Nghiên cứu này xem xét mẫu gồm 674 thương vụ M&A đã hoàn thành ở Việt Nam giai đoạn 2005-2020. Theo tiêu chí tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các công ty đi thâu tóm, các thương vụ được phân biệt thành hai nhóm bao gồm các thương vụ sở hữu dưới 50% cổ phần và các thương vụ sở hữu từ 50% trở lên. Bên cạnh đó, để phân tích ảnh hưởng của cơ chế quản trị công ty và môi trường thông tin đến quyết định lựa chọn khu vực thâu tóm, mẫu nghiên cứu được chia thành hai nhóm thương vụ gồm: (1) Nhóm do các công ty nội địa mua lại, (2) Nhóm do các công ty nước ngoài mua lại. Ngoài ra, các công ty mục tiêu được phân nhóm theo ngành (mã SIC 4 chữ số theo chuẩn của Hoa Kỳ).
Dữ liệu được thu thập từ các nguồn đáng tin cậy: (1) Thông tin về ngày thông báo thương vụ và các đặc điểm của thương vụ thâu tóm được thu thập từ cơ
sở dữ liệu có trả phí Thomson Reuters SDC Platinum.14 (2) Dữ liệu kết quả tài chính và giá cổ phiếu thu thập từ các cơ sở dữ liệu Mint Global - Bureau Van Dijk và FiinPro- Stoxplus; (3) Đặc điểm quản trị công ty được thu thập từ báo cáo thường niên (Thông tin về số lượng thành viên HĐQT độc lập, tính kiêm nhiệm của CEO, sở hữu cổ đông lớn) của năm tài chính kết thúc trước ngày công bố thương vụ.
Ngoài ra, các giao dịch được nghiên cứu phải đảm bảo thỏa mãn một số điều kiện, gồm (i) Các công ty đi thâu tóm sở hữu ít hơn 50% trước khi thực hiện các giao dịch, chào mua tối thiểu 5% cổ phiếu công ty mục tiêu; (ii) Các công ty mục tiêu là các công ty được niêm yết tại các trung tâm giao dịch chứng khoán, có dữ liệu về giá cổ phiếu và dữ liệu tài chính tại các nguồn đáng tin cậy. Ngoài ra, để tránh sai lệch trong mẫu được lựa chọn, các quan sát được loại bỏ nếu nhiều công ty đồng thời mua một công ty mục tiêu trong cùng một ngày, và mẫu chỉ bao gồm các giao dịch có giá trị tối thiểu là 0,1 triệu USD15. Sau khi loại bỏ các quan sát bị thiếu dữ liệu, các giao dịch không thỏa mãn các điều kiện trên, mẫu nghiên cứu cuối cùng bao gồm 674 giao dịch M&A ở Việt Nam. Trong đó, một thương vụ được xem là thương vụ thâu tóm sở hữu cổ phần thiểu số khi công ty đi thâu tóm sở hữu lớn hơn 5% và ít hơn 50% cổ phần công ty mục tiêu sau thương vụ mua lại. Một thương vụ thâu tóm sở hữu cổ phần đa số khi công ty đi thâu tóm sở hữu từ 50% cổ phần công ty mục tiêu trở lên.
14 Tác giả cám ơn PGS.TS. Đặng Hữu Mẫn, người hướng dẫn 2, đã chia sẻ bộ dữ liệu này.
15 Các nghiên cứu hiện có lựa chọn các thương vụ M&A có giá trị giao dịch từ 0,1 triệu đô la Mỹ trở lên đối với các thị trường đang phát triển.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Chương này đã xây dựng giả thuyết nghiên cứu về tác động của môi trường thông tin nội bộ và cơ chế quản trị công ty đến các quyết định chiến lược trong một thương vụ M&A. Trên cơ sở giả thuyết được phát triển, tác giả đã giới thiệu cách xác định các biến, thiết lập mô hình và chỉ ra các phương pháp nghiên cứu được lựa chọn để giải quyết vấn đề nghiên cứu đặt ra. Ngoài ra, chương này cũng đã làm rõ dữ liệu, nguồn thu thập dữ liệu và cách lựa chọn mẫu nghiên cứu.
CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU