CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƢƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Chương thứ hai của luận án trình bày cơ sở lý luận tiếp cận các vấn đề nghiên cứu. Trước tiên là nội dung định nghĩa và thao tác hóa các khái niệm công cụ quan trọng tạo cơ sở nhận thức thống nhất xuyên suốt luận án. Dung lượng quan trọng giành cho trình bày các cơ sở lý thuyết vận dụng tiếp cận, phân tích các vấn đề nghiên cứu, bao gồm hệ thống các lý thuyết về vốn xã hội và thuyết lựa chọn hợp lý. Một số quan điểm chính sách, đặc điểm của địa bàn nghiên cứu và thực tiễn triển khai các phương pháp nghiên cứu cũng sẽ được giới thiệu làm tiền đề cho các nội dung trình bày kết quả nghiên cứu ở các chương tiếp theo.
2.1. Các khái niệm công cụ 2.1.1. Khái niệm “vốn xã hội” 2.1.1. Khái niệm “vốn xã hội”
Trong phần mở đầu của luận án, phạm vi đối tượng nghiên cứu đã được xác định tập trung vào mạng quan hệ xã hội của sinh viên tốt nghiệp.Theo đó, trong khuôn khổ luận án, khái niệm vốn xã hội được tiếp cận với ý nghĩa là tổng hợp các nguồn lực thực tế hoặc tiềm năng gắn với việc tích luỹ và sở hữu một mạng lưới quan hệ xã hội bền vững theo quan niệm của Bourdieu [68, tr.248]. Trên thực tế, quan niệm vốn xã hội gắn với mạng lưới các mối quan hệ xã hội được tất cả các học giả thừa nhận. Theo cách hiểu đó, khối lượng vốn xã hội một cá nhân nắm giữ phụ thuộc vào kích thước mạng lưới quan hệ xã hội anh ta có và khối lượng các nguồn lực của các cá nhân anh ta có thể huy động. Ngoài ra, cá nhân có thể tích lũy vốn xã hội cho mình bằng cách đầu tư vào các mối quan hệ, phát triển mạng lưới quan hệ xã hội của mình và thực hiện trách nhiệm của bản thân họ.
Với trường hợp tìm kiếm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, sử dụng vốn xã hội trong tìm kiếm việc làm là khi sinh viên tốt nghiệp khai thác tổng hợp các nguồn lực từ các thành viên trong mạng lưới quan hệ xã hội hoặc các thành viên cùng tham gia các tổ chức xã hội nhằm đạt được mục đích cá nhân là một công việc.
Trên cơ sở định nghĩa khái niệm vốn xã hội đã nêu, có thể xác định hai nhóm chỉ báo quan trọng cần hướng tới để đo lường vốn xã hội của sinh viên tốt nghiệp:
Nhóm chỉ báo thứ nhất gắn với “mạng quan hệ xã hội”. Mạng quan hệ xã hội trước tiên được thể hiện ở số lượng/ mật độ mối quan hệ (nhiều hay ít các mối quan hệ xã hội); chất lượng mối quan hệ (các nguồn lực mà các cá nhân khác đang nắm giữ như một tiềm năng sử dụng cho cá nhân); đặc điểm mối quan hệ (mối quan hệ có thân thiết hay không thể hiện ở mức độ tin tưởng, sự tương trợ, tần số tương tác; các đặc điểm này ảnh hưởng tới mức độ cá nhân có thể khai thác các nguồn lực của cá nhân khác trong mạng lưới). Là thành viên trong các tổ chức xã hội cũng phản ánh các cơ cấu xã hội sinh viên tham gia bên cạnh mạng lưới quan hệ. Tình trạng hôn nhân, địa bàn cư trú cũng là những thông tin phản ánh khía cạnh quy mô mạng lưới xã hội và cơ cấu xã hội mà sinh viên có được.
Nhóm chỉ báo thứ hai là “các nguồn lực” thuộc về các cá nhân khác có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với sinh viên tốt nghiệp (gia đình, bạn bè, thầy cô…); các nguồn lực có thể là vốn tài chính (sự hỗ trợ về tiền bạc, các chi phí tìm kiếm), có thể là vốn văn hóa (trình độ học vấn, nghề nghiệp…), cũng có thể là các giá trị mang tính biểu trưng (thông tin, uy tín xã hội, vốn xã hội)…
2.1.2. Khái niệm “việc làm”
Luận án sử dụng khái niệm việc làm với ý nghĩa “là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm”[42, tr.11]. Luật Việc làm còn phân biệt khái niệm “việc làm” với khái niệm “việc làm công”, theo đó “việc làm công là việc làm tạm thời có trả công được tạo ra thông qua việc thực hiện các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn”[42, tr.11]. Còn nhiều cách định nghĩa khái niệm việc làm khác tuy nhiên nội hàm thống nhất ở hai điểm: (1) Là một hoạt động lao động, có thể là một công việc do người khác tạo dựng và cũng có thể là công việc tự cá nhân tạo ra cho bản thân; (2) công việc đó mang lại thu nhập.
