5. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA LUẬN ÁN
4.3.2. Ảnh hưởng của một số elicitor lên sinh trưởng tế bào
Thông thường, bổ sung các elicitor vào môi trường nuôi cấy đều ức chế khả năng sinh trưởng của tế bào, kết quả này được công bố trên nhiều công trình nghiên cứu trước đây. Chẳng hạn, các elicitor như MeJA, Ag+, chitosan và dịch chiết từ nấm (polysaccharide) ở các nồng độ khác nhau đều ức chế sinh trưởng của tế bào Taxus chinensis [126]. Kết quả nghiên cứu của Frankfater và cs (2009) về ảnh hưởng của MeJA và SA lên sự tạo thành gossypol, 6- methoxygossypol và 6,6’-dimethoxygossypol trong nuôi cấy rễ tơ cây G. barbadense cũng cho thấy MeJA có tác dụng ức chế quá trình sinh trưởng của tế bào [40]. Trong quá trình nuôi cấy tế bào thực vật, bổ sung elicitor vào môi trường nuôi cấy sẽ dẫn đến việc ngừng sinh trưởng tạm thời hay vĩnh viễn của tế bào, điều này cũng có thể dẫn đến các phản ứng phòng vệ bằng cách chuyển từ trạng thái chuyển hóa sơ cấp (sinh trưởng) sang sản xuất chất chuyển hóa thứ cấp [62]. Ngoài ra, khi xử lý elicitor ở nồng độ cao hơn nồng độ tối ưu thường dẫn đến hiện tượng đáp ứng quá mức, gây chết tế bào [22].
Trong đề tài này, cả YE và MeJA đều có sự tác động lên sinh trưởng của tế bào huyền phù đinh lăng lá nhỏ, trong đó YE có tác động mạnh hơn MeJA (Bảng 3.9 và 3.11). Đối với YE, bổ sung các nồng độ khác nhau (1-3 g/L) vào môi trường tại thời điểm bắt đầu nuôi cấy đều làm giảm mạnh sự sinh trưởng của tế bào, sinh khối tươi của tế bào chỉ còn 1/4-1/3 so với đối chứng. Tuy nhiên, thời gian xử lý elicitor càng ngắn mức độ ảnh hưởng càng giảm, bổ
sung YE vào môi trường sau 9 ngày nuôi cấy có tác động ít nhất lên sinh trưởng của tế bào đinh lăng lá nhỏ.
Đối với MeJA, khi bổ sung vào môi trường cũng làm giảm khả năng sinh trưởng của tế bào, tuy nhiên mức độ ức chế sinh trưởng thấp hơn YE, sinh khối tươi giảm 1,5-2,5 lần so với đối chứng khi xử lý MeJA vào thời điểm ban đầu của quá trình nuôi cấy. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trước đây về sự ức chế của MeJA lên sinh trưởng của tế bào thực vật. Thanh và cs (2005) đã sử dụng MeJA để tổng hợp ginsenoside trong nuôi cấy huyền phù tế bào của nhân sâm trong biorector 5 lít. Nhóm tác giả tiến hành thăm dò bổ sung vào môi trường nuôi cấy MeJA ở các nồng độ từ 50-400 µM, sau 25 ngày nuôi cấy sinh khối tươi và sinh khối khô của tế bào giảm 1,06 và 1,10 lần so với tế bào nuôi cấy không bổ sung MeJA [113].
Kết quả trình bày ở Bảng 3.9 và 3.11 cũng cho thấy, khi giảm thời gian tiếp xúc giữa tế bào với MeJA, ở các thời điểm bổ sung MeJA sau 3, 6 và 9 ngày nuôi cấy, sinh khối tươi của tế bào ít bị tác động, sinh khối cao hơn nhiều so với thời điểm bổ sung MeJA ban đầu và gần tương đương đối chứng không xử lý MeJA.