Các công ty Đài Loan thích chuyển sang Việt Nam hơn là chuyển sang Trung Quốc để xuất khẩu sang thị trường EU. Họ không bán sản phẩm của họ ở Việt Nam bởi vì thị trường trong nước của Việt Nam nhỏ bé và xu hướng thay xe đạp bằng xe máy đang diễn ra nhanh chóng. Những công ty này tìm cách tận dụng lợi thế lao động rẻ của Việt Nam, các ưu đãi của chính phủ Việt Nam, tình trạng thương mại thuận lợi với EU và tránh thuế suất chống bán phá giá 30,6 phần trăm mà EU từng áp với xe đạp xuất khẩu của Trung Quốc.
Bảng 5 thể hiện sự dịch chuyển dần dần từ Đài Loan sang Việt Nam và Trung Quốc để xuất khẩu xe đạp sang thị trường EU.
Việc lựa chọn Mê-hi-cô làm nước thay thế với Việt Nam là có vấn đề do sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế. Giá cả giữa hai nước không so sánh được với nhau, một phần bởi vì những khác biệt về chi phí lao động. Việc dùng Mê-hi-cô để đại diện cho Việt Nam khiến giá trị thông thường của Việt Nam bị tính quá cao. Hơn nữa, EU đã áp dụng một cách không nhất quán các tiêu chí kinh tế thị trường của mình về sự can thiệp của nhà nước để từ chối khả năng các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể tiếp cận quy chế MET và sử dụng chi phí sản xuất trong nước để xác định giá trị thông thường. Sự khác biệt giữa thuế suất áp dụng chung cho cả nước (34,5 phần trăm) và thuế suất MET (15,8 phần trăm) thể hiện tầm quan trọng của việc loại bỏ này. Việc từ chối không cấp quy chế MET là sản phẩm của việc áp dụng một cách không nhất quán các quy định của chính EU. Trước hết là về yêu cầu xuất khẩu đối với một số nhà xuất khẩu Việt Nam. Không rõ tại sao EU phán quyết rằng các doanh nghiệp Việt Nam bị sự can thiệp của nhà nước còn các doanh nghiệp Mê-hi- cô thì lại không. Trong cả hai trường hợp các doanh nghiệp đều được hưởng ưu đãi nếu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Thứ hai, tác động thực tế của yêu cầu xuất khẩu đối với các doanh nghiệp bị điều tra không được xem xét tới. Các doanh nghiệp trong trường hợp Việt Nam đều là các nhà sản xuất xe đạp Đài Loan với định hướng xuất khẩu rõ ràng, và yêu cầu xuất khẩu không làm thay đổi định hướng của họ. Vì vậy không rõ vì sao yêu cầu xuất khẩu lại đến mức bị gọi là can thiệp của nhà nước trong quyết định của doanh nghiệp. Kết quả của việc áp dụng tuỳ tiện những tiêu chí vốn sẵn mập mờ đã dẫn tới khẳng định các cáo buộc bán phá giá và phóng đại biên độ phá giá đối với các nhà xuất khẩu không được hưởng quy chế MET ở Việt Nam.
4.4. Giày da
Ngày 23 tháng Hai năm 2006, ủy viên Hội đồng châu Âu ông Peter Mandelson chính thức thông báo quyết định áp biểu thuế chống bán phá giá tăng dần tạm thời đối với giày da của Việt Nam. Biểu thuế tăng theo bốn bậc trong thời gian năm tháng, mức khởi điểm là 4,2 phần trăm vào ngày 7 tháng Tư năm 2006 và đạt 16,8 phần trăm từ ngày 15 tháng Chín năm 2006. Thuế suất không áp dụng đối với giày trẻ em và giày thể thao công nghệ đặc biệt (STAF). Biểu thuế tăng dần được trình bày trong Bảng 6.
Ngày 30 tháng 8 năm 2006, để điều hòa những lợi ích kinh tế khác nhau ở châu Âu, EC đề xuất thuế suất 10 phần trăm đối với một số loại giày da của Việt Nam. Sau những đàm phán dài giữa nội bộ các nước EU, vào ngày 4 tháng 10 năm 2006, EU phê chuẩn việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá này cho hai năm, có hiệu lực từ ngày 7 tháng 10 năm 2006. Chín nước thành viên đồng ý với mức thuế suất này trong khi đó mười hai nước bỏ phiếu phản đối và bốn nước bỏ phiếu trắng.
Việt Nam bị EU phân loại là nền kinh tế phi thị trường và Bra-xin được chọn làm nước thay thế. Tám doanh nghiệp được chọn là các công ty mẫu trong tổng số 63 doanh nghiệp Việt Nam trong khiếu nại bán phá giá
Các nghiên cứu trường hợp từ Việt Nam