Giải pháp về cơ sở pháp lý

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu mua sắm hàng hóa trong khu vực công ở Việt Nam (Trang 65 - 67)

- Ngày 26/11/2013, Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua luật đấu thầu số 43/2013/QH13, luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2014. Luật số 43 đã khắc phục được những hạn chế, tồn tại của Luật đấu thầu hiện hành như:

+ Phạm vi điều chỉnh rộng hơn, bao trùm toàn bộ hoạt động mua sắm của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập.

+ Điều chỉnh các hoạt động mua sắm thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước, mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), vv...

+ Luật số 43 đã quy định cụ thể các hình thức lựa chọn nhà thầu trong mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung và lựa chọn nhà thầu qua mạng; đồng thời Luật số 43 cũng quy định cụ thể các điều kiện để phát hành hồ sơ yêu cầu, phương pháp đánh giá hồ sơ đề xuất và phương pháp đánh giá hồ sơ thầu đối với gói thầu phi tư vấn.

+ Luật đấu thầu sửa đổi đã thống nhất với Luật đầu tư về khái niệm vốn nhà nước; đảm bảo tính công khai, minh bạch như việc quy định cụ thể về thông tin trong đấu thầu, quy định về đấu thầu qua mạng và quy định bắt buộc nhà thầu phải đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Việc xử lý tình huống đảm bảo tính độc lập đối với từng hoạt động mua sắm như đối với dự án thì thẩm quyền là Chủ đầu tư; đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung thì thẩm quyền là Bên mời thầu.

+ Việc xử lý vi phạm pháp luật trong đấu thầu theo Luật số 43 chưa được quy định cụ thể trong luật mà giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

+ Hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động đấu thầu được quy định mang tính chuyên sâu về nghiệp vụ như quy định riêng thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động đấu thầu.

- Hiện luật đấu thầu sửa đổi đã quy định khá chi tiết về hoạt động đấu thầu; do vậy, thời gian tới, các văn bản hướng dẫn dưới luật cần phải có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo các văn bản dưới luật được thống nhất, cụ thể, chi tiết, đảm bảo cho người thực hiện công tác đấu thầu được dễ hiểu. Cần sớm nghiên cứu và ban hành văn bản hướng dẫn việc mua sắm, lắp đặt đối với lĩnh vực Viễn thông – Tin học vì hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể đối với lĩnh vực này.

- Tăng cường các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên sâu về đấu thầu mua sắm hàng hóa. Công khai thông tin đối với các Chủ đầu tư, Bên mời thầu có sai phạm trên trang điện tử về đấu thầu.

- Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đột xuất. Chính phủ sớm nghiên cứu chế tài xử lý đối với những đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát đi thanh tra, kiểm tra, giám sát đơn vị vi phạm mà không phát hiện được sai phạm hoặc có báo cáo thiếu trung thực về kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát.

- Chính phủ cũng cần nghiên cứu và ban hành văn bản hướng dẫn dưới luật về chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu theo hướng cụ thể hóa, xử lý mạnh đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu; các cơ quan, tổ chức không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hay báo cáo hình thức. Cần có chế tài xử lý thật nghiêm đối với các cơ sở đào tạo về đấu thầu vi phạm pháp luật.

- Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, hiện chưa có định mức kinh tế cụ thể trong việc tạo lập phần mềm, do vậy, rất khó cho các chủ đầu tư, bên mời thầu định giá chính xác, hiệu quả đối với công việc tạo lập phần mềm. Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Tài chính xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong việc tạo lập phần mềm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu mua sắm hàng hóa trong khu vực công ở Việt Nam (Trang 65 - 67)