Vốn và hiệu quả sử dụng vốn

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 43 - 45)

2.2 Thực trạng về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam

2.2.3.1 Vốn và hiệu quả sử dụng vốn

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, vốn có một vai trò đặc biệt quan trọng. Theo số liệu năm 2002, số doanh nghiệp Việt Nam có vốn dưới 10 tỷ đồng chiếm 86,18%, trong đó có đến 95,49% là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Với quy mô vốn nhỏ như vậy dẫn đến một thực tế là hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều thiếu vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư phát triển. Thị trường vốn ở nước ta chưa phát triển, hệ thống ngân hàng còn nhiều yếu kém, các quy định về cho vay tín dụng còn khắt khe, khiến cho phần lớn doanh nghiệp Việt Nam rất khó tiếp cận các nguồn vốn. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, việc vay vốn ngân hàng và các quỹ đầu tư của nhà nước càng khó khăn hơn. Ở nước ta, trong thời gian dài các doanh nghiệp nhà nước được nhận phần lớn tín dụng từ các ngân hàng thương mại quốc doanh (khoảng 91% năm 1991). Trong những năm gần đây, tín dụng nhà nước cho các doanh nghiệp quốc doanh có xu hướng giảm mạnh, còn khoảng 45% năm 2000 và tăng lên cho khu vực ngoài quốc doanh (bảng 2.5).

Bảng 2.5

Cơ cấu phân bổ tín dụng của Việt Nam

Đơn vị:% Năm 1996 1997 1998 1999 2000 Tổng tín dụng cho toàn nền kinh tế 100 100 100 100 100 Tỷ trọng tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước 53 50 52 48 45 Tỷ trọng tín dụng cho các doanh

nghiệp ngoài quốc doanh 47 50 48 52 55

Nguồn: IMF - 2001.

Tuy vậy, hiện tại các doanh nghiệp nhà nước vẫn có khả năng vay vốn dễ dàng hơn mà không cần thế chấp. Các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, chủ yếu do các vấn đề bất cập nảy sinh trong việc thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc sử dụng vốn vay của các doanh nghiệp cũng còn những hạn chế, nhiều khi vốn vay được sử dụng không đúng mục đích dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước. Trong năm 1998, một đồng vốn của doanh nghiệp nhà nước chỉ làm ra được 2,9 đồng doanh thu và 0,14 đồng lợi

nhuận, thậm chí trong ngành công nghiệp một đồng vốn chỉ làm ra được 0,024 đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên đáng kể. Tỷ suất lợi nhuận của vốn tăng từ 3,7% (năm 2000) lên 4,3% (năm 2002) và 4,5% năm 2003. Vòng quay của toàn bộ vốn sản xuất kinh doanh được rút ngắn, năm 2000 là 0,79 vòng/năm thì năm 2002 tăng lên 0,90 vòng/năm, năm 2003 là 0,92 vòng/năm.

Hiện nay, thiếu vốn và tiếp cận nguồn vốn khó khăn đang là những cản trở lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế đến quá trình đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 43 - 45)