TRONG PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN
Bàn về các yếu tố làm nên phong cách nghệ thuật của nhà văn, Khrapchenco cho rằng: “Mỗi một nhà văn có tài đều đi tìm những biện pháp và những phương tiện độc đáo để thể hiện những tư tưởng và hình tượng của mình, những biện pháp và phương tiện cho phép nhà văn đó làm cho những tư tưởng và những hình tượng ấy trở thành hấp dẫn, dễ lôi cuốn, gần gũi với công chúng độc giả. Và điều đó có nghĩa là nhà văn tạo ra được phong cách của mình.” [73, tr. 279] Như vậy, phong cách chính là cách thức nhà văn phản ánh hiện thực cuộc sống thông qua các hình tượng, biểu tượng, ngôn từ cũng như có phương thức xử lý vấn đề một cách độc đáo, ấn tượng để thu hút, chinh phục độc giả. Ứng dụng những lý thuyết của phong cách vào nghiên cứu sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, trong chương này, luận án sẽ chỉ ra những nét độc đáo, những sáng tạo, cống hiến của nhà văn ở phương diện hình thức nghệ thuật như: nghệ thuật hư cấu, những đặc điểm về giọng điệu, ngôn ngữ, kết cấu, không gian, thời gian nghệ thuật - những yếu tố góp phần tạo nên sức dẫn cho tác phẩm, góp phần làm nên phong cách nghệ thuật của nhà văn.
4.1. Những sáng tạo trong nghệ thuật hư cấu về đề tài lịch sử
Hư cấu là hoạt động cơ bản của tư duy nghệ thuật, là thủ pháp quan trọng trong sáng tạo văn chương. Nhờ hư cấu, tưởng tượng, người nghệ sĩ sẽ nhào nặn, tổ chức chất liệu lấy ra từ cuộc sống để tạo ra những tính cách, số phận, hình tượng, những “sinh mệnh” mới có ý nghĩa điển hình, vừa biểu hiện tập trung chân lí cuộc sống, vừa biểu hiện cá tính sáng tạo, phong cách độc đáo và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn. Đây cũng là nhân tố tạo nên sức hấp dẫn, cuốn hút của tác phẩm nghệ thuật.
Hư cấu lịch sử là một trường hợp đặc biệt khi nhà văn tiếp cận lịch sử với độ lùi khá xa về không - thời gian, để rồi dựa trên những sự kiện, câu chuyện lịch sử, bằng trí tưởng tượng và tài năng hư cấu, nhà văn sẽ làm sống dậy các hình tượng đó qua lăng kính và lối tư duy của nghệ thuật ngôn từ.
Thông qua nghệ thuật hư cấu, người đọc có thể cảm nhận, hình dung rõ về lịch sử dân tộc với những sự kiện, vấn đề cụ thể. Tuy nhiên hư cấu lịch sử ở mức độ nào? Cách tiếp cận và góc nhìn về lịch sử sao cho hợp lí?… vẫn là những câu hỏi lớn thu hút sự quan tâm của người sáng tác và giới nghiên cứu, phê bình. Theo chúng tôi, văn chương viết về đề tài lịch sử vừa phải đảm bảo được tính chân thực, vừa có những hư cấu, tưởng tượng, sáng tạo để bổ khuyết, lấp đầy những khoảng trống, những “điểm trắng” mà các sử gia còn bỏ ngỏ. Nói như nhà nghiên cứu, phê bình Bêlinxki: “Chúng ta hỏi và chúng ta chất vấn những cái đã qua để chúng ta giải thích cho hiện tại và chỉ ra tương lai của chúng ta.”[41, tr. 64]. Đó chính là nhiệm vụ cao cả đặt ra đối với các nhà văn khi viết về đề tài lịch sử.
Trong văn học Việt Nam, văn chương viết về đề tài lịch sử chiếm số lượng lớn với sự đa dạng trong cách phản ánh, miêu tả. Đó có thể là tiểu thuyết
chương hồi (Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô gia văn phái), tiểu thuyết hiện đại (Sông Côn mùa lũ - Nguyễn Mộng Giác, Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh), truyện ngắn (Phẩm tiết, Vàng lửa - Nguyễn Huy Thiệp), hồi ký (Những năm
tháng không thể nào quên - Võ Nguyên Giáp), kịch (Nguyễn Trãi ở Đông Quan - Nguyễn Đình Thi)… Qua mỗi sáng tác đó, lịch sử của mỗi giai đoạn,
thời kỳ lại hiện lên chân thực, rõ nét.
Giai đoạn 1930 - 1945 xuất hiện nhiều khuynh hướng văn học đa dạng, phức tạp. Ở mảng văn học viết về lịch sử, các sáng tác của Nguyễn Tử Siêu
(Vua bà Triệu Ẩu, Tiếng sấm đêm đông, Hai bà đánh giặc, Việt - Thanh chiến
sử, Lê Đại Hành), Nguyễn Triệu Luật (Bà chúa Chè, Loạn kiêu binh, Chúa Trịnh Khải, Hòm đựng người), Đào Trinh Nhất (Phan Đình Phùng), Phan Trần
Chúc (Hồi chuông Thiên Mụ, Vua Quang Trung, Từ nhà chúa đến nhà chùa,
Bánh xe khứ quốc), Lan Khai (Đỉnh non thần, Trong cơn binh lửa, Treo bức chiến bào), Khái Hưng (Dọc đường gió bụi)… đã dựa vào một số sách chính
sử, dã sử, giai thoại, truyền thuyết, văn bia, làm sống lại ở một mức độ nhất định những thời kỳ lịch sử đã qua. Nhưng trong các tác phẩm đó, yếu tố tưởng tượng, hư cấu còn hạn chế, mờ nhạt, các nhà văn thường bị nô lệ vào các tài liệu lịch sử, “các tác giả sử dụng rất nhiều tài liệu nhưng chung quy chỉ là một
Đạm (Nguyễn Công Hoan), Nhà Nho, Bút nghiên (Chu Thiên)… mang khuynh
hướng phục cổ, ngợi ca vua quan phong kiến, thi vị hóa chế độ thi cử, coi triều đại phong kiến là thời đại hoàng kim của kẻ sĩ.
Trước thực trạng một số sáng tác hiểu không đúng tinh thần lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng không đồng tình, ông chủ trương một lối viết tôn trọng sự thực. “Đừng viết cái gì sai với sự thực của con người, dù là dưới hình thức phục vụ. Người thật. Phải thật với người” (Nhật ký, ngày 16/06/1956). Và những sáng tác của ông về lịch sử, nhất là giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám đã chứng tỏ sở trường, tài năng, tình yêu, sự đam mê đối với các trang sử dân tộc. Lịch sử đối với ông không hề xa lạ mà nó gần gũi, thân quen vì những dấu tích một thời dường như vẫn hiện hữu trong cuộc sống thường ngày ngay trên mảnh đất quê hương ông - vùng Dục Tú, là những câu chuyện lịch sử pha màu huyền thoại, truyền thuyết mà người bác và anh trai vẫn thường hay kể. Đó là nguồn mạch lịch sử có sức hấp dẫn, lôi cuốn tâm trí Nguyễn Huy Tưởng và trở thành nguồn cảm hứng lớn trong nhiều sáng tác của nhà văn.
Có thể nói, những sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng về đề tài lịch sử đã tạo luồng gió mới trong đời sống văn học bởi lối tiếp cận độc đáo, đảm bảo được độ chân thực của các chi tiết, sự kiện lịch sử, đồng thời có những hư cấu, sáng tạo giúp người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử. Hư cấu lịch sử trong sáng tác của nhà văn thể hiện rõ ở việc xây dựng, miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật, cách thức tổ chức tư liệu, kết cấu, ngôn từ.
Trong số các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, Cột đồng Mã Viện là vở
kịch lịch sử hoàn toàn dựa vào hư cấu nghệ thuật. Đây là vở kịch ngắn bị khuyết những trang cuối được tìm thấy trong chồng tài liệu bề bộn mà nhà văn để lại. Tuy còn một số hạn chế như “kịch viết giản đơn về cấu trúc và thật thà về dẫn dắt hành động và xung đột” [176, tr.363] nhưng nội dung đã phản ánh được lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất và tinh thần quật khởi của nhân dân.
Việc sáng tạo các nhân vật hoàn toàn hư cấu như Hùng Chi, Khúc Việt, Vương Độ, Cù Viên… phù hợp với đặc điểm tâm lí, tính cách của họ đã tạo
được dấu ấn cho bạn đọc. Sở dĩ Cột đồng Mã Viện gây được tiếng vang vì cách
thực, khơi dậy được nhiệt tình và trách nhiệm của người dân yêu nước. Việc tác giả đưa vào hình ảnh nhân vật Vương Độ - một người Trung Quốc làm nghề bốc thuốc trở thành bạn thân với Hùng Chi, có những hành động, lời nói thể hiện tấm lòng yêu chính ghét tà, phản đối kịch liệt hành động tàn bạo của Mã Viện, ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa, nhân văn của người dân Giao Chỉ, đã nói lên chiều sâu tư tưởng của vở kịch, vượt ra ngoài quan niệm về chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, ngợi ca tình hữu ái giữa người dân hai nước yêu chuộng hòa bình, căm ghét chiến tranh. Vì vậy trong kịch bản, tác giả dành nhiều lời thoại để nói về những hành động và nghĩa cử cao đẹp của Vương Độ như: vui với niềm vui của Hùng Chi khi phá cột đồng, nguyện ở lại Giao Chỉ chăm sóc mẹ Hùng Chi khi Hùng Chi bị bắt giải sang Trung Quốc.
