Chương III : HỆ THỐNG ĐIỀU KHIỂN
3.2 Hệ thống điều khiển của máy ép 400 tấn
Để thực hiện yêu cầu công nghệ đặt ra đối với mạch thủy lực hình 2.2 thì hệ thống điều khiển được thiết kế như hình 3.2 với nguyên lý hoạt động và thứ tự vận hành như sau:
Bước 1: Khởi động
Ấn nút mở máy M (thời điểm t=0).
Cuộn hút của khởi động từ K1 được cấp điện, tiếp điểm K1 tại động cơ D1 đóng, động cơ D1 được khởi động. Đồng thời tiếp điểm phụ của khởi động từ K1 trong mạch điều khiển đóng để tự duy trì trạng thái hoạt động.
Cuộn hút của rơ le thời gian Rth1 được cấp điện, sau thời gian t=t1 đặt trước để động cơ D1 khởi động xong, tiếp điểm của Rth1 đóng. Cuộn hút của khởi động từ K2 được cấp điện, tiếp điểm K2 của khởi động từ tại động cơ D2 đóng, khởi động động cơ D2.
Cuộn hút của rơ le thời gian Rth2 được cấp điện, sau thời gian t2, đặt trước để khởi động xong động cơ D2 thì tiếp điểm của Rth2 đóng cấp điện cho phần tiếp theo. Đèn sáng, báo hiệu máy đã sẵn sàng làm việc.
Bước 2: Quá trình vận hành:
Nhấn nút bấm tác dụng kép N1, cuộn hút S1 của van phân phối 5 và cuộn hút của rơ le trung gian Rtg1 được cấp điện. Tiếp điểm của Rtg1 đóng cấp điện cho cuộn hút S3 của van 6. Như vậy cuộn hút S1 và S3 đồng thời hoạt động thực hiện quá trình hạ piston.
Tương tự, nhấn nút N2, thì cuộn hút S2 và S3 đồng thời hoạt động thực hiện quá trình nâng piston.
Việc sử dụng nút bấm tác dụng kép N1 và N2 để đảm bảo trong quá trình vận hành không thể xảy ra trường hợp cả S1 và S2 được tác động.
Nhấn nút D, toàn bộ mạch điều khiển bị ngắt điện. Tiếp điểm K1, K2 của các khởi động từ mở, cắt nguồn cấp điện cho các động cơ D1, D2 và mạch điều khiển.
Hình 3.2: Hệ thống điều khhiển
Các tình huống sự cố:
Cháy nổ các thiết bị của mạch điều khiển như: cầu chì C1, C2, các rơ le, các khởi động từ...
Dòng điện qua động cơ D1 hoặc D2 vượt quá giá trị cho phép khiến tiếp điểm của rơ le nhiệt RN1 hoặc RN2 mở dẫn đến cắt điện vào mạch điều khiển.
Khi dầu trong thùng dầu thấp hơn một ngưỡng đặt trước, tiếp điểm của phao báo dầu P mở, cắt điện vào mạch điều khiển.