Như đã phân tích ở Chương 2, hoạt động đầu tư của BHTGVN được thực hiện tại Trụ sở chính và do Phòng NVĐT làm đầu mối phối hợp với các phòng ban triển khai. Phòng NVĐT chịu trách nhiệm các bước trong quy trình đầu tư, từ nghiên cứu thị trường, phân tích và đánh giá rủi ro, ra quyết định đến kiểm soát, theo dõi sau đầu tư và hoàn thiện hồ sơ. Việc kiểm soát rủi ro được lồng ghép chung cả ở khâu thực hiện đầu tư và theo dõi sau đầu tư do các tổ/nhóm của phòng NVĐT đảm trách và mới chỉ được thực hiện ở mức độ sơ khai. Hiện nay, BHTGVN chưa thiết lập cơ chế kiểm soát rủi ro đầu tư theo mô hình một đơn vị hay phòng, ban, bộ phận độc lập và có vai trò chuyên trách kiểm soát và quản trị; hoạt động theo dõi sau đầu tư được gán cho chức năng kiểm soát rủi ro nên chưa thể đảm bảo khách quan. Để việc quản trị rủi ro đạt hiệu quả, BHTGVN cần xây dựng bộ phận kiểm soát rủi ro độc lập để tránh việc cán bộ kiêm nhiệm nhiều vị trí, dẫn đến khó kiểm soát rủi ro, đặc biệt rủi ro đạo đức. Cần có quy chế quản trị rủi ro để phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn. Việc xây dựng và thực hiện quy trình quản trị rủi ro phải mang tính hệ thống và chuyên nghiệp nên BHTGVN cần quản trị và kiểm soát rủi ro hiệu quả với các khuyến nghị sau:
Thứ nhất, Nhận diện rủi ro: Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro để nhận biết nguy cơ rủi ro có thể xảy ra, từ đó chủ động thực hiện chiến lược quản lý phù hợp;
Thứ hai, Phân tích rủi ro: Dựa trên các rủi ro được nhận diện, cán bộ quản trị đánh giá khả năng hay xác suất rủi ro xảy ra và mức độ tác động để phân loại, xếp hạng từng loại rủi ro và đề ra biện pháp ứng phó phù hợp;
Thứ ba, Kiểm soát rủi ro: Thiết lập hệ thống kiểm soát giúp phát hiện, ngăn chặn sớm rủi ro, đề ra hướng xử lý tốt nhất để giảm thiểu ảnh hưởng đến kết quả đầu tư;
Thứ tư, Giám sát và xử lý rủi ro: Phân tách trách nhiệm rõ ràng giữa bộ phận đầu tư và bộ phận kiểm soát; đồng thời thực hiện trích lập, phân bổ và sử dụng quỹ xử lý rủi ro.