Tôn giáo và dân tộc có mối quan hệ khăng khít. Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thì phải đoàn kết được toàn dân, trong đó có vai trò rất quan trọng của đồng bào tôn giáo. Giải quyết tốt vấn đề tôn giáo sẽ tạo tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu đại đoàn kết dân tộc. Trong Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, vấn đề này tiếp tục được khẳng định theo hướng phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo để thực hiện đoàn kết lương - giáo. Qua đó cho thấy, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng việc giải quyết vấn đề tôn giáo, củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong thời kỳ mới.
Trong Dự thảo, vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo được đề cập ở 4 nội dung, quan điểm cơ bản sau:
Vấn đề thứ nhất: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, Về vấn đề đại đoàn kết dân tộc, Dự thảo khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, Đảng ta tiếp tục xác định và coi trọng đại đoàn kết dân tộc, coi đây là đường lối chiến lược của cách mạng và là động lực, nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới. Có như vậy thì chủ trương tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng mới thực sự đi vào thực tiễn, góp phần tập hợp, đoàn kết đông đảo đồng bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vấn đề thứ hai: Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, Trong Nghị quyết Đại hội XI và Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII, vấn đề này đã được chú trọng và khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”. Mặt khác, để đoàn kết được tất cả các thành phần, giai cấp xã hội nói chung và đồng bào tôn giáo nói riêng vào khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện mục tiêu đại đoàn kết dân tộc là: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam…, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Như vậy, Đảng ta xác định, để đoàn kết được toàn dân tộc thì cần chú trọng phát huy những điểm tương đồng, tìm những “mẫu số chung” để đoàn kết được tất cả đồng bào và chức sắc tôn giáo vào khối đại đoàn kết dân tộc.
Vấn đề thứ ba: Quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, Kế thừa và phát huy quan điểm của tinh thần Đại hội Đảng lần thứ X, XI, Đảng, Nhà nước ta không chỉ công nhận, bảo hộ, mà còn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt tín ngưỡng theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo, theo đúng quy định của pháp luật. Điều này thể hiện tầm nhìn mới của Đảng đối với các tổ chức tôn giáo hợp pháp. Tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt chính là tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển. Đó là cách giải quyết vấn đề tôn giáo trong sức mạnh đại đoàn kết dân tộc một cách rất khoa học, vừa bảo đảm tôn trọng tự do, tín ngưỡng tôn giáo, vừa định hướng cho tôn giáo phát triển lành mạnh theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận theo quy định của pháp luật, vừa đoàn kết đồng bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết dân tộc.
Vấn đề thứ tư: Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đồng thời chống lợi dụng tín ngưỡng có quan hệ chặt chẽ với nhau; đặc biệt, trong bối cảnh tôn giáo có nhiều diễn biến phức tạp, như Dự thảo đã chỉ rõ: “Xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai… tiếp tục diễn ra gay gắt”. Vì thế, phải kiên quyết chống việc lợi dụng tôn giáo vào những mưu đồ xấu, mới đảm bảo được quyền tự do chân chính của đồng bào có đạo, và có bảo đảm được quyền đó mới làm cho đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo nhận rõ âm mưu, phòng, chống hiệu quả các thế lực lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại cách mạng.
Từ Nghị quyết 24, Chỉ thị 37, Nghị quyết 25 cho đến Nghị quyết Đại hội IX, Đại hội X, Đại hội XI, Đảng ta luôn xác định phải cảnh giác, đấu tranh, chống các âm mưu lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong Dự thảo lần này có hai điểm đáng lưu ý:
Một là, không chỉ “chủ động phòng ngừa” với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo như văn kiện Đại hội XI đã chỉ ra, mà còn phải “kiên quyết đấu tranh” với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo hòng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Khi đã chủ động phòng ngừa, thuyết phục, tuyên truyền sâu rộng, mà một số thế lực phản động vẫn cố tình lợi dụng, lôi kéo, kích động, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc…, thì chúng ta phải kiên quyết xử lý, bảo đảm cho tôn giáo phát triển lành mạnh, đúng quy định của pháp luật, góp phần ổn định chính trị, xã hội của đất nước.
