Thực hiện dân chủ hoá xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) vấn đề con người trong cải cách hành chính nhà nước ở việt nam hiện nay (Trang 105 - 110)

1 .Tính cấp thiết của đề tài

8. Kết cấu của luận án

2.4. Những giải pháp phát huy vai trò chủ thể của con người trong quá trình

2.4.2. Thực hiện dân chủ hoá xã hội

Trong CCHC, con người tham gia với tư cách chủ thể từ hai phương diện: những người trong bộ máy hành chính và quần chúng nhân dân -

những người giám sát và hưởng lợi từ công cuộc CCHC. Trong phương diện nào thì việc phát huy tính tích cực của chủ thể cũng vô cùng quan trọng giúp cho công cuộc cải cách đạt đuợc kết quả. Tuy nhiên để phát huy được tính tích cực của con người cần phải dân chủ hoá xã hội.

Con người là trung tâm của sự phát triển, là chủ thể của hoạt động CCHC nhà nước; khi đặt con người vào vị trí nói trên, thì dân chủ hóa xã hội là một đòi hỏi nhằm nâng cao vai trò của con người lên tầm cao mới, tạo nền tảng thúc đẩy cải cách có hiệu quả, đẩy lùi nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí và nạn vô chính phủ trong đời sống xã hội.

Với tư cách là con người – chủ thể của một hoạt động có quy mô lớn như CCHC, thực hiện dân chủ hóa xã hội nhằm đảm bảo những giá trị cơ bản sau cho con người với vai trò nói trên:

Thứ nhất: Là quyền tự do cá nhân.

Dân chủ hóa xã hội là quá trình tạo điều kiện cho con người nhận

thức được rằng: phải tự mình định đoạt các phương tiện sinh tồn của mình

và do vậy, tự mình làm chủ lấy mình [92, tr. 30]. Cũng theo đó, CCHC như đã trình bày chính là hoạt động định đoạt các phương tiện sinh tồn của con người, đó là quyền tự do xuất phát từ bản chất của con người. Tất nhiên quyền tự do cá nhân (con người xã hội) khác hẳn với tự do bản năng hay thú tính. Bởi vậy, tự do mang tính người phải tồn tại trước hết dưới dạng tự do ý chí, tức là quyền của cá nhân được khẳng định ý chí của mình. Nhờ tất yếu xã hội (tồn tại dưới dạng nhà nước, pháp luật, các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ, ...) mà mỗi cá nhân mới bảo tồn được tự do của chính mình.

Gắn kết với hoạt động CCHC nhà nước, con người có quyền giám sát, nhận xét mọi hoạt động cải cách của bộ máy hành chính nhà nước, đánh giá về chất lượng điều hành, quản lý xã hội của nhà nước, có quyền phê phán sự yếu kém về năng lực, sự suy đồi về đạo đức của những người đứng ra nhận trách nhiệm lãnh đạo nếu họ có những biểu hiện như vậy. Đã là nhà nước của dân thì phải chịu sự kiểm soát của nhân dân. Con người có quyền nói

lên nguyện vọng và nhu cầu của cá nhân mình trước nhà nước. Kể cả những ý nguyện đó chỉ là thuộc thiểu số thì nhà nước vẫn phải có trách nhiệm cân bằng lợi ích giữa đa số và thiểu số để tạo nên một sự hài hòa và đồng thuận cao trong xã hội.

Mặt khác, tự do ý chí là tiền đề tất yếu của tinh thần trách nhiệm ở con người, trong đó quá trình dân chủ hóa xã hội chính là sự minh bạch hóa các mục tiêu và con đường cho các chủ thể hoạt động. Xuất phát từ quá trình đó, bằng cách lựa chọn và hành động, con người chịu trách nhiệm về sự lựa chọn cũng như về hành động của mình. Nằm trong hoạt động CCHC nhà nước, quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội khiến con người – chủ thể của quá trình cải cách không thể trốn tránh trách nhiệm của mình. Và chỉ có như vậy mới tạo ra sự gắn kết giữa nhiệm vụ với con người thực thi nhằm mang lại kết quả như mong muốn của hoạt động cải cách.

Thứ hai: Là bình đẳng về điều kiện hay bình đẳng về cơ hội phát triển của mỗi cá nhân.

Dân chủ hóa xã hội là một cách thức làm thăng tiến quyền con người. Qua quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, bình đẳng về điều kiện hay bình đẳng về cơ hội phát triển của cá nhân mới có thể thực hiện được. Từ đó mỗi người đều có cơ hội như nhau về mặt pháp lý để phát triển khả năng của mình. Dưới góc độ này, dân chủ hóa xã hội không đơn thuần là sự mở rộng và tự giác tham gia của con người vào các quá trình xã hội hay là việc thể chế hóa quyền dân chủ trong chính sách và pháp luật của nhà nước mà đó còn là sự nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ của nhiều tầng lớp trong xã

hội nhằm tạo ra một môi trường xã hội: trong đó mọi đặc quyền của sự xuất

thân, của giai cấp và của tổ tông bị trừ bỏ. Trên cơ sở này, dân chủ hóa xã hội chính là yêu cầu nhằm đảm bảo cho con người - chủ thể của hoạt động CCHC được phát huy hết vai trò và năng lực của mình. Con người với những tiềm năng sáng tạo cùng tính tích cực, chủ động của bản thân sẽ dễ dàng được sắp xếp hoặc tự tìm thấy vị trí của mình trong hệ thống xã hội

nói chung và hoạt động cải cách nói riêng. Khi đó tất cả các cải cách, các chương trình cải cách sẽ dễ dàng và nhanh chóng đạt được kết quả như

mong muốn bởi bản chất của nó là hoạt động cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện

công tác quản lý cho tất cả các hệ thống xã hội có kết cấu chính là những con người cụ thể.

