Hoạt động tín dụng là hoạt động chính, nghiệp vụ chủ yếu mang lại thu nhập cho hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, do đó việc nâng cao chất lượng, quản lý rủi ro tín dụng càng phải được thắt chặt hơn nữa trong tình hình kinh tế có nhiều biến động bất lợi và môi trường cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng nước ngoài. Muốn thế các ngân hàng cần phải:
-Thống nhất nhận thức và nhất quán trong việc thực hiện chính sách tín dụng với tầm nhìn dài hạn.
-Chủ động xây dựng hệ thống thông tin, các chỉ số giúp cảnh báo trước về các nguy cơ có rủi ro cao cần phòng tránh, như xác định được những lĩnh vực, những ngành có tiềm ẩn
rủi ro cao.
-Đa dạng hoá danh mục đầu tư, đa dạng hoá khách hàng, không tập trung cho vay một loại khách hàng, ngành hàng hay lĩnh vực nào đó mà cần mở rộng đối tượng cho vay nhằm giảm thiểu và phân tán rủi ro.
-Hợp tác và cạnh tranh hợp pháp giữa các ngân hàng. Có thể bằng hình thức cho vay đồng tài trợ nhằm tăng năng lực thẩm định, khả năng giám sát vốn vay và có thể chia nhỏ rủi ro khi có sự cố xảy ra.
-Nên tổ chức và củng cố lại bộ phận tín dụng theo hướng chuyên môn hoá các khâu trong quy trình tín dụng, không nên cho một cán bộ chuyên trách một khoản vay từ khi bắt đầu đến khi kết thúc để giảm thiểu được rủi ro.
-Tổ chức đánh giá, xếp loại tín dụng khách hàng để từ đó có sự chọn lựa giao dịch với các khách hàng có uy tín, hoạt động có hiệu quả nhằm ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro ngay từ ban đầu.
Trong chương 3, tác giả đã đề ra một số giải pháp cần thiết quản lý rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó, có các giải pháp liên quan đến các cơ quan hữu quan như hoàn thiện hệ thống thông tin minh bạch kịp thời đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin của ngân hàng, rút ngắn quy trình xử lý phát mãi tài sản để thu hồi nợ,… và các giải pháp liên quan trực tiếp đến bản thân các ngân hàng như thực hiện tốt việc báo cáo, thực hiện nghiêm quy trình cấp tín dụng, trong sạch hoá đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng,…
Để thực hiện được tốt công tác quản lý rủi ro tín dụng tại các ngân hàng, đòi hỏi phải được phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa bản thân ngân hàng và các cơ quan hữu quan. Nhà nước, Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng hoạt động và kiểm soát rủi ro tín dụng, đồng thời các ngân hàng cũng cần cố gắng xây dựng cho riêng mình quy trình quản lý rủi ro tín dụng sao cho có hiệu quả.