Thời tiết front lạnh và đường đứt xảy ra khi có không khí lạnh tràn về kèm theo front lạnh hoặc đường đứt. Đây là loại nhiễu động khí quyển xảy ra trong suốt thời kỳ hoạt động của không khí lạnh lục địa, từ tháng 9 đến tháng 6 năm sau.
Thời tiết front lạnh được đặc trưng bằng sự giảm nhiệt đột ngột khi front tràn qua, mức giảm nhiệt 24 giờ thường vượt 50C. Thời tiết trước front thường là nắng ấm hoặc nóng, gió có hướng E-SE, có mây nhưng không mưa. Khi front đi qua, khí áp tăng, nhiệt độ giảm dần. Gió mạnh lên và đổi dần sang hướng NE-N. Mây nhiều dần rồi xuất hiện mây Cu, Cb, thời tiết dông và mưa rào đôi khi kèm lốc, tố thậm chí vào thời kỳ tháng 4-5 có thể có mưa đá. Vào giữa mùa đông, khi không khí lạnh tràn về và khống chế miền Bắc Việt Nam, nó biến tính trên lục địa nên mây vũ tích và mưa ít xuất hiện. Nếu không khí lạnh về nhưng không tạo ra sự biến đổi mạnh về nhiệt độ và do đó không hình thành front thì được gọi là đường đứt. Đường đứt thường được xác định khi có không khí lạnh tăng cường và do đó khi đường đứt đi qua hướng gió gần như ít biến đổi. Đặc trưng thời tiết trong khu vực front (đường đứt) là mưa rào và dông, tuy nhiên thời gian mưa cũng như cường độ mưa lại có sự thay đổi tùy thuộc vào địa hình của từng khu vực. Đối với vùng đồng bằng, loại hình thời tiết này thường chỉ kéo dài vài giờ và cho mưa không lớn còn những vùng có địa hình đón gió như đông Hoàng Liên Sơn và miền Trung thì mưa kéo dài và cường độ lớn hơn. Ngoài ra, cường độ mưa dông do front lạnh cũng phụ thuộc vào thời gian mà không khí lạnh ảnh hưởng. Thời kỳ đầu và cuối mùa đông (tháng 9, 10 và tháng 3, 4, 5) khi Việt Nam đang nằm trong khối không khí nhiệt đới nóng với trữ lượng ẩm cao, không khí lạnh về sẽ gây mưa dông với cường độ lớn. Thời kỳ giữa mùa đông khi mức độ bất ổn định của khí quyển nhỏ không khí lạnh về gây mưa với cường độ nhỏ, có khi chỉ làm nhiệt độ giảm mà không mưa.