Mặc dù hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu của VNPT đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn đó những hạn chế nhất định:
Hạn chế về nhận thức: Việc thiếu kiến thức về thương hiệu dẫn đến những nhận thức không đầy đủ về hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu, nhiều nhân viên còn cho rằng hoạt động xây dựng thương hiệu chỉ đơn giản là quảng cáo hình ảnh, sản phẩm dịch vụ mà chưa nhận thức được phải là toàn bộ các mặt hoạt động kinh doanh từ việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; dịch vụ; hoàn thiện phong cách giao dịch; xây dựng và thực hiện phương châm hoạt động; văn hoá doanh nghiệp.
Hạn chế về đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng và phát triển thương hiệu: Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng và phát triển thương hiệu của VNPT còn thiếu về số lượng, công việc còn mang tính kiêm nhiệm. Ngoài ra, hiện nay VNPT cũng chưa có chức danh Giám đốc nhãn hiệu, một chức danh cần thiết phải có trong hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu.
Hoạt động xây dựng thương hiệu còn thiếu tính chuyên nghiệp:
+ Việc sử dụng thương hiệu VNPT chưa phổ quát, thiếu thống nhất trên các văn bản, ấn chỉ, các tờ rơi, danh thiếp của nhân viên, trên các bảng hiệu của các chi nhánh ở các tỉnh thành.
+ Việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp tuy đã có chỉ đạo từ Ban Lãnh đạo VNPT tới tất cả các chi nhánh trong hệ thống, nhưng đến nay VNPT vẫn chưa xây dựng được một nét văn hoá doanh nghiệp đặc trưng của mình. Việc triển khai tại các chi nhánh chưa được quan tâm đúng mức nên còn nhiều cán bộ nhân viên chưa thực sự hiểu đầy đủ về phương hướng hoạt động của tập đoàn.
+ Thiếu tính thống nhất trong việc qui định về trang phục của nhân viên của các chi nhánh nên dẫn đến sự khác nhau về trang phục của các nhân viên giữa các chi nhánh (khác nhau về màu sắc, kiểu cách; về việc đeo phù hiệu, về việc thắt cravat...). Điều này là hạn chế rất lớn của VNPT trong việc tạo dựng hình ảnh nhất quán.
Thương hiệu VNPT còn mờ nhạt trên trường quốc tế: hiện nay VNPT mới chỉ có một văn phòng đại diện ở nước ngoài tại Mỹ.
Nguyên nhân tồn tại:
Bản thân đội ngũ cán bộ lãnh đạo còn thiếu kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; việc đầu tư đào tạo kiến thức về thương hiệu cho đội ngũ cán bộ nhân viên chưa được quan tâm đúng mức.
Chưa thành lập được bộ phận chuyên trách về thương hiệu với những cán bộ am hiểu về Marketing, kiến thức thương hiệu,...
Do hoàn cảnh lịch sử ra đời là một doanh nghiệp vừa kinh doanh vừa phục vụ công ích cho xã hội, thực hiện nhiệm vụ của đảng và nhà nước nên việc thay đổi cơ chế phải cần đến thời gian.
Hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu chỉ mới bước đầu thực hiện, thiếu sự tham khảo ý kiến của những chuyên gia, những công ty chuyên hoạt động về xây dựng và phát triển thương hiệu.
CHƯƠNG 3: BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO CÔNG TY LAO TELECOM