Để hiểu rõ hơn khái niệm “việc làm”, cần phân biệt khái niệm này với với khái niệm “nghề nghiệp”. Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về khái niệm “nghề nghiệp”. “Nghề nghiệp là công việc chuyên môn làm theo sự phân công lao động của xã hội (thường phải do rèn luyện, học tập mới có)” [36, tr.837]. Quan niệm khác lại cho rằng “nghề nghiệp là một hình thức lao động của con người mang tính
chuyên môn, tương đối ổn định, được quy định bởi nhu cầu và sự phân công lao động xã hội” [51, tr.53]. Từ điển Xã hội học Oxford đề cập tới hoạt động nghề nghiệp với đặc điểm “vai trò kinh tế tách biệt khỏi hoạt động hộ gia đình ...hình thành nên một bộ phận của sự phân công lao động kinh tế rộng lớn hơn trong một doanh nghiệp công nghiệp, tổ chức chính thức hay cấu trúc kinh tế” [11, tr.375]. Như vậy, nghề nghiệp cũng là các hoạt động lao động mang lại thu nhập, tuy nhiên nội hàm khái niệm có những khác biệt so với khái niệm việc làm: (1) nhấn mạnh tính chuyên môn của công việc gắn với sự phân công lao động của xã hội; (2) tính ổn định, lâu dài của công việc. Như vậy, nghề nghiệp cũng được coi là việc làm nhưng không phải việc làm nào cũng là nghề nghiệp.
Trong luận án, khái niệm việc làm được hiểu với hai nội hàm đã nêu ở trên, là một công việc mang lại thu nhập do sinh viên tự tạo dựng hoặc do người khác tạo ra mà sinh viên tốt nghiệp đạt được. Khái niệm việc làm được tiếp cận gắn với các đặc điểm kinh tế (mức thu nhập) và phi kinh tế (sự phù hợp với chuyên môn được đào tạo, môi trường làm việc, mức độ ổn định của công việc, vị trí công việc…). Các đặc điểm đó cũng chính là các kết quả thao tác hoá khai niệm, xác định các chỉ báo sẽ được đo lường trong quá trình khảo sát thực tiễn.
2.1.3. Khái niệm “hành vi tìm kiếm việc làm”
Để hiểu khái niệm hành vi tìm kiếm việc làm, trước tiên cần điểm qua các luận điểm xoay quanh khái niệm hành vi (action). Marx Weber cho rằng “hành vi xã hội là điểm xuất phát của mọi quá trình xã hội”[64, tr.125]. Theo T. Parson “hành vi cá nhân tuyệt nhiên không phải sản phẩm của một sự “tùy tiện” hay một sự tự do tuyệt đối… nó diễn ra trong quá trình xã hội hóa nhưng không phải hệ quả máy móc của xã hội hóa, nó còn dựa vào những ý định, động cơ của chủ thể hành vi, cũng như vào những phương tiện hành vi của chủ thể” “hành vi cá nhân đều bao hàm những yếu tố bất biến của những bối cảnh văn hóa” [64, tr.125-126]. Quan điểm của Homans về hành vi lựa chọn duy lý cho rằng “con người là một chủ thể duy lý trong việc xem xét và lựa chọn hành động nào để đem lại phần thưởng lớn nhất và có giá trị nhất … giá trị của kết quả, giá trị của phần thưởng và
cả sự mong đợi của mỗi cá nhân bắt nguồn từ hệ chuẩn mực xã hội, từ phong tục, tập quán, truyền thống”[27, tr.317]. Từ điển Xã hội học của G. Endruweit và G. Trommsdorff đã tổng hợp các giả thuyết về những quy luật chung về hành vi, trong đó khẳng định “Những phương thức hành vi đã học thuộc, đã chứng tỏ có lợi, sẽ trở thành thói quen vì lý do giảm trách nhiệm năng lực nhận thức, tránh áp lực quyết định quá lớn”. Những hành vi thường xuyên, được hình thành qua các quá trình trao đổi, sẽ chuyển thành cơ cấu và thể chế xã hội (hình thành cơ cấu, thể chế hóa) [20, tr.193]. Tác giả xác nhận các biến số tác động đến hành vi: (1) Mong đợi - hành vi cá nhân phụ thuộc vào những điều mong đợi nhất định họ đã học được; (2) Các quá trình so sánh - sự đánh giá cái được cái mất phụ thuộc vào việc so sánh với những sự kiện tương tự từng xảy ra; (3) Cơ cấu năng lực nhận thức - cá nhân có xu hướng hành vi đạt đến sự cân bằng, giảm sự không hài hoà về nhận thức; (4) Ảnh hưởng của các hệ thống giá trị đặc trưng văn hóa- hành vi cá nhân chịu sự chi phối bởi các giá trị văn hóa nhóm, cộng đồng anh ta tiếp thu trong quá trình xã hội hóa của mình [23, tr.192-195].
