Mấy nét về hình thức Chapeau trên Vietnamnet.

Một phần của tài liệu Tiểu luận: Đặc điểm Chapeau trong phóng sự Việt Nam 2010 pdf (Trang 26 - 31)

Khi nghiên cứu về hình thức Chapeau, để tránh trùng lặp với các phần trên, chúng tôi đi theo các tiêu chí cơ bản như: độ dài câu, độ dài văn bản, số lượng câu và cách thức liên kết câu cũng như mức độ sử

dụng các yếu tố nghệ thuật trong Chapeau Vietnamnet. Đó cũng là những yếu tố quan trọng mà bất kì ai khi đặt bút viết đều nghĩ đến.

Chapeau của phóng sự nói riêng, của các thể loại báo điện tử nói chung luôn lấy tiêu chí ngắn gọn, cô đọng. Càng ngắn gọn, cô đọng càng tốt nhưng phải đảm bảo thể hiện tốt nhất vai trò của đoạn văn mào đầu. Với mỗi sự lựa chọn thể hiện cụ thể mà độ “co dãn” về hình thức Chapeau có sự khác nhau. Với những lời mào đầu dẫn dắt, tái hiện bối cảnh, các câu văn nhiều khi có xu hướng viết dài và đoạn văn cũng gồm nhiều câu hơn, và sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật nhiều hơn. Với những phóng sự dài kì, thì Chapeau trong kì đầu tiên thường dài hơn, khắc họa cụ thể nội dung và tinh thần của một câu chuyện dài về sau. Còn những phóng sự sự kiện, cập nhật tình hình thời sự nóng hổi thì do đặc thù thông tin mà mào đầu có vẻ ngắn gọn, “nhẹ nhàng” hơn.

Theo dõi các phóng sự trên Vietnamnet năm 2010, chúng tôi nhận thấy Chapeau thường dao động trong khoảng từ 1 đến 3 câu. Theo đó đoạn văn dài khoảng 2 đến 5 dòng. Phần lớn những Chapeau có số lượng câu nhiều thì các câu rất ngắn và ngược lại, những Chapeau gồm 1 câu thì câu văn dài.

Ví dụ:

Phút yếu đuối của những đứa trẻ vị thành niên chưa từng va vấp, bị dụ dỗ, lôi kéo và bị lừa đưa sang Trung Quốc; sau đó bị ép bán trinh, bị đưa vào các nhà chứa và bắt phải bán dâm một ngày không dưới 30 lần”. (Nhổ gai trên “đường sung sướng, 9/12/2010).

“Lũ đầu nguồn không về khiến cho nhiều khu vực ở Bạc Liêu thiếu nước ngọt nghiêm trọng, nuôi cá không được, trồng lúa cũng không xong...” (Bi kịch “thừa mặn thiếu ngọt” ở hạ nguồn, 28/10/2010).

“Nghe tiếng khỉ kêu, vượn hú vọng ra từ những căn nhà sang trọng, nhiều người ngơ ngác, chẳng biết thực hư” (Khỉ kêu vượn hú trong nhà đại gia, 30/12/2010).

Những Chapeau chỉ gồm 1 câu như thế này đang xuất hiện ngày càng nhiều trên Vietnamnet. Mặc dù ngắn nhưng chúng đã thực hiện rất tốt những chức năng chính của một Chapeau phóng sự, trong đó có việc gây hấp hẫn, mời đọc, và cung cấp chủ đề, nội dung chính của phóng sự:

“Thiếu nữ câm điếc xinh đẹp bị kẻ xấu bắt cóc tống tiền, cặp vợ chồng nghèo đã phải tiêu hết số tiền bán cả đàn bò để tìm con…” (Bán bò đi tìm con gái câm điếc bị bắt cóc,25/11/2010)

Những câu văn dài được ngắt bởi những dấu phẩy, chấm phẩy ngăn ra thành những ý cụ thể. Tuy nhiên, nhược điểm của dạng này là nếu câu văn quá dài, quá nhiều ý sẽ dễ “gây rối” cho người đọc, và ảnh hưởng tới hiệu quả tiếp nhận, ví dụ:

“- Những việc chết người, cháy nhà cùng bao tao loạn ở ngôi đền thiêng Preah Vihear tại biên giới Campuchia và Thái Lan những ngày này khiến tôi có chút chi đó bồi hồi khi gẫm lại lần được tận thấy Preah Vihear tiết tận xuân sơ hạ hai năm trước... (Nhớ lần tận thấy Preah Vihear)

Xuất hiện nhiều nhất trên Vietnamnet là loại Chapeau có 3 câu văn, các câu tương đối ngắn gọn, cung cấp khá đầy đủ cho người đọc nội

dung và tinh thần của bài phóng sự. Người đọc sẽ không cảm thấy chán vì đoạn quá dài, hoặc cảm thấy rối và khó hiểu vì đoạn chỉ gồm một câu mà nhiều ý.

