Nghĩa đối với công cuộc đổi mới hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng phan bội châu về đảng chính trị và mô hình nhà nước (Trang 84 - 99)

2.4. Ý nghĩa của tư tưởng Phan Bội Châu về đảng chính trị và mô hình

2.4.2. nghĩa đối với công cuộc đổi mới hiện nay

- Tư tưởng về đảng chính trị và mô hình nhà nước của Phan Bội Châu góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ nền độc lập của Việt Nam hiện nay.

Độc lập dân tộc là vấn đề cốt lõi của một quốc gia, nếu không có độc lập thì quốc gia đó sẽ không có tự do, đây là điều mà Phan Bội Châu đã nhận ra từ rất sớm. Vì thế, ngay từ ngày đầu khi thành lập các chính đảng, Phan đã đề ra mục tiêu tiên quyết của sự nghiệp đấu tranh cách mạng chính là độc lập dân tộc. Tuy nhiên, để bảo vệ nền độc lập của đất nước như Phan Bội Châu đã chỉ ra, trước hết phải có nguồn lực mạnh, tức tiềm lực kinh tế; phải có tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam; phải biết tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ của nước ngoài, đặc biệt là những nước mạnh để vừa bổ sung, tăng cường thực lực của mình, vừa tiếp thu, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến. Trong đó, Phan Bội Châu khẳng định, nguồn lực trong nước - nội lực là cái giữ vai trò quyết định; còn ngoại viện, một trong những yếu tố của nguồn lực nước ngoài - ngoại lực chỉ làm thanh thế cho nội lực mà thôi; lực lượng bên ngoài phải thông qua lực lượng bên trong mới phát huy được tác dụng của nó [34].

Trong bối cảnh đất nước hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta đã xác định nhiệm vụ phát triển đất nước là phấn đấu xây dựng xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho sự thành công mục tiêu đã xác định. Hơn ai hết, nhân dân ta thấu hiểu giá trị thiêng liêng của độc lập dân tộc. Có độc lập mới có điều kiện để dựng xây đất nước, mới có vị thế để cùng cộng đồng quốc tế chung sức đấu tranh cho sự tiến bộ xã hội. Có thể nói rằng, giá trị của độc lập dân tộc không chỉ là giá trị quý báu của dân tộc Việt Nam mà còn là

giá trị phổ biến trong đời sống của nhân loại. Độc lập dân tộc là điều kiện quan trọng để dân tộc phát triển, nhưng không phải là điều kiện duy nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: nếu nước đã được độc lập mà dân cứ chết đói, chết rét, không được tự do, thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì. Hiện nay ở nước ta, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai mặt không thể tách rời của con đường phát triển đất nước. Có độc lập dân tộc, nhân dân ta mới có thể xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa và ngược lại, có chủ nghĩa xã hội thì nền độc lập của dân tộc mãi mãi vững bền. Đó là mối quan hệ bền chặt và cũng là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tư tưởng về đảng chính trị và mô hình nhà nước mà cốt lõi là tư tưởng độc lập dân tộc của Phan Bội Châu là ngọn cờ cho nhân dân ta hướng theo trong quá trình cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh quan hệ chính trị quốc tế, quan hệ láng giềng đang diễn biến hết sức phức tạp thì việc nghiên cứu tư tưởng độc lập dân tộc của Phan Bội Châu hết sức có ý nghĩa, nó là động lực thúc đẩy các thế hệ người Việt Nam sẵn sàng “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước”. Mặt khác, hiện nay độc lập dân tộc không chỉ dừng lại ở vấn đề chủ quyền quốc gia mà nó còn gắn với các yếu tố khác như toàn cầu hóa về kinh tế, toàn cầu hóa về văn hóa. Cho dù bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh nhưng độc lập dân tộc vẫn là động lực để đoàn kết người dân Việt Nam trong bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước.

