Với việc coi nhẹ người phụ nữ như vậy, Nho giáo Khổng – Mạnh đã triệt tiêu mất một nguồn lực đáng kể trong xã hội, làm cho sự tu thân học đạo không mang tính toàn diện, phổ cập trong xã hội. Sự phát triển của khoa học hiện đại đã chứng minh khả năng của phụ nữ không kém gì nam giới, nếu xã hội, chính quyền tạo cho họ những điều kiện thuận lợi.
Thứ năm, Nho giáo Khổng – Mạnh đưa ra yêu cầu, nội dung và mục
đích tu thân xét đến cũng là nhằm phục vụ mục đích của giai cấp thống trị, là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, cho nên nó đã tạo ra tâm lý, suy nghĩ xem tình nhà, dòng họ cao hơn phép nước; tư tưởng tu thân đề ra mục tiêu là “bình thiên hạ” lại tạo ra tư tưởng bành trướng, bá quyền.
Tóm lại, nghiên cứu về các học thuyết trong lịch sử, cần thiết phải nhìn
nhận trên cơ sở biện chứng khoa học. Mỗi một học thuyết đều mang tính lịch sử cụ thể. Học thuyết về chính trị, đạo đức, giáo dục, tu thân của Nho giáo Khổng – Mạnh cũng không ngoại lệ. Nghiên cứu về triết lý tu thân cũng vậy, bên cạnh những mặt, những yếu tố hạn chế, chúng ta còn có thể khai thác được những mặt tích cực (tuy nhiên cần phải được bổ sung, cải tạo) góp phần hoàn thiện đạo đức cho con người, xây dựng một xã hội thái bình, thịnh trị.
KẾT LUẬN
Nho giáo Khổng – Mạnh là một học thuyết lớn nhất trong lịch sử Trung Hoa cổ đại và du nhập vào nhiều nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Với tinh thần nhập thế, Nho giáo Khổng – Mạnh với học thuyết của mình đã góp phần nhất định đối với tiến trình phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội và con người. Chính vì vậy, Nho giáo Khổng – Mạnh đã trở thành một thành tố văn hóa truyền thống không thể thiếu được ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Xoay quanh và quan hệ với những vấn đề về đạo đức, sự tu thân, tu dưỡng và thực hành đạo đức, từ trong sách Luận ngữ và sách Mạnh tử cho thấy, Nho giáo Khổng – Mạnh đã đặt ra và giải quyết khá chặt chẽ, có logíc vấn đề về con người, bản tính, vai trò của con người đối với trời đất và trong các mối quan hệ xã hội cơ bản. Đây còn là một trong những căn cứ chủ yếu cho sự hình thành vấn đề tu thân trong Nho giáo Khổng – Mạnh.
Con người có vai trò quan trọng đến sự yên nguy, thành bại của xã hội, chính vì thế mà Nho giáo Khổng – Mạnh rất quan tâm đến việc nghiên cứu con người. Trong luận giải về bản tính người, Khổng Tử cho rằng con người vốn có bản chất lành, hay như Mạnh Tử khẳng định, con người vốn có tính thiện. Từ bản tính đó theo các ông, con người cần phải nỗ lực, tu dưỡng, rèn luyện hơn nữa mới trở thành người “quân tử”, người có “Đức nhân” và do có cái đức nhân, con người sẽ loại trừ được cái ác, cái xấu…
Nho giáo Khổng – Mạnh rất coi trọng vai trò của tu thân, các ông coi việc tu thân, tu dưỡng đạo đức còn là công cụ phương tiện chủ yếu nhất, cơ bản nhất trong việc trị nước và quản lý xã hội. Theo Khổng Tử và Mạnh Tử, tu thân, tu dưỡng đạo đức còn là điều kiện, tiền đề quan trọng nhất để hình thành, xây dựng và hoàn thiện đạo đức của con người, góp phần vào việc củng cố, duy trì trật tự, kỷ cương, ổn định xã hội. Đồng thời, tu thân còn có
vai trò quyết định đối với việc tạo lập ra mẫu người lý tưởng và góp phần tạo lập xã hội lý tưởng.
Vai trò của tu thân gắn liền và hướng tới mục đích của tu thân. Theo Nho giáo Khổng – Mạnh, mục đích của tu thân là làm cho con người và xã hội có đạo đức, phải tạo ra được người có đạo cao, đức trọng, con người phải