giữa các tộc ngƣời ở Việt Nam
3.3.1. Biểu hiện về trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các tộc người
Trình độ phát triển tộc người là một đặc điểm quan trọng của vấn đề tộc người ở nước ta. Trong một quốc gia đa tộc người, việc tiếp cận để có nhận thức đúng và đầy đủ về thực trạng trình độ phát triển của từng tộc người, qua đó đánh giá được vai trò, tác dụng cũng như những hạn chế của bản thân đặc điểm đó là một tất yếu khách quan để hoạch định các chiến lược, chính sách phát triển mang tính toàn diện trong vấn đề tộc người.
Sự nghiệp đổi mới, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta vừa là điều kiện, tiền đề, vừa là mục đích vươn tới khắc phục tình trạng chênh lệch về trình độ phát triển giữa các tộc người ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, muốn đạt được những mục tiêu đó, cần phải xem xét đặc điểm tộc người này một cách nghiêm túc, xuất phát từ điều kiện cụ thể của từng tộc người, từng địa phương, từ đó mới đề ra được những giải pháp thiết thực phục vụ cho công cuộc đổi mới đất nước.
Các tộc người ở Việt Nam có quá trình hình thành lâu dài trong lịch sử dựng nước và giữ nước với nhiều biến động phức tạp, quá trình hợp lưu của nhiều dòng chảy văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế, xã hội,… Trước năm 1945, cộng đồng các tộc người nước ta chịu sự thống trị của chế độ thực dân, nửa phong kiến. Các thế lực thống trị đều quan tâm đến các tộc người dưới hình thức “chia để trị”, ngăn cản, kìm hãm sự hình thành một nền kinh tế độc lập, tự chủ bằng việc phát triển một nền kinh tế què quặt, vơ vét nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên và nhân công rẻ mạt, làm suy yếu khối đoàn kết tộc người, phục vụ âm mưu bóc lột, thôn tính và xâm lược. Cũng trong giai đoạn đó, các tộc người nước ta vốn ở tình trạng lạc hậu, chậm phát triển về kinh tế, lại càng bị kìm hãm bởi
chính sách thống trị của bọn phong kiến, thực dân. Do đó, các tộc người ở nước ta có trình độ phát triển không đồng đều. Hồ Chí Minh đã từng nhận xét: “ Hồi còn Tây, còn vua quan, đồng bào Kinh ăn hiếp đồng bào Thái, đồng bào Thái ăn hiếp đồng bào Puộc, đồng bào Xá, có phải thế không?...” [47, 443].
Sau năm 1975, đất nước được hòa bình, độc lập. Cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với xuất phát điểm từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, hậu quả chiến tranh để lại nặng nề. Trong bước đi ban đầu, chúng ta phải mất một thời gian dài để khắc phục những khó khăn đó, biến nền kinh tế lạc hậu, phụ thuộc trở thành một nền sản xuất lớn, hòa nhập vào thị trường chung của khu vực và thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, từ ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là từ khi sự nghiệp đổi mới theo tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, các vùng tộc người nước ta đã có những chuyển biến đáng kể. Quan hệ xã hội, quan hệ tộc người được xác lập trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng và quyền làm chủ của các tộc người cả trên pháp lý và ngày càng được cụ thể hóa trong đời sống thực tế. Các tộc người nước ta với những hoàn cảnh, đặc điểm riêng đều bộc lộ những thế mạnh và những hạn chế trước yêu cầu của nhịp độ phát triển chung của quốc gia. Đây thực chất là sự phản ánh các trình độ phát triển tộc người trong quá trình hòa nhập vào cộng đồng quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Trong quá trình giải quyết vấn đề quan hệ giữa các tộc người, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách và đầu tư trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng nhằm thúc đẩy sự phát triển vùng đồng bào tộc người thiểu số. Song, hiệu quả chưa được như mong muốn. Sự hưởng lợi của đồng bào các tộc người ít người từ các chính sách đó còn rất thấp so với nguồn nhân tài vật lực được đầu tư, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, quan tâm. Một trong những nguyên nhân cơ bản là chúng ta giải quyết chưa tốt vấn đề xuất phát điểm là nghiên cứu, đánh giá đúng, sâu sát thực trạng trình độ phát triển tộc người trước khi có các chính sách phát triển, đầu tư.
