CHƯƠNG 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử củaViệt Nam
3.1.1. Thực trạng công nghiệp điện tử của Việt Nam
Công nghiệp điện tử (CNĐT) là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế quốc dân, có vị trí then chốt trong nền kinh tế hiện đại và có tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác.
Ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam đã được hình thành ở miền Nam từ trước năm 1975, dưới dạng lắp ráp các đồ dùng gia dụng theo thương hiệu của nước ngoài mà chủ yếu là Nhật bản. Nhưng sau năm 1975, hoạt động này đã bị chững lại. ở miền Bắc, do điều kiện chiến tranh, ngành công nghiệp điện tử chỉ giới hạn ờ mức lắp ráp những sản phẩm thô sơ như radio. Đến những năm 1990, đổi mới cơ chế điều hành nền kinh tế đã bắt đầu tác động đến công nghiệp, trong bối cảnh đó, công nghiệp điện tử Việt Nam đã bắt đầu phát triển, với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc ba thành phần kinh tế: quốc doanh, tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Lúc bấy giờ, Việt Nam mới có vài chục doanh nghiệp điện tử, đến nay đã có gần 500 doanh nghiệp, trong đó khoảng 1/3 là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng khoảng 250 nghìn lao động, đáp ứng được nhu cầu trong nước với các loại sản phẩm điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin - viễn thông thông dụng với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 20 - 30%/năm. Nhóm sản phẩm điện tử tiêu dùng tăng mạnh khoảng 35% giai đoạn 1991 – 1995, nhóm sản phẩm phụ tùng linh kiện tăng trưởng mạnh khoảng 30 – 45% trong giai đoạn 1995 – 2000, nhóm sản phẩm công nghệ thông tin tăng mạnh khoảng 30 – 50% trong giai đoạn 2000 – 2010; nhưng giai đoạn 2011 - 2013, sản phẩm công nghệ thông tin tăng trưởng chỉ đạt 20% - 30% (Tổng cục Thống kê, số liệu tổng điều tra 2000 – 2013). Hiện nay, Việt Nam đang sản xuất các sản phẩm hỗ
trợ chủ yếu là mạch in, màn hình, vi mạch bán dẫn, các bộ cảm biến, các linh kiện, phụ tùng cho thiết bị viễn thông, thiết bị truyền dẫn, bán dẫn, quang điện tử, vi điều khiển, các thiết bị SoC (System on - a Chip), IC thông minh dùng cho thẻ, những sản phẩm tín hiệu hỗn hợp, bộ nhớ STRAM...Tổng doanh thu công nghiệp điện tử Việt Nam tăng đều đặn. Từ 9.313 tỷ đồng năm 2000, lên tới 34.782 tỷ đồng năm 2005, 112.649 tỷ đồng năm 2010, 286.269 tỷ đồng năm 2012; 308.311 tỷ đồng năm 2013 (Biểu đồ 3.1). Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đã đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư FDI, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu (XK), nhưng ngành công nghiệp điện tử Việt Nam luôn ở tình trạng nhập siêu. Điều này chứng tỏ Việt Nam vẫn đang ở tình trạng gia công sản xuất, nhập linh kiện về để lắp ráp thành phẩm, chủ yếu để tiêu dùng trong nước và một phần cho XK. Dù kim ngạch XK tăng đều qua các năm nhưng kim ngạch nhập khẩu (NK) vẫn tăng nhanh hơn. VD: năm 2006/2007 nếu kim ngạch XK tăng 26,1% thì kim ngạch NK lại tăng 44,5%. Thực tế cơ cấu sản phẩm trong ngành đang có sự lệch pha, nghiêng về điện tử tiêu dùng trong khi điện tử chuyên dụng lại rất ít, tỷ lệ chênh lệch là 8/2 (sản phẩm điện tử tiêu dùng, chiếm