Ngôn ngữ thơ nhiều “khoảng trống”

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thơ Thanh Thảo nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 82 - 89)

Chƣơng 3 : NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU

3.1. Ngôn ngữ

3.1.2. Ngôn ngữ thơ nhiều “khoảng trống”

Trong quan niệm nghệ thuật của mình Thanh Thảo đặc biệt đề cao những khoảng lặng và khoảng trống trong thơ, thơ hiện đại không phải là công cụ phát ngôn cho bất kỳ một thế lực nào, thơ thoát ra khỏi những vụ lợi cá nhân mà hướng về chiều sâu tâm hồn con người. Thơ hiện đại có sự tích hợp với nhiều loại hình nghệ thuật biểu hiện như hội hoạ với cấu trúc mảng,

âm nhạc với các bè - đoạn, điện ảnh với các cảnh,... nói như Thanh Thảo thì “thơ hiện đại không nhắm vào từng câu thơ, đơn vị cơ bản để cấu trúc lên bài thơ của nó không phải là từng câu thơ, mà từng mảng thơ, như từng nét vẽ so với quệt màu, từng mảng màu trong hội hoạ” [38, tr.2]. Vì vậy mà con đường để đến với thơ “không phải là con đường phân tích, mà là con đường cảm nhận, con đường của sự đột nhiên, của một thức tỉnh từ một hình ảnh ít gặp, hoặc chưa từng có”[38, tr.2]. Để chinh phục những khoảng trống trong thơ hiện đại, người đọc cũng như người làm thơ phải buộc tiềm thức, vô thức của mình hoạt động, có khi phải ngụp lặn vào cả những giấc mơ để chớp được những hình ảnh vụt sáng, những ý tưởng bất chợt loé sáng. Quan niệm thơ này xuất phát từ những lý thuyết hiện đại trong sáng tạo nghệ thuật của thế giới, hướng Thanh Thảo đến việc lựa chọn ngôn ngữ thơ có thể ghi lại được những khoảnh khắc thăng hoa của tâm hồn, mở ra những khoảng trống cho người đọc đồng sáng tạo.

Ngôn ngữ thơ nhiều khoảng trống có thể nói là ngôn ngữ không thể cắt nghĩa bằng cách đọc thông thường mà người đọc phải vận dụng vốn hiểu biết và vốn văn hoá của mình để có thể cảm nhận những gì nhà thơ rung động. Thơ chủ yếu là sự xâu chuỗi những hình ảnh mà nói như sự bộc bạch của Thanh Thảo trong bài thơ Chuỗi cườm thì: tôi hay nghĩ điều chưa thành/ những màu sắc lạ thoáng nhanh qua đầu/ tôi hay xâu chuỗi vào nhau/ những chữ rời rạc như xâu hạt cườm/ có khi dùng sợi chỉ thường/ có khi là một chuỗi cườm không dây. Đó là qui luật sáng tác tự động ghi lại những khoảnh khắc, hình ảnh vụt sáng trong tiềm thức, vô thức hiện về, mà nhà thơ có thể xâu chuỗi nó bằng một sợi dây của ý thức nhưng có khi lại chỉ là một loạt những hình ảnh không liên quan với nhau nhưng chuỗi cườm vẫn đẹp ở sự toả sáng của hình ảnh và sự châu tuần trong biểu hiện. Ngôn ngữ thơ có sự đứt

đoạn, gián cách, muốn hiểu được người đọc phải tự xâu chuỗi những hình ảnh biểu tượng để tìm ra nghĩa biểu hiện của bài thơ. Đấy chính là sự bí ẩn của thơ hiện đại, nó hối thúc người đọc tìm tòi, sáng tạo. Viết Đàn ghi ta của Lorca, Thanh Thảo hoàn toàn tuân theo qui luật của ấn tượng, và vô thức, những tình cảm mến phục và những điều mà Thanh Thảo biết về Lorca đã khiến ông liên tưởng đến những hình ảnh lạ mà giàu sức biểu cảm. Ông đã dùng tiếng đàn-sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ xứ Tây Ban Nha để hoán dụ với con người Lorca, tiếng đàn biến ảo như những sáng tạo không ngừng mà người nghệ sĩ đã hiến dâng cho đời hay chính là số phận của một người nghệ sĩ yêu nước đang dần tan như bọt nước dưới sự đàn áp của kẻ thù, Thanh Thảo đã viết những dòng thơ thật đẹp:

tiếng ghi ta nâu bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi ta lá xanh biết mấy tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy

Tiếng ghi ta của người nghệ sĩ vừa tượng thanh bằng nhịp thơ, vừa tượng hình vừa mang sắc màu, đó là những tiếng đàn có hồn, vang lên từ trái tim người nghệ sĩ-cách mạng, hình ảnh tiếng đàn bọt nước vỡ tan mong manh như số phận đơn độc của người nghệ sĩ lấy tiếng đàn chống lại bạo tàn. Đàn ghi ta của Lorca là bài thơ đẹp trong sáng tạo hình ảnh mà Thanh Thảo đã viết như một sự tri ân, lòng cảm mến với một người nghệ sĩ đa tài, một nhà cách mạng dũng cảm vì vậy mà “từ ngữ cứ đẩy đưa từ ngữ, nhịp điệu đẩy đưa nhịp điệu”, bài thơ ra đời một cách tự nhiên, vô tình mà hữu ý. Thanh Thảo đã để lại nhiều không gian rỗng như thế trong thơ mình, đặc biệt là những tác

phẩm ra đời sau mốc thời gian 1985. Trường ca Đêm trên cát và tập thơ 1,2,3

là bước tiến mới trong thơ Thanh Thảo những năm gần đây. Nếu như ở Đêm trên cát nhà thơ nhập hồn Cao Bá Quát để đồng cảm với nỗi lòng và khát vọng của một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử dân tộc thì 1,2,3 lại là cây cầu nối hiện tại và quá khứ, trong hai tác phẩm này nhà thơ dùng nhiều thủ pháp của thơ hiện đại và để lại nhiều những khoảng trống, quãng lặng trong ngôn ngữ thơ. Trong đó Đêm trên cát là một loạt những câu hỏi đầy trăn trở về thời đại, về sáng tạo nghệ thuật rất cần lời đáp, trong đó có cả tiếng thở dài, cảm giác hụt hẫng, cả những tiếng thét cháy lòng về lẽ hành tàng, xuất xử của con người trong thời đại và cả những khát vọng đổi thay cháy bỏng mà nhà thơ đã gửi gắm qua hình ảnh đàn ngựa trắng băng qua tới năm lần trong tác phẩm:

băng ngang trời đàn ngựa trắng rền vang móng gõ

xanh đỏ tím vàng lúc hiện lúc tan tiếng trong tiếng đục

Đó là khát khao về sự đổi thay hiện hình trong hình ảnh đàn ngựa trắng

đấy biến ảo mà nhân vật trữ tình hướng tới. Đêm trên cát với nhiều khoảng lặng im đầy âm nhạc đưa ta vào thế giới tâm hồn đầy trắc ẩn của nhà thơ Cao Bá Quát, một lý tưởng về sự dấn thân, hiến thân để đổi thay hiện thực tăm tối, đem lại sức sống mới cho dân tộc, sức sống mới cho thơ ca-nghệ thuật: Quê hương/ nếu cần phải làm lại/ nếu cần phải làm ngay không trễ nải/ ta xin hiến nốt đời mình/ chỉ để gióng lên hồi chuông/... ta xin đứng lại/ chiến đấu như một người/ chặn đường nỗi sợ/ và chết như một người/ đã vượt lên nỗi sợ

cần câu/ câu giấc mơ ngày cũ/ những giấc mơ/ tớp bóng dưới lục bình/ xanh buồn bã (Không đề), hình ảnh quê hương hiện ra trong ký ức về người mẹ gầy như ban mai, ký ức buồn buồn về ngày sinh của một người bạn, quá khứ đã trôi đi theo nhịp thời gian vội vã, theo sự vô tâm của con người mà ở thời hiện tại dù mong muốn đến đâu con người cũng không thể tìm lại được

vội vã

mặt hướng về quên lãng hướng về tiếng thở dài hướng về chuyển động hướng về vô vọng

