Hội nhập cùng văn hóa Việt

Một phần của tài liệu Exploring Your Own Culture (Trang 75 - 79)

D. Generalizations and Stereotypes

Hội nhập cùng văn hóa Việt

Dù có những cảm nhận khác nhau về đất nước và nền văn hóa Việt Nam, nhưng những người nước ngoài mà tôi tiếp xúc đều thống nhất ở quan điểm: Việt Nam là một điểm đến an toàn và thân thiện, người Việt tốt bụng và mến khách. Đặc biệt, Tết cổ truyền của Việt Nam với hình ảnh “ngày Tết của gia đình” đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.

Những “cú sốc văn hóa”

Tim là một người Đức hiện đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Anh mới cưới vợ người Việt cách đây không lâu. Tim cho biết: Điều đầu tiên khiến tôi cảm thấy gần gũi ngay với đất nước này là người Việt Nam cũng luôn hướng về gia đình giống như người Đức chúng tôi vậy. Đây cũng là một trong những lý do khiến tôi quyết định tìm cho mình một cô dâu Việt bởi sự gần gũi về quan niệm gia đình sẽ giúp chúng tôi gắn bó hơn với nhau.

Cũng là một chàng rể Tây giống Tim, nhưng Alain – một chàng trai đến từ Pháp lại không có một sự khởi đầu thuận lợi khi hòa nhập với nền văn hóa Việt. Alain thừa nhận: Tôi đến từ một đất nước kinh tế phát triển, nền văn hóa cũng có nhiều điểm khác biệt nên tất nhiên thời gian đầu khi đến Việt Nam, tôi đã gặp phải những “cú sốc văn hóa”. Đơn giản trong chuyện ăn uống thôi: quanh chỗ chúng tôi ở có nhiều quán thịt chó, bố vợ tôi cũng rất thích nhắm rượu với thịt chó, còn tôi thì chỉ nghĩ đến thôi đã thấy... sợ! Chủ nhật, theo mẹ vợ ra chợ làng, nhìn thấy mấy cái đầu chó nhe răng trắng ởn, tối về trằn trọc mãi tôi cũng không ngủ được vì hình ảnh đó cứ lởn vởn trong óc. Rồi lại còn cái món mắm tôm. Nghe bố vợ tôi nói cái anh thịt chó mà thiếu mắm tôm là vứt! Tôi nghe lời cũng thử nhấm một tí nhưng thú thực, tôi rất phục khi nhìn thấy bố vợ và các ông anh vợ ăn mắm tôm ngon lành đến vậy.

Chị Hồng Hạnh – vợ Alain vẫn không nín được cười khi nhớ lại bộ mặt ngây thuỗn của chồng hôm cưới khi từ nhà hàng trở về vẫn thấy họ hàng nhà vợ ngồi chật nhà, trò chuyện râm ran. Chả là anh chàng cứ nghĩ rằng xong tiệc cưới là xong mọi chuyện, chỉ việc về nhà ngủ một giấc cho bõ quãng thời gian mệt mỏi chuẩn bị đám cưới. Alain cũng không quen với việc hàng xóm, thậm chí cả họ hàng thân thiết, đến nhà mình chơi tự nhiên và thường xuyên như thế. Anh cho biết: Ở phương Tây, chúng tôi thích sự riêng tư, độc lập, trong khi ở Việt Nam, tính cộng đồng, làng xã rất cao. Đây cũng là điều khiến tôi vẫn cảm thấy bỡ ngỡ và đang phải thích nghi dần.

Trong khi đó, anh Julien – Quản lý của nhà hàng Salsa ở phố Nhà Thờ - HN thì gặp phải “cú sốc văn hóa” khá thú vị. Anh sang Việt Nam làm việc cách đây đã 3 năm. Anh cũng đã yêu một cô gái Việt nhưng cuối cùng, sau những choáng váng do khác biệt văn hóa gây ra, anh và cô ấy đã chia tay. Julien tâm sự: Anh thấy sốc thực sự khi mới yêu thôi mà bố mẹ cô gái đã bắt cô phải đưa anh về ra mắt, rồi anh phải thường xuyên đến nhà cô “giao lưu” để tạo mối quan hệ, mỗi lần muốn đưa người yêu đi chơi phải xin phép... Trong khi đó, ở Pháp, đất nước của Julien, chuyện này dễ dàng và thoải mái hơn nhiều. Julien cười bảo: Tôi không chịu được cái nhìn nghiêm khắc và đầy cảnh giác của bố mẹ người yêu khi tôi dẫn con gái họ đi chơi. Họ như thầm nói với tôi rằng: “Anh mà làm nó tổn thương thì đừng trách”. Tôi không chịu đựng được cảm giác vừa yêu vừa... run như thế.