Như vậy, cách đặt vấn đề và triển khai cốt truyện của tác giả có nhiều điểm mới trong bối cảnh đời sống sáng tác lúc bấy giờ khi một số cây bút viết về chiến tranh thường xoáy sâu vào mối hận thù không đội trời chung giữa hai bên mà chưa quan tâm đến chiều sâu nhân văn trong phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động hai nước, họ biết đứng về phía chính nghĩa để cùng lên án những hành động phi nhân đạo của nhà cầm quyền.
Tư tưởng này còn được thể hiện qua hình tượng nhân vật Triệu Trung
trong An Tư. Vốn là một trung thần của nhà Tống không chịu thuần phục quân
Nguyên, Triệu Trung đã đem gia quyến và 300 bộ hạ chạy sang Đại Việt. Ông được Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật dung nạp, vì thế lúc Chiêu Văn Vương được lệnh đi đánh trận Hàm Tử, Triệu Trung cũng tính nguyện xin đi:
Chúng có phải đâu chỉ là quân thù của nước Nam, chúng là quân thù của con cháu nhà Tống, chúng là thù chung của hai nước. Chúng tôi được giết chúng để rửa thù còn gì sung sướng cho bằng?... Chúng tôi xin coi việc quý quốc như việc nhà, nguyện đem hết tâm can sức lực ra đánh
trận này. Dù chúng tôi có chết cũng vui lòng. (An Tư)
Và trong trận đánh Hàm Tử, Triệu Trung và 300 bộ hạ đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng. Hiện tượng một số binh sĩ nhà Tống chiến đấu trong hàng ngũ quân đội nhà Trần là sự kiện có thật được ghi trong sử sách
bộ, Nguyễn Huy Tưởng đã khai thác chi tiết lịch sử này trở thành một câu chuyện hấp dẫn.
Một đặc điểm nổi bật trong hư cấu lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng là ông không quá lệ thuộc vào các tài liệu lịch sử. Vì nhà tiểu thuyết viết về lịch sử không phải chỉ để kể, tả mà là tư duy về lịch sử. Trên cơ sở các chi tiết, sự kiện có tính chất “gợi hứng”, nhà tiểu thuyết sẽ tái hiện lại không gian, bối cảnh thời đại và lồng vào trong đó những vấn đề của cuộc sống hiện thời. Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn có trí tưởng tượng mạnh, có tài sắp xếp, tổ chức tư liệu, kết cấu tác phẩm trên bình diện không gian rộng với sự xuất hiện của nhiều nhân vật. Bên cạnh nguồn sử liệu mà sử sách ghi chép lại cùng với những trải nghiệm thực tế (thăm lại những dấu tích, chiến công xưa…), nhà văn đã hư cấu và có những sáng tạo hợp lí để bù khuyết những tri thức mà lịch sử còn bỏ ngỏ. Đây cũng là nét đặc trưng trong sáng tạo nghệ thuật nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện, bao quát hơn về các thời đại lịch sử đã qua, đúng như câu nói của Marcel Proust: “Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”.
Trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng có những chi tiết, sự kiện, nhân vật được hư cấu hoàn toàn, có nhân vật được bổ sung thêm lý lịch, hành động, tâm lí; có những sự kiện, nhân vật được xây dựng, nhìn nhận khác so với lịch sử.
