II. Vai trò của nhà nước đối với hệ thống tài chính
d, Một số giải pháp cơ bản:
Thứ nhất, thiết lập đồng bộ hệ thống thể chế tạo môi trường cho hoạt động thực hiện giám sát tài chính, đặc biệt chú ý đến những quy đinh về hoạt động tín dụng của các ngân hàng.
Về nguyên tắc, việc giám sát hoạt động tín dụng không phải là nhằm bóp nghẹt hoạt động của các ngân hàng mà là hướng vào phòng ngừa rủi ro cho toàn bộ hệ thống. Theo đó, các giao dịch ngầm, các hoạt động né luật, lách luật cần được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Những giao dịch tín dụng theo kiểu "tay trong" cần được xử lý nghiêm khắc và triệt để. Mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước và tư nhân trong các ngân hàng cổ phần hoá phải được giám sát đặc biệt nhằm tránh hiện tượng xung đột lợi ích giữa các bộ phận đó. Thể chế phòng ngừa các hoạt động rửa tiền và lừa đảo cần phải được chú ý hoàn thiện. Hiện nay, điều chỉnh hoạt động phòng chống rửa tiền thuộc phạm vi của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP. Tuy nhiên, tiêu chí để xác định đâu là những giao dịch đáng ngờ, xét trong điều kiện hiện nay là không còn phù hợp. Trên thực tế hoạt động giám sát theo cơ chế này vừa qua mới chỉ phát hiện được khoảng 20 giao dịch đáng ngờ như vậy(5). Do đó, trong thời gian tới cần phải sửa đổi hoàn thiện những thể chế này nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu lực cho hệ thống giám sát tài chính. Bên cạnh đó, các thể chế giám sát hoạt động của các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm (bao gồm các tổ chức bảo hiểm nội địa và tổ chức nước ngoài) cần được thiết lập nhằm ngăn chặn những hoạt động lừa đảo xâm nhập theo hệ thống từ bên ngoài vào, cũng như hoạt động tại thị trường Việt Nam; Chú trọng kiểm soát các sản phẩm tài chính phát sinh phi truyền thống như bảo hiểm nhân thọ của các công ty tài chính; kiểm soát các hoạt động tái đầu tư từ nguồn vốn huy động trong dân cư về lĩnh vực bảo hiểm; Đặc biệt phải kiểm soát chặt hệ thống hoạt động cho vay dưới chuẩn nhằm đề phòng những rối loạn trên lĩnh vực tín dụng, bảo hiểm. Đối với thị trường chứng khoán,
cần bổ sung những quy định về minh bạch hoạt động giao dịch nhằm tạo sự lành mạnh trên thị trường; Giám sát hệ thống các hoạt động giao dịch thông qua các quỹ đầu tư thuộc chủ sở hữu nước ngoài để có thể phát hiện những hoạt động làm giá hoặc lũng đoạn thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý an toàn vận hành thị trường từ phía cơ quan chức năng.
Thứ hai, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm hướng đến giám sát từ xa rủi ro, phòng ngừa khủng hoảng.
