3.4. Kết luận
Việc tìm hiểu một số thiết bị PLC hiện có trên thị trường thế giới và thị trường Việt Nam cho thấy sự phát triển của công nghệ PLC với sự đa dạng của các thiết bị. Tại thị trường Việt Nam, chỉ riêng các thiết bị PLC ứng dụng để kết nối mạng trong nhà đã có những đơn vị cung cấp sản phẩm của nhiều hãng khác nhau;ngoài ra còn có các thiết bị PLC dùng cho các ứng dụng giám sát như camera sử dụng mạng điện trong nhà. Qua thí nghiệm kết nối mạng điện trong nhà sử dụng 02 thiết bị PLC của hãng Tenda là P200 và PW201A có thể thấy việc kết nối giữa 02 thiết bị PLC rất đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, không cần cấu hình. Tuy nhiên, tốc độ truyền dữ liệu thực tế trên mạng điện trong nhà có sự khác biệt lớn so vớithông số kỹ thuật của thiết bị và chậm hơn rất nhiều so với tốc độ truyền dữ liệu trên mạng LAN.Tốc độ truyền dữ liệu thực tế trên mạng điện trong nhà trung bình khoảng 1.4 Mbps khi sử dụng cáp Ethernet để kết nối PC, Laptop với thiết bị PLC và trung bình khoảng 2.2 Mbps khi sử dụng wifi để kết nối Laptop với thiết bị PLC (tốc độ trung bình cho cả 02 trường hợp khoảng 1.8 Mbps) trong khi thông số kỹ thuật của thiết bị có thể lên tới tốc độ 200 Mbps. Tốc độ truyền dữ liệu trên mạng LAN trung bình khoảng 94 Mbps gần đạt tốc độ tối đa 100 Mbps của chuẩn kết nối IEEE 802.3u.
Để tìm hiểu nguyên nhân cần phải nghiên cứu hệ thống truyền thông tin qua đường dây điện theo chuẩn HomePlug AV do đây là chuẩn mà 02 thiết bị P200 và PW201A tuân theo. Việc nghiên cứu và mô phỏng hệ thống truyền thông tin qua đường dây điện theo chuẩn HomePlug AV sẽ lần lượt được giới thiệu trong các chương tiếp theo.
Chương 4
TÌM HIỂU MÔI TRƯỜNG TRUYỀN DẪN ĐƯỜNG DÂY ĐIỆN
Thực tế là đường dây điện trong nhà không phải được phát minh dành cho mục đích truyền thông đã tạo nên các đặc tính riêng biệt của nó. Kênh truyền biến đổi theo thời gian và tần số, thể hiện sự chênh lệch đáng kể giữa các vị trí theo cấu trúc mạng, loại dây điện và các tải kết nối. Thậm chí, các đặc tính khác nhau có thể phụ thuộc đường truyền được lựa chọn hoặc trạng thái kết nối tạm thời của các thiết bị điện. Chương này sẽ tìm hiểu cấu trúc vật lý, nhiễu, các đặc trưng và mô hình kênh truyền của môi trường truyền dẫn đường dây điện. Đây là các cơ sở lý thuyết quan trọng để thực hiện mô phỏng ở chương tiếp theo.
4.1. Môi trường truyền dẫn đường dây điện 4.1.1. Cấu trúc vật lý 4.1.1. Cấu trúc vật lý
Trong môi trường truyền dẫn đường dây điện, liên kết thường là kết nối được thiết lập giữa hệ thống truyền, hệ thống nhận tới lưới điện sử dụng dây dẫn và dây trung hòa. Sơ đồ dây điện thường không được biết chính xác nhưng nói chung có một số mạch điện mở rộng từ các kết nối chính tới các đường dây bên ngoài như được mô tả trong Hình 4.1. Vì vậy, mạng điện có kiến trúc giống cây có thể xem như kết nối của nhiều đường truyền kết thúc trong một giá trị trở kháng phức tạp tùy theo thiết bị cụ thể cắm vào ổ điện.
“Số lượng thiết bị trong mạng và đặc tính của chúng (độ dài nhánh, vị trí tương đối, loại dây điện, loại tải…) sẽ xác định đáp ứng tần số của kênh. Trong mọi trường hợp, sự suy hao thường rất cao ngay cả khi khoảng cách ngắn do số lượng lớn các “nhánh” trong mạng và trở kháng không phù hợp” [2].
Cấu trúc của mạch điện có ảnh hưởng đáng kể trên đáp ứng kênh gây ra méo tuyến tính của biên độ và pha. Hiện tượng truyền đa đường xuất hiện do phản xạ của tín hiệu đi qua mỗi nhánh, ổ cắm trống hoặc các tải gặp phải dọc theo đường trực tiếp từ thiết bị truyền tới thiết bị nhận. Trên khoảng cách liên kết, các yếu tố liên quan trong sự thay đổi suy hao với tần số là số lượng nhánh, độ dài nhánh.