Những nghiên cứu của Mác về tha hoá đã được trình bày khái quát ở phần trên, trong tiết này chúng tôi muốn đi sâu phân tích quan niệm của Mác về những hình thức tha hoá chủ yếu để chỉ ra bản chất của mỗi hình thức và mối liên hệ nội tại của chúng. Vấn đề ở đây được trình bày theo trình tự lịch sử nghiên cứu của Mác.
2.2.1. Tha hoá tôn giáo và tha hóa xã hội - chính trị
* Tha hoá tôn giáo - biểu hiện của tha hoá ý thức, tư tưởng:
Xét theo thời gian, cuộc tranh luận riêng về tha hoá cũng xuất hiện ở Mác dưới hình thức của vấn đề tha hoá tôn giáo khi Mác và Ăngghen còn ở phái
Hêghen trẻ. Có điều này là do Mác chịu ảnh hưởng tư tưởng Phoiơbắc về đấu tranh chống tha hoá tôn giáo. Mặt khác, đây là vấn đề lớn của thời đại vốn đang được phái Hêghen trẻ quan tâm, cho nên Mác không thể không bị cuốn hút vào chúng và cũng không thể không say mê với những vấn đề lớn của phái này. Hơn nữa cuộc đấu tranh này là quan trọng đối với cuộc cánh mạng ý thức hệ đang diễn ra trong trí tuệ loài người. Khi nhận xét về đặc điểm của thời kỳ này, Ăngghen đã viết rằng, điều mà những người Pháp đã thực hiện được trong thực tiễn - tức bằng cách mạng - thì người Đức đã đạt được trong lĩnh vực trừu tượng tinh thần. Dân tộc Đức so với các dân tộc khác ở châu Âu đã bị chậm trễ trong việc phát triển kinh tế và chính trị, nhưng lại phát triển ý thức hệ vượt quá họ vào lúc đó; và cuộc cách mạng mà họ tiến hành trong lĩnh vực ấy - đặc biệt là trong triết học - có một tầm quan trọng vượt xa khỏi biên giới nước Đức. Các nhà tư tưởng Đức lúc đó khi tham gia vào cuộc đấu tranh ý thức hệ đều ý thức được rằng vì nước Đức chưa có khả năng tiến hành cách mạng vũ trang như ở Pháp, nên tiến hành cuộc đấu tranh này trong lĩnh vực ý thức sẽ mở đường cho cho cuộc thực hành cách mạng… Điều này đã ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh quyết liệt đang diễn ra vào lúc đó - chống sự tha hoá tôn giáo.
Ngay từ năm 1842, trong một bài đăng trên “Nhật báo Rênan”, Mác đã đề cập đến vấn đề tha hoá tôn giáo như là sự thống trị của sản phẩm tinh thần của con người lên chính mình. Về sau vấn đề này tiếp tục được Mác nói đến trong tác phẩm “Về vấn đề Do Thái”.
Sự phê phán tôn giáo dẫn đến luận điểm: Không phải Chúa đã tạo ra con người, mà con người tạo ra Chúa dựa theo hình ảnh của mình. Chúa - một thực thể siêu nhiên, chính là biểu tượng tôn giáo do con người sáng tạo ra, là sự tuyệt đối hoá những đặc điểm và những tính chất của con người dưới một hình thức lý tưởng hoá, nghĩa là dưới hình thức một điển hình lý tưởng. Mác viết “Con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ tôn giáo không sáng tạo ra con
người. Cụ thể là: tôn giáo là sự tự ý thức và sự tự cảm giác của con người chưa tìm được bản thân mình hoặc đã lại đánh mất bản thân mình một lần nữa” [78, tr. 569]. Như vậy tha hoá tôn giáo biểu hiện việc con người đã tự làm mình nghèo đi, bởi vì con người đã tước bỏ những đặc điểm riêng của mình để chiếu hình của chúng vào trí tuệ mình. Sản phẩm đó mang hình thức một tín ngưỡng xã hội, nó tự “trí hoá” sự tồn tại của nó đối với chính kẻ sáng tạo ra nó, biểu hiện ra với con người như một lực lượng xa lạ, nhiều khi đối địch và bắt đầu thống trị con người. Một khi đã được tạo ra và được khách quan hoá để mang tính xã hội, những tín ngưỡng tôn giáo trở nên không những xa lạ với con người, mà còn đối địch và bắt đầu thống trị con người. Mác viết:
Tôn giáo đã trở thành biểu hiện của việc tách con người ra khỏi cái
cộng đồng mà con người là thành viên, khỏi bản thân mình và khỏi
những người khác - lúc ban đầu tôn giáo chính là cái cộng đồng này. Tôn giáo chỉ là tín ngưỡng trừu tượng của sự sai lầm đặc thù, của sở thích tư nhân, của sự tuỳ tiện [77, tr. 539].
