1.3 .2Bài học kinh nghiệm đối với ViệtNam
2.1.3. Cơ hội và thách thức của hội nhập WTO đối với DNNN ViệtNam
Hội nhập KTQT trở thành một xu thế tất yếu đối với tất các các nền kinh tế trên thế giới. Hội nhập WTO là hoạt động mà tất cả các quốc gia đều muốn tham gia để phát triển kinh tế và tăng cường vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường thế giới. Gia nhập WTO đồng nghĩa với việc thực hiện các cam kết, các điều khoản do WTO áp đặt. Hội nhập WTO cùng với việc thực hiện các cam kết WTO mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNN Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức. Nhận diện những cơ hội và
thách thức khi tham gia WTO sẽ giúp cho các DNNN Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh để hội nhập có hiệu quả.
2.1.2.1. Cơ hội từ hội nhập WTO
Một là, sự mở rộng không ngừng của cả thị trường tiêu thụ lẫn thị trường các yếu tố sản xuất. Hội nhập WTO mang lại một thị trường rộng mở thay vì giới hạn nhỏ hẹp trong phạm vi quốc gia và các khách hàng quen thuộc trước đây. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước nói chung sẽ được tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ ở tất cả các nước thành viên WTO với mức thuế nhập khẩu đã được cắt giảm. Các nguyên tắc WTO cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm của Việt Nam có khả năng tự do cạnh tranh trên thị trường thế giới. WTO cũng mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các DNNN Việt Nam nói riêng trong việc tiếp cận các luồng vốn, công nghệ, nhân lực… đang lưu chuyển tự do trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, với việc tự do buôn bán, tự do cạnh tranh và tự do giao lưu với các nền kinh tế mạnh trên thế giới đã tạo mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc cải tổ các phương thức tổ chức và quản lý theo hướng hiện đại cùng các chuẩn mực quốc tế. Đây chính là một cơ hội lớn cho sự cải tổ DNNN, cho việc nâng cao NLCT của DNNN Việt Nam. Ngoài ra, cạnh tranh trong môi trường WTO đòi hỏi sự đổi mới không ngừng, sự sáng tạo không ngừng và khả năng nhạy cảm với những biến đổi linh hoạt không ngừng của môi trường. Điều này đã góp phần làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động của DNNN Việt Nam, năng động, sáng tạo và linh hoạt hơn.
Hai là, với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế theo cơ chế thị trường và thực hiện công khai, minh bạch các thiết chế quản lý theo quy định của WTO, môi trường kinh doanh của nước ta ngày càng được cải thiện. Mặt khác, tham gia WTO với những cam kết thực hiện các luật lệ liên quan đến
thương mại và đầu tư của WTO sẽ làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam. Đây là tiền đề rất quan trọng để không những phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế trong nước mà còn thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, qua đó tiếp nhận vốn, công nghệ sản xuất và kinh nghiệm quản lý, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, thực hiện CNH, HĐH đất nước, đảm bảo tốc độ tăng trưởng và rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Theo đó, các DNNN cũng có thêm nhiều cơ hội để mở rộng phát triển, thu hút các nguồn lực, mở rộng thị trường, tăng khả năng cọ xát quốc tế và nâng cao tính linh hoạt.
Ba là, gia nhập WTO Việt Nam có được vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, có cơ hội để đấu tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn, hợp lý hơn, có điều kiện để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp nội địa. WTO tạo cho các nước một kênh giải quyết các tranh chấp trong quan hệ thương mại quốc tế mang tính xây dựng và công bằng, thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp của các đối tác thương mại, nhất là các đối tác lớn.
Bốn là, mặc dù chủ trương của Việt Nam là chủ động đổi mới, cải tiến thể chế kinh tế ở trong nước để phát huy nội lực và hội nhập với bên ngoài nhưng chính việc gia nhập WTO, hội nhập vào nền kinh tế thế giới cũng thúc đẩy tiến trình cải cách trong nước, đảm bảo cho tiến trình cải cách của Việt Nam đồng bộ hơn, có hiệu quả hơn, phù hợp hơn với luật pháp và thông lệ quốc tế. Nhất là trong tiến trình tái cấu trúc, cải cách các DNNN hiện nay.