Hành vi tìm kiếm việc làm là một hành vi xã hội, ở đây được hiểu như một quá trình, quá trình này bắt đầu từ thời điểm sinh viên tốt nghiệp ra trường đến khi có được một công việc. Quá trình tìm kiếm việc làm gắn với sự xuất hiện nhu cầu có được một công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp, dù có chủ động tìm kiếm hay không chủ động tìm kiếm nhưng sẵn sàng tiếp nhận một công việc cho bản thân. Quá trình tìm kiếm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp gắn với các đặc điểm như chi phí tìm kiếm, thời gian tìm kiếm, sự thuận lợi và khó khăn…Đây cũng chính là các chỉ báo sẽ được quan tâm đo lường trong quá trình thu thập các dữ liệu thực nghiệm. Tương tự như các hành vi xã hội khác, hành vi tìm kiếm việc làm của sinh viên cũng là kết quả của một quá trình xã hội hóa trong đó có các giá trị gắn với các công việc trong thị trường lao động họ đã tiếp nhận được. Tìm kiếm việc làm cũng là một quá trình so sánh, cân nhắc để đạt được một lợi ích cao nhất đồng thời chịu sự chi phối của các yếu tố định hướng giá trị của nhóm, cộng đồng cũng như các giá trị văn hóa khác.
2.2. Các lý thuyết vận dụng trong luận án 2.2.1. Lý thuyết về vốn xã hội 2.2.1. Lý thuyết về vốn xã hội
Luận án vận dụng các luận điểm lý thuyết chung nhất về vốn xã hội làm cơ sở tìm hiểu, đo lường các nguồn vốn xã hội của sinh viên tốt nghiệp cũng như mối quan hệ giữa vốn xã hội của sinh viên tốt nghiệp với quá trình tìm kiếm và kết quả tìm kiếm việc làm của họ. Phần sau đây giới thiệu quan điểm về vốn xã hội của các học giả quan trọng (key authors), sau đó phân tích, so sánh để chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa họ như những những luận điểm chung nhất trong hệ thống lý thuyết về vốn xã hội sẽ được vận dụng làm cơ sở lý thuyết tiếp cận vấn đề nghiên cứu.
2.2.1.1. Các học giả quan trọng
Bourdieu và vốn xã hội
Trong công trình của mình xuất bản vào năm 1983, Các dạng của vốn (The Forms of Capital), khi tìm cách lý giải tình trạng bất bình đẳng xã hội và quá trình tái sản xuất tình trạng bất bình đẳng ấy, nhà xã hội học người Pháp, Bourdieu, đã du nhập khái niệm “vốn” (capital) của lĩnh vực kinh tế học vào lĩnh vực xã hội học để phân tích quá trình lưu thông của các loại tài sản khác nhau trong không gian xã hội [39, tr.47]. Ngoài vốn kinh tế (economic capital), ông phân biệt ba loại vốn, gồm có vốn văn hóa (culture capital), vốn xã hội (social capital) và vốn biểu tượng (symbol capital), và chỉ ra sự chuyển đổi giữa các loại hình vốn này. Bourdieu cho rằng vốn xã hội là “tổng hợp của các nguồn lực thực tế hoặc tiềm năng được liên kết với sự sở hữu một mạng lưới bền vững ít nhiều được thể chế hóa và công nhận các mối quan hệ quen biết lẫn nhau” [68, tr.248-249]. Vốn xã hội là một nguồn lực được hình thành bởi mối quan hệ qua lại giữa các cá nhân trong mạng lưới.Nhờ có vốn xã hội, các cá nhân, gia đình, hay tập thể càng có nhiều mối liên hệ thì càng có lợi thế; vốn xã hội được sử dụng như một loại vốn trên cơ sở sự thừa nhận, ủng hộ của các thành viên khác khi có nhu cầu.“Khối lượng vốn xã hội được chiếm hữu bởi một tác nhân phụ thuộc vào kích thước của mạng lưới mà anh ta có thể huy động một cách hiệu quả và vào khối lượng vốn (kinh tế, văn hóa, biểu trưng) của các cá nhân mà anh ta có thể kết nối” [68, tr.249]. Như vậy, vốn xã hội của một cá nhân nhiều hay ít
trước hết phụ thuộc vào mạng lưới quan hệ xã hội rộng hay hẹp mà anh ta có thể huy động nhằm phục vụ hoạt động hướng tới đạt được các mục tiêu của bản thân. Bên cạnh đó độ lớn của vốn xã hội còn phụ thuộc vào chất lượng của các đối tác trong mạng lưới quan hệ, nói cách khác là quy mô nguồn lực các đối tác đó đang nắm giữ mà cá nhân có thể huy động cho mục đích của mình.
