Thứ nhất, trong bối cảnh chất lượng kiểm soát báo cáo tài chính của nhiều công ty kiểm toán không được bảo đảm, việc nhiều công ty niêm yết tranh thủ phát hành đã làm cho chất lượng cổ phiếu niêm yết có chiều hướng giảm sút.
Thứ hai, trong khi số lượng các CTCK được cấp phép hoạt động gia tăng nhanh quá mức thì số lượng nhà đầu tư, đối tượng cần phát triển thì lại tăng quá chậm, không tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và quy mô dân số của Việt Nam.
Cụ thể, trong số gần 900.000 tài khoản hiện có đến nay, nếu loại trừ số tài khoản được mở để tránh né các quy định, con số tài khoản thực sự giao dịch ước tính chỉ khoảng 300.000 - 500.000. So với mức dân số của nước ta, tỷ lệ chưa tới 1% nhà đầu tư chứng khoán trong tổng dân số là mặt hạn chế nhất trong 10 năm hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam.
Thứ ba, tình trạng sử dụng vốn của các công ty niêm yết chưa hiệu quả. Công ty phát hành cổ phiếu nhưng lại đầu tư không đúng ngành nghề chuyên môn.
Thứ tư, tình trạng làm giá, thao túng giá chứng khoán của 1 số doanh nghiệp đang làm xói mòn nghiêm trọng lòng tin của nhà đầu tư.
Thứ năm, tình trạng tùy tiện trong công bố thông tin, công bố thông tin chậm, thiếu chính xác, không trung thực đang gây bức xúc cho cộng đồng đầu tư và ngày càng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý.
Thứ sáu, việc bảo mật thông tin về tài khoản của nhà đầu tư (kể cả các CTCK có chức năng tự doanh), đặc biệt là thông tin về danh mục đầu tư, của các công ty chứng khoán còn nhiều bất cập, vẫn còn có tình trạng rò rỉ thông tin của khách hàng. Từ đó cho thấy vẫn còn những vấn đề về tính minh bạch của thị trường và quy trình bảo mật các thông tin của các cơ quan quản lý.
4.Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của TTCK:
Một là, thị trường cần một cơ quan quản lý độc lập, trực thuộc Chính phủ, để có đầy đủ các thẩm quyền, điều kiện và khả năng ban hành các văn bản pháp quy nhằm xử lý nhanh, nhạy các vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tiễn thay vì mô hình một Ủy ban (cấp Nhà nước) lại trực thuộc Bộ (Bộ Tài chính), phải qua quá nhiều tầng, nấc như hiện nay.
Không nên quản lý theo kiểu “cái gì không quản được thì cấm”. Việc nghiêm cấm các CTCK mở đại lý nhận lệnh trước đây (vi phạm Luật Doanh nghiệp) hay cấm sử dụng môi giới tự do như thời gian gần đây (không khả thi) là các ví dụ cụ thể.
Hai là, Nhà nước cần có chính sách cụ thể đối với TTCK hơn nữa như thuế kinh doanh (đối với từng đối tượng), thuế thu nhập, chính sách về quỹ đầu tư chứng khoán... Thông qua đó Nhà nước điều tiết vĩ mô thị trường này. Mặt khác Nhà nước cần điều chỉnh lộ trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhằm giảm sự mất cân đối cung - cầu chứng khoán.
Ba là, tổ chức lại các Sở giao dịch chứng khoán theo mô hình của các tổ chức tự quản với các thành viên là các CTCK. Trong mô hình này, các tổ chức tự quản không chỉ được phép xác định các quy tắc, các quy định điều chỉnh, các hành vi giao dịch trên TTCK, xác định tư cách, tiêu chuẩn thành viên của Sở giao dịch mà còn xác định hàng loạt các biện pháp kỹ thuật giám sát thị trường, các chế tài bắt buộc phải tuân thủ các nguyên tắc đã đề ra nhằm bảo đảm một thị trường công bằng và trật tự.
Bốn là, để kiểm soát rủi ro, cần nâng cao tiêu chuẩn niêm yết trên cả hai Sở giao dịch chứng khoán. Theo đó, đối với HOSE, môt công ty muốn niêm yết phải có lịch sử hoạt động 5 năm, số vốn thực góp phải đạt 200 tỷ đồng, chỉ số ROE bình quân 3 năm gần nhất tối thiểu 15%, số cổ đông tối thiểu 1.000 cổ đông. Tương tự, tiêu chuẩn niêm yết tại HNX lần lượt là 3 năm, 100 tỷ đồng, 10% và 500 cổ đông. Các cổ phiếu đã niêm yết tại HOSE nhưng không đạt tiêu chuẩn niêm yết mới sẽ chuyển sang niêm yết tại HNX, các cổ phiếu không đạt tiêu chuẩn tại HNX sẽ chuyển sang giao dịch tại thị trường UPCOM.