Ở nước ta, có thể nhận thấy, các tộc người có những thang bậc phát triển lịch sử khác nhau, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tình trạng
chênh lệch về trình độ phát triển giữa các tộc người còn rất lớn trên các lĩnh vực của đời sống:
- Về kinh tế, cho đến khi bước vào chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ở nước ta có những tộc người đã tiến tới trình độ nhất định của nền kinh tế sản xuất hàng hoá, vận động theo cơ chế thị trường, nhưng còn có những tộc người mới chỉ vượt qua trình độ của nền kinh tế hái lượm, bước đầu chuyển sang nền kinh tế sản xuất tự cấp, tự túc với công cụ thô sơ, kỹ thuật lạc hậu.
Tộc người Kinh cư trú chủ yếu ở vùng đồng bằng, thuận lợi về vị trí địa lý có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn.
Tộc người Hoa cư trú ở các đô thị và thành phố lớn, tập trung nhiều ở thành phố Hồ Chí Minh, sống chủ yếu bằng nghề buôn bán từ bao đời nay, kinh tế hàng hóa tương đối phát triển.
Các tộc người Chăm, Khơ Me cư trú ở đồng bằng, sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng nước, kinh tế hàng hóa đã bước đầu phát triển.
Các tộc người Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho, Mạ,… ở Tây Nguyên hay một bộ phận người Tày, Nùng ở Đông Bắc, cư trú quanh các thị trấn, thị xã, ven đường giao thông. Hoạt động kinh tế của họ đang chuyển dần từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa.
Các tộc người Tày, Nùng, Thái, Mường,…cư trú ở vùng núi thấp, sống chủ yếu bằng ruộng nước, kết hợp với nương rẫy, cuộc sống đã định canh, định cư nhưng chủ yếu vẫn sản xuất lương thực, kinh tế hàng hóa chưa có điều kiện phát triển.
Các tộc người còn lại cư trú chủ yếu ở vùng núi cao, canh tác nương rẫy trên đất dốc, kinh tế hàng hóa kém phát triển. Các hoạt động kinh tế chiếm đoạt như săn bắt, săn bắn, hái lượm, đánh cá vẫn là nguồn bổ trợ cho thu nhập của một số tộc người như săn bắn ở các tộc người Trường Sơn – Tây Nguyên, đánh cá ở các tộc người miền núi Đông Bắc và Tây Bắc. Nền kinh tế của các tộc người này còn mang nặng tính chất tự nhiên, tự cấp, tự túc. Vì vậy, đây là nhóm có trình độ phát triển kinh tế thấp nhất trong các tộc người thiểu số ở nước ta.
Hiện nay, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, các miền dẫn đến tình trạng chênh lệch lớn trong sinh hoạt kinh tế như trình độ tổ chức sản xuất,
phương thức canh tác, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật,… dẫn đến năng xuất, sản lượng và hiệu quả kinh tế nói chung cũng chênh lệch. Việc thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn ở các vùng núi, vùng cao, vùng tộc người thiểu số đang là những vấn đề nan giải do nhiều nguyên nhân cần sớm được khắc phục.
- Về văn hoá, Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, mỗi tộc người có bản sắc văn hoá riêng. Tuy thế, trình độ văn hoá, trình độ dân trí nói chung giữa các vùng miền, giữa các tộc người còn chênh lệch lớn. Nhiều tộc người mới chỉ đạt tới trình độ một nền văn hoá dân gian, chỉ một số tộc người đạt tới trình độ của một nền văn hoá bác học.
