Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu một phương pháp phối hợp trở kháng sử dụng một đoạn đường truyền ngắn mạch hoặc hở mạch (gọi là dây nhánh hay dây chêm), được mắc song song hoặc nối tiếp với đường truyền đặt cách tải một khoảng d nhất định. Phương pháp này được sử dụng khá phổ biến do đơn giản trong chế tạo (có thể là đoạn mạch dải hoặc vi dải) và dễ điều chỉnh. Trong thiết kế mạch phối hợp trở kháng sử dụng dây chêm đơn, có hai thông số quan trọng trong thiết kế mà người thiết kế cần chú ý đó là khoảng cách đường truyền d tính từ tải tới vị trí đoạn dây nhánh nối tiếp và giá trị điện nạp hoặc điện kháng tương ứng với dây nhánh song song hoặc nối tiếp. Đối với trường hợp sử dụng dây chêm đơn song song, đầu tiên ta chọn giá trị d sao cho thành phần dẫn nạp nhìn từ phía đường truyền Y có giá trị Y0+jB. Sau đó chọn dây chêm sao cho thành phần điện nạp của nó có giá trị -jB để thỏa mãn điều kiện phối hợp. Tương tự đối với trường hợp dùng dây nhánh nối tiếp, khoảng cách d được chọn sao cho thành phần trở kháng nhìn từ phía đường truyền Z có giá trị Z0+jX, sau đó chọn dây chêm sao cho thành phần điện kháng của nó có giá trị -jX để thỏa mãn điều kiện phối hợp. Trong chương này, chúng ta sẽ đi sâu vào thiết kế trên giản đồ Smith cũng như các phương pháp phân tích cho trường hợp dung dây chêm đơn song song hoặc nối tiếp. [2]
- Ưu điểm: Không dùng các phần tử tập trung nên dễ chế tạo - Hai thông số điều chỉnh là khoảng cách d và Y hoặc Z.