nghiêm trị nhằm tăng cường hiệu quả của thực tiễn bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Đồng thời việc chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có lỗi vô ý nên được quy định trực tiếp trong các tội phạm cụ thể. Trong mặt chủ quan của tội phạm về môi trường, mục đích và động cơ hầu như không có ý nghĩa để định tội. Tuy nhiên, cũng có tội có yêu cầu mục đích đối với một vài hành vi riêng lẻ. Thực hiện tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Đ.188) bằng hành vi sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm đòi hỏi phải có mục đích “khai thác thuỷ sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản” (M.a K.1 Đ.188).
3. HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI CÁC TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG TRƯỜNG
Trong việc thay đổi cách đánh giá tầm quan trọng của hoạt động bảo vệ môi trường nói chung, các tội phạm về môi trường nói riêng, các nhà lập pháp của Việt Nam đã thực hiện một cách đồng bộ việc sửa đổi khung hình phạt của các tội phạm về môi trường. Nếu như BLHS năm 1985 coi tội phạm về môi trường là tội phạm ít nghiêm trọng với mức cao nhất của khung hình phạt là 2 năm, thì BLHS năm 1999 đánh giá 6/10 tội là rất nghiêm trọng, trong đó cá biệt có khung hình phạt cao nhất đến 15 năm (Đ.189) (xét khung hình phạt cao nhất của các tội). Số tội phạm về môi trường còn lại đều được đưa vào danh mục các tội phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tính nghiêm khắc của khung hình phạt còn được thể hiện qua hình phạt “phạt tiền” với giá trị rất lớn (Đến hai trăm triệu đồng đối với tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản - Đ.188) và mỗi tội trong Chương tội phạm về môi trường còn có quy định riêng về hình phạt bổ sung cũng hết sức nghiêm khắc. Hình phạt tiền bổ sung có thể tới một
trăm triệu đồng đối với tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Đ.186). Ngoài ra, hầu như tất cả các tội phạm về môi trường còn quy định hình phạt bổ sung, theo đó người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Sự gia tăng đáng kể khung hình phạt đối với các tội phạm về môi trường một lần nữa khẳng định quyết tâm của Việt Nam đấu tranh với các hành vi phá hoại môi trường, đe doạ sự phát triển ổn định và thịnh vượng. Việc tăng cường áp dụng hình phạt tiền là một quyết định đúng đắn phù hợp với đặc thù của loại tội phạm này. Thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường sống, phòng ngừa các thiệt hại về môi trường đòi hỏi những khoản chi phí rất lớn. Hơn nữa, để khắc phục những thiệt hại về môi trường do các hành vi phạm tội gây nên cũng đòi hỏi những khoản chi không nhỏ. Chính vì vậy, việc tăng cường áp
dụng hình phạt tiền với giá trị lớn là một biện pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường sống tại Việt Nam. Vấn đề quan trọng ở đây là xây dựng một cơ chế cụ thể và rõ ràng để có thể sử dụng tiền phạt này vào đúng mục đích khắc phục thiệt hại và gìn giữ môi trường.
Trong quá trình áp dụng hình phạt đối với các tội phạm về môi trường có thể phát sinh một số vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp, mà chủ yếu liên quan đến phạt tiền. Đó là những vấn đề sau:
- Khả năng áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền. Trong mỗi điều luật của Chương XVII “Các tội phạm về môi trường” có phần cuối cùng (thường là phần 3 hoặc phần 4, gọi là phần cuối) quy định “người phạm tội còn có thể bị phạt tiền”. Tác giả Lê Cảm cho rằng quy định như vậy “không rõ ràng đó là hình phạt bổ sung”, sẽ khó đảm bảo được sự nhận thức đúng đắn và thống nhất như ngụ ý của nhà làm luật(8). Theo chúng tôi, quy định như trong các điều luật hiện hành
về hình phạt tiền bổ sung nhìn chung ngắn gọn, rõ ràng và khó có thể gây sự hiểu không thống nhất trong quá trình áp dụng. Ý kiến này dựa vào một số lập luận sau:
+ Phần cuối cùng trong mỗi điều luật không hề quy định tình tiết tăng nặng mà chỉ quy định những hình phạt, như vậy không thể nhầm lẫn với những khung hình phạt chính tăng nặng tại phần 2 và 3. Các hình phạt quy định trong phần cuối mỗi điều, ngoài phạt tiền, đều là các hình phạt bổ sung theo K.2 Đ.28 BLHS, do đó càng dễ dàng khẳng định “phạt tiền” quy định trong phần này cũng là hình phạt bổ sung. Đặc biệt, với kết cấu “người phạm tội còn có thể bị phạt tiền” đã thể hiện rất rõ phạt tiền theo quy định này không phải là hình phạt chính vì không thể áp dụng hai hình phạt chính cho một hành vi phạm tội. Tóm lại, phạt tiền trong phần cuối mỗi điều luật của
Chương “Tội phạm về môi trường” chỉ có thể khẳng định là hình phạt bổ sung.
