1.5.1.1. Ngân hàng Quốc gia Úc
Ngân hàng Quốc gia Úc (National Australia Bank – NAB), Ngân hàng lớn nhất đồng thời là công ty lớn thứ hai nước Úc, thông báo ngày 13/1/2004 mức lỗ 360 triệu Đôla Úc trong kinh doanh ngoại hối. Nguyên nhân thất thoát là do hoạt động của các nhân viên NAB (Traders) đã đi ngược lại với chiến lược của NAB.
Mức độ rủi ro trong kinh doanh đồng Đôla Mỹ của ngân hàng này tăng đột biến từ cuối năm 2003. Chính mức độ rủi ro này dẫn đến mức thất thoát nặng nề khi mà đồng Đôla Mỹ giảm đến 10% giá trị so với đồng Đôla Úc. Ngày 30/9/2001 giá trị của danh mục đầu tư quyền chọn tiền tệ bị kê khai vượt mức khoảng 4 triệu Đôla Úc. Một năm sau đó, giá trị này ở vào mức 8 triệu Đôla Úc. Trong cả hai trường hợp trên các giá trị đều được tạo ra bởi những số liệu không chính xác.
Từ tháng 9 đến tháng 11/2003, số lượng giao dịch mới làm tăng đáng kể càng làm tăng độ rủi ro cùng với sự suy yếu của Đôla Mỹ. Các Traders liên tục đi
quá giới hạn và làm giả số liệu về trạng thái ngoại tệ. Ban đầu, họ sử dụng tỷ giá sai với thực tế trong những giao dịch thật, họ chuyển lợi nhuận và các khoản lỗ từ ngày này sang ngày khác (smoothing). Sau đó họ tiếp tục thi hành những giao dịch giao ngay và quyền chọn giả để che đậy thua lỗ. Các Traders chỉ đưa những cuộc giao dịch giả này vào Horizon ngay trước khi phiên giao dịch kết thúc, vào khoảng 8 giờ sáng ngày hôm sau. Số liệu trong Horizon là nền tảng cho việc đánh giá lợi nhuận hay tổn thất mà từ đó các báo cáo tài chính được tạo ra. Sở giao dịch tài chính bắt đầu hoạt động kiểm tra các giao dịch khoảng 9 giờ sáng hàng ngày. Đôi khi vào khoảng giữa 8 giờ sáng và 9 giờ sáng, lợi dụng “kẽ hở 1 tiếng”, các giao dịch viên có khả năng sửa đổi, làm sai lệch giá trị ngoại hối và sửa lại các giao dịch ảo để tránh bị phát hiện (Các nhà đầu tư này phát hiện ra “kẽ hở” một cách tình cở từ năm 2000). Thêm vào đó, tháng 10/2003, Traders lại phát hiện rằng bộ phận back office dã dừng việc theo dõi các giao dịch nội bộ. Điều này cung cấp thêm cho họ phương thức che giấu thứ ba: thêm vào lựa chọn giao dịch nội bộ từ một phía, và không bị phát hiện. Tính đến ngày 27/1/2004, sau khi điều chỉnh và đánh giá lại các hồ sơ, khoản lỗ 360 triệu Đôla Úc đã được công bố.
Có thể nói, thua lỗ trong hoạt động kinh doanh ngoại hối này của NAB là do nguyên nhân sau:
- Đạo đức nhân viên: Các Traders ban đầu báo sai lợi nhuận và tiếp tục lấn sâu, tạo ra các giao dịch giả mạo để che giấu các tổn thất lớn có lẽ vì họ tin rằng họ có khả năng đạt đủ lợi nhuận trong tương lai để bù lại những tổn thất đã bị che giấu.
- Rủi ro và cơ chế quản lý:
Thiếu sự theo dõi sát sao - các nhà đầu tư được giao cho vị trí cao, phức tạp và nhiều rủi ro, trong khi cấp giám sát lại hạn chế trong việc quản lý lợi nhuận hay thua lỗ.
Thất bại trong quản trị rủi ro: có quá nhiều sơ hở trong thiết kế, thi hành và chấp hành trong quản trị rủi ro. Ban kiểm soát rủi ro trọng yếu và rủi ro thị trường (Market Risk & Prudential Control) biết và báo cáo nhưng lại thiếu kiên quyết trong ngăn chặn vượt rào.
Thiếu sự điều hành tài chính: điều tra nhận định rằng quy trình để phát hiện, điều tra và phân tích các giao dịch bất thường không hiệu quả.
Quá trình tổng kết cuối tháng thiếu quy trình giới hạn và không nêu lại kết quả để điều chỉnh những giao dịch đã bị hủy bỏ và sửa đổi.
Sơ hở ở bộ phận back office: thất bại trong việc nhận định giao dịch giả.
Rủi ro mà NAB gặp phải là một bài học kinh nghiệm về việc kiểm soát rủi ro hoạt động của NHTM.
1.5.1.2. Ngân hàng ANZ
Theo thông báo ngày 13/9/2012 của Ngân hàng ANZ, dựa theo chỉ số Dow Jones về tính bền vững, Dow Jones Sustainability Indexes (DJSI), ANZ được xếp hạng là ngân hàng có tính bền vững nhất thế giới năm 2012.
Chìa khóa để ANZ có được vị trí dẫn đầu trong hoạt động ngân hàng là nhờ những hoạt động kinh doanh bền vững, rủi ro hiếm có, các phương pháp quản lý khủng hoảng và sự chú trọng vào các sản phẩm đầu tư bền vững.
Bên cạnh đó, sự ra đời của chiến lược tài chính tổng hợp, chiến lược rõ ràng và lâu dài nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như việc truyền đạt thông tin minh bạch về những mục tiêu và quá trình phát triển…đã giúp ANZ trở thành một trong những Ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực này ở Úc, New Zealand và Châu Á Thái Bình Dương.
Ngân hàng ANZ đã xây dựng được hệ thống kiểm soát rủi ro rất thành công và xem đây cũng là một chỉ số để đánh giá khả năng là việc của nhân viên. Ngân hàng ANZ luôn tạo ra một môi trường làm việc mà các nhà điều hành luôn cảm thấy sẵn sàng đối mặt với rủi ro. Họ có thể tự do thảo luận về rủi ro mà không có bất kỳ sự giám sát nào, cũng như có thể ra quyết định nhanh khi thấy cần thiết.
Một số công cụ quản lý rủi ro của Ngân hàng ANZ:
a) Công cụ tự đánh giá rủi ro KCSA (Key Control Self Assessment):là công cụ nhằm mục đích phát hiện sớm các rủi ro chưa được nhận dạng và không
được chấp nhận, xây dựng các biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn đối với các rủi ro không được chấp nhận. Thông qua công cụ tự đánh giá kiểm soát rủi ro, Ngân hàng ANZ có thể lập “Ma trận kiểm soát rủi ro” để dễ đánh giá hiệu quả các biện pháp kiểm soát áp dụng đối với rủi ro.
b) Công cụ báo cáo chỉ số rủi ro chính KRI (Key risk indicator): là công cụ đánh giá định lượng dùng để kiểm tra, đánh giá mức độ rủi ro của một lĩnh vực hoạt động hay một quy trình công việc. KRI thể hiện mức độ rủi ro trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể và là các quy tắc mang tính định lượng, dự đoán và phân tích xu hướng.
Mục tiêu của báo cáo là cảnh báo sớm, phát hiện kịp thời mọi thay đổi trong phạm vi kiểm soát; giúp cán bộ quản lý tập trung kiểm soát rủi ro hoạt động trong phạm vi các mức mục tiêu định trước, đã được chấp thuận mức giới hạn hoặc định mức chất lượng khác.
c) Công cụ đánh giá mức độ rủi ro: Bản đồ rủi ro được xây dựng dựa trên những rủi ro được phát hiện qua quá trình kiểm tra sử dụng các công cụ KCSA hay KRI. Các nhận xét về rủi ro và chính sách quản lý tương xứng được căn cứ vào thông tin trên bản đồ rủi ro.
d) Công cụ và phương pháp tính VAR (Value at risk): VAR là nỗ lực nhận biết đâu là nguyên nhân rủi ro và đâu là chính sách hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro. VAR giúp ngân hàng có thể phân bổ các nguồn để đảm bảo lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. VAR đo lường tổn thất những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra mà tổ chức có thể chịu đựng được dưới những điều kiện bình thường của thị trường tại một mức độ tin cậy cho phép. Nó đánh giá rủi ro bằng cách sử dụng mô hình thống kê và mô phỏng, được tạo ra nhằm nắm bắt sự biến động giá trị tài sản trong danh mục đầu tư của Ngân hàng.
1.5.1.3. Ngân hàng Deutsche Bank
Đối với Deutsche Bank, tất cả các cấp từ Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, và tất cả nhân viên đều phải nhận thức được tầm quan trọng của rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ. Hội đồng quản trị thuê tư vấn xây dựng khung quản trị rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ phù hợp cho ngân hàng và môi trường kinh doanh. Trong
đó, hai vấn đề chủ chốt được đầu tư là: Xây dựng và hoàn thiện chiến lược quản trị rủi ro, hoàn thiện cấu trúc quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Chiến lược quản trị rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ thường bao gồm các vấn đề sau đây: (i) Xác định rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ và nhận biết các nguyên nhân gây rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ. (ii) Mô tả hồ sơ rủi ro (các rủi ro chính của các quy trình quản lý phụ thuộc vào quy mô, sự phức tạp của hoạt động kinh doanh). (iii) Mô tả về các trách nhiệm quản lý rủi ro hoạt động vào tổng thể quản lý rủi ro nói chung của ngân hàng.
