Chương 3 KẾTQUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1.2. Thực trạng phát triển kinh tế xã hội
a. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế
Năm 2019, thành phố Thái Nguyên đạt các chỉ tiêu kinh tế như sau: Tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất năm 2019 đạt 16,5%. Trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 24.110 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 29.355 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 2.053 tỷ đồng. Thu ngân sách đạt 3.000 tỷ đồng (UBND TP.Thái Nguyên, 2020).
Thành phố Thái Nguyên nằm trong vùng phát triển kinh tế năng động của tỉnh Thái Nguyên (bao gồm thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên), là trung tâm công nghiệp lâu đời với trung tâm công nghiệp Gang thép. Ngoài ra thành phố còn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, với Hồ Núi Cốc, các di
tích lịch sử, cách mạng. Thành phố Thái Nguyên có đội ngũ cán bộ, công nhân có kinh nghiệm, năng lực, trình độ cao và đội ngũ sinh viên tốt nghiệp hàng năm từ các trường Đại học, chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Thành phố đã và đang có những chế độ ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố. Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, UBND thành phố đã tích cực cải tiến các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư tại thành phố theo nguyên tắc "1 cửa", giảm thiểu thời gian khi nhà đầu tư làm thủ tục hành chính để tiến hành đầu tư hoặc kinh doanh tại thành phố.
b. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng * Giao thông:
- Đường bộ: Thành phố Thái Nguyên là một đầu mút giao thông với 4 đường Quốc lộ và 1 tuyến cao tốc, 1 tuyến tiền cao tốc đi qua gồm: Quốc lộ 3 (đi Hà Nội về phía Nam, đi Bắc Kạn về phía Bắc), Quốc lộ 37 (đi Tuyên Quang về phía Tây, đi Bắc Giang về phía Đông), Quốc lộ 17 (đi Hà Nội, qua Bắc Giang, Bắc Ninh), Quốc lộ 1B (đi Lạng Sơn), cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (nối vào tuyến tránh đi vòng qua thành phố, không vào trung tâm, đấu nối với các tuyến đường vào trung tâm tại 3 nút giao là Tân Lập, Đán và Tân Long), tiền cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn). Thành phố đã xây dựng và đưa vào sử dụng Bến xe khách trung tâm thành phố thay cho bến xe cũ đã quá tải. Đây cũng được xem như là bến xe lớn và hiện đại nhất khu vực phía Bắc, với hệ thống quản lý giám sát xe ra vào hoàn toàn tự động bằng thẻ từ. Bến xe cũ nằm trong trung tâm thành phố hiện là trung tâm thương mại Vincom. Thành phố đang triển khai xây dựng thêm Bến xe phía Bắc đặt tại phường Tân Long, và Bến xe phía Nam tại phường Tích Lương. (UBND TP.Thái Nguyên, 2020).
- Đường sắt: Thành phố Thái Nguyên có 2 hệ thống đường sắt chính: Hà Nội - Quan Triều và Lưu Xá - Kép, ngoài ra còn có tuyến Quan Triều - Núi Hồng chuyên dùng để chở khoáng sản. Hiện nay, một ngày có 2 chuyến tàu xuất phát từ Thái Nguyên đi Hà Nội.
- Đường sông: Hệ thống đường sông nội thủy hiện không còn được sử dụng do các sông thường có mức nước nông nhất là vào mùa đông. Trong tương lai tuyến sông Cầu qua thành phố sẽ được khai thác phục vụ du lịch.
* Giáo dục - đào tạo: Đại học Thái Nguyên: gồm 7 trường đại học, 2 khoa và 1 trường cao đẳng. Các trung tâm và viện nghiên cứu trực thuộc Đại học Thái Nguyên: gồm 9 đơn vị. Ngoài các trường thuộc Đại học Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên còn có nhiều trường Đại học, Cao đẳng thuộc các Bộ: 2 trường đại học, 12 trường cao đẳng và 1 văn phòng đại diện Đại học FPT tại Thái Nguyên. 8 trường trung học chuyên nghiệp, 11 trường trung học phổ thông công lập và 1 trường trung học phổ thông dân lập, ngoài ra còn có các trường phổ thông thuộc khối công an, quân đội (UBND TP.Thái Nguyên, 2020).
* Y tế: Thành phố Thái Nguyên là trung tâm y tế của vùng trung du miền núi Bắc Bộ với nhiều bệnh viện lớn có trình độ chuyên môn cao, bao gồm: 01 bệnh viện trung ương, 9 bệnh viện công lập, 4 bệnh viện tư nhân, các trung tâm y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật.
* Hệ thống điện: Nguồn cung cấp điện cho thành phố Thái Nguyên hiện nay là nguồn điện lưới quốc gia với hệ thống đường dây cao thế 110kV và 220kV thông qua đường hạ thế xuống 35kV - 12kV - 6kV/380V/220V; 95% các đường phố chính có đèn chiếu sáng ban đêm.
* Hệ thống nước sinh hoạt: Thành phố hiện có hai nhà máy nước là nhà máy nước Thái Nguyên và nhà máy nước Tích Lương với tổng công suất là 40.000m3/ng.đêm. Đảm bảo cung cấp nước sạch phục vụ cho sinh hoạt ở mức 100l/người/ngày. Đến nay, 93% số hộ khu vực nội thành được cấp nước sinh hoạt.
* Hệ thống thông tin liên lạc và truyền thông: Thành phố có 1 tổng đài điện tử và nhiều tổng đài khu vực. Mạng lưới viễn thông di động đã và đang được đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh, trên địa bàn thành phố đã được phủ sóng và khai thác dịch vụ thông tin di động bởi 6 mạng di động: Vinaphone, Mobifone, Viettel, Gmobile, Vietnamobile và Sfone.
c. Phát triển dân số và cơ cấu lao động
Thành phố Thái Nguyên hiện có 32 đơn vị hành chính cấp phường, xã bao gồm 21 phường và 11 xã. Kết quả điều tra dân số thường trú trên địa bàn thành phố Thái Nguyên năm 2019 là 362.921 người, gồm 08 dân tộc chủ yếu là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Mông, Sán Chay, Hoa và Dao cùng sinh sống, mật độ dân số 1.628 người/km2; trong đó: khu vực thành thị 3.292 người/km2, nông thôn 605 người/km2 (UBND TP.Thái Nguyên, 2020).
So với tỉnh Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên là đơn vị có số dân và mật độ dân số cao nhất tỉnh. Dân số đông tạo ra nguồn lao động dồi dào đồng thời cũng là một thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn song cũng gây những áp lực không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, đặc biệt là áp lực về đất đai, môi trường sinh thái.