+ Khó có thể nhầm lẫn việc áp dụng “phần cuối” các hình phạt bổ sung, kể cả phạt tiền, chỉ dành cho một phần nào đó của điều luật. Trong “phần cuối” không hề có sự liệt kê phần nào trong các điều có thể áp dụng hình phạt bổ sung. Như vậy, có thể áp dụng các hình phạt bổ sung, kể cả phạt tiền, đối với người phạm tội bất kể người đó bị coi là có tội theo phần nào của điều luật và hình phạt chính do thẩm phán quyết định trên cơ sở tình tiết thực tế của vụ án là gì. Tất nhiên, phải lưu ý trường hợp ngoại lệ do chính BLHS quy định tại K.2 Đ.28, hình phạt bổ sung “phạt tiền” không áp dụng khi hình phạt chính là phạt tiền. Nếu người phạm tội bị xử theo khoản 1 của tội phạm về môi trường cụ thể, thẩm phán quyết định áp dụng phạt tiền thì sẽ không được phép áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, trong các trường hợp còn lại vẫn
có thể áp dụng bình thường. Một lần nữa, chính kết cấu “người phạm tội còn có thể” đã thể hiện việc các nhà lập pháp không khẳng định việc người đó bị kết tội theo khoản nào của điều luật.
+ Việc quy định hình phạt bổ sung, kể cả phạt tiền, tại phần cuối cùng của mỗi điều luật trong Chương “tội phạm về môi trường” là một bước tiến trong việc phân hoá hình phạt cho phù hợp với tính nguy hiểm xã hội và những đặc thù khác của từng tội phạm. Trước đây, thường cuối mỗi chương có quy định chung về hình phạt bổ sung đối với tất cả các tội phạm trong chương tương ứng. Quy định như vậy sẽ khó tránh khỏi sự tuỳ tiện, lạm dụng của một số người khi áp dụng, ví dụ đối với tội phạm ít nghiêm trọng hơn lại có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cao hơn (số tiền phạt bổ sung cao hơn). Quy định hiện tại đã khắc phục được nhược điểm này. Người phạm tội với tính nguy hiểm xã hội cao ít hơn như “vi phạm
các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm” không thể bị áp dụng phạt tiền bổ sung quá hai mươi triệu đồng. Trong khi đó, người phạm tội với tính nguy hiểm xã hội cao hơn như “huỷ hoại rừng” có thể áp dụng tiền phạt bổ sung đến năm mươi triệu đồng. - Tương quan giữa mức phạt tiền đối với vi phạm hình sự và vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nguyên tắc chung trong việc quy định trách nhiệm pháp lý là: “hành vi nào có mức nguy hiểm xã hội cao hơn, thì tương ứng với nó, trách nhiệm pháp lý cũng cao hơn”. Ngoài nguyên tắc chủ đạo này, còn cần thiết áp dụng nguyên tắc: nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến việc quyết định mức độ trách nhiệm pháp lý như nhân thân người vi phạm, lỗi của người bị vi phạm v.v. Trên cơ sở nguyên tắc này có thể rút ra nguyên tắc chung sau: “Trách nhiệm pháp
luật hình sự phải cao hơn trách nhiệm pháp luật hành chính đối với hành vi vi phạm cùng loại”.