Nhìn chung, hoạt động thị trường tài chính vốn vận hành hết sức tinh vi và phức tạp do dòng lưu chuyển giá trị vốn chịu tác động của rất nhiều quy luật khác nhau và khó kiểm soát, do đó luôn chứa đựng yếu tố bất ổn và tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng. Chính vì vậy, nâng cao năng lực phòng ngừa khủng hoảng thông qua hiệu lực giám sát tài chính là lĩnh vực đặc biệt phải chú ý trong điều kiện thị trường tài chính Việt Nam đang hội nhập vào thị trường tài chính khu vực và thế giới như hiện nay. Đặc biệt, khó kiểm soát hơn khi từ năm 2012, lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam sẽ phải được mở hoàn toàn theo cam kết với WTO, khi đó hoạt động và quy mô vận hành hệ thống thị trường tài chính tại Việt Nam không chỉ bó hẹp vào một số ít chủ thể như hiện nay. Bởi vậy, nếu không kiểm soát tốt, nguy cơ đổ vỡ, khủng hoảng cục bộ cũng như khủng hoảng hệ thống là rất dễ xảy ra. Vì thế, việc nâng cao năng lực hệ thống giám sát theo kinh nghiệm tăng cường siết chặt sự vận hành của hệ thống tài chính như xu hướng chung của thế giới là cần thiết. Điều cần đặc biệt lưu ý là thay vì giám sát theo tiêu chuẩn thì trong thời gian tới cần hướng tới hệ thống giám sát rủi ro và phòng ngừa rủi ro. Mô hình này đòi hỏi sự phức tạp và trình độ giám sát cao hơn nhiều so với việc giám sát theo mô hình cổ điển là giám sát theo quy định như trước đây. Giám sát tài chính theo phương hướng phòng ngừa rủi ro đòi hỏi phải cảnh báo và phát hiện từ xa những yếu tố gây rủi ro và phân loại được rủi ro để có giải pháp tình huống cũng như giải pháp lâu dài, căn bản để phòng ngừa khủng hoảng. Để đạt được trình độ như vậy chắc chắn không thể chỉ trong một thời gian ngắn. Vì thế, ngay từ bây giờ, sự chuyển đổi mô hình giám sát tài chính là cần thiết.
Thứ ba, minh bạch hoá mô hình kiểm soát nợ quốc gia và hoàn thiện cơ chế tài chính trong sử dụng ngân sách nhà nước.
Đối với việc kiểm soát nợ quốc gia, trước hết là nợ chính phủ phải được giám sát đặc biệt chặt chẽ. Cần xuất phát tìm chính "sức khoẻ" và khả năng chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam để tính toán quy mô và ngưỡng an toàn của vay nợ chứ không thể chỉ dựa vào các khuyến nghị của chuyên gia nước ngoài. Việc cân đối nợ mới và trả nợ cũ phải được thực hiện trên cơ sở mức tăng trưởng của nền kinh tế. Đặc biệt phải có cơ chế kiểm soát trách nhiệm của những người thực hiện chỉ đạo và tổ chức các khoản vay nhằm tránh những gánh nặng nợ cho thế hệ sau. Việc
sử dụng nguồn tài chính vay được cần được thực hiện bởi một hệ thống phân loại mục tiêu và giám sát chi tiêu đặc biệt nghiêm ngặt, nhằm tránh việc đầu tư dàn trải vào những hạng mục không sinh lời, hoặc thất thoát lớn dẫn đến không tạo được nguồn bù đắp cho việc trả nợ giai đoạn sau. Cần có thể chế kiểm soát nghiêm ngặt các chủ thể sử dụng nguồn tài chính vay nợ để tránh xảy ra tư lợi và tham nhũng. Việc phân bổ ngân sách cần loại trừ cơ chế xin cho vẫn rất phổ biến hiện nay, thể chế về phân bổ ngán sách cho đầu tư cần trên cơ sở cân đối nguồn thu gắn với yêu cầu trả nợ của Chính phủ và kiểm soát nợ trong ngưỡng an toàn. Phải căn cứ vào đặc điểm và trình độ phát triển kinh tế của vùng để thực hiện đầu tư và phân bổ ngân sách. Quy trình giám sát đặc biệt việc sử dụng ngân sách phân bổ cần được cải tiến để tránh việc lạm dụng mục tiêu ưu tiên để làm thất thoát và tham nhũng. Có thể tiến tới thành lập ủy ban phân loại đầu tư trực thuộc Quốc hội để giám sát chặt chẽ các công trình trọng điểm và cơ chế phân bổ, kỹ thuật phân bổ vốn cho các công trình trọng điểm nhằm hạn chế đầu tư dàn trải, gây lãng phí ngân sách nhà nước và gây rủi ro, mất cân đối, thậm chí vỡ nợ quốc gia.