- Tư tưởng về đảng chính trị và mô hình nhà nước của Phan Bội Châu với việc thực hành dân chủ ở Việt Nam hiện nay.

Mặc dù sống trong xã hội phong kiến nhưng Phan Bội Châu hết sức quan tâm đến vấn đề dân chủ. Đảm bảo quyền làm chủ của dân là vấn đề quan trọng, nó liên quan đến vận mệnh của đất nước, đây là điểm tiến bộ mà trong bối cảnh xã hội phong kiến lúc bấy giờ không phải ai cũng nhận ra.

Trong tiến trình cách mạng cũng như trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta đã dành sự quan tâm đến việc đảm bảo dân chủ thông qua mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tiến hành cải cách nền hành chính nhà nước, xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu quả, từng bước hiện đại hóa; dân chủ hóa đời sống xã hội, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân. Đảng đã đưa "dân chủ" thành một nội dung trong mục tiêu tổng quát mà Đảng phải lãnh đạo đất nước hướng tới: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mặt khác, trong đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước luôn khẳng định rõ chủ quyền của nhân dân đối với Nhà nước, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, là người quyết định hình thức và phương thức tổ chức nhà nước, toàn bộ hoạt động của Nhà nước bằng cách ủy quyền của mình cho một số người thay mặt mình để thực thi quyền lực nhà nước.

Dân chủ là nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp, pháp luật, tuy nhiên trong thực tế hiện nay tình hình vi phạm dân chủ ở Việt Nam vẫn còn diễn ra. Đó là tình trạng cán bộ, công chức nhà nước vi phạm pháp luật, xâm phạm đến các quyền căn bản của người dân như tự do đi lại, lập hội, biểu tình, khiếu nại, tố cáo, quyết định các vấn đề lớn về chính sách... Tình trạng vi phạm dân chủ là nguyên nhân của tham nhũng, lãng phí, tạo ra nhiều bức xúc trong xã hội, và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất ổn định, dễ nảy sinh các điểm nóng chính trị xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, để mở rộng dân chủ, Đảng và Nhà nước cần phải có cơ chế tổ chức và thu hút người dân tham gia công việc của nhà nước; xây dựng cơ chế kiểm soát hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước; đảm bảo các quyền tự do của người dân như: tự do hội họp, lập hội, biểu tình, ngôn luận; tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ngừng đổi mới hệ thống chính trị theo hướng minh bạch.

- Tư tưởng về đảng chính trị và mô hình nhà nước của Phan Bội Châu với việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Con người muốn có tri thức phải thông qua con đường học tập và rèn luyện; giáo dục là biện pháp hữu hiệu nhất, là phương thuốc tốt nhất để nâng cao trình độ dân trí. Ngay từ rất sớm, Phan Bội Châu đã nhận thức được rằng: “Phàm người trong một nước mà giàu mạnh được có thể cùng thế giới tranh đua, giành sự sống còn phải lấy giáo dục làm cơ sở” [4, tr.525-526]. Dân trí phát đạt thì kinh tế mới được mở mang, dân trí lên cao thì dân quyền được tôn trọng. Đối với Phan Bội Châu, giáo dục là khuôn đúc con người, là sinh mệnh của dân, còn dân là sinh mệnh của nước; sự tồn vong và hưng thịnh của đất nước một phần phụ thuộc vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài [34].