Trên đây là những cơ hội lớn mà gia nhập WTO mang lại. Tuy nhiên, có thể đạt được những lợi ích này hay không và đạt được ở mức độ nào còn phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố chủ quan và khách quan mà cả Nhà nước và các doanh nghiệp đều phải quyết tâm giải quyết một cách năng động và hiệu quả.
2.1.2.2. Thách thức khi hội nhập WTO
Bên cạnh những cơ hội WTO mang lại thì hội nhập WTO cũng hàm chứa nhiều thách thức lớn đối với DNNN.
Một là, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Hòa mình vào môi trường cạnh tranh rộng mở, các DNNN Việt Nam phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh lớn. Mức độ hội nhập càng sâu thì mức độ gay gắt của cạnh tranh càng lớn. Không chỉ dừng lại ở cạnh tranh trong khu vực mà còn cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn trên thị trường quốc tế. Các thương hiệu và đối tác lớn trên thế giới như:
Giày dép: Adidas, Allen – Edmons, Clarks, Ecco, Xoxo, Polo sport… May mặc: Guess, Dior, Victoria’s Secret, Dolce & Gabbana, Chanel Versace,Emporio Armani,Calvin KleinGucci,Prada…
Thuốc lá: Thuốc lá Shepheard’s Hotel, Xì gà Arturo Fuente Hemingway, Thuốc lá Fantasia, Xì gà Montecristo No. 2, Thuốc lá 555 State Express, Xì gà Ashton VSG Corona Gorda Thuốc lá Davidoff Classic, Thuốc lá Treasurer…
Nông sản: gạo Thái Lan, gạo Nhật Bản, gạo Ấn Độ, cà phê Kenya, cà phê Ethiopia, cà phê Brazil, cà phê Mexico…
Dầu khí và các chế phẩm từ dầu ở khu vực Trung Đông, Hoa Kỳ…. Các thương hiệu lớn về nhiều lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ khác trên thế giới….
Hội nhập WTO đồng nghĩa với việc mở của thị trường hàng hóa và dịch vụ trong nước. Điều này không những buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đối đầu với nhiều đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế mà còn phải cạnh tranh với cả các đối thủ ngoại trên chính thị trường nội địa của mình. Trong khi sức cạnh tranh của các DNNN Việt Nam vốn yếu do đã quen với sự bảo hộ của nhà nước, việc thực hiện các cam kết WTO đã tạo ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các DNNN Việt Nam nói
riêng. Không còn sự bảo hộ, không còn có các đặc quyền/độc quyền trong sản xuất – kinh doanh thực sự là một thách thức lớn đối với các DNNN ngay cả trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân nội địa. Thêm vào đó, sức ỳ của các DNNN Việt Nam quá lớn trong khi đòi hỏi của hội nhập WTO là sự năng động và linh hoạt. Tái cấu trúc DNNN là một trong ba lĩnh vực trọng tâm của tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đó vẫn còn là vấn đề nan giải. Vì vậy, nếu không tích cực chuẩn bị tốt thì khi đã gia nhập nhập WTO Việt Nam cũng khó có thể tạn dụng được cơ hội mở rộng thị trường, mà khả năng cạnh tranh hiệu quả ngay tại sân nhà cũng bị thách thức.
Hai là, hội nhập kinh tế quốc tế trong một thế giới TCH, tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước sẽ tăng lên. Sự biến động trên thị trường các nước sẽ tác động mạnh đến thị trường trong nước, đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn, có năng lực dự báo và phân tích tình hình, cơ chế quản lý phải tạo cơ sở để nền kinh tế có khả năng phản ứng tích cực, hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực trước những biến động trên thị trường thế giới. Trong điều kiện tiềm lực đất nước có hạn, hệ thống pháp luật chưa nhiều thì đây thực sự là khó khăn không nhỏ, đòi hỏi Việt Nam phải phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, với lòng tự hào và trách nhiệm rất cao trước quốc gia, trước dân tộc. Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNN nói riêng. Bởi vì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN vốn thấp, trình độ dự báo và phân tích tình hình kém, cơ chế quản lý không hiệu quả. Do vậy, khả năng phản ứng trước những biến động trên thị trường kém, những ảnh hưởng tiêu cực khó mà khắc phục nhanh chóng được.
Ba là, gia nhập WTO còn tạo ra sức ép cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các DNNN nói riêng phải thay đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất ra các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường quốc tế cả về thị hiếu lẫn chất lượng và tiêu chuẩn. Đây được xem là sức ép nặng nề nhất bởi từ trước
đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hầu như chỉ tập trung sản xuất những mặt hàng có khả năng sản xuất (tức là chú trọng khai thác lợi thế so sánh) chứ chưa thực sự quan tâm đến sản xuất những mặt hàng mà thị trường thế giới cần. Nay, tham gia vào hệ thống thương mại đa phương với quy mô toàn cầu, cần chú ý nâng cao năng lực sản xuất các mặt hàng để phục vụ người tiêu dùng thế giới. Cố gắng tạo ra những thương hiệu hàng Việt trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, cơ cấu sản phẩm tiêu dùng của thế giới hiện nay thay đổi rất nhanh, làm cho công nghệ cũng thay đổi không ngừng mới đáp ứng được việc sản xuất và cung ứng những sản phẩm đa dạng, với chất lượng tốt, hợp với thị hiếu. Khi đã tham gia đầy đủ vào nền KTTT và nhất là tiếp cận được với thị trường toàn cầu, quy luật lợi nhuận sẽ thúc đẩy mở rộng đầu tư tái sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lớn. Tình hình này có thể dẫn đến nguy cơ sản xuất ồ ạt, không có kế hoạch,chạy theo lợi nhuận, bất chấp những hệ quả xấu có thể phát sinh như cạn kiệt tài nguyên, làm cho đất đại bạc màu, hủy hoại môi trường sinh thái…
Bốn là, hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra những vấn đề mới trong bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo đó, các vấn đề về việc sản xuất và kinh doanh phải đảm bảo thân thiện với môi trường. Thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, vốn và nguồn lực của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là công nghệ và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh. Đa phần các doanh nghiệp và DNNN Việt Nam vẫn tiến hành sản xuất trên dây truyền thủ công hoặc các công nghệ lạc hậu hơn so với thế giới. Điều này tác động không nhỏ tới chất lượng sản phẩm cũng như hàm lượng giá trị sinh thái chứa đựng trong sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có thể thấy, hoạt động vì nhiều mục tiêu khác nhau, bao hàm cả mục tiêu xã hội và công ích nên việc cải thiện môi trường đối với các DNNN Việt Nam được đánh giá là tốt. Nhất là trong điều kiện KTTT hiện
nay, khi mà các doanh nghiệp đều chạy theo mục tiêu lợi nhuận thì vai trò xã hội, vai trò với môi trường của các DNNN được thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn.
Tóm lại, gia nhập WTO, hội nhập KTQT vừa mang lại những cơ hội lớn, vừa buộc các DNNN phải đối đầu với nhiều thách thức không nhỏ. Cơ hội tự nó không biến thành lực lượng vật chất trên thị trường mà tùy thuộc vào khả năng tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp. Thách thức tuy là sức ép trực tiếp nhưng tác động của nó đến đâu cũng còn tùy thuộc vào nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp. Cơ hội và thách thức không phải là “nhất thành bất biến” mà luôn vận động, chuyển hóa. Thách thức đối với ngành này, doanh nghiệp này nhưng lại có thể là cơ hội cho ngành khác, doanh nghiệp khác phát triển. Tận dụng được cơ hội sẽ tạo ra thế và lực mới để vượt qua và đẩy lùi thách thức, tạo ra cơ hội mới lớn hơn. Ngược lại, không tận dụng được cơ hội, thách thức thức sẽ lấn át, cơ hội sẽ mất đi, thách thức sẽ chuyển thành những khó khăn dài hạn rất khó khắc phục. Ở đây, nhân tố chủ quan, nội lực của đất nước, tinh thần tự lực tự cường của toàn dân tộc là quyết định nhất.