8. Kết cấu của luận văn
1.2. Cuộc đời và sự nghiệp của I.Kant
Kant “được những người say mê triết học đánh giá là khuôn mặt kiệt xuất nhất nổi lên trong địa hạt này kể từ sau những triết gia Hy Lạp cổ đại”[4,164], là người sáng lập ra nền triết học cổ điển Đức. J.Hirschberger nhận xét “Kant được xem là triết gia Đức lớn nhất, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời cận đại, là triết gia của nền văn hóa tân thời và của nhiều lãnh vực khác nữa. Dù người ta có đánh giá Kant gì đi nữa, điều không thể chối cãi
là ít nhất Kant đã nâng triết học Đức tiến lên một giai đoạn mới. Danh tiếng của ông đẩy lùi tất cả những gì đi trước ông vào bóng tối và tỏa sáng lên những gì đi sau” [17, XXVIII].
I. Kant (Immanuel Kant) sinh ngày 22.4.1724 trong một gia đình thợ thủ công không mấy giàu có, gốc Scotland tại Konigsberg - một thành phố nhỏ thuộc vùng đông bắc nước Phổ, nay là Kaleningnad nước Đức. Thời thơ ấu, Kant chịu ảnh hưởng sâu đậm tình cảm của người mẹ - một thánh giáo Đức có tấm lòng nhân ái, yêu lao động và sự thật. Bà có một đức tin mãnh liệt và lối sống ngăn năp, nề nếp, điều này đã tạo nên ấn tượng trong suốt cuộc đời Kant. Thoạt đầu, bố mẹ Kant muốn ông trở thành mục sư nên đã gửi Kant vào trường trung học Latinh. Ở đó, người ta dạy các ngôn ngữ cổ. Kant nghiên cứu và biết tiếng Latinh rất tốt, ông say mê các nhà văn La Mã và có ý định trở thành một nhà ngôn ngữ học.
Nhưng như một định mệnh, lòng say mê khoa học và triết học đã trỗi dậy ở Kant làm ông quyết định chuyển hướng các môn học. Năng lực khoa học của Kant được bộc lộ khá sớm và mọi người trong gia đình ông đều nhận thấy, đều tạo điều kiện để ông có học vấn nghiêm túc. Sau khi tốt nghiệp trung học, vào mùa thu năm 1740, (lúc 16 tuổi) từ dự định học văn học cổ điển, Kant đã chuyển sang học triết học, tại trường Đại học tổng hợp Konisgberg dưới ảnh hưởng của một giáo sư danh tiếng là Martin Knutzen. Ngay từ những năm trong trường ông đã rất quan tâm và tỏ ra có năng khiếu về các môn toán học, vật lý học, cơ học và vũ trụ học…Tại đây, Kant có dịp làm quen với cơ học, thiên văn học, toán học của các nhà khoa học nổi tiếng đương thời như Niutơn, Đềcáctơ, Leibniz, Wolff và tư tưởng chính trị của các nhà khai sáng Pháp. Ông nghiên cứu kỹ các hệ thống triết học của tiền nhân. Ông đặc biệt quan tâm tới các nhà triết học Anh như Lốccơ và Hium. Ông tìm hiểu hệ thống triết học Lépnit và nghiên cứu kỹ các tác phẩm của Vônphơ.
Những tư tưởng của các triết gia này có ảnh hưởng sâu sắc trong hệ thống triết học của ông sau này.
Năm 1746, Kant tốt nghiệp đại học vào loại xuất sắc với luận văn: “Những suy nghĩ về sự đánh giá đúng đắn của lực sống”, trong đó ông đã trình bày nguyên tắc sống của mình: “Đối với chúng ta điều đáng quý nhất không phải là đi theo những lối mòn đã có, mà phải biết đi theo con đường mà loài người cần đi” [xem 48, 24]. Suốt đời Kant sống theo nguyên tắc đó và ông đã khá thành công trong sự nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học, Kant phải làm gia sư cho các gia đình quý tộc ở ngoại ô 10 năm. Đây là khoảng thời gian quý giá để ông tích lũy kiến thức cho sự nghiệp khoa học sau này.
