Với phương pháp nghiên cứu liên ngành ngôn ngữ học - văn học, Luận án này đã nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn của các nhà văn nữ ở các phương diện người trần thuật, điểm nhìn, thời gian, trong đó tiêu điểm là phương thức kể chuyện của người trần thuật, cách chọn lựa và sử dụng từ nhân xưng - ngôi trong điểm nhìn, phương thức xếp đặt thời gian trong văn bản và có những kết luận sau:
1.1 Ngôn ngữ trần thuật là tất cả những phương thức cũng như hình thức tự sự
được lựa chọn và sử dụng để thể hiện những hành động kể của người trần thuật cũng như hoạt động của nhân vật và sự tình trong các văn bản tự sự. Ngôn ngữ trần thuật
được cụ thể hóa thông qua những hình thức ngôn ngữ nhất định. Cụ thể như sau:
1.1.1 Phương thức kể chuyện của người trần thuật không phải bất di bất dịch, người trần thuật có thể thay đổi vai trò và vị trí của mình trong truyện kể. Bên cạnh việc chuyển đổi kiểu người trần thuật, một trong những sách lược trần thuật khả dĩ là huyền ảo hóa người trần thuật và kể chuyện bằng lối kể huyền ảo bằng cách nhân cách hóa các hiện tượng hoặc các động, thực vật tự nhiên trong thế giới thực tại rồi để cho chúng đảm nhiệm vai trò của người trần thuật.
1.1.2 Cách chọn lựa và sử dụng nhân xưng – ngôi trong điểm nhìn. Điểm nhìn trần thuật được thay đổi và lượng thông tin của trần thuật được điều tiết chính vì nhân xưng - ngôi đã thay đổi. Hai sự thay đổi đó được tiến hành cùng một lúc và là sự thay đổi tất yếu trong trần thuật. Điểm nhìn thay đổi là một hiện tượng dễ nhận biết trong văn bản trần thuật và mang tính chất hiển ngôn.
1.1.3 Phương thức xếp đặt thời gian trong văn bản. Thời gian của sự kiện lịch sử và thời gian của văn bản trần thuật là yếu tố làm nên thời gian trần thuật của văn bản tự sự. Khi hai dòng thời gian đó song hành với nhau thì thời gian trần thuật trong văn bản được phát triển theo chiều hướng tuyến tính một chiều. Ngược lại, thì thời gian trần thuật trở nên phức tạp và phát triển đa chiều, mang tính chất “vô tuần tự”. Với những văn bản chủ yếu trần thuật về dòng tâm tư, ý thức của nhân vật, hoặc, muốn diễn đạt, nhấn mạnh sự kiện diễn ra đã thành quy luật, thì thời gian được thể hiện trong văn bản sẽ bị xóa nhòa và thời gian trần thuật mang tính chất “vô thời”.
1.2 Sự lựa chọn sách lược trần thuật (phương thức hoặc kĩ xảo trần thuật) thể hiện quyền thoại ngữ ở các nhà văn nữ có đặc điểm sau:
Người trần thuật ở ngôi thứ nhất thường là nữ với "giọng" trần thuật những câu chuyện thường ngày một cách nhẹ nhàng, bình tĩnh bằng sự trải nghiệm của chính bản thân mình, thể hiện phong thái ôn hòa, nhẹ nhàng như nước suối chảy giữa rừng sâu thì được sử dụng với tần số khoảng hơn 30% (38/109 truyện). Người trần thuật ở ngôi thứ ba với điểm nhìn toàn tri có ưu thế vừa trần thuật khách quan, toàn diện vừa đánh giá
bình luận trực tiếp về sự kiện, nhân vật lại vừa "đột nhập" vào nội tâm nhân vật, góp phần can tiệp tới mức tối đa lượng thông tin và tốc độ trần thuật nên được sử dụng với tần số cao hơn 60% (71/109 truyện), cao hơn người trần thuật ngôi thứ nhất. Sự chênh lệch này thể hiện sự né tránh có ý thức về khả năng người đọc có thể hiểu nhầm mà đồng nhất người trần thuật ngôi thứ nhất với tác giả.
1.3 Sáng tác của ba nhà văn nữ đã bộc lộ rõ đặc tính ngôn ngữ cũng như phong cách nghệ thuật của họ. Nguyễn Thị Thu Huệ hay sử dụng câu rút gọn để diễn đạt thái độ, tình cảm hoặc đánh giá nhân vật, sự kiện. Vì thế ngữ khí và giọng điệu trần thuật được tăng cường. Tính cách nhân vật phát triển tự nhiên như chính cuộc sống. Phan Thị Vàng Anh có giọng kể bình tĩnh, khách quan khiến người đọc khó cảm nhận được tình cảm chân thực của người trần thuật đối với truyện được kể. Vàng Anh giỏi miêu tả dòng tâm tư của nhân vật và hay dùng con số 1, 2, 3 thể hiện thứ tự trong văn bản. Võ Thị Hảo có lối kể kì ảo qua cách nhân hóa hoặc qua các giấc mộng để xây dựng một thế giới bên kia cho những nhân vật dị dạng, vật vã bên lề xã hội mà tâm hồn thánh thiện, đồng thời có lối châm biếm, mỉa mai, sắc sảo khi cần đả kích những điều bất cập trong xã hội.