1.3.1. Nhóm yếu tố quốc tế
1.3.1.1. Chính sách của các nước xuất nhập khẩu nông sản chủ yếu trên thế giới
Các nước xuất nhập khẩu nông sản chính trên thế giới là những nước có khả năng chi phối giá cả, cung – cầu thị trường nông sản thế giới. Những nước này có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với quốc gia trên lĩnh vực thương mại hàng nông sản, đặc biệt là những quốc gia có điều kiện tương đồng với hàng hóa xuất khẩu của quốc gia. Chính sách của các quốc gia này có tác động đến chính sách thương mại quốc gia. Do vậy, chính sách xuất khẩu nông sản phải bao gồm cả những biện pháp đối phó, cạnh tranh, hợp tác, tranh thủ, học hỏi và rút kinh nghiệm từ những bài học về chính sách xuất khẩu nông sản của các quốc gia này.
1.3.1.2. Yêu cầu về chính sách thương mại đối với hàng nông sản của các tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế mà quốc gia thamg gia
Tham gia các tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế, quốc gia phải tuân thủ các quy định chung và những cam kết cụ thể về thương mại hàng nông sản trong các tổ chức này. Các yêu cầu thường liên quan đến các vấn đề chính gồm: tiếp cận thị trường, trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ sản xuất trong nước, các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn.
Với những quy định đối với hàng nông sản trong các Hiệp định thương mại tự do mà quốc gia tham gia đòi hỏi quốc gia phải xây dựng một chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản phù hơp, bảo đảm thực hiện những cam kết đó đúng hạn, đúng tiến độ. Đồng thời đảm bảo thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản, bảo hộ hợp lý, có hiệu quả những nông sản có triển vọng phát triển.
Như vậy, những quy định của các tổ chức kinh tế khu vực về thương mại hàng nông sản đặt cơ sở cho việc xác định chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản của quốc gia.
1.3.1.3. Đặc điểm thị trường nông sản thế giới
Để có chính sách thúc đẩy XKNS phù hợp, quốc gia cần phải căn cứ vào đặc điểm thị trường nông sản thế giới khi hoạch định chính sách XKNS của mình. Các yếu tố của thị trường nông sản thế giới mà có ảnh hưởng đến chính sách thúc đẩy XKNS của quốc gia gồm: (1) tình hình sản xuất, tiêu thụ và xuất nhập khẩu nông sản trên thế giới; (2) xu hướng tăng lên về tỷ trọng hàng nông sản xuất khẩu chế biến trong tổng kim ngạch thương mại nông sản thế giới; (3) mức độ hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp trong nước và bảo hộ thị trường nông sản của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia nhập khẩu nông sản của quốc gia khác.
Những đặc điểm của thị trường nông sản thế giới cần được nghiên cứu, khảo sát và sử dụng làm căn cứ cho chính sách thúc đẩy XKNS của quốc gia. Ngoài ra, tình hình thị trường nông sản thế giới, tình hình kinh tế của các nước cũng là căn cứ để xây dựng chính sách thúc đẩy XKNS của quốc gia.
1.3.2. Nhóm yếu tố trong nước
1.3.2.1. Chiến lược phát triển kinh tế quốc gia
Chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản là một bộ phận hữu cơ của tổng thể các chính sách kinh tế. Cũng như các chính sách kinh tế khác, chính sách XKNS phải nhằm thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Cho đến nay có ba kiểu chiến lược phát triển kinh tế quốc gia cơ bản là chiến lược thay thế nhập khẩu, chiến lược hướng về xuất khẩu và chiến lược kết hợp hướng về xuất khẩu và thay thế nhập khẩu. Trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế đã được xác
định, chiến lược phát triển nông nghiệp (trong đó có phát triển nông sản xuất khẩu) và các chính sách XKNS khác được xây dựng phục vụ cho chiến lược đó.
1.3.2.2. Đặc điểm về điều kiện tự nhiên – xã hội
Khi xây dựng và triển khai chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản cần cân nhắc kỹ lưỡng đến yếu tố điều kiện tự nhiên (địa hình, khí hậu) để có chính sách phát triển các loại sản phẩm xuất khẩu phù hợp và có các biện pháp khắc phục những mặt hạn chế của điều kiện tự nhiên để phát triển hạ tầng, điều kiện tổ chức cung ứng dịch vụ xuất khẩu.
1.3.3. Các yếu tố khác
1.3.3.1. Chu kỳ sinh trưởng của các loại cây, con giống
Tính thời vụ của sản xuất nông sản xuất khẩu cũng là một yếu tố có ảnh hưởng đến chính sách thúc đẩy XKNS của quốc gia. Khi hoạch định chính sách XKNS phải tính đến độ trễ của chính sách do tính chu kỳ sinh trưởng của nông sản quy định. Điều đó giúp được nước xuất khẩu nông sản tránh được bất lợi về giá, hoặc hưởng giá tối ưu do mất cân đối cung – cầu nông sản trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, đặc tính của nông sản là tươi sống, mau hỏng, khó bảo quản nên những quyết định chính sách đòi hỏi phải đảm bảo tính kịp thời, chính xác để hạn chế thấp nhất những tổn thất cho sản xuất nông sản xuất khẩu. Cũng chính đặc tính này đòi hỏi chính sách ban hành phải đảm bảo có sự phù hợp, tương thích giữa quy luật cung – cầu nông sản thế giới và chu kỳ sinh trưởng của nông sản nhằm đạt được lợi ích XKNS lớn nhất.
1.3.3.2. Xu hướng biến đổi của khí hậu, thời tiết
Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Khi nhiệt độ thay đổi, tính biến động và dị thường của thời tiết và khí hậu tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt. Sự bất thường của chu kỳ sinh khí hậu nông nghiệp không những dẫn tới sự tăng dịch bệnh, dịch hại, giảm sút năng suất mùa màng, mà còn có thể gây ra các rủi ro nghiêm trọng khác. Điều này có thể tác động tốt hoặc xấu đến tình hình cung nông sản cũng như chất lượng nông sản xuất khẩu
Thời tiết như các yếu tố nắng nóng, mưa, giông bão là những tác nhân quan trọng có ảnh hưởng lớn đến sản xuất và trồng trọt nông sản. Chẳng hạn như nắng nóng kéo dài hay mưa bão bất thường đều gây ra những thiệt hại đáng kể đến số lượng và chất lượng hàng nông sản, chính vì vậy làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU NÔNG SẢN CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG EU
GIAI ĐOẠN 2016 - 2020