Năm 1755, sau 10 năm chuẩn bị, Kant bảo vệ thành công ba luận án tiến sĩ. Một trong số đó là đề tài đề cập tới lửa, nhưng tác phẩm này không để lại dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp của ông. Với đề tài “Cách nhìn mới vê các nguyên tắc của tri thức siêu hình” (tháng 9 năm 1755), ông đã bước vào nghiên cứu siêu hình học triết học mang tính kiểm nghiệm đối với ông và luận văn thứ ba về “Đơn tử luận vật lý”. Sau đó, ông nhận được danh hiệu Phó giáo sư của Trường đại học tổng hợp Konisgberg. Và nhờ những tác phẩm độc đáo của mình, ông đã có một vị trí đặc biệt trong triết học, trong đổi mới tư duy triết học. Vừa bảo đảm thời gian lên lớp, ông vừa làm thủ thư cho Thư viện Hoàng gia Konisgberg trong vòng 15 năm với số lương ít ỏi là 52 thaler một năm. Mãi tới năm 1770, khi đã 46 tuổi, Kant mới được bổ nhiệm làm giáo sư logic và siêu hình học của Trường Đại học Tổng hợp Konisgberg. Ở đây, với bầu nhiệt huyết và sự cần mẫn, ông đã giảng dạy nhiều môn khoa học khác nhau. Ông là một giảng viên rất được yêu thích và mến mộ. Và cũng trong thời gian này, ông hoàn thành nhiều tác phẩm triết học cơ bản trong sự nghiệp nghiên cứu của mình. Ông đã để lại cho nhân loại một hệ thống triết học độc đáo và sâu sắc nhất. Chính vì thế, ông đã được giới triết học thừa
nhận. Đầu tiên là triết học gắn với khoa học tự nhiên, rồi sau đó triết học của ông ngày càng quan tâm tới những vấn đề con người. Kant biểu thị thái độ kinh ngạc của ông trước bầu trời đầy sao và quyền lực của quy tắc đạo đức đối với con người - và đó là bí ẩn ông muốn giải đáp trong hệ thống triết học của mình, được bắt đầu từ tác phẩm “Phê phán lý tính thuần túy”.
Năm 1797, Kant về nghỉ hưu để có nhiều thời gian dành cho việc hoàn thành các dự định khoa học của mình. Ông được tặng thưởng rất nhiều danh hiệu, nhưng ông từ chối tất cả những lời tiến cử từ bên ngoài. Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 12 tháng 2 năm 1804 với một nụ cười trên môi và một lời nhận xét: “Thế là tốt rồi”. Ông mất ở tuổi 80, trong khi đang viết một tác phẩm khác nằm trong số những công trình lớn của mình. Nghe tin ông mất thì mọi người thuộc các tầng lớp khác nhau đã vội vã đến căn nhà riêng của ông để được nhìn thấy con người vĩ đại đó lần cuối. Cả thành phố, trường Đại học tổng hợp và nhân dân đã tổ chức lễ an tang cho ông như một ông hoàng mà thành phố Konisgberg yên tĩnh cho tới lúc bấy giờ chưa từng được chứng kiến. Có thể nói, vào lúc Kant mất, ông “là nhà triết học nổi tiếng nhất tại Đức, và được cả châu Âu đọc sách của ông, dù không hiểu” [9, 468]. Bùi Văn Nam Sơn trong “Chú giải dẫn nhập” cho Lời tựa cho lần xuất bản thứ nhất (1781) đã nhận xét: “Suốt cho đến cuối đời, Kant là một huyền thoại sống, chiếm lĩnh mọi giảng đường đại học Châu Âu và ảnh hưởng của ông kéo dài sâu đậm mãi đến ngày nay…đọc Kant là một sự vất vả cần thiết, hiểu biết ít nhiều về Kant là hành trang bắt buộc phải mang theo trong mọi nẻo đường suy tưởng” [17,17-18].
Trong sự nghiệp khoa học, Kant là người gặt hái được nhiều thành công: năm 1786, ông được bầu làm Viện sĩ hàn lâm khoa học Hoàng gia Phổ tại Berlin; năm 1794, ông trở thành viện sĩ danh dự Viện hàn lâm khoa học
Saint Peterburg; năm 1798, cả Viện hàn lâm khoa học Itallia và Viện Hàn lâm khoa học Paris đều bầu ông làm viện sĩ của viện mình.
