Khác biệt để bình đẳn g tự tôn và hòa nhập

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tiểu thuyết nữ hải ngoại Việt Nam đương đại nhìn từ lý thuyết liên văn hoá (Trang 70 - 74)

5. Cấu trúc luận án

3.1.2. Khác biệt để bình đẳn g tự tôn và hòa nhập

Bên cạnh một bộ phận người dân nhập cư chấp nhận thoả hiệp, khước từ gốc rễ, cội nguồn; thì một bộ phận dân nhập cư khác dám lấy sự khác biệt của mình như một công cụ kháng cự lại sự xâm nhập, áp chế của văn hóa thống trị. Chứng minh văn hoá có khả năng hội nhập và tiếp biến, mà không dung nạp được thì có quyền tồn tại song hành, văn hoá của mỗi quốc gia đều có đời sống riêng và cần được tôn trọng như nhau. Họ thể hiện, khẳng định sự khác biệt của mình bằng nhiều cách: họ lan toả nét văn hoá cộng đồng đặc sắc, cách cảm, cách nghĩ, thói quen sinh hoạt đặc trưng tốt đẹp của dân tộc ra thế giới; họ đồng thời cũng phô diễn hàng loạt thói tật thâm căn cố đế được người Việt mang theo trong hành trang đến xứ người xem như là một cách để đối kháng, phản ứng lại sự áp đặt của văn hoá sở tại. Trong số đó không ít thói tật biểu hiện cho văn hóa tiểu nông: sự tùy tiện, thiếu kỷ luật trong sinh hoạt, lao động, lối sống, cách nghĩ, việc làm; sự lạc hậu, kém hiểu biết, thiếu tôn trọng người khác và thiếu lòng tự trọng... Biểu hiện cho quan điểm khác biệt, không hoà tan của một bộ phận cộng đồng nhập cư người Việt có thể còn nhiều tiêu cực, ấu trĩ tuy nhiên phần nào nói lên sự tất yếu của quá trình xung đột văn hoá khi được đặt cạnh nhau.

Trong các tác phẩm của mình, Thuận đã khai thác dân tộc tính như một nguồn sinh khí sống mãnh liệt đối với những người di dân. Nhân vật của chị dùng lá chắn tinh thần ấy để mạnh mẽ hơn trước những thử thách, khó khăn, tồi tệ nơi đất khách. Nhân vật Feng Xiao (Chinatown - Thuận) năm mươi tuổi, là Hoa Kiều, không chồng con,

không người nhân, không cần vào hội di cư gốc Á. Sống trên đất Pháp nhưng tâm hồn cô ở Tứ Xuyên, cô tự hào quê hương có món cá Lệ Mai nuôi và nấu trong hoa sen ăn ngon nhất thế giới. Có lãnh tụ Đặng Tiểu Bình vĩ đại và sành ăn nhất trong các lãnh tụ Trung Hoa. Cô Feng Xiao hơn nửa đời tha hương nhưng không ngừng tìm về nguồn cội dù chỉ bằng tâm tưởng, nhưng chính tâm thức nguồn cội dồi dào đó trong cô mới làm cho một Feng Xiao lúc nào cũng tươi tắn và trụ vững nơi Paris hoa lệ lâu đến vậy. Cô đầy sức sống giữa những mảnh đời vật vờ, lầm lũi chốn trời Tây là bởi trong cô luôn tràn đầy nguồn dinh dưỡng tinh thần - văn hoá cội nguồn quê hương, thứ mà cô muôn vàn mến yêu và kính ngưỡng. Cách mà Feng Xiao vững vàng, bản lĩnh trước sự xâm lấn thô bạo của tư tưởng thống trị từ văn hoá phương Tây, đã xác lập giá trị tích cực nhân văn mang tính chất liên văn hoá trong đời sống con người.

Vy trong Vân Vy (Thuận) vẫy vùng tuyệt vọng ở vai trò làm vợ, làm dâu trong một gia đình Pháp. Thứ cô đạt được sau những toan tính đổi đời là một cuộc hôn nhân tẻ nhạt, một cuộc sống ngột ngạt, tù túng vừa đơn điệu vừa phức tạp của nước Pháp đương đại. Hiện thực không được như hình dung cô không cam tâm chịu đựng đã nổi loạn phản ứng lại thực tại. Cô giải phóng cảm xúc khát khao của mình bằng cách ngoại tình. Và không ai làm cho Vy thoả mãn mọi cung bậc yêu thương như với Vân. Đến bên Vân cô hưởng trọn vị ngọt ngào, êm ái, nơi duy nhất cô thấy yên tâm và ấm áp. Ở Vân cô tìm thấy phong vị quê hương: Vân người Hà Nội, cùng thế hệ, cùng sở thích ăn kem Thủy Tạ, là kẻ đồng cảnh ngộ có thể sẻ chia với Vy những trống trải mà Vy đang chịu đựng khi xa xứ. Cô như tìm thấy lại chính mình, tìm thấy quá khứ, cội nguồn đối kháng lại với hiện thực lạnh lùng, quy tắc, khô khốc mà chồng cô - Vượng, mang lại. Và cô đã chọn bỏ tất cả để ở lại nơi mà cô cảm thấy bình yên, ấm áp và yêu thương này. Những chuyến hồi hương của Vy cũng là cách để cô tìm về nguồn cội của mình, sống đúng con người nơi mình cắt rốn chôn rau, không bị bất kỳ áp lực nào từ cái được gọi là văn minh hay văn hóa tiến bộ.