(Vội vã)

Một cảm giác về sự khát khao quá khứ ngập tràn trong 1,2,3 Thanh Thảo. Quá khứ là một cái Đích thăm thẳm vô vọng trong hành trình tìm lại của con người, cảm giác ấy được Thanh Thảo ghi lại: Chiếc xe tải. Thằng em lái mất hút. Chợt hoang mang cùng cực. Không thấy đích. Không biết đâu về. Đêm giăng mắc. Những hình ảnh thoáng qua. Những người không thể hỏi. Không đường về. Không địa chỉ. Đại lý nước mắt. Cầu thang dốc. Tuột. Xuống dễ hơn lên. Xuống và mất hút. Cố nói to không thành tiếng. Cố hỏi không âm thanh. Chỉ những hình ảnh lướt qua kính chiếu hậu (Đích). Cảm giác mà như rỗng cảm giác, quá khứ dường như những cơn mơ chập chờn và vô định mà con người đã lỡ lãng quên thì không thể tìm lại, cảm giác về sự không nơi nương náu, về sự cô đơn, lạc lõng, trống trải sẽ lấp liếm tâm hồn con người trong xã hội hiện đại. Thanh Thảo đã ghi lại những cảm nhận mơ hồ nhưng lại hiện hình rõ rệt trong đời sống khi sự lãng quên quá khứ lịch sử có nguy cơ manh nha trong trong đời sống.

Để tiếp cận thơ Thanh Thảo không phải là dễ, đặc biệt là với những tác phẩm chứa đựng nhiều khoẳng lặng khó hiểu như thế. Thế giới thơ Thanh Thảo là thế giới chất chứa nhiều hoài bão, sự thể nghiệm và chiêm nghiệm về lẽ sống và lẽ viết, đọc Thanh Thảo phải đọc cái giữa dòng, chỗ trắng trong, lắng hồn mình để hiểu hồn thơ ông. Ngôn ngữ thơ gián cách, nhiều khoảng trắng hàm ngôn đã mang lại cho Thanh Thảo một hơi thơ lạ lẫm, bí ẩn và đầy ám ảnh.

Xem xét một cách cụ thể về những đóng góp của Thanh Thảo trong sự sáng tạo ngôn ngữ thơ nhiều khoảng trống trên nhiều cấp độ, ta nhận thấy Thanh Thảo đã viết nên những câu thơ giàu tính liên tưởng, trong đó có sự chuyển đổi cảm giác, chuyển đổi ấn tượng tinh tế, mang màu sắc tượng trưng, siêu thực. Nói về những khát vọng đột nhiên thành chõ vỡ, Thanh Thảo đã mượn hình ảnh của: “Âm thanh vỡ vụn mảnh gương lấp lánh trong khuya”,

nói về mùa hạ rực rỡ sắc nắng Thanh Thảo liên tưởng đến tiếng ve nhuộm màu nắng lửa: “Tiếng ve màu đỏ/ Cháy trong vòm cây”, miêu tả tiếng cười hân hoan của con trẻ trong đêm rằm trung thu trong sáng tác giả viết: ngoài đường trôi lang thang/ những đèn lồng bằng giấy/ ánh lửa vàng phấp phới/ trắng tinh tiếng trẻ cười” (Trung thu). Những liên tưởng của Thanh Thảo tưởng như vô lý nhưng lại gia tăng sức biểu cảm cho mỗi vần thơ, để câu thơ đến với trái tim người đọc với sự bay bổng của tâm hồn. Còn rất nhiều những hình ảnh khác được nhà thơ so sánh, liên tưởng rất sống động như: “Xuồng vít cong mùi hương lúa sa”, “Bìm bịp kêu trắng hàng bông so đũa”, “Hoa phượng vĩ chói lọi tiếng kèn đồng mùa hạ”, “con là con chó tốt nhất/ sủa ra những bóng râm/ những bước chân đám mây/ an ủi ba ngày nắng gắt” (Mi mi)... Những sự chuyển đổi từ âm thanh sang màu sắc, từ sự vật hữu hình

sang âm thanh vô hình là sự chuyển đổi mang ấn tượng rất riêng của Thanh Thảo, mang đến sự gợi tả và những liên tưởng sáng tạo trong lòng người đọc.