“Đêm đầu tiên Bình ở với anh Tân - chị Thuận, anh chị đã hỏi cháu rất nhiều chuyện. Hỏi chuyện… con chết thế nào, tại sao lại về trong bản Cọi. Bình bảo "con cũng đã quay về nhà, nhưng đến cái cống đầu ngõ có một người to lớn cứ chặn con lại rồi đuổi đi nên không vào được nhà... ". (Ly kỳ chuyện cậu bé chết đuối "trở về",4/12/2010)

“Giữa bồng bềnh sương khói Hồ Gươm, ông ngồi đó lặng lẽ, trầm ngâm. Rồi ông lấy cây vĩ cầm ra. Những thanh âm du dương từ cây vĩ cầm cùng với giai điệu những bài hát về Hà Nội từ thời đạn bom khói lửa... cứ thế tuôn trào, giữa những ngày Hà Nội mừng Đại lễ” (Người kéo vĩ cầm và hợp xướng 'ngàn sao' bên Hồ Gươm, 9/10/2010).

Về hình thức, những Chapeau như thế này là tương đối phù hợp với một bài phóng sự. Các câu liên kết với nhau thể hiện rõ thông điệp người viết muốn độc giả tiếp nhận trước khi đi vào nội dung bài báo. Nhìn chung, đây cũng là dạng được sử dụng phổ biến nhất.

Trên Vietnamnet cũng có một số phóng sự mà Chapeau được viết tương đối dài (3-5 câu). Kiểu như:

“Mọi người chen lấn, đè lên nhau khiến con ngất xỉu. Tỉnh dậy, con thấy chị gái nằm bất động cách đó không xa. Mũi chị bị giẫm đến dập nát và con sờ không thấy thở nữa, chị ấy chết rồi…”. Ghi nhận của PV Thái Phương, báo VietNamNet tại hiện trường thảm họa giẫm đạp

khiến hàng trăm người chết ở Campuchia”.( Đêm kinh hoàng ở Phnom Penh, 24/11/2010).

“Nhiều người không khỏi giật mình khi biết được những chất độc tồn tại trong rượu chế, rượu giả bấy lâu nay. Chỉ vì rẻ, vì... tiện lợi, những người dân ở vùng nông thôn, miền núi và dân lao động tự do đang ngày ngày uống vào cơ thể thứ rượu mang nhiều độc tố. Ghi nhận của nhóm PV tại các địa điểm chuyên làm rượu giả thể hiện rõ điều này”. (Kinh hoàng công nghệ…rượu chế, 4/1/2010).

Nhìn chung, những Chapeau có “dung lượng” lớn như thế được dùng không nhiều và đang ngày càng ít đi. Điều này cũng phù hợp với xu hướng tiếp nhận của độc giả. Như đã trình bày, người đọc hiện nay-nhất là công chúng báo điện tử-luôn chán phải đọc dài:

“Ngoài lương theo ngạch bậc từ nguồn ngân sách Nhà nước, các giảng viên giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ đều có thêm nguồn thu từ việc nhà trường được phép thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ. Chỉ tính riêng thu nhập chính thức được công khai tại trường thì đã có nhiều trường, mức thu của giảng viên ngót nghét 10 triệu/tháng. Đó là chưa tính tới việc giảng viên ĐH còn “rộng cửa” để tăng thu nhập của mình, mỗi tháng cũng có thể lên tới vài chục triệu đồng”. (Choáng với thu nhập giảng viên đại học, 15/9/2010).

Phóng sự thuộc nhóm chính luận nghệ thuật nên ngôn ngữ ở nhiều chỗ rất đậm tính văn chương. Đặc biệt với Chapeau, nhiều tác giả với tài năng cùng cá tính của mình đã có những cách mở đầu và dẫn chuyện rất “có duyên”. Sự hấp dẫn đến từ nghệ thuật sự dụng ngôn từ,

khả năng tạo lập câu, liên kết văn bản. Nhiều Chapeau phóng sự trên Vietnamnet có sử dụng các biện pháp nghệ thuật, trong đó phổ biến là các cách nói so sánh, hình tượng hóa, bên cạnh đó là sự tham gia của những thành ngữ, quán ngữ.

“Từ “làng lưới”, “làng lờ”, “làng lợp” đến “làng đóng xuồng” nức tiếng Đồng Tháp Mười, ở đâu chúng tôi cũng nghe những tiếng thở dài của người dân về chuyện nước lũ không về. Người dân nói đây là mùa lũ buồn nhất xứ này trong mấy chục năm nay”. (Miền Tây đói lũ, 16/10/2010).

Đây là một cách mở đầu rất hay, tác giả sử dụng cách diễn đạt “mềm mại”, câu văn trải dài, và nhờ thế câu chuyện được mở đầu rất hấp dẫn. Nhìn chung, sử dụng các yếu tố nghệ thuật sẽ khiến cho Chapeau đặc sắc và hiệu quả hơn thấy rõ. Tuy nhiên, với đặc thù của báo điện tử, việc sử dụng này cũng cần có giới hạn. Vì những cách diễn đạt cầu kì, hoa lá vừa không cần thiết, vừa có thể khiến độc giả khó hiểu hoặc hiểu nhầm nội dung.

Một phần của tài liệu Tiểu luận: Đặc điểm Chapeau trong phóng sự Việt Nam 2010 pdf (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(37 trang)
w