Nhân vật trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ hải ngoại Việt Nam đương đại khi bị tổn thương, thất bại đều xoa dịu bằng cách tìm về ký ức, về quá khứ êm đềm của tuổi thơ, của thuở thiếu thời; sự hoài niệm là cảm hứng thường trực trong sáng tác của các nữ nhà văn. Trong hầu hết tác phẩm của Lê Minh Hà, từ tản văn, truyện

ngắn đến tiểu thuyết luôn là dòng hồi ức bất tận về quê hương xứ sở. Nơi đó có hương vị tình thân, có những kỉ niệm sâu sắc có thể hóa giải nỗi đau thực tại. Ngân trong

Phố vẫn gió của Lê Minh Hà luôn bị trì níu bởi ký ức về Hà Nội xưa, có lẽ những kỉ niệm vẫn luôn là khoảnh khắc đẹp nhất, êm ái nhất mà khi trái tim tan vỡ, tinh thần thương tổn, thân xác tả tơi, con người ta luôn tìm đến nó như một thánh đường mang lại bình yên cho tâm hồn.

Phố vẫn gió của Lê Minh Hà đã xây dựng chân dung một người đàn bà nhan sắc bình thường, tính tình ngang ngạnh, thiếu sự điều chỉnh, kết hôn lần hai với anh chồng người Đức. Trong mối quan hệ hôn nhân đó, hai người với hai nền văn hoá gặp nhiều trở ngại trong hành trình hoà nhập, tại đó, Ngân không ngần ngại phản kháng lại văn hoá sở tại một cách công khai và thách thức. Ngân cho rằng tại sao họ không thông thạo về ứng xử trong văn hoá dân tộc mình mà họ lại có cái quyền bắt mình phải phục tùng và thực hiện theo các chuẩn văn hoá của họ. Cô ngang nhiên thách thức và cố tình không thực hiện những lễ nghi, chuẩn mực trong cung cách sống của người Tây “sống với Heinrich bao lâu tôi vẫn thản nhiên giữ thói quen dao nĩa chẳng giống ai, cắt hết thịt rau khoai trên dĩa rồi quăng dao cầm nĩa chọc, ở bữa ăn có đại gia đình Heinrich, ở khách sạn, ở bất kỳ đâu. Cái sự này là do tôi cố tình, nghĩ tại sao mình có thể không cười khi người ta cầm đũa không xong mà họ lại có quyền cau mặt khi mình không thạo cái nghi thức cầm dao cầm nĩa nhấc khuỷu tay khỏi mặt bàn. Cả thủ tục ôm ấp tay bắt má kề với bất kể người thân quen nào của chồng mỗi bận gặp nhau tôi cũng nhất quyết không làm” [23, tr.271]. Sự phản kháng của Ngân bề ngoài tưởng như là biểu hiện của tính khí thiếu điều chỉnh ở một người đàn bà ngang bướng, nhưng sâu trong đó là lòng tự trọng, tự tôn bản sắc văn hoá quê hương trong ứng xử giao tiếp, cao hơn nữa là thái độ yêu cầu một sự công bằng trong cách tiếp nhận văn hoá của mỗi dân tộc. Qua quá trình sống, trải nghiệm ở trời Tây, Ngân đúc kết được rằng: “Để sống được ở một xứ sở không phải là quê hương, phải có tình yêu, hoặc phải từng khốn khổ khốn nạn đến mức người ta sẵn lòng quên cả bản thân mình hoặc phải không có quái gì để quên thì mới tự tan lẫn được vào đời sống mới” [23, tr.272]. Cuộc sống của người nhập cư có vẻ rất ít sự lựa chọn.

Nhân vật "tôi" trong Chinatown (Thuận) mạng mẽ lựa chọn lối sống tự do và thành thật với chính mình khi từ chối luôn cơ hội kết hôn với người đàn ông Pháp, dù cô biết đây sẽ là "tấm thẻ căn cước" an toàn cho cô trên đất Pháp. Con người cần sống và khẳng định bản thể của chính mình, chứ không thể tầm gửi vào văn hoá, lịch sử, trí tuệ của người khác. Không thể không có cội nguồn, quê hương, vì không có những điều ấy, con người sẽ chẳng thể còn có gì để xác lập giá trị bản thân. Nói như Đoàn Minh Phượng "Con người không có quê hương giống như một hạt cỏ gió đưa đến bám rễ trên vách đá, tôi biết thân phận của mình rất dễ vỡ" [72, tr.131].