Dân trí là nhân tố quan trọng có tác động không nhỏ đến sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Thấm nhuần tinh thần này, Phan Bội Châu đặc biệt chú trọng tới những phương hướng và biện pháp “mở mang dân trí”, bởi vì dân trí thấp kém thì mọi thay đổi đều không thể làm được. Năng lực sáng tạo của con người là vô tận và đó chính là trung tâm sức mạnh của con người. Do đó, giáo dục phải khử trừ tính ỷ lại, cách suy nghĩ theo lối tầm chương, trích cú cũng như cách học theo “đạo nghĩa suông”; giáo dục phải tạo cho con người có “não chất độc lập”, dám nghĩ, dám làm, tự tin ở chính mình. Phan Bội Châu viết: “Cái lo của người học giả không gì hơn là tự mình không có tai mắt, mà phải nhờ tai mắt người làm tai mắt mình, không có chân tay mà phải mượn chân tay người làm chân tay mình, không có tâm tư mà phải nhờ tâm tư người làm tâm tư mình. Các học phái của nước ta đã khỏi bệnh ấy chưa? Không có não chất độc lập nên mới như thế đấy” [3, tr.146].

Học thật, có kiến thức thật, thoát khỏi ra ảnh hưởng của thi cử theo lối tầm chương trích cú là yêu cầu hết sức quan trọng để nâng cao dân trí. Mặt khác việc học cần phải chú ý đến các kiến thức thực tiễn để mở mang kiến thức của mình, làm lợi cho dân, cho nước là những yêu cầu mà Phan Bội Châu đặt ra trong việc nâng cao dân trí cũng như cải cách nền giáo dục Việt Nam dưới thời phong kiến.

Nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhận thức được vai trò của giáo dục trong việc nâng cao dân trí, ngay từ khi thành lập nước, Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến việc giáo dục, Người đã mở các lớp “bình dân học vụ”, kêu gọi, khuyến khích nhân dân cả nước, không kể là già, trẻ, gái hay trai cùng nhau đi học... Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư để phát triển giáo dục. Tuy nhiên, hiện trạng nền giáo dục Việt Nam bây giờ hết sức “bi đát”. Đó là tình trạng học giả bằng thật ở cấp đại học, sau đại học, chất lượng giáo dục đại học ngày càng đi xuống; quá tải ở cấp học phổ thông; chênh lệch về mức hưởng thụ các dịch vụ giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa so với các đô thị; chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất; áp lực thi cử, học thêm; tình trạng học thuộc lòng, sao chép, quay cóp, liên kết đào tạo kém chất lượng....

Đây là những vấn đề nhức nhối, tồn tại trong một thời gian dài làm giảm sút chất lượng của giáo dục. Nền giáo dục Việt Nam giờ đây đã đi đến thời điểm buộc phải rũ sạch mọi ảo tưởng thành tích để có thể đổi mới thực sự, đây là thời điểm nền giáo dục bắt buộc phải kết thúc giai đoạn cải tiến vụn vặt để bắt đầu một cuộc cải cách triệt để bằng nội lực. Quá trình cải cách giáo dục cần được bắt đầu từ việc khôi phục lại tinh thần tự học, tự khám phá, mạnh dạn tiếp thu những cái mới, cái văn minh của thế giới mà như Phan Bội Châu đã từng làm cách đây hơn 100 năm.

- Tư tưởng về đảng chính trị và mô hình nhà nước của Phan Bội Châu với việc hội nhập quốc tế, tiếp thu khoa học, kỹ thuật, các giá trị tư tưởng của thế giới hiện nay

Ngày nay khoa học kỹ thuật đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nó quyết định lớn đến sự phát triển hay tụt hậu của quốc gia, do đó việc tiếp thu khoa học kỹ thuật từ các nước tiên tiến là hết sức cần thiết. Các sĩ phu ngày trước, khi nói tới văn minh, họ chỉ nhìn thấy nền văn minh công nghiệp Tây Âu, còn ngày nay, đối với chúng ta, khái niệm văn minh mang những nội hàm cao hơn nhiều. Thế giới hiện nay đang vượt qua văn minh công nghiệp để bước vào văn minh trí tuệ, hậu công nghiệp.