Sự thống trị của sản phẩm con người lên chính kẻ sáng tạo ra nó – nguyên nhân của sự tha hoá tôn giáo - được Mác nhắc lại trong “Tư bản”: “Trong tôn giáo con người bị sản phẩm của chính đầu óc mình thống trị, thì trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng vậy, con người cũng bị sản phẩm của chính bàn tay mình thống trị” [87, tr. 875].
Nội dung nhân đạo của việc chống tha hoá tôn giáo cũng được Ăngghen trình bày rõ ràng. Điều này cho thấy sự tương đồng trong tư tưởng của hai ông ngay khi còn trẻ và cũng là sự thể hiện đặc điểm nổi bật của phái Hêghen trẻ lúc đó. Ăngghen đã chỉ rõ:
Cho tới nay, câu hỏi bao giờ cũng là: Thượng đế là gì? - và triết học Đức đã giải đáp như sau: Thượng đế là con người… Bản chất riêng của con
người vĩ đại hơn nhiều và cao quý hơn nhiều, so với bản chất tưởng tượng của tất cả những “Thượng đế” có thể có, vì những Thượng đế này chỉ là sự phản ánh ít nhiều mập mờ và bị bóp méo của bản thân con người [3, tr. 820].
Như vậy các nhà kinh điển mácxít đều khẳng định tôn giáo là biểu hiện chính của sự tha hoá bản chất con người. Theo bản chất của nó, tôn giáo là sự rút hết toàn bộ nội dung cơ bản của con người và giới tự nhiên, là việc chuyển nội dung đó sang cái bóng mà Thượng đế ở bên kia thế giới. Từ đó các ông đi đến tư tưởng về chống tha hoá tôn giáo để “quay về một cách kiên quyết, thành thực không phải với “Thượng đế” mà với bản chất của mình”.
Khác với các nhà triết học Đức lúc đó, Mác không coi phê phán tha hoá tôn giáo là tiền đề của mọi sự phê phán, mà đi sâu lần tìm căn nguyên xã hội cũng như kinh tế của nó, để có thể khắc phục sự tha hoá đó. “Do đó việc phê phán tôn giáo là hình thức manh nha của sự phê phán cuộc sống khổ ải mà tôn giáo là vòng hào quang thần thánh của nó” [78, tr. 570].
* Tha hoá trong lĩnh vực xã hội - chính trị:
Đối với nước Đức thì sự phê phán tôn giáo là “tiền đề” của mọi sự phê phán khác, nhưng Mác còn đi xa hơn, với ông thì phê phán tôn giáo chỉ là bắt đầu, nó thúc đẩy ông đến những vấn đề tha hoá trong lĩnh vực chính trị, xã hội và kinh tế. Sự tha hoá tôn giáo với tư cách là sự tha hoá của những sản phẩm của con người - sản phẩm tinh thần, không phải là duy nhất và không phải giữ vai trò chính yếu. Trên đây chúng ta đã giải thích vì sao Mác thời trẻ tiếp theo những người đương thời, đã bắt đầu từ sự tha hoá tôn giáo. Với tư cách là một bộ phận của ý thức xã hội, tha hoá tôn giáo là biểu hiện của sự tha hoá ý thức, tư tưởng. Khác với các nhà duy tâm Đức, Mác cho rằng mọi sự tha hoá của ý niệm, tư tưởng con người là kết quả tha hoá những mối quan hệ giữa các cá nhân cũng như của sự phân công lao động đã có. Sự tha hoá trong lĩnh vực ý thức, tư tưởng
là hậu quả của những điều kiện xã hội. Trong “Hệ tư tưởng Đức”, chúng ta tìm thấy một đoạn văn mà có lẽ từ trước đến nay ít ai để ý đúng mức. Mác viết về nền triết học, nhưng ý nghĩa của nó thì có tính rộng rãi hơn nhiều. Đó là:
Đối với nhà triết học, một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất là từ thế giới tư tưởng hạ mình xuống thế giới hiện thực. Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng… Các nhà triết học chỉ cần đem ngôn ngữ của họ trở lại ngôn ngữ thông thường mà từ đó nó đã được trừu tượng ra, thì có thể nhận thấy rằng ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ bị xuyên tạc của thế giới hiện thực và có thể hiểu được rằng cả tư tưởng lẫn ngôn ngữ tự chúng đều không tạo thành cho mình cái vương quốc đặc thù, rằng chúng chỉ là biểu hiện của đời sống hiện thực [81, tr. 656].