Giấc mơ của người di dân là được dung nạp tại nơi định cư, ngoài ra họ còn mong muốn chứng minh và khẳng định bản thân, có một chỗ đứng vững vàng giữa lòng xã hội ấy mà vẫn khác biệt, không bị hoà tan, bởi ý thức dân tộc, cội nguồn vẫn luôn là huyết mạch của những người yêu quê hương. Họ rời bỏ quê hương vì lý do gì đi nữa, thì nguồn cội vẫn là nơi duy nhất an ủi tâm hồn họ trước sóng gió cuộc đời, trước biến cố, tổn thương. Tiến trong Đời du học của Hiệu Constant yêu mẹ nhiều vô cùng, tình yêu ấy hoà quyện vào tình yêu quê hương nguồn cội. Tiến cũng là một người trẻ, lại có học, giỏi giang, mẫu người như Tiến rất dễ hoà nhập và đủ bản lĩnh để thực hiện nhiều tham vọng trong giấc mơ hãnh tiến của bản thân. Thế nhưng, không phải chọn cách chối bỏ bố mẹ, cội nguồn, Tiến mong mỏi nhận được hơi ấm, sự chở che, yêu thương từ mẹ. Một thằng con trai mạnh mẽ tự mình đi du học trời Tây mà lại như một đứa trẻ khi nghĩ về mẹ “Tôi sợ nghe mẹ nói chuyện qua điện thoại. Chỉ mới nghe tiếng mẹ cất lên là tôi đã chực khóc. Tôi nhớ mẹ vô cùng nhưng không bao giờ nói ra, bởi tôi biết mẹ cũng nhớ tôi. Tôi là máu thịt, thậm chí là cuộc sống của mẹ” [37, tr.44].

Hòa nhịp, tương tác với cuộc sống nơi định cư mới là cách mà những người tha hương lựa chọn nhằm chống lại sự kỳ thị, phân biệt. Đó cũng là phương thức để chứng minh sự bình đẳng trong quá trình hội nhập của người dân nhập cư. Xét cho cùng thì bất kỳ một nền văn hoá nào cũng cần sự tôn trọng và quyền được bình đẳng. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, khi mọi ranh giới về đường biên bị xoá nhoà thì nét đặc sắc của từng quốc gia đều có ý nghĩa bình đẳng. Ngay cả khi trong tình thế thuộc địa thì chưa hẳn nhiên những giá trị về văn hoá, tinh thần của dân tộc ấy bị xóa bỏ. Đây

cũng là tinh thần mà lý thuyết liên văn hoá hướng tới. Sự khác biệt tích cực cần được ghi nhận và sự khác biệt đặc sắc cần phải được tôn trọng. Áp đặt thống trị theo kiểu trung tâm - ngoại biên sẽ không làm cho trung tâm lớn hơn mà ngược lại còn bóp nghẹt cả ngoại biên. Lý thuyết liên văn hoá hàm chứa quan điểm chống lại sự bài trừ, gạt bỏ những nền văn hoá nhỏ trong quá trình toàn cầu hoá, mang lại và đề cao giá trị nhân văn, nhân loại chống lại chủ nghĩa thực dân bành trướng và phủ nhận thuyết trung tâm. Thông qua việc xây dựng nhân vật giữa các đường biên và tình thế, các nhà văn nữ đã chạm đến tận cùng bản chất của vấn đề: các nước lớn có thực sự quan tâm, hỗ trợ các nước khó khăn, hay đó chỉ là chiêu bài để tôn tạo quyền lợi của chính họ.

Qua cái nhìn liên văn hoá, các nhà văn nữ hải ngoại Việt Nam đương đại đã cho thấy những “đứt gãy” của văn hóa Việt Nam khi hội nhập với thế giới bên ngoài. Dân tộc tính và căn tính người Việt được lộ rõ trong những va chạm văn hóa, khiến cộng đồng sở tại có cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí là dè bỉu, coi thường, đề phòng… như mối nguy hại đến cuộc sống bình yên, hiện đại của chính họ. Với tâm lý đề phòng như vậy, những người Việt xa xứ luôn bị đẩy về phía khốn cùng, nhếch nhác. Và cũng từ đây dẫn đến độ vênh trong trình độ nhận thức về sự văn minh, tiến bộ xã hội. Nhận thức được nó, người Việt muốn tự tôn, muốn lớn mạnh, muốn được công nhận, bình đẳng thì phải điều chỉnh và tự làm cho con người và văn hoá tốt hơn mỗi ngày. Suy cho cùng, ý thức thể hiện sự khác biệt thuộc về ý thức sáng tạo, nằm trong cảm quan, trong quan niệm sáng tác của mỗi nhà văn. Mặc dù sống xa xứ, buộc họ phải cố gắng hòa vào cái đa dạng, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, họ luôn nhớ mình là người Việt, luôn muốn thể hiện bản sắc Việt, và qua tác phẩm, họ đã chứng minh được điều ấy một cách sâu sắc.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Tiểu thuyết nữ hải ngoại Việt Nam đương đại nhìn từ lý thuyết liên văn hoá (Trang 70 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)