Năm là, tích cực đầu tư phát triển công nghệ, thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý thị trường một cách hiệu quả.
Sáu là, Nhà nước cần kiểm tra và đưa ra phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, bảo đảm giá trị đó mang tính khách quan và phản ánh giá trị cổ phiếu của công ty.
Bảy là, khuyến khích các doanh nghiệp đã huy động được vốn trên TTCK tiếp tục đầu tư mở rộng ngành nghề đang kinh doanh nhằm tạo nên những doanh nghiệp lớn có nền tảng khoa học công nghệ cao tầm cỡ quốc tế, tăng sức cạnh tranh sản phẩm hàng hoá của công ty trên thị trường quốc tế. Kiểm soát việc mở rộng quy mô, phát hành cổ phiếu tiếp theo của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ được phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ khi lượng vốn bằng tiền đã huy động phải được biến thành tài sản (máy móc, thiết bị) và mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để phát hành cổ phiếu đó cũng cần phải xác định lại giá trị doanh nghiệp. Không lấy giá trị cũ để làm căn cứ xác định mệnh giá cổ phiếu mới. Ngoài ra doanh nghiệp không được thanh toán cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu. Vì làm như vậy cũng dẫn tới lạm phát chứng khoán.
Tám là, cần sửa đổi Luật Chứng khoán và bổ sung các chế tài mới đầy đủ hơn, xử lý nghiêm minh hơn, có tính răn đe hơn các hành vi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, giao dịch nội gián, thao túng, lũng đoạn thị trường.
Chín là, cần hiện đại hóa các phương tiện công bố thông tin và đa dạng hóa phương pháp công bố thông tin trên các Sở giao dịch chứng khoán. Cần khẩn trương xây dựng mạng lưới truyền thông, mạng tin nhắn để phục vụ cho việc cung cấp thông tin trực tiếp từ tổ chức niêm yết đến các CTCK thành viên và hệ thống mạng điện thoại trả lời tự động các thông tin do nhà đầu tư yêu cầu.
Mười là, xây dựng một thị trường chứng khoán minh bạch với đầy đủ và sẵn có các thông tin để xác định các điều kiện cung cầu của thị trường. Những thông tin này sẵn có đối với tất cả thành viên tham gia thị trường ở cùng một thời điểm, nghĩa là tất cả các thành viên tham gia giao dịch đều có cơ hội tiếp cận thị trường như nhau. Chẳng hạn về việc không cung cấp thông tin về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (trong phiên giao dịch) tại HOSE hoặc việc thu phí cung cấp thông tin cho gói tin đầy đủ đối với các CTCK thành viên (đã đóng phí thành viên, phí giao dịch) là các bất hợp lý và cần phải được xem xét!
Mười một là, các công ty phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đúng sự thật, cập nhật và rõ ràng. Cần xử phạt nghiêm đối với những công ty không cung cấp thông tin và thông tin không minh bạch, sai sự thật.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần quy định chế độ cung cấp đầy đủ thông tin về sản xuất kinh doanh cho các nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp có cổ phiếu, trái phiếu trên TTCK, có thể là hàng tháng, hàng quý, năm...
Sở giao dịch chứng khoán cần tạo cơ chế để cung cấp công khai, thuận lợi những thông tin đó hàng ngày cho các nhà đầu tư, cho các nhà nghiên cứu, cho các phóng viên báo chí, các hãng thông tấn khi họ cần.
Cùng với quy chế về cung cấp thông tin nêu trên, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch chứng khoán cần có cơ quan "Thanh tra" để thanh tra kiểm tra những công ty có cổ phiếu, trái phiếu phát hành trên TTCK về việc chấp hành những quy chế và luật lệ quy định đối với TTCK. Thanh tra các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh chứng khoán. Các công ty phải tạo cơ chế để việc thanh tra, kiểm tra tiến hành thuận lợi, hơn thế nữa cơ chế còn nhằm tạo điều kiện để bất kỳ ai sở hữu cổ phiếu, trái phiếu của công ty có nhu cầu thanh tra kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đều có thể thực hiện được.
Mười hai là, cần có những quy chế chặt chẽ đối với các công ty chứng khoán nhằm giải quyết những bất cập trong việc lưu ký và thực hiện giao dịch chứng khoán, bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư. Cần có những hình phạt nghiêm khắc, kể cả việc thu giấy phép kinh doanh đối với những công ty làm mất chứng khoán, giữ chậm chứng khoán, gây phiền hà cho các nhà đầu tư. Nhà nước cần tạo cơ chế nhằm rút ngắn thời gian trong giao dịch chứng khoán.