Về khả năng tạo dựng vốn xã hội, Bourdieu cho rằng cá nhân có thể tạo dựng vốn xã hội thông qua sự đầu tư vào các mối liên hệ, phát triển mạng lưới xã hội, thực hiện trách nhiệm xã hội của bản thân.“Bất cứ ai cũng có thể thu nhập một số vốn xã hội nếu người đó nỗ lực và chú tâm làm việc ấy, và hơn nữa bất cứ ai cũng có thể dùng vốn xã hội để đem lại những lợi ích kinh tế thông thường.Song, khả năng thực hiện điều ấy tuỳ thuộc vào những trách nhiệm xã hội, các liên hệ, và mạng lưới xã hội của người đó” [17, tr.85]. Nói cách khác, vốn xã hội nằm trong mối quan hệ có đi có lại giữa các cá nhân chứ không phải quan hệ một chiều. Cá nhân phải thực hiện trách nhiệm của bản thân với tư cách thành viên, tuân theo các chuẩn mực duy trì các mối liên hệ và mạng lưới. Sự đầu tư vào các mối quan hệ xã hội chỉ có thể mang lại lợi ích nếu cá nhân thực sự hiểu rõ các mối liên kết mình nắm giữ để sử dụng chúng hoặc biết cách biến đổi nó thành vốn văn hóa hay vốn kinh tế.
Coleman và vốn xã hội
Coleman và Bourdieu dù được xem là hai nhà lý luận sáng lập với những luận điểm có tính hệ thống đầu tiên về vốn xã hội, tuy nhiên các quan điểm của họ lại được trình bày hoàn toàn độc lập. Thực tế, khởi điểm của Coleman còn có phần đối nghịch với Bourdieu, khi ông nhấn mạnh tầm quan trọng của vốn con người, và rằng vốn xã hội đóng góp vào sự hình thành của vốn con người [72]. Ông tiếp cận khái niệm của mình về vốn xã hội từ góc độ lý thuyết lựa chọn hợp lý [81, tr.42-45]. Sự phụ thuộc lẫn nhau hình thành trong quá trình tương tác xã hội qua lại giữa các tác nhân (actors), bởi vì họ quan tâm tới các sự kiện và các nguồn lực được kiểm soát bởi các tác nhân khác nhằm tối đa hóa tiện ích và sự thuận lợi của bản thân bằng cách hợp lý hóa sự lựa chọn các giải pháp tốt nhất. Nếu các mối quan hệ xã hội mang tính quyền lực hay sự tin cậy được định hình một cách thường xuyên, nó trở thành cơ chế
kiểm soát sự trao đổi và chuyển giao. Coleman đã tích hợp những ý tưởng trước đó của Loury và Granovetter trong khái niệm của ông về vốn xã hội. Loury cho rằng các mối quan hệ xã hội là kết quả của việc sử dụng các nguồn lực để tối đa hóa tiện ích, bởi lẽ các mối quan hệ đại diện cho nguồn lực của mỗi cá nhân. Theo đó, vốn xã hội là nguồn tài nguyên tồn tại trong các mối quan hệ thân tộc và trong các tổ chức xã hội. Granovetter đánh giá sự gắn kết các giao dịch kinh tế trong các mối quan hệ xã hội là rất quan trọng để tạo ra sự tin tưởng, trong việc hình thành các kỳ vọng, và trong việc tạo ra và thực hiện các mục tiêu [72, tr.107-108]. Tóm lại, dưới góc nhìn của Coleman, các nguồn lực cấu trúc xã hội là cơ sở hình thành vốn cho các cá