Về vấn đề cấu trúc quản trị rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ, Deutsche Bank thành lập, hoàn thiện Ủy ban quản lý rủi ro riêng biệt, trong đó rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ là một bộ phận. Bộ máy giám sát rủi ro của Ngân hàng hoạt động độc lập, không tham gia vào quá trình tạo rủi ro, có chức năng quản lý, giám sát rủi ro.
Xây dựng ý thức về quản trị rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ trong toàn hệ thống, lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên để thiết lập các chốt kiểm soát về rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ. Tất cả các nhân viên trong ngân hàng Deutsche Bank được đào tạo để hiểu biết và tự tham gia xác định rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ - xác định nguyên nhân, đánh giá tất cả các rủi ro hiện có trong tất cả sản phẩm, hoạt động, quy trình và hệ thống của Deutsche Bank. Các chốt kiểm soát về rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ được lựa chọn dựa trên các tiêu chí: lĩnh vực có lợi nhuận cao, là nghiệp vụ cơ bản của Deutsche Bank, có thể gây thiệt hại lớn nếu rủi ro xảy ra.
Xây dựng hệ thống các tiêu chí đo lường rủi ro chính KRIs (Key Risk Indicators), định lượng hóa rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ theo cách tiếp cận AMA (Advanced Measurement Approach). Kết hợp các chỉ tiêu định tính (tự đánh giá, kiểm tra) và các chỉ tiêu định lượng và tính toán khả năng xảy ra rủi ro.
Hạn chế tối đa nguyên nhân gây rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ từ các yếu tố bên trong ngân hàng như con người, quy trình, hệ thống. Các chính sách quản trị nhân lực cần hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đạo đức nghề nghiệp tốt, các quy trình nghiệp vụ cần được rà soát thường xuyên, hoàn thiện hóa.
Bên cạnh đó cũng hạn chế tối đa nguyên nhân rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ từ yếu tố bên ngoài như xây dựng các phương án, đưa ra tình huống để sẵn sàng đối phó cũng như khắc phục kịp thời hậu quả do lỗi truyền thông, thiên tai, hỏa hoạn gây ra trong kinh doanh ngoại tệ. Giải pháp cơ bản cho việc đưa ra quyết định lựa chọn thay thế là công nhận rủi ro hiện hữu, chuyển đổi rủi ro cho bên thứ ba; tránh rủi ro bằng cách ngừng các hoạt động kinh doanh; giảm thiểu rủi ro hoạt động bằng đo lường các rủi ro khác. Những biện pháp này được bổ sung liên tục nhằm hạn chế tổn thất và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiếp tục kinh doanh trong trường hợp không ngăn chặn được rủi ro.
1.5.1.4. Ngân hàng Goldman Sachs
Goldman Sachs (Mỹ) được xem là ngân hàng chống đỡ thành công nhất trước cơn bão tài chính nhờ đưa quản trị rủi ro trở thành một nét văn hóa của ngân hàng. Goldman đã xây dựng một triết lý kinh doanh rằng “bạn chỉ kiếm được tiền khi bạn sẵn sàng chấp nhận rủi ro”. Theo đó, Goldman Sachs luôn tạo ra một môi trường làm việc mà các nhà điều hành luôn cảm thấy sẵn sàng đối mặt với rủi ro. Họ có thể tự do thảo luận về rủi ro mà không có bất kỳ sự giám sát nào, cũng như có thể ra quyết định nhanh khi thấy cần thiết. Tại Goldman Sachs, nhân viên ở mọi phòng ban đều được khuyến khích đóng góp ý kiến về những rủi ro mà họ cho rằng có khả năng tác động đến ngân hàng. Goldman còn có một mô hình quản lý rủi ro riêng. Hệ thống này được xây dựng đầu tiên vào năm 1995 với hạt nhân là Ủy ban giám sát nội bộ. Cuộc họp tổ chức trực tuyến vào thứ 4 hàng tuần để kiểm tra lại tất cả những dự án có mức độ rủi ro tương đối lớn bao gồm cả rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, tín dụng, công cụ mới…Nhờ đó, Goldman có được một tiêu chuẩn đánh giá rủi ro tương đối khách quan, định tính và định lượng.