đến 80%, còn các sản phẩm điện tử chuyên dùng chiếm 20%). Doanh thu ngành công nghiệp phần cứng và điện tử chiếm khoảng 90% toàn ngành công nghệ thông tin (CNTT), nhưng trên thực tế giá trị được nắm giữ chủ yếu bởi các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung vào lắp ráp và thực hiện những dịch vụ thương mại (điển hình như theo số liệu từ năm 2002 - 2006, doanh nghiệp FDI đầu tư 1,2 tỷ USD trên tổng số 1,6 tỷ đầu tư cho cả ngành. Doanh nghiệp trong nước đầu tư chủ yếu dưới dạng nhà xưởng, còn đầu tư cho thiết bị, công nghệ chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể. Các tập đoàn nước ngoài đầu tư vốn nhiều vào ngành công nghiệp điện tử Việt Nam bao gồm: tập đoàn Intel Mỹ với số vốn đầu tư 1 tỷ USD; tập đoàn Nidec (Nhật Bản) với số vốn 1 tỷ USD đầu tư tại Bình Dương sản xuất đầu quang học dùng cho đầu DVD, VCD; tập đoàn Foxcon (Đài Loan) đầu tư 5 tỷ USD; tập đoàn Meikom (Nhật Bản) đầu tư 300 triệu USD vào Hà Tây...). Vì vậy, nhiều năm qua, ngành công nghiệp điện tử vẫn chưa có bước đột phá để đưa Việt Nam vào bản đồ điện tử thế giới. Hiện tại, các nhà đầu tư về điện tử
của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tiếp tục tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong các năm tiêp theo được kì vọng sẽ tiếp tục tăng với sự đóng góp của các tập đoàn này.
Biểu đồ 3.1: Tổng doanh thu CNĐT Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê, số liệu Website (www.gso.gov.vn) 2000 – 2013
3.1.2. Thực trạng CNHT ngành điện tử của Việt Nam
CNHT phục vụ cho ngành điện tử tại Việt Nam có thể được hiểu là ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm cơ khí, nhựa, linh kiện, vật liệu điện tử (ngoài các sản phẩm của công nghiệp bán dẫn), các bộ phận linh kiện và các vật tư khác hỗ trợ cho công nghiệp lắp ráp đến sản phẩm cuối cùng. Trong quá trình tạo ra sản phẩm cuối cùng, các linh kiện có thể được lắp ráp thành cụm linh kiện. Do vậy có thể coi sản xuất cụm linh kiện là những công đoạn hỗ trợ thứ cấp (ở các mức khác nhau) so với công đoạn sản xuất linh kiện ban đầu - công đoạn sơ cấp. Về dài hạn, Việt Nam cần phải thúc đẩy ngành CNHT cho công nghiệp điện tử.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2000 sản phẩm xuất, nhập khẩu ngành điện tử Việt Nam là 0,79 tỷ USD; năm 2005 là 1,43 tỷ USD; năm 2012 tăng 7,84 tỷ USD; năm 2013 đạt 11 tỷ USD. Tốc độ tăng bình quân/năm, thời kỳ 1998 - 2005 đạt
15,8%; thời kỳ 2006 - 2012 đạt 27,6%; đặc biệt 2011-2012 tăng tới 47,8%. CNHT ngành điện tử là lĩnh vực thu hút được nhiều FDI nhất trong các ngành CNHT tại Việt Nam với 445 dự án FDI, số vốn đăng ký lên tới trên 10 tỷ USD, chủ yếu là các dự án sản xuất linh kiện điện tử (311 dự án với số vốn đầu tư trên 8,2 tỷ USD). Đầu năm 2007, Việt Nam ra nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã mở ra cho Việt Nam những cơ hội hết sức thuận lợi để ngành điện tử Việt Nam và các lĩnh vực công nghệ cao tiếp cận các công nghệ tiên tiến của thế giới và khu vực. Chỉ tính riêng lượng vốn FDI đầu tư vào ngành điện tử Việt Nam từ năm 2007 đến nay đạt khoảng 3 tỷ USD, lớn hơn tổng số vốn FDI vào toàn ngành điện tử trong 13 năm (1993 - 2006).