1.2 Bối cảnh quốc tế, trong nước và nhu cầu phát triển kinh tế thị trường
1.2.1 Bối cảnh quốc tế
Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa, quan liêu, bao cấp, sang nền kinh tế thị trường trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước và khu vực có nhiều thay đổi, phức tạp, khó lường.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử - thời đại quá độ từ tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới; đưa chủ nghĩa xã hội từ lý thuyết trở thành hiện thực. Những thành công về kinh tế, khoa học kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, làm nức lòng nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, đồng thời trở thành một đối thủ đáng gờm của chủ nghĩa đế quốc.
Nhưng chính những thành tựu to lớn đạt được trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho các nhà lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ có những suy nghĩ và hành động đơn giản và dễ mắc sai lầm. Ở Liên Xô xuất hiện khuynh hướng tuyệt đối hóa những thành quả đạt được trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nguy hiểm hơn, hình thành trong xã hội Liên Xô quan niệm về thời đại, dựa trên những ảo tưởng có thể nhanh chóng thủ tiêu chủ nghĩa tư bản và thúc đẩy một cách chủ quan quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội. Họ đã vi phạm quy luật khách quan của sự phát triển xã hội và dẫn đến tình trạng khủng hoảng toàn diện đời sống kinh tế xã hội.
Nhìn thấy những sai lầm, Liên Xô tiến hành cải tổ. Nhưng do không có đường lối đúng đắn, công cuộc cải tổ chẳng những không đem lại kết quả, mà còn làm sụp đổ một mô hình của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sụp đổ, kéo theo sự tan rã của các nước Đông Âu, khiến phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa tạm thời lâm vào thoái trào. Đã có không ít người vốn nuôi hy vọng đi tới chủ nghĩa xã hội một cách êm ả,
phẳng lặng, cuối cùng lại nhanh chóng rơi vào tâm trạng bi quan, thất bại nên vội vàng phủ nhận nội dung và tính chất quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở thời đại ngày nay.
Liên Xô tan rã, các nước đều tìm hướng đi riêng cho dân tộc mình nhưng hầu hết không ai trong số họ lựa chọn định hướng xã hội chủ nghĩa nữa mà họ lựa chọn phát triển tư bản chủ nghĩa với sự giúp đỡ của các nước phương Tây. Tuy nhiên, sự phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa ngày càng gặp không ít khó khăn bởi việc can thiệp sâu rộng vào nội bộ của chủ nghĩa tư bản Tây Âu hoặc Mỹ. Tình trạng đa nguyên, đa đảng làm cho tình hình chính trị rối ren, không ổn định. Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) là các quốc gia thành viên cũ của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, có một số nước chịu sự bảo trợ của phương Tây, một số chịu sự bảo trợ của Nga, nhưng nội chiến cũng diễn ra liên miên, đời sống kinh tế - chính trị - xã hội không được cải thiện đáng kể và người chịu khổ cuối cùng vẫn là nhân dân. Với nước Nga, dường như họ đã tìm được hướng đi cho mình tuy nhiên cũng đang phải đối đầu với những khó khăn hiện tại.
Cũng như Liên Xô, ở Trung Quốc việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa gặp không ít khó khăn. Trong một thời gian dài vào những năm 60, 70 của thế kỷ XX, Trung Quốc đã rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.
Ở Trung Quốc, khi Đặng Tiểu Bình được đưa lên và nắm giữ trọng trách cao nhất đất nước, có câu nói nổi tiếng: “Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Quan điểm này mang đến cho Trung Quốc một sự khởi sắc mới. Đó cũng là lúc “Người khổng lồ vươn mình thức giấc sau giấc ngủ mấy ngàn năm”. Trung Quốc dần dần đã tìm được hướng đi riêng cho mình thông qua công cuộc đổi mới. Khẩu hiệu họ đưa ra vẫn kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, nhưng xây dựng chủ nghĩa
xây dựng một “xã hội hài hòa”. Những thành tựu của Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế - khoa học – kỹ thuật – công nghệ, làm cho các nước tư bản chủ nghĩa phải kính nể.
Sau khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, thế giới bước vào một giai đoạn phát triển mới. Tương quan sức mạnh của các nền kinh tế và cục diện phát triển toàn cầu thay đổi với sự xuất hiện những liên kết mới. Vị thế của châu Á trong nền kinh tế thế giới đang tăng lên; sự phát triển mạnh mẽ của một số nước khu vực trong điều kiện hội nhập Đông Á và việc thực hiện các hiệp định mậu dịch tự do ngày càng sâu rộng, mở ra thị trường rộng lớn nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt. Quá trình tái cấu trúc các nền kinh tế và điều chỉnh các thể chế tài chính toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, gắn với những bước tiến mới về khoa học, công nghệ và sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.
Toàn cầu hóa kinh tế được thúc đẩy bởi sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, hình thành nhanh chóng thị trường thế giới. Sự tiến bộ của các phương tiện giao thông và kỹ thuật thông tin làm cho thế giới dường như bị thu hẹp lại về không gian và thời gian, khoảng cách giữa các quốc gia được rút ngắn. Những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ (đặc biệt là công nghệ thông tin) dẫn đến một nền kinh tế mới ra đời – nền kinh tế tri thức – nền kinh tế này đang là lực lượng sản xuất quan trọng đối với các quốc gia phát triển. Những thành tựu này đã tác động làm thay đổi cơ cấu kinh tế thế giới, nó không những tạo ra bước phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất mà còn tác động đến quan hệ sản xuất, đến tư duy (tư duy kinh tế, tư duy chính trị, tư duy triết học).
Đối với các nước phát triển, toàn cầu hóa kinh tế tạo ra những điều kiện để các nước tận dụng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống của nhân dân.
Đối với các nước đang phát triển, toàn cầu hóa giúp rút ngắn thời gian phát triển nhờ áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tiên tiến, thông qua chuyển giao công nghệ và hợp tác. Với sự bùng nổ của nền kinh tế tri thức, các nước đang phát triển cũng sở hữu một nguồn nhân lực to lớn, đây sẽ là thế mạnh cho sự phát triển kinh tế. Song toàn cầu hóa cũng đẩy các nước đang phát triển phải chấp nhận một sự cạnh tranh quốc tế gay gắt và khốc liệt. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, theo luật chơi mới do các nước tư bản phát triển sắp đặt, các nước đang phát triển và chậm phát triển thường ở vào thế bất lợi.
Xu thế toàn cầu hóa đang đặt các nước phát triển và chậm phát triển trước những vấn đề lớn như bùng nổ dân số, cạn kiệt tài nguyên môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiến tranh, xung đột sắc tộc – tôn giáo, … và tình trạng phát triển kinh tế “quá nóng” dễ rơi vào khủng hoảng. Điều đó buộc các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, phải lựa chọn cho mình một hướng đi đúng đắn, bắt kịp, đón đầu được bước tiến của thời đại. Thách thức cũng là cơ hội để cho các nước đang phát triển thể hiện mình và khai thác được tiềm năng của chính mình vì mục tiêu phát triển của đất nước, vấn đề là ở chỗ phải nắm bắt được thời cơ và chọn thời cơ.