Ở cấp độ nhỏ hơn thì Thanh Thảo đã sáng tạo nên những cụm từ làm giàu thêm năng lực biểu đạt của câu thơ, Thanh Thảo viết những câu thơ mà không cần đặt trong văn cảnh của bài thơ thì nó vẫn sống với đời sống riêng của nó, những câu thơ mang ý nghĩa tự thân tự nó có thể lan toả trong đời sống. Những câu thơ đã ăn sâu vào trí nhớ của người đọc: “ngày mai con đi/ nửa đất đai này mẹ gánh/ sông Cầu nước chảy lơ thơ/ sông Hồng trằn sóng đỏ[Những người đi tới biển, tr.7]. Hình ảnh sông Hồng trong thơ Thanh Thảo là một hình ảnh lạ khi nó trằn lên sóng đỏ như nỗi lòng của người ra đi đang dâng lên mãnh liệt một điều nghẹn ngào không thể nói như đối lập với hình ảnh con sông Cầu vẫn hiền hoà, êm ả ru vỗ, khoả lấp mọi nỗi đau. Câu thơ vì thế tự nó có sức sống, sức lan toả trong lòng người đọc như một tứ thơ hay. Những câu như “cây rung khan điều họ nén trong lòng”, “uống ngụm nước phèn chán ngắt chán ngơ cũng nằm trong sự sáng tạo ấy khi nó tạo cho người đọc những ấn tượng bởi cách dùng từ lạ tác động mạnh đến mọi giác quan. Thanh Thảo sử dụng đắc địa biện pháp nhân hoá thông qua việc sử dụng những từ ngữ gợi tả mạnh diễn tả chính xác những trạng thái của đối tượng được miêu tả: Cơn nước lớn nuốt trời xanh khoảnh khắc, Mưa hốt hoảng trườn qua tầng cây,..Những từ, cụm từ giàu tính biểu tượng cũng xuất hiện trong thơ Thanh Thảo: cỏ, lửa, mặt đất, bầu trời, biển, sóng, gió, cát, con đường, nụ mầm, đôi cánh lửa, những ngọn sóng mặt trời, dòng sông cuồn cuộn mặt trời, chất gạo, chất người,...

Ngôn ngữ trong thơ Thanh Thảo mang màu sắc hiện đại, thể hiện những nỗ lực tự đổi mới rất mạnh mẽ trong thơ của chính tác giả. Ngôn ngữ thơ ấy góp phần nói lên tiếng nói của đời sống đang hừng hực tuôn trào vừa

tự nhiên, mộc mạc nhưng đầy trí tuệ, và tràn trề sức sống. Đó còn là thứ ngôn ngữ có khi là rất đa âm, đa nghĩa có khi lại gợi nhiều hơn tả, cảm nhận nhiều hơn là cắt nghĩa. Phải chăng thơ là tiếng nói bí ẩn của tâm hồn, thơ chỉ dành cho từng người một, mỗi người lại có một cảm nhận khác về một bài thơ, đó chính là mỹ học tiếp nhận mà Thanh Thảo muốn gửi đến với bạn đọc.

Ngôn ngữ trong thơ Thanh Thảo đậm chất hiện đại, thể hiện những nỗ lực tự đổi mới rất mạnh mẽ trong thơ của chính tác giả. Đó là ngôn ngữ thơ mang đậm màu sắc trí tuệ, ngôn ngữ thơ gợi nhiều hơn tả, để người đọc có thể cảm nhiều hơn là cắt nghĩa về chúng, ngôn ngữ đa âm, đa nghĩa khái quát nhiều ý nghĩa của đời sống đồng thời ngôn ngữ thơ ấy cũng góp phần nói lên tiếng nói của đời sống đang hừng hực tuôn trào vừa tự nhiên, mộc mạc mà tràn trề sức sống.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thơ Thanh Thảo nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 82 - 89)