CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN
b) Tính chất nhiệt của chất lỏng nanô
Nhóm nghiên cứu do Choi đứng đầu đã tiến hành đo đạc độ dẫn nhiệt của dầu poly(α-olefin) có chứa SWCNTs nhằm khẳng định tính ưu việt của chất lỏng nền chứa CNTs. Từ các đo đạc thực nghiệm ta thấy khi nồng độ SWCNTs tăng thì độ dẫn nhiệt của chất lỏng cũng tăng theo. Khi tỷ lệ thể tích của SWCNTs trong chất lỏng là 1,75%, độ dẫn nhiệt tăng lên đến 160%.
Một số nhóm nghiên cứu khác đã khảo sát độ dẫn nhiệt của chất lỏng khi MWCNTs được pha vào. Ví dụ, hình 1.12 là đồ thị thu được từ thí nghiệm của nhóm của Lifei Chen và cộng sự [38] khi đo độ dẫn nhiệt của nước cất (DW) và Ethylen Glycol (EG) theo nồng độ % về thể tích CNTs phân tán trong chất lỏng. Kết quả cho thấy độ dẫn nhiệt của chất lỏng EG có thể tăng từ 10 đến 15% với việc CNTs được đưa vào. Tại Viện khoa học Công nghệ Guwahati (Ấn Độ), nhóm nhà khoa học của Narendra Singh và cộng sự đã pha CNTs vào chất lỏng nền Ethylene Glycol với hàm lượng từ 0,12% đến 0,4% nhằm mục đích quản lý nhiệt cho ô tô [39,40].
Hình 1.12. Đồ thị sự phụ thuộc của độ dẫn nhiệt của nước cất (DW) và Ethylen Glycol (EG) vào nồng độ % thể tích của CNTs trong chất lỏng [38]
1.2.4. Ứng dụng chất lỏng nanô
Hình 1.13. Ứng dụng của chất lỏng nanô cho các lĩnh vực khác nhau Cho đến nay, nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới đã và đang nghiên cứu ứng dụng của chất lỏng nanô để nâng cao hiệu quả truyền nhiệt trong các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy mà hiện nay đã có nhiều công bố khác nhau về chất lỏng nanô, từ phương pháp chế tạo cho đến nghiên cứu tính chất nhiệt, cũng như mô hình và lý thuyết tính toán, hay truyền nhiệt đối lưu. Xi và cộng sự [41] đã đo đạc độ dẫn nhiệt của Ethylene Glycol (EG) được pha với các hạt oxit nanô của MgO, TiO2, ZnO, Al2O3, SiO2. Sự cải thiện độ dẫn nhiệt được cho thấy như trong bảng 1.1. Trong bảng này, độ dẫn nhiệt của TiO2/EG là thấp nhất và của chất lỏng nanô MgO/EG là cao nhất.