Có lẽ trên cơ sở nguyên tắc chung nêu trên, tác giả Lê Cảm đã khẳng định tính bất hợp lý của quy định về phạt tiền đối với tội phạm về môi trường do mức phạt tiền này có thể thấp hơn giới hạn tối đa của phạt tiền với tư cách là hình thức xử phạt hành chính(9). Nhận xét này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc chung về trách nhiệm pháp lý, tuy nhiên chúng tôi cho rằng vấn đề này phức tạp hơn nhiều và cũng có những điểm hợp lý của nó. Chúng tôi xin trình bày ý kiến riêng và một số cơ sở lý luận về vấn đề này như sau: + Đối với trường hợp chủ thể có hành vi vi phạm hình sự và vi phạm hành chính chỉ có thể là cá nhân thì chúng tôi cũng hoàn toàn nhất trí với ý kiến của tác giả Lê Cảm. Trong trường hợp cụ thể ở đây, mức phạt tiền đối với hành vi tội phạm về môi trường
không thể thấp hơn mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính cùng loại.
+ Đối với trường hợp chủ thể không chỉ có cá nhân, mà còn bao gồm cả tổ chức, thì nguyên tắc chung về trách nhiệm pháp lý có thể cần có ngoại lệ, đặc biệt là tại Việt Nam do hệ thống pháp luật công nhận chủ thể vi phạm pháp luật hành chính có thể là tổ chức, trong khi đó tổ chức lại không thể trở thành chủ thể của vi phạm pháp luật hình sự.
Như trên chúng ta đã phân tích các yếu tố nhân thân, xã hội v.v. có thể ảnh hưởng đến mức độ trách nhiệm pháp lý: tăng hoặc giảm. Cùng một hành vi đốt 5 héc- ta rừng, nhưng cá nhân A lại có mức hình phạt nhẹ hơn so với B do A là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác (là tình tiết giảm nhẹ), tức do tính chất chủ thể khác nhau. Vậy nếu A bây giờ là tổ chức – một chủ thể hoàn toàn khác loại – thì trách nhiệm pháp lý giữa A
và B còn giống nhau nữa hay không? Hay chúng ta đặt tên cho vấn đề pháp lý này là trách nhiệm pháp lý của cá nhân và tổ chức đối với cùng một hành vi vi phạm có giống nhau không? Theo ý kiến cá nhân của chúng tôi, cần có sự phân hoá áp dụng các hình thức trách nhiệm, cũng như mức độ xử phạt, mà chủ yếu là đối với phạt tiền.
Chúng ta biết rằng cá nhân thực hiện hành vi vi phạm thì việc nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội, việc hình thành động cơ, mục đích phạm tội, và sau đó là thực hiện chỉ do chính bản thân cá nhân. Trường hợp có sự câu kết với những người khác thì mức độ trách nhiệm pháp lý cao hơn. Trong khi đó, cơ chế ban hành một quyết định của tổ chức mà có thể dẫn tới vi phạm pháp luật lại tương đối phức tạp, do người giữ chức vụ hoặc trong phần lớn trường hợp được ban hành bởi một tập thể. Như vậy về bản chất của việc vi phạm, cần coi hành vi vi phạm của tổ chức có mức
độ nguy hiểm xã hội cao hơn. Ngay từ thời kỳ phong kiến, Quan vi phạm thì xử phạt nặng hơn thứ dân vi phạm cùng hành vi đó một bậc, đã trở thành một truyền thống. Đây là một tập quán tốt đẹp, nên không có lý gì không áp dụng một cách sáng tạo vào pháp luật hiện đại. Hơn nữa, để quyết định của tổ chức ban hành có trách nhiệm hơn, tổ chức nên chịu trách nhiệm cao hơn so với cá nhân.
