1. Khái quát diễn biến chính trị.
Nhà Nguyễn xác lập sự thống trị của mình từ năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, đặt kinh đô ở Phú Xuân. Cùng với quá trình đánh Tây Sơn, nhà Nguyễn giành lại những vùng đất bị mất trước đây và mở rộng phạm vi lãnh thổ từng bước xác lập chính quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Sau khi lên ngôi, Gia Long và các vua tiếp theo đã thiết lập ở nước ta chế độ quân chủ chuyên chế, tăng cường bộ máy đàn áp và các công cụ thống trị, thi hành hàng loạt các biện pháp nhằm củng cố bảo vệ quyền lợi của giai cấp địa chủ phong kiến. Các đời sau vua: Minh Mệnh (1820 -1840) là người thông minh, hiếu học, năng động và quyết đoán, sùng Nho, nhưng kỵ phương Tây. Thiệu Trị (1841 - 1847) cũng nghi kỵ phương Tây, cấm giảng đạo trong nước. Tự Đức (1847 - 1883) ốm yếu, nhưng thông minh; có tài văn học, uyên bác về Nho học, nhưng bảo thủ, thiếu quyết đoán, không dám mở cửa ra bên ngoài, chấp nhận ký hoà ước đầu hàng Pháp, chia đất nước làm ba kỳ. Đến thời kỳ Pháp đô hộ, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân là những ông vua có tinh thần dân tộc, yêu nước thương dân, có tư tưởng chống Pháp; còn các vị vua khác hoặc nhu nhược, hoặc bất tài, cam chịu làm tay sai cho Pháp.
Triều Nguyễn ngay từ khi thành lập đã bộc lộ sự đối lập với lợi ích của dân tộc và của nhân dân và không tạo ra được một cơ sở xã hội vững vàng. Chính vì
vậy, ngọn lửa chiến tranh nông dân luôn luôn bùng cháy ngay dưới thời Gia Long. Phong trào đấu tranh đó đã làm lung lay cơ sở xã hội của triều Nguyễn.