Về các nhân vật được hư cấu hoàn toàn, ngoài hệ thống các nhân vật
trong Cột đồng Mã Viện thì hình ảnh Đan Thiềm, Thị Nhiên (Vũ Như Tô), Bảo Kim, Nguyễn Mại (Đêm hội Long Trì)… cũng là những nhân vật hư cấu. Bên
cạnh vai trò dẫn dắt cốt truyện, thúc đẩy tình huống, giải quyết mâu thuẫn, xung đột thông qua các hành động giao đãi, nhân vật hư cấu đóng vai trò quan trọng, làm nổi bật chủ đề tư tưởng, nói lên những mong ước, khát vọng, nỗi niềm tâm sự của tác giả về cuộc sống, con người và nghệ thuật. Đan Thiềm là nhân vật hoàn toàn sáng tạo, truyền tải được thông điệp của nhà văn về vấn đề số phận của người nghệ sĩ, về nghệ thuật và cái đẹp. Đan Thiềm vốn là thiếu nữ con nhà nghèo, năm 17 tuổi đã có chàng trai đến dạm hỏi nhưng rồi nàng bị tuyển vào cung, và từ đó nàng chỉ đóng vai thị nữ hầu hạ từ vua cho đến các
phi tần, ngót 20 năm trời nàng sống một cuộc đời đau đớn, thầm lặng. Số phận nàng cũng không khác số phận của người cung nữ trong sáng tác của Nguyễn
Gia Thiều (Cung oán ngâm khúc) hay nàng Kiều của Nguyễn Du (Truyện
Kiều) cùng chung một kiếp đa đoan “Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”.
Chỉ khi gặp được Vũ Như Tô, nỗi niềm của nàng mới được bộc bạch khi tìm được tri âm, tri kỷ. Qua những lời thoại với Vũ Như Tô, ta thấy ở Đan Thiềm là một người thức thời, trân trọng, yêu quí và cảm thông với những khát vọng, nỗi niềm, bi kịch của kẻ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Chính nàng là người “gợi hứng” và làm thay đổi những suy nghĩ, hành động của Vũ Như Tô về nghệ thuật, về cuộc đời. “Chấp kinh phải tòng quyền. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời…” - những lời vàng ngọc của Đan Thiềm đã khai thông cho “cái óc u mê” của Vũ, chạm được vào nỗi niềm sâu kín của kẻ sĩ. Cũng giống như Vũ Như Tô, Đan Thiềm là người ý thức sâu sắc về nền văn hóa nghệ thuật nước nhà, mong ước người tài sẽ có cơ hội thi thố tài năng, tô điểm cho non sông. Khi biết tin nhân dân, thợ thuyền và phe cánh Trịnh Duy Sản nổi lên giết Vũ Như Tô, đốt phá Cửu trùng đài, Đan Thiềm đã sẵn sàng đánh đổi tính mạng để bảo vệ người tài, cho cái đẹp được thăng hoa. Hành động khuyên Vũ Như Tô chạy trốn, tình nguyện xin được chết thay cho “ông cả” cho thấy mối đồng bệnh tương liên của những người sẵn sàng hy sinh bản thân vì nghệ thuật.
Xây dựng hình tượng Đan Thiềm, Nguyễn Huy Tưởng gửi gắm nhiềm tâm sự mà trong lời đề tựa, tác giả đã thành thực nhận mình là người đồng bệnh: “Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Là nhân vật hư cấu mang đậm chất triết lý, thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan điểm của tác giả, vì thế việc chọn được diễn viên đóng vai Đan Thiềm là một thử thách, khó khăn
đối với các đạo diễn khi dàn dựng kịch Vũ Như Tô. Năm 1995, sau hơn một phần hai thế kỷ Vũ Như Tô mới được nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành đưa
lên sân khấu, vì một trong những lí do chưa tìm được ai đóng vai Đan Thiềm.
“Đã có nhiều nhà hoạt động sân khấu và đạo diễn có ý định dựng Vũ Như Tô,
nhưng đều không thực hiện được. Ngoài những lí do về nội dung tư tưởng của vở kịch mà trước đây thường bị cho là có vấn đề, có một khó khăn mà đạo diễn
nào cũng vấp phải là không hoặc chưa tìm được ai đóng vai Đan Thiềm.”[123, tr. 244].
Bên cạnh nhân vật Đan Thiềm là hình ảnh Thị Nhiên, một người phụ nữ nhà quê chất phác. Những lời thoại của Thị Nhiên với Vũ Như Tô trên nền cảnh không gian ngổn ngang của Cửu trùng đài cho thấy sự đối lập, tương phản trong suy nghĩ, cuộc sống của các tầng lớp trong xã hội: một cuộc sống xa hoa nơi cung vua phủ chúa với cuộc sống bần hàn, đói nghèo cơ cực của nhân dân. Xây dựng hình tượng Thị Nhiên, tác giả muốn nhấn mạnh ý chí, khát vọng sáng tạo đến quên mình, quên cả cuộc sống bên ngoài của kiến trúc sư Vũ Như Tô. Thị Nhiên chỉ xuất hiện thoáng qua trong kịch bản nhưng những lời thoại của Thị với Vũ Như Tô ở lớp I, hồi hai của vở đã tạo được ấn tượng mạnh, nói lên vẻ đẹp tâm hồn và mong ước bình dị của người dân quê: