Nguyễn Xuân Khánh
Là một loại tổ hợp từ cố định quen dùng dễ nhớ, dễ thuộc, đặc biệt với ý nghĩa có tính văn hóa, giáo dục cộng đồng cũng như tính khái quát rất cao, thành ngữ, tục ngữ dân gian đã được Nguyễn Xuân Khánh đưa vào trong tác phẩm. Khảo sát trong Mẫu thượng ngàn chúng ta có thể nhận thấy, thành ngữ, tục ngữ dân gian được dẫn theo hai dạng chính. Dạng thứ nhất là thành ngữ, tục ngữ được dẫn nguyên văn làm cho câu văn giàu hình ảnh, thêm sâu sắc đồng thời vẫn giữ được nét mộc mạc, giản dị, gần gũi như nó vốn có. Dạng thứ hai là thành ngữ, tục ngữ được dẫn không nguyên văn. Ở đó, tác giả chỉ dùng một vài từ hay một vài hình ảnh trong các câu thành ngữ, tục ngữ quen thuộc từ đó kích thích tư duy, gợi trường
liên tưởng trong độc giả, tạo cho câu văn có được chiều sâu về mặt ý nghĩa.
Thành ngữ, tục ngữ có khi được đặt vào miệng những con người dân quê như một lẽ hết sức tự nhiên, một thứ ngôn ngữ đã thấm sâu vào trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của họ tự bao đời, cũng có khi, thành ngữ, tục ngữ lại được phát ra từ những kẻ ngoại bang xâm lược như một sự thấm nhuần vốn sống, vốn văn hoá Việt. Ngoài ra, trong cuốn tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn còn có rất nhiều các hình thức ngôn ngữ dân gian khác: bài vè, câu hát đối đáp…Tất cả đã tạo nên một không khí nguyên sơ, huyền thoại, một không khí dân dã của làng quê Việt Nam với sức sống, sức ám ảnh của những tín ngưỡng dân gian bản địa.
KẾT LUẬN
Qua ba chương luận văn, bằng nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau để nhận diện và tìm hiểu những dấu ấn của phong cách tự sự dân gian trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua khảo sát hai tác giả tiêu biểu Nguyễn Xuân Khánh và Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi có thể đi đến một số kết luận như sau:
1. Dấu vết của văn học dân gian trong sáng tác Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp trước hết được thể hiện qua việc xây dựng cốt truyện: truyện giả cổ tích, giả huyền thoại; truyện cũ viết lại và truyện lồng truyện. Trong đó, truyện giả cổ tích, giả huyền thoại được viết theo phong cách của huyền thoại, truyền thuyết hoặc cổ tích xa xưa nhưng ẩn đằng sau đó là những tự sự về xã hội hiện đại. Dựa trên truyện dân gian truyền thống, truyện cũ viết lại cũng tập trung phản ánh những vấn đề mang tính thời sự của cuộc sống đương thời theo cách đối thoại hoặc đối lập với truyền thống.Truyện lồng truyện, một con đường xâm nhập khác của văn học dân gian trong sáng tác hiện đại, ở đó truyện dân gian được trích dẫn một phần hay nguyên vẹn trong lòng các tự sự hiện đại tuỳ theo dụng ý của tác giả. 2. Phong cách tự sự dân gian trong sáng tác Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp được thể hiện rõ nét trong việc xây dựng không gian và thời gian nghệ thuật. Bối cảnh câu chuyện diễn ra thường là nông thôn, nơi dấu vết của huyền thoại được lưu giữ đậm đặc nhất, nơi văn hoá dân gian, những hoạt động tín ngưỡng lễ hội được bảo lưu với màu sắc sơ khai nhất. Trong không gian huyền thoại ấy, quá khứ, hiện tại và tương lai được kết nối lại với nhau ở đó quá khứ đổ bóng lên hiện tại, thời gian bị ngưng tụ trong một lát cắt để chuẩn bị cho cuộc “giải phẫu quá khứ”, diễn giải quá khứ.
3. Nằm trong mạch ngầm của dòng chảy dân gian, hệ thống nhân vật: nhân vật huyền thoại, nhân vật nữ và nhân vật cộng đồng trong sáng tác Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp cũng có những điểm rất gần với truyền thống. Chất kì ảo, hoang đường trong kiểu nhân vật huyền thoại có điểm tương ứng với nhân vật trong truyện cổ. Thậm chí, nhân vật trong truyện cổ đã được tác giả hiện đại xây dựng lại trên một quan điểm thẩm mĩ hoàn toàn khác với truyền thống.
4. Bên cạnh những yếu tố thuộc về mặt nội dung, trong sáng tác Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp, phong cách tự sự dân gian còn được bộc lộ thông qua những yếu tố thuộc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm như biểu tượng, môtip và ngôn ngữ dân gian.
Nối mạch trở về huyền thoại, những cổ mẫu dân gian: đất, cây đa, trăng, nước, đã được Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng một cách tinh tế, đặc sắc trong tác phẩm. Mang trong mình sức hút của nguyên khí ngàn xưa, những biểu tượng dân gian giờ đây được sống dậy với tầng tầng lớp lớp những ý nghĩa. Bên cạnh đó việc sử dụng ngôn ngữ dân gian như ca dao, hò, vè, đồng dao, vốn từ dân gian… một cách chắt lọc và tinh tế cũng góp phần đắc lực trong việc truyền tải thông điệp nghệ thuật của tác giả.
Văn học dân gian và văn học viết luôn có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Tìm hiểu những dấu ấn của văn học dân gian trong văn học đương đại là một hướng nghiên cứu hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thành tựu mới.