Các DNNVV Việt Nam, với các quan hệ thị trường chủ yếu là trong nước, cần quan tâm nhiều hơn nữa trước xu hướng này. Thị trường Việt Nam, với dân số hơn 80 triệu người, cần phải được xem xét như là thị trường chiến lược của các DNNVV trong nước. Các nghiên cứu khác nhau đã cho thấy, các DNNVV Việt Nam vẫn còn phát triển khá manh mún, với nguồn lực tài chính hạn chế, khả năng liên kết còn lỏng lẽo, chưa xem trọng các chiến lược phát triển thị trường và sản phẩm. Trong khi đó, trong điều kiện canh tranh, trong khi nguồn lực còn hạn chế, các DNNVV vẫn có thể tận dụng những cơ hội sẵn có để có thể tồn tại và phát triển. Xét về việc tận dụng nội lực, vấn đề phần lớn là năm trong tư duy kinh doanh của DNNVV Việt Nam nói chung. Trong điều kiện vốn ít, nhân công có trình độ thấp, khả năng quản lý chưa cao, cơ cấu sản phẩm đơn điệu…, các DNNVV cần phải có những thay đổi lớn về tư duy chiến lược. Đó là các chiến lược chuyên môn hóa sâu, tận dụng các nguồn lực có sẵn và tăng cường quan hệ liên kết với các DN khác. Nhưng để làm được như vậy, lối suy nghĩ cục bộ, tư duy quản lý trong khuôn khổ hạn hẹp như gia đình, bạn bè phải được xem là một trong những rào cản. Các DNNVV cũng khó có một chiến lược thị trường, những chính sách sản phẩm phù hợp một khi vẫn còn những tư duy khép kín.
Do hạn chế về vốn liếng, công nghệ, khả năng quản lý nên DNNVV Việt Nam khó có thể sáng tạo ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, với một tư duy đổi mới, không còn khép kín, phát triển liên kết…, các DNNVV sẽ có những cơ hội để khắc phục những khiếm khuyết mang tính cố hữu đó. Cạnh tranh phải được đặt trong khuôn khổ hiểu rõ thị trường. Với việc thay đổi tư duy chiến lược, các DNNVV Việt Nam sẽ hiểu rõ thị trường hơn, biết cách sản xuất và cung ứng những sản phẩm mà thị trường cần hơn.