Từ chỉ dẫn trên của Mác, có thể rút ra kết luận sau:
Mọi hệ tư tưởng đều là biểu hiện của cuộc sống hiện thực, của những mối quan hệ hiện thực giữa những cá nhân, vì vậy cần phải biết nói chuyện về nó bằng ngôn ngữ của hiện thực đó.
Như vậy từ sự tha hoá ý thức, tư tưởng, chúng ta sẽ phải đưa nó trở về với nền tảng của nó là những vấn đề của sự tha hoá xã hội – chính trị, cũng như tới cơ sở của mọi vấn đề, tới sự tha hoá kinh tế. Ngay trong “Lời nói đầu góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen”, Mác đã chỉ rõ tính tất yếu phải nghiên cứu “cội rễ” của sự tha hoá tôn giáo.
Sau khi cái hình tượng thần thánh của sự tự tha hoá của con người đã bị bóc trần thì nhiệm vụ cấp thiết của cái triết học đang phục vụ lịch sử là bóc trần sự tự tha hoá trong những hình tượng không thần thánh của nó. Như vậy, phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê
phán tôn giáo biến thành phê phán pháp quyền, phê phán thần học biến
Và Mác cho rằng, cần tìm nguồn gốc của sự tha hoá tôn giáo ở chính điều kiện xã hội, chính những “xiềng xích thế tục”, bởi lẽ tôn giáo không còn là nguyên nhân của tính chất hạn chế thế tục theo cách luận giải của Phoiơbắc và phái Hêghen trẻ mà chỉ là biểu hiện của nó. Điều đó nghĩa là phải tìm căn nguyên của tha hoá tôn giáo ở sự tha hoá xã hội – chính trị và ở tầng sâu hơn: tha hoá trong lĩnh vực kinh tế.
Quan niệm của Mác về sự tha hoá xã hội - chính trị xuất phát từ sự phê phán của ông đối với quan niệm của Hêghen về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội công dân. Hêghen cho rằng nhà nước chính là cơ sở của xã hội công dân, và sự tách rời giữa nhà nước chính trị và xã hội công dân là mâu thuẫn và mâu thuẫn này là yếu tố tất yếu của ý niệm, là chân lý tuyệt đối của lý tính. Mác cho rằng xã hội công dân chính là cơ sở của nhà nước, nhà nước ra đời trên nền tảng của xã hội công dân. Vì vậy, một khi nhà nước tách rời khỏi cơ sở của nó, thì đó chính là biểu hiện của sự tha hoá của chính nó. “Sự tồn tại bên kia của nhà nước chính trị chẳng qua chỉ là sự khẳng định việc tha hoá của bản thân các lĩnh vực đó” [76, tr. 352].
Quan niệm của Mác về sự tha hoá này xuất phát từ chính quan niệm của ông về sự “rạn nứt” nội tại diễn ra trong con người thể hiện ở hai vai trò, như đã phân tích ở trên. Mác viết:
Đối với mỗi cá nhân riêng lẻ, thì người ta thấy quy luật phổ biến ở đây là cái gì. Xã hội công dân và nhà nước tách rời nhau. Do đó cả công dân nhà nước cũng tách rời công dân là thành viên của xã hội công dân. Như vậy con người phải tự buộc mình phân đôi về bản chất [76, tr. 425].