Phong tục tập quán, luật tục, tâm lý, lối sống của các tộc người thiểu số bên cạnh những yếu tố tích cực, còn lưu giữ nhiều yếu tố tiêu cực, lạc hậu ở các mức độ khác nhau.
Đời sống văn hoá ở các cơ sở, mức hưởng thụ về văn hoá cũng còn chênh lệch lớn, đặc biệt nếu so sánh với các tộc người cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
- Về xã hội, nước ta có sự phân hóa về trình độ phát triển giữa các tộc người. Tộc người Hoa từ Trung Quốc di cư sang, là một bộ phận của tộc người Hán, từng hàng nghìn năm trải qua chế độ phong kiến tập quyền, xã hội đã phát triển cao. Hai tộc người Chăm và Khơ Me từng trải qua mấy trăm năm chế độ phong kiến, xã hội tương đối phát triển. Các tộc người Mường, Thái, Tày, Nùng, Lự, Lào đã từng bước vào giai đoạn nhà nước phong kiến sơ kỳ, có sự phân hóa giàu nghèo với một tầng lớp quí tộc thổ ty, quan lang, phìa, tạo tương đối giàu có và quyền thế. Các tộc người còn lại đang bảo lưu nhiều yếu tố của xã hội tiền giai cấp. Trong mỗi làng, bản, buôn,... người dân sống bình đẳng với nhau trên cơ sở luật tục truyền thống dưới sự điều hành của những người có uy tín như già làng, trưởng bản...
Trong quản lý xã hội, việc giải quyết các vấn đề xã hội nhằm ổn định đời sống, việc làm, thực hiện các chính sách xã hội, chống tệ nạn xã hội,… cũng
biểu hiện rõ nét sự không đồng đều, thậm chí chênh lệch rất lớn trong các tộc người thiểu số với đa số, cũng như giữa các tộc người thiểu số với nhau (chỉ tính riêng về mức sống, hiện có trên 2000 xã đặc biệt khó khăn trong toàn quốc thì đa số là các xã thuộc miền núi và vùng tộc người thiểu số. Các tệ nạn xã hội như tệ nghiện hút, buôn bán hàng lậu, vượt biên trái phép, việc lợi dụng tôn giáo gieo rắc mê tín dị đoan, hủ tục,… vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng tộc người thiểu số).
Sự phát triển không đồng đều đó là một đặc điểm lớn, tác động ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới. Đây cũng là một trong những vấn đề cần được khắc phục nhằm phát triển từng bước, xoá dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội giữa các tộc người ở nước ta hiện nay.
Sự khác nhau về trình độ phát triển giữa các tộc người trên các mặt của đời sống có nhiều nguyên nhân:
Do tính chất đa dạng về tộc người, đa dạng về thiên nhiên, khí hậu, đất đai nên các bộ phận dân cư sống ở những vùng khác nhau bị chi phối mạnh mẽ, trực tiếp bởi những điều kiện khó khăn, thuận lợi khác nhau nên có trình độ phát triển các mặt khác nhau. Cùng là các tộc người thiểu số nhưng bộ phận dân cư nào ở gần đường giao thông, gần thị xã, các tụ điểm kinh tế, chính trị, văn hóa có điều kiện thuận tiện,... thì bộ phận dân cư ấy sẽ phát triển hơn. Ngược lại, bộ phận dân cư nào ở vùng núi cao, vùng xa xôi, hẻo lánh, khí hậu khắc nghiệt, đất đai hiếm, cằn cỗi, địa thế hiểm trở thì bộ phận dân cư ấy sẽ phát triển chậm, ở trình độ thấp hơn. Cho nên, sự chênh lệch về các mặt giữa các tộc người ở nước ta mang dấu ấn của sự đa dạng tộc người và sự đa dạng của các vùng cư trú.