Thứ ba: Là sự thống nhất trong tính đa dạng,

Dân chủ hóa đời sống xã hội là điều kiện để tự do cá nhân được bảo tồn, tôn trọng và phát triển hết tầm vóc của nó. Mặt khác, dân chủ hóa đời sống xã hội cũng đồng thời là quá trình tạo ra hệ thống các mục tiêu và giám sát thực hiện các mục tiêu đó. Nhờ quá trình này, các chủ thể của hoạt động cải cách dễ dàng tìm được sự thống nhất ý chí, theo các mục tiêu chung tương ứng với sự đồng thuận của toàn xã hội xây dựng nên các chương trình cải cách, tổ chức thực hiện nó đạt đến kết quả cuối cùng.

Dân chủ hóa xã hội chính là sự xác nhận những khác biệt để bổ khuyết cho nhau ở những con người chủ thể khác nhau của hoạt động cải cách, từ đó thống nhất họ cho một mục tiêu chung. Quá trình này buộc các cá thể thu hút, phụ thuộc vào nhau, tạo thành một khối thống nhất dưới sức ép của sự khác biệt. Do đó, một mặt dân chủ hóa xã hội sẽ tạo ra những chuẩn mực chung cho mọi người, nói một cách cụ thể là thu nhận những sự khác biệt để dung hợp, tìm ra tiếng nói chung hoặc đi tới giải pháp tối ưu nhất nhằm đem lại lợi ích đa phương; mặt khác nó khiến các chủ thể có trách nhiệm, được giao quyền thực hiện các chương trình xã hội không một ai được tuyên cáo tính cách hẹp hòi và quyền riêng của mình là chuẩn mực chung.

Thứ tư: là động lực phát huy vai trò chủ thể tích cực sáng tạo

Là một yếu tố quan trọng của hiện thực đời sống xã hội, dân chủ tạo nên môi trường thuận lợi, với bầu không khí chính trị - tinh thần cởi mở, năng động, tác động lên nhân tố con người, hình thành thái độ sống tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thực hiện chức trách, nhiệm vụ của

đội ngũ cán bộ, công chức. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ, các sáng kiến hay các quyết định cải cách trong môi trường dân chủ đó cũng đồng thời là quá trình cán bộ, công chức bộc lộ thái độ đồng tình, ủng hộ những nhân tố tích cực, tiến bộ, phản đối những hiện tượng tiêu cực, qua đó phát triển tính tích cực xã hội của mình. Trong môi trường dân chủ, trước những vi phạm kỷ luật, vi phạm dân chủ, con người tỏ thái độ, dám tố cáo, dám đấu tranh, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng kỷ cương, pháp luật, làm lành mạnh hóa các quan hệ hành chính nói chung và các quan hệ xã hội nói riêng. Từ đó các yếu tố dân chủ chuyển hóa thành nhu cầu thực sự của đội ngũ cán bộ, công chức hình thành nên một tâm trạng xã hội tích cực, mọi người được bình đẳng, được cống hiến và hưởng thụ trên cơ sở công bằng xã hội. Trong môi trường dân chủ, người cán bộ bộc lộ nhận thức, tình cảm, quan điểm, chính kiến của mình, hình thành nên các mối quan hệ hành chính mới giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ với nhân dân và quan hệ giữa người với người trong một tập thể. Nhu cầu tự khẳng định nhân cách thông qua các quan hệ hành chính mới là một động lực thúc đẩy tính tích cực xã hội của đội ngũ cán bộ, công chức phát triển. Trong môi trường dân chủ, nhu cầu và lợi ích chính đáng của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước hình thành, phát triển cùng với quá trình thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của họ, thúc đẩy tính tích cực xã hội của đội ngũ cán bộ phát triển.

Như vậy, dân chủ, mà những giá trị của nó được thể hiện ngày càng đầy đủ trong quá trình dân chủ hóa xã hội là một yếu tố trong sự phát triển nhân tố con người với vai trò là chủ thể của các hoạt động xã hội, là yêu cầu nhằm đảm bảo những giá trị cơ bản cho con người với vai trò là chủ thể của hoạt động CCHC nhà nước ở Việt Nam. Từ sự phân tích lý luận nêu trên, để phát huy vai trò nhân tố chủ thể của con người trong CCHC quá trình dân chủ hoá xã hội cần hướng cụ thể vào các vấn đề sau:

- Cần phải chú trọng tới việc mở rộng quyền được tham gia nhiều hơn của cán bộ, công chức vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch CCHC

nhà nước nói chung, của từng đơn vị, cơ quan mà cán bộ, công chức đang làm việc.

- Tùy vào từng công việc, vào những vị trí, chức vụ cụ thể mà trao cho họ những thẩm quyền quyết định, gắn với trách nhiệm của họ.

- Đối với quần chúng nhân dân và cả đối với cán bộ, công chức để thực hiện quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội phát huy vai trò nhân tố chủ thể cần phải mở rộng hoạt động trao đổi thông tin, nhận xét, đánh giá, phê phán, bình luận, đối thoại, đề xuất, kiến nghị về các vấn đề của đời sống xã hội, của cộng đồng và của dân tộc không bị ràng buộc, không bị cấm đoán một cách vô lý sẽ làm cho mọi tiềm năng sáng tạo của con người được phát huy, tính tích cực, chủ động của con người được tăng lên, sự tham gia của nhân dân vào các quá trình cải cách, sáng tạo ra xã hội mới sẽ ngày càng có hiệu quả cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) vấn đề con người trong cải cách hành chính nhà nước ở việt nam hiện nay (Trang 105 - 110)