Từ thích nghi đến yêu mến

Lấy vợ người Việt và xác định sống ở quê hương của vợ trong một thời gian dài, Alain không có cách nào khác là phải thích nghi dần với nền văn hóa Việt. Anh quan sát, tìm hiểu tất cả những gì đang diễn ra xung quanh

hợp. Anh đang học ăn thịt chó, để có thể ngồi nhâm nhi với bố vợ khi ông nổi hứng “rượu thịt chó”. “Nhưng nhất định không ăn đầu chó đâu nhé!” – Alain cười bảo. Anh cũng dần tìm thấy nhiều điểm tích cực trong lối sống cộng đồng của người Việt. Alain nhận xét: Hình như ở Việt Nam, người ta ít cảm thấy cô đơn bởi mọi người gắn bó rất chặt chẽ với gia đình, làng xóm, quê hương... Mọi người dễ dàng chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống và cũng sẵn sàng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Alain đã bắt đầu quen với việc thấy những người lạ đi trên đường làng nhìn thấy mình và... cười chào. Sự thân thiện, giúp đỡ nhiệt tình của mọi người khiến anh vơi đi nỗi nhớ nhà.

Julien quyết định đến Việt Nam làm việc cũng một phần vì yêu sự thanh bình của Hà Nội và nụ cười thân thiện của người Việt. Sau một thời gian sống tại Việt Nam, anh học được nguyên tắc ứng xử: đừng bao giờ nổi nóng và hãy luôn mỉm cười. Anh nhận thấy rằng điều này đã giúp cho công việc của anh rất nhiều và cuộc sống của anh cũng ít rắc rối hơn. “Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao người Việt lại hay cười đến vậy” – Julien nói.

Ấn tượng với “Tết của gia đình”

Văn hóa truyền thống của Việt Nam luôn đem đến cho người nước ngoài sự ngạc nhiên và thú vị. Đặc biệt, bất cứ người phương Tây nào đã từng được ăn một cái Tết Việt đều thốt lên “Rất ấn tượng! Thực sự khác biệt!”. Greig Craft – Giám đốc Quỹ Phòng chống thương vong châu Á – người đã trải qua 19 cái Tết ở Việt Nam đến giờ vẫn chưa hết những điều ngạc nhiên về Tết. Ông cho biết: “Tôi vẫn luôn cố cảm nhận và cắt nghĩa tại sao ngày Tết lại quan trọng với người Việt đến vậy nhưng thú thực, tôi vẫn thấy điều gì đó bí ẩn mà tôi nghĩ chỉ người Việt mới cảm nhận được. Tôi cũng luôn tôn trọng và làm theo những điều kiêng kỵ của người Việt trong dịp Tết, chẳng hạn kiêng “xông nhà” người khác vào mùng 1 Tết. Tôi sợ

rằng nếu đến nhà một ai đó vào ngày này, có thể chẳng may tôi sẽ mang “điều xấu” đến cho họ, và đó là điều tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình. Vì thế, trong dịp Tết Nguyên đán, tôi thường ở nhà chơi với con gái nhỏ. Cũng có một vài năm tôi trở về Mỹ thăm gia đình vào dịp này hoặc đi du lịch tới những nơi mà tôi chưa đặt chân đến ở Việt Nam”.

Trong khi đó, Julien cảm thấy rõ sự khác biệt trong quan niệm về ngày Tết của người Việt với người phương Tây. Với người Việt, Tết là dịp cả gia đình sum họp bên nhau, là ngày Tết của gia đình, trong khi với người phương Tây, Tết là dành cho bạn bè. Nhà hàng Julien đang làm quản lý chủ yếu phục vụ khách nước ngoài nên trong Tết Nguyên đán vẫn mở cửa. Tuy vậy, Julien vẫn cảm nhận được không khí Tết khi anh đi trên đường phố, nhìn vào những bộ quần áo đẹp, vào gương mặt rạng rỡ của mọi người. Julien cũng đã lên chùa vào một sáng mùng 1 Tết. Dù không hiểu lắm về truyền thống tâm linh của người Việt, nhưng anh vẫn thấy đó là những thời khắc thật thiêng liêng.

Còn với Alain, đây mới là năm đầu tiên anh ăn Tết ở Việt Nam. Tò mò, háo hức là những cảm nhận ban đầu của anh về ngày Tết truyền thống. Mặc dù đã được vợ kể và giảng giải về những phong tục tập quán của người Việt trong những ngày Tết, nhưng Alain vẫn nóng lòng muốn được trải nghiệm. “Còn quá nhiều điều tôi phải làm để hòa nhập với văn hóa Việt, nhưng tôi cảm thấy rất thích thú với những trải nghiệm này. Chúng không chỉ giúp tôi hiểu hơn về đất nước nơi vợ tôi sinh ra mà chúng còn khiến tôi hiểu Hồng Hạnh hơn” – Alain nói, mắt long lanh nhìn vợ.

Một phần của tài liệu Exploring Your Own Culture (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(86 trang)
w