Ngay từ những năm đầu hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu đã chú trọng đến việc hướng ra bên ngoài để gia tăng nội lực quốc gia bằng con đường học tập, tiếp thu khoa học, kỹ nghệ và các giá trị chính trị tiến bộ của các nước. Lúc bấy giờ Nhật Bản là thể chế chính trị có hình thái kinh tế - xã hội mới cao hơn hình thái kinh tế - xã hội phong kiến, đây là mô hình xã hội tư bản chủ nghĩa ở phương Đông đang thu hút sự chú ý của mọi người bởi sự dồi dào về nguồn lực và sự phát triển nhanh chóng về nguồn lực.

Cũng như Việt Nam, Nhật Bản một đất nước có truyền thống Nho học, nhưng nhờ biết tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật, thương mại và các giá trị chính trị tiến bộ phương Tây mà trở thành quốc gia phát triển hùng mạnh. Nhận thấy được những bài học của Nhật Bản, Phan Bội Châu đã nhanh chóng lựa chọn các thanh nhiên ưu tú sang học tập, đây là một định hướng phù hợp trên con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Phan Bội Châu. Ngày nay, trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, là một nước lạc hậu, kém phát triển Việt Nam cần phải hướng ra nước ngoài, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước, sẵn sàng học tập kinh nghiệm phát triển của

các nước một cách cầu thị. Hiện nay, có thể nói rằng chúng ta đang rất cần một cuộc duy tân về khoa học công nghệ như cuộc duy tân về chính trị mà Phan Bội Châu đã làm trong những năm đầu của thế kỷ XX.

Trong quá trình duy tân, nhận thấy sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trong việc bảo vệ đất nước nửa cuối thế kỷ XIX và yêu cầu giải phóng dân tộc trong những năm đầu thế kỷ XX. Phan Bội Châu đã mạnh dạn từ bỏ hệ tư tưởng phong kiến, tìm kiếm hệ tư tưởng mới, cao hơn làm cơ sở cho đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc. Ông đã phê phán khá triệt để những tư tưởng cũ, đã phân tích thực trạng đáng buồn của nước ta trong hoàn cảnh vừa lạc hậu vừa nô lệ. Không chỉ dừng lại ở sự phê phán mà Phan Bội Châu còn vạch ra những hướng đi, những biện pháp mới. Phan Bội Châu đã sáng suốt tiếp nhận một cách nồng nhiệt những tư tưởng duy tân từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc và Nhật Bản, qua các sách báo được gọi là Tân thư. Sự tiếp nhận và truyền bá những giá trị tư tưởng chính trị hiện đại của Phan Bội Châu đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng về đường lối cứu nước, mặc dù thất bại nhưng nó cũng tạo ra một giai đoạn đấu tranh hết sức sôi động và đa dạng của phong trào yêu nước - một trong những nhân tố quan trọng dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.

Ngày nay, học tập tinh thần duy tân và thái độ cầu thị của Phan Bội Châu, chúng ta không những tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật mà hiện nay chúng ta còn phải tiếp cận và nghiên cứu các giá trị tư tưởng của nhân loại để vận dụng vào công cuộc cải cách hệ thống chính trị ở Việt Nam. Ở Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng cho sự hình thành và hoạt động của hệ thống chính trị và định hướng phát triển của đất nước. Việc kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là cần thiết và là một nguyên tắc bất di, bất dịch của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong bối

cảnh hiện nay, việc tiếp cận các giá trị dân chủ, các yếu tố chính trị mang tính kỹ thuật như: bầu cử, kiểm soát quyền lực, kinh tế thị trường… từ các nước văn minh là hết sức cần thiết. Mặc dù có thể vận dụng được hay không thì còn phụ thuộc vào yếu tố nhận thức, văn hóa chính trị, sự chấp nhận của xã hội… Nhưng đây là những giá trị tinh hoa của nhân loại mà chúng ta cần phải mạnh dạn tiếp cận để xây dựng một xã hội dân chủ, một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hoạt động hiệu quả, hiệu lực đảm bảo nguyên tắc nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng phan bội châu về đảng chính trị và mô hình nhà nước (Trang 84 - 99)