Và sự phân đôi đó là biểu hiện của sự tha hoá bản chất con người, sự xa lạ của con người với con người
Nơi nào mà nhà nước chính trị đã đạt tới hình thức thật sự phát triển của nó, thì không những trong tư tưởng, trong ý thức mà cả trong hiện
thực, trong đời sống con người cũng có một cuộc sống kép, cuộc sống thiên giới và cuộc sống hạ giới, cuộc sống trong cộng đồng chính trị
trong đó con người thừa nhận mình là một sinh vật xã hội, và cuộc sống trong xã hội công dân, trong đó con người hoạt động với tư cách là tư nhân, xem những người khác là phương tiện, tự hạ mình xuống vai trò phương tiện và trở thành đồ chơi của những lực lượng xa lạ [77, tr. 536 - 537].
Mác không tự giới hạn vào việc ghi nhận “sự phân đôi” của con người xuất phát từ hiện tượng tha hoá, mà ông còn rút từ đấy ra những kết luận cấu thành nền tảng của cương lĩnh hành động của ông vào thời đó, và đã đưa ông tiếp sau đó, tới chủ nghĩa cộng sản,
Chỉ khi nào con người nhận thức được và tổ chức được “những lực lượng của bản thân” mình thành những lực lượng xã hội và vì vậy sẽ không còn tách lực lượng xã hội dưới dạng lực lượng chính trị ra khỏi bản thân mình, - chỉ khi ấy giải phóng con người mới được hoàn thiện [77, tr. 558].
Trong đời sống xã hội, những mối quan hệ khác biệt được thiết lập giữa con người với nhau và cuối cùng tạo nên những cơ cấu vững chắc thường mang những hình thức thiết chế: nhà nước với bộ máy quan liêu của nó, những đảng phái chính trị, những giai cấp xã hội, những tổ nghề nghiệp, gia đình… Đó là những kiểu khác nhau của những mối quan hệ giữa con người với con người, tất cả chúng đều có một cái gì chung: bắt đầu từ lúc mà chúng mang những hình thức thiết chế (nhà nước, đảng phái, gia đình…) hay một tổ chức xã hội thường trực (giai cấp, tổ nghề nghiệp) thì chúng bắt đầu có một cuộc sống tự trị, độc lập với ý muốn và sự lựa chọn của những cá nhân. Lúc sinh ra đời, những cá nhân này thấy những thiết chế ấy hoặc những hình thức tổ chức xã hội ấy như là cái có sẵn và họ thuộc về chúng. Sự phụ thuộc của cá nhân vào sản phẩm được tự trị hoá
của con người khác nhau tuỳ thuộc vào hoàn cảnh xã hội được đại diện bởi thiết chế hoặc là hình thức tổ chức xã hội đã có sẵn. Nhưng sự phụ thuộc là tuyệt đối và bất khả kháng trong mọi trường hợp. Đặc biệt nếu lúc đó là nhà nước thì sự tha hoá của sản phẩm con người dễ nhận thấy và có tính chất phá hoại nữa.
Theo Mác, nhà nước là tổ chức của giai cấp thống trị; bằng sự cưỡng bức thể xác, nó duy trì sự thống trị kinh tế và chính trị của nó, nhưng đồng thời đó cũng là một tổ chức quản lý những guồng máy phức tạp của đời sống xã hội. Theo một ý nghĩa nào đó nhà nước tương ứng với một đội vũ trang (quân đội, cảnh sát...), cơ quan hành chính..., quyền lực của nó càng lớn thì sự tha hoá của nó càng nguy hiểm, nó càng với tư cách một lực lượng tự trị thoát khỏi sự kiểm soát của con người. Đấy không còn là, theo ý nghĩa mà Hêghen gán cho nó, ý thức bị xé nát của cá nhân, vừa là tư sản, vừa là công dân, mà là hiện thực nguy hiểm của bộ máy cưỡng bức có khả năng thống trị mọi cá nhân “nổi loạn”, và càng ngày càng là hiện thực của bộ máy tha hoá cai quản những sự vật không tách rời khỏi sự cai trị con người. Mác viết:
Nhà nước với tư cách là một cái gì ở thế giới bên kia và xa lạ với bản chất của xã hội công dân, khẳng định bản thân bằng những đại biểu của mình đối lập với xã hội công dân “cảnh sát”, “toà án” và “cơ quan hành chính” không phải là đại biểu của bản thân xã hội công dân - là xã hội đang thông qua chúng mà bảo vệ lợi ích phổ biến của chính mình - mà là những đại biểu toàn quyền của nhà nước để quản lý nhà nước chống lại xã hội công dân [76, tr. 381].
Sự đối lập giữa nhà nước và xã hội công dân - sự tha hoá của nhà nước