Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức
Hiện nay có ít nhất bốn phương pháp để điều trị ung thư: giải phẫu, xạ trị, hóa trị và miễn dịch trị liệu immunotherapy. Mục đích các phương pháp này là tiêu diệt tế bào ung thư mà cố gắng không gây tổn thương cho tế bào bình thường. Phương pháp có thể dùng riêng rẽ hoặc phối hợp với nhau. Tiến bộ về kỹ thuật đã tăng hiệu quả và an toàn của các phương pháp và nhiều bệnh nhân đã được cứu sống.
Khi một ung thư đã được xác định và có khả năng chữa được thì bác sĩ phải thảo luận với bệnh nhân về tất cả các phương thức trị liệu có thể mang ra dùng. Hỗ trợ tinh thần bằng tâm lý trị liệu rất quan hệ. Đôi khi bệnh nhân cũng cần được hướng dẫn về các trị liệu hứa hẹn nhiều hơn là có thực lực, để tránh tiền mất tật mang và chậm trễ trong việc chữa bệnh.
1-Giải phẫu
Giải phẫu là phương pháp điều trị cổ điển nhất nhưng cũng rất công hiệu đặc biệt là với ung thư thu gọn ở một phần nào đó của cơ thể. Khi giải phãu, tế bào ung thư được lấy đi càng nhiều càng tốt. Ðôi khi tế bào lành cũng được cắt bỏ để chắc chắn là tế bào ung thư lẫn vào đã được loại hết. Hiệu quả tùy thuộc vào một số yếu tố:
a- U bướu thu gọn ở một chỗ và chưa di căn; b- Tế bào ung thư tăng sinh chậm;
c- Vị trí của u bướu;
d- Khả năng chuyên môn của phẫu thuật gia; e- Công hiệu của các dịch phụ hỗ trợ như thuốc mê, kiểm soát ngừa nhiễm trùng, tiếp máu, dụng cụ giải phẫu và chăm sóc sau khi mổ,
2-Xạ trị
Ðây là phương tiện thường dùng. Quá nửa các loại ung thư được chữa bằng xạ trị đặc biệt là ung thư đầu, cổ, phổi, bọng đái. Thường thường radiation được dùng cho ung thư không chữa được bằng giải phẫu hoặc khi đã giải phẫu mà có e ngại ung thư tái phát
Sự thành công tùy thuộc vị trí của ung thư, ung thư có mẫn cảm sensitive với phóng xạ; u thu gọn và không di căn.
Mục đích xạ trị là để tiêu diệt tế bào nổi loạn và làm teo u khối bằng các làn sóng hoặc phân tử như proton, electron, x-ray, gamma -ray
Có hai cách xạ trị:
a) Ðưa hẳn vào u ung thư. Chẳng hạn sau khi mổ thì radiation chứa trong vật đựng được đặt ngay ở nơi mổ;
b) Dùng máy để hướng radiation vào u bướu và tế bào ở xung quanh;
Xạ tác tiêu diệt hữu hiệu trên tế bào ung thư tăng trưởng nhanh hơn là tế bào thường tăng sinh chậm.
Xạ được đưa vào cơ thể với phân lượng rất nhỏ trong vòng ba hoặc bốn tuần lễ để có tác dụng mạnh lên tế bào ung thư và giới hạn ảnh hưởng lên tế bào lành. Nếu chẳng may bị tổn thương thì tế bào bình thường cũng mau lành.
Công hiệu của xạ trị liệu tùy thuộc phương pháp áp dụng. Tác dụng phụ thông thường là mệt mỏi, thay đổi trên da, ăn mất ngon.
Có điều là chi phí điều trị khá tốn kém, tùy theo điều trị nhiều hay ít.
3-Hóa trị
Ðược dùng khi ung thư đã lan ra ngoài vị trí ban đầu hoặc khi có di căn ở nhiều địa điểm. Phương pháp sẽ hữu hiệu hơn nếu ung thư nhạy cảm với hóa chất; bướu còn nhỏ; khi bệnh nhân khỏe mạnh, có sức chịu đựng với tác dụng ngoại ý của thuốc.
Có nhiều loại hóa chất khác nhau. Mỗi hóa chất có tác dụng riêng biệt với từng ung thư bằng cách làm ngưng sự phân chia và sinh sản của tế bào phản loạn. Khi không có sự phân bào thì tế bào tan vỡ, u bướu teo lại.
Hóa trị đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân và cũng giúp nhiều người khác giảm bệnh.
Không như xạ trị hoặc giải phẫu đòi hỏi ung thư thu gọn, hóa trị có thể phân tán khắp cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư ở các nơi mà bác sĩ không tìm ra.
Thuốc có thể uống nhưng đa số là truyền qua tĩnh mạch.
Tác dụng phụ thường thấy là ói mửa, rụng tóc, mệt mỏi, dễ nhiễm trùng, thiếu hồng huyết cầu.
4-Miễn dịch trị liệu
Nói đến điều trị ung thư ta thường nghĩ ngay tới tiêu diệt tế bào bệnh hoạn bằng hóa chất, phóng xạ hoặc dao kéo giải phẫu. Các phương pháp này rất công hiệu nhưng cũng gây tổn thương cho tế bào lành.
Miễn dịch trị liệu không ảnh hưởng tới tế bào lành nhưng rất hữu hiệu trong việc tiêu diệt tế bào nổi loạn. Mục đích của trị liệu này là tăng cường khả năng chống trả với bệnh tật của cơ thể, tăng sức chịu đựng của bệnh nhân với tác dụng ngoại ý của hóa trị, xạ trị đồng thời ngăn ngừa sự phát triển tế bào ung thư.
Phương pháp này hiện nay đang được nghiên cứu kỹ càng và có nhiều triển vọng sáng sủa cho người bệnh.
( Trích Câu Chuyện Thầy Lang của Bác sĩ
Gia Chánh