Hai là, không chỉ phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn đối với cả “những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”. Điểm mới bổ sung này rất phù hợp và cần thiết trong tình hình hiện nay, khi mà các tôn giáo và các hiện tượng tôn giáo mới phát triển khá rầm rộ, khó kiểm soát, trong đó, có
những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mới đi ngược lại, hoặc vi phạm truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội và tình hình an ninh chính trị của đất nước. Những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đó có thể không, hoặc chưa bị kẻ xấu lợi dụng, nhưng đã trái với quy định của pháp luật, đạo đức, thuần phong mỹ tục..., gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, thậm chí ảnh hưởng tới tình hình an ninh chính trị của đất nước. Làm tốt công tác này góp phần rất quan trọng trong giữ vững ổn định chính trị xã hội của đất nước, tăng cường đoàn kết đồng bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết dân tộc.
KẾT LUẬN
Tóm lại, nhờ có những chủ trương, chính sách đúng đắn về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng, Nhà nước, nên thời gian qua, vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta đã được giải quyết một cách thỏa đáng; công tác tôn giáo đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới. Nhờ quán triệt và kế thừa, phát triển những quan điểm về tôn giáo, tín ngưỡng trong các Văn kiện trước đó của Đảng, nên những nội dung về tôn giáo, tín ngưỡng cho thấy quan điểm thống nhất, xuyên suốt của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới để đoàn kết đông đảo đồng bào và chức sắc tôn giáo vào khối đại đoàn kết dân tộc. Đó chính là cách giải quyết vấn đề tôn giáo trong sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mà Đảng ta đã quán triệt và hoàn thiện dần từng bước trong quá trình đổi mới. Dự thảo lần này có thêm một bước tiến quan trọng trong nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước ta về tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần quan trọng tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Việt Nam chấp nhận sự đa sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo, được ghi vào hiến pháp: mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật… Điều này tránh việc các tôn giáo bài xích, phủ nhận các giá trị lẫn nhau; chấp nhận sự khác biệt để cùng nhau chung sống, hợp tác và phát triển trong một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo và tiến xa hơn nữa là cùng sống chung trong ngôi làng toàn cầu. Đây cũng là chìa khóa để giải quyết sự hoà hợp dân tộc, tôn giáo, tự triệt tiêu sự xung đột tộc người và tôn giáo ở Việt Nam, làm động lực để các tôn giáo cùng đồng hành với đất nước, phát triển mạnh và bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Chính phủ: Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (trình Quốc hội khóa XIV).
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.34.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.121.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.244-245.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.123-124.
(6) Ban chấp hành Trung ương (Khóa XII), Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Hà Nội, 2019.
(7) Võ Thị Bảo Trân, Lê Minh Trang, Lê Thị Anh Tú, “Vấn đề dân tộc và tôn giáo”, Voer, ngày truy cập 27/06/2020
https://voer.edu.vn/m/van-de-dan-toc-trong-qua-trinh-xay-dung-chu nghia-xa-hoi/22584e49
(8) Nguyễn Xuân Trung, “Giải quyết vấn đề tôn giáo trong sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”, link < https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su kien/giai-quyet-van- de- ton-giao-trong-suc-manh-dai-doan-ket-dan-toc-256014>
(9) https://voer.edu.vn/c/chuong-10-van-de-ton-giao-trong-qua-trinh-xay dung- chu- nghia-xa-hoi/dc7c6722/2592e79b
(10)http://vkscantho.vn/vkscantho/index.php/news/Hoc-tap-lam-theo-loi Bac/Quan-diem-cua-Dang-ta-ve-van-de-Ton-giao-3197/