Ngoài ra nếu xét ý nghĩa của việc xử phạt đối với người vi phạm, mức độ tác động của cùng một mức phạt tiền đối với cá nhân và tổ chức cũng khác nhau. Do quy mô tài sản của tổ chức thông thường lớn hơn của cá nhân rất nhiều lần, nên mức phạt tiền tuy đã gây khó khăn cho cá nhân, buộc họ phải có những biện pháp tự kiềm chế hành vi của mình để không bị áp dụng biện pháp xử phạt, tức kiềm chế việc thực hiện các hành vi vi phạm, nhưng đối với các tổ chức thì lại hoàn toàn không đáng kể. Như vậy, tổ chức có
thể vẫn không dừng việc vi phạm pháp luật hoặc vẫn sẽ cố ý vi phạm trong tương lai và biện pháp xử phạt coi như chưa phát huy được tác dụng của mình. Thực tế pháp lý đã chứng minh cho nhận định này. Để cho ví dụ mang tính điển hình nhất, chúng ta có thể lấy ví dụ trường hợp vi phạm Luật chống độc quyền của công ty Microsoft. Toà án Mỹ áp dụng biện pháp phạt tiền công ty với mức phạt tiền đến hàng triệu US$ mỗi ngày, tuy nhiên khoản phạt này không đáng kể với tài sản và lợi nhuận của công ty được đánh giá nhiều tỷ US$.
Tóm lại, nếu công nhận việc phân hoá xử phạt dành cho cá nhân và tổ chức theo hướng áp dụng biện pháp xử phạt với mức độ cao hơn cho tổ chức đối với cùng một hành vi vi phạm, thì việc tổ chức chịu xử phạt hành chính với mức độ phạt tiền ngang với cá nhân chịu phạt theo chế tài phạt hình sự là hoàn toàn có thể xảy ra.
Một điều đáng chú ý khi nói về sự phân hoá xử phạt ở Việt Nam đó là việc các tổ chức không thể trở thành chủ thể chịu trách nhiệm hình sự. Nếu tổ chức vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường đến mức xử phạt hình sự thì sẽ giải quyết như thế nào? Rõ ràng khi đó cũng chỉ có thể áp dụng phạt hành chính, vậy trong trường hợp này áp dụng mức phạt tiền theo chế tài hành chính quá mức tối thiểu quy định trong chế tài hình sự phải chăng là biện pháp tối ưu nhất?! Điều này cũng đồng nhất với việc xử phạt hành chính với mức phạt tiền có thể cao hơn mức phạt tiền tối thiểu trong chế tài hình sự.
Tóm lại, từ sự phân tích trên có thể chấp nhận khả năng phạt tiền hành chính có thể cao hơn phạt tiền hình sự cho các hành vi vi phạm pháp luật cùng loại, mà không nhất thiết chỉ trong lĩnh vực môi trường. Để có thể áp dụng được luận điểm này cần thiết xây dựng lý luận về trách nhiệm pháp lý của tổ chức. Đặc
biệt, lý luận này cần được thể chế hoá một cách cụ thể trong Luật Hành chính, cũng như Luật Hình sự, thành những nguyên tắc và quy tắc áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam chưa nhiều, nói một cách tương đối thì mới được hai năm kể từ khi BLHS mới của Việt Nam được thông qua với những quy định riêng. Với sự phát triển phức tạp của các hoạt động kinh tế và xã hội, các tội phạm về môi trường sẽ diễn ra phức tạp hơn nên đòi hỏi việc nghiên cứu phải thực hiện thường xuyên. Những vấn đề được nêu lên trong bài này mới chỉ là những vấn đề chung và tương đối dễ nhận thấy trên bề mặt. Mặc dù vậy có thể khẳng định việc giải quyết đúng đắn chúng là cơ sở cho việc áp dụng đúng đắn các quy định của Pháp luật Hình trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là những quy định về tội phạm môi trường cụ thể.
(1) Xem: Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự 1999, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội, 2001, trang 320.
(2) Xem: Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội, 2000, trang 463.
(3) Xem: Luật Hình sự Xô viết, phần chung, Matxcơva, 1979 - 1983. Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm kinh tế, Matxcơva, 1987.
(4) Xem: Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam,.Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội, 2000, trang