Trong khi các tác phẩm của Kant là một cuộc cách mạng về thế giới triết học, thì đời sống cá nhân của ông khá êm đềm, thậm chí có phần nhàm chán và hầu như không thay đổi. Trong đời sống thường ngày, Kant là một con người bình dị có phần lập dị của một học giả, trầm lặng có một lối sống ngăn nắp, điều độ. Trọn cuộc đời, ông chưa một lần đi ra khỏi thị trấn Konisgberg - quê hương ông. Sự cầu kỳ và chính xác trong việc sắp xếp thời gian biểu của Kant làm cho mọi người phải kinh ngạc. Cả cuộc đời, ông chỉ có hai lần làm sai thời khoa biểu đó là khi đọc Rutxo và khi nghe tin cách mạng tư sản Pháp. Ông không lấy vợ, và cuộc sống bề ngoài của ông rất đơn điệu, không có biến cố gì đáng nói - người dân Konisgberg có thể chỉnh đồng hồ khi thấy ông xuất hiện bên ngoài cửa sổ nhà họ trong những cuộc đi dạo mỗi ngày của ông. “Nhưng như chúng ta thấy ông không phải là một gã đần độn như hình ảnh này gợn lên. Ông rạng rỡ và sang trọng khi đứng trước mọi người và trò chuyện dí dỏm; ông thích bầu bạn và không bao giờ ăn cơm một mình. Những bài giảng thông tuệ của ông đã trở thành huyền thoại. Mặc dù không ra khỏi thành phố quê hương nhưng ông vẫn nổi tiếng khắp thế giới lúc sinh thời” [4, 164]. Arsenij – người viết tiểu sử Kant hay nhất trong thời gian qua đã nhấn mạnh sự tương phản lạ lùng giữa cuộc đời và sự nghiệp của Kant:“Cuộc sống của ông đơn điệu bao nhiêu thì tư tưởng của ông lại đa dạng và đa diện bấy nhiêu; cuộc sống giản dị, khiêm tốn nhưng tham vọng học thuật lại rất to tát: muốn lý giải bí nhiệm của con người bằng một quy luật phổ quát chi phối mọi tư duy và hành động của bản thân con người; cuộc sống bình lặng, thiếu vắng mọi biến cố riêng tư hay tình ái lại gây những chấn động chưa từng có trong đời sống tinh thần của Tây phương kể từ thời khai nguyên
triết học Hi Lạp” [17, 18]. Điều đó đủ để khẳng định giá trị sâu sắc và sức ảnh hưởng lớn lao của triết học I. Kant.
Triết học của Kant chia làm hai thời kỳ:
Thời kỳ tiền phê phán (1745 - 1769), Kant chủ yếu nghiên cứu các vấn đề toán học, cơ học, thiên văn học. Trong các tác phẩm điển hình như: “Lịch sử tự nhiên đại cương và lý thuyết về bầu trời” (1755); “Thuyết đơn tử vật lý” (1756); “Luận cứ khả năng duy nhất chứng minh sự tồn tại của chúa Trời” (1763); “Những cơn mê của thầy bùa, lý giải bằng các cơn mê của siêu hình học”(1766); “Về cơ sở ban đầu của sự phân chiều trong không gian” (1768)… Kant đã thể hiện quan điểm duy vật vê thế giới với luận điểm nổi tiếng: “Hãy cho tôi vật chất, tôi sẽ xây dựng thế giới từ nó, nghĩa là hãy cho tôi vật chất tôi sẽ chỉ cho bạn thấy thế giới vật chất có được như thế nào”[11,26]. Bên cạnh những quan niệm duy vật thời kỳ này tư tưởng của ông xuất hiện sự bế tắc trong việc tìm kiếm và giải quyết các vấn đề triết học. Lối thoát cho sự bế tắc này được nhà triết học giải quyết trong thời kỳ phê phán.
Thời kỳ phê phán (1770 - 1804), với phương châm “thời đại chúng ta là thời đại phê phán đích thực mà mọi thứ đều phải phục tùng” [11, 26], Kant đề ra nhiệm vụ cho triết học của mình là phê phán hệ thống siêu hình học cũ, đặt ngược lại một số vấn đề mà môn khoa học này tưởng như đã giải quyết xong. Kant tập trung toàn bộc sức lực và thời gian để thực hiện nhiệm vụ mà cả cuộc đời ông đặt ra cho mình là xây dựng một hệ thống triết học mới. “Luận văn về hình thức và các nguyên tắc của thế giới cảm tính và thế giới ly tính” (1770); “Về các chủng tộc người khác nhau” (1775); “Phê phán lý tính thuần túy” (1781), phụ lục của nó là “Tiểu luận về siêu hình học tương lai” (1783); “Ý tưởng về một lịch sử phổ quát dưới góc độ công dân thế giới” (1784); “Đặt cơ sở cho siêu hình học ngoại ngữ” (1785); “Phê phán lý tính thực tiễn” (1788); “Phê phán năng lực phán đoán” (1790); “Tôn giáo chỉ trong giới hạn
của các lý tính thuần túy”; (1793) “Hướng tới một nền hòa bình vĩnh cửu. Một phác thảo triết học” (1795); “Siêu hình học đạo đức gồm hai phần” (1797); “Cuộc tranh cãi giữa các khoa” (1798)…Những tác phẩm đó đã thể hiện tập trung tư tưởng triết học của Kant. Trong hệ thống triết học phê phán ấy, có thể khẳng định, phép biện chứng siêu nghiệm của I.Kant là một thành tựu vô cùng quan trọng.