Bên cạnh nguyên nhân lịch sử và hoàn cảnh tự nhiên, cần thấy nguyên nhân xã hội là chủ yếu, do hậu quả của chính sách nô dịch tộc người của chủ nghĩa đế quốc và phong kiến trước kia. Dưới sự thống trị của các giai cấp bóc lột, miền núi và vùng tộc người thiểu số là đối tượng để bọn chúng bòn rút, vơ vét, thực hiện chính sách ngu dân. Trong gần một thế kỷ thực dân Pháp đô hộ, với
chính sách khai thác thuộc địa triệt để, đời sống của nhiều tộc người thiểu số là đói rét, lạc hậu, tối tăm.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương khắc phục sự chênh lệch về các mặt giữa các tộc người, thực hiện đoàn kết, bình đẳng tộc người. Song quá trình thực hiện những chủ trương, chính sách đó kém hiệu quả hoặc có những chủ trương, chính sách, biện pháp thực hiện không phù hợp. Hạn chế lớn nhất là chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc tính đa dạng về tộc người, đa dạng về thiên nhiên nhiên ở các vùng tộc người; chưa hiểu biết đầy đủ về miền núi và tộc người; chủ quan duy ý chí, nóng vội, áp đặt thiếu khách quan. Hiện nay, sự chênh lệch về nhiều mặt giữa các tộc người ở nước ta là một thực tế đã ảnh hưởng khá lớn đến quan hệ giữa các tộc người. Khắc phục thực trạng chênh lệch phải trên cơ sở hiểu biết đầy đủ những đặc điểm, các yếu tố đặc thù ở các vùng tộc người. Thực hiện sự thống nhất biện chứng giữa cái đa dạng và cái thống nhất, cái riêng và cái chung ở nước ta hiện nay, phải tuân theo qui luật phát triển tự thân của mỗi tộc người với sự hợp tác, hữu nghị, giúp đỡ của các tộc người anh em trong cả nước.
Cũng cần thấy rằng, sự khác nhau về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các tộc người, không chỉ phản ánh những mặt hạn chế trong mối quan hệ tộc người, mà còn là cơ sở để tạo ra những thuận lợi trong quá trình xây dựng mối quan hệ tộc người hài hòa, phù hợp với lợi ích của mỗi tộc người trong cộng đồng quốc gia đó.
3.3.2. Ảnh hưởng của trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các tộc người
Thứ nhất, trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các tộc người là cơ sở để các tộc người phát triển cao hơn giúp đỡ các tộc người phát triển thấp hơn
Sự phát triển lâu dài của lịch sử đã để lại một thực trạng là trong quốc gia có nhiều thành phần tộc người, sự phát triển của các tộc người không đồng đều. Có tộc người phát triển ở trình độ cao hơn, ngược lại có tộc người còn đang ở
trình độ phát triển thấp hoặc rất thấp. Sự không đồng đều của trình độ phát triển đặt ra một thực tế trong mối quan hệ giữa các tộc người là giải quyết quan hệ giữa các tộc người phát triển cao hơn và các tộc người còn phát triển ở trình độ thấp. Việt Nam là một quốc gia có nhiều thành phần tộc người, giữa các tộc người có sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển. Sự phát triển không đồng đều này là điều kiện để thực hiện sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tộc người. Do đó, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau là một nội dung quan trọng trong giải quyết mối quan hệ giữa các tộc người ở nước ta, đồng thời là sự phát huy truyền thống của tộc người ở Việt Nam, phục vụ cho sự nghiệp phát triển các tộc người, bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình đổi mới đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mỗi tộc người dù ở trình độ phát triển cao hay thấp đều tham gia vào quan hệ thị trường, đều là bộ phận của nền kinh tế quốc dân, của cộng đồng tộc người, có quan hệ qua lại, gắn bó hữu cơ với nhau. Sự phát triển của tộc người này là điều kiện phát triển của tộc người khác trên mọi lĩnh vực. Nước ta là một quốc gia đa tộc người, trong đó không một tộc người nào, kể cả tộc người đa số là tộc người Kinh, có thể tự tồn tại và phát triển