II. Các giải pháp hoàn thiện
2. Giải pháp về hoàn thiện các công cụ của CSTT
Kinh nghiệm thực tiễn của các nước qua nhiều thập kỷ và kết quả nghiên cứu của các nhà kinh tế học trên thế giới cho thấy chính sách tiền tệ có vai trò quan trọng trong việc góp phần cải thiện kinh tế và tăng mức sống của xã hội. Thông qua CSTT, NHTƯ tác động làm thay đổi tổng cung, tổng cầu của nền kinh tế, từ đó tác động đến lạm phát, sản lượng và công ăn việc làm. CSTT là một trong các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô chủ yếu của Nhà nước nhằm góp phần đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô đã đề ra cho từng giai đoạn nhất định. Do đó, việc tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ luôn được các nước đặc biệt quan tâm. Bài học rút ra từ thực tiễn của nhiều nước cho thấy để chính sách tiền tệ có hiệu quả, trước hết cần xác định rõ ràng các mục tiêu chính sách tiền tệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế; kế tiếp đó là lựa chọn, xây dựng và điều hành có hiệu quả hệ thống các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần đạt được các mục tiêu cuối cùng đã đề ra. Để hỗ trợ việc nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ còn có thêm một số điều kiện như: điều hành chính sách tiền tệ của NHTƯ cần có tính độc lập, xác định rõ trách nhiệm và thể hiện tính minh bạch; sự phát triển của các trung gian tài chính và thị trường tiền tệ; sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài chính và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Mục tiêu của chính sách tiền tệ theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN): ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống của nhân dân. Trên cơ sở mục tiêu chung đã quy định, trong các năm qua việc điều hành chính sách tiền tệ của NHTƯ luôn hướng vào việc: ổn định giá trị đồng tiền, góp phần kiềm chế và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ. Hàng năm, thông qua các công cụ chính sách tiền tệ NHTƯ điều tiết khối lượng tiền cung ứng phù hợp với các mục tiêu kinh tế vĩ mô đã đề ra. Nếu như trước đây NHTƯ sử dụng công cụ điều tiết tiền tệ trực tiếp (hạn mức tín dụng), đến nay đã chuyển dần sang sử dụng các công cụ điều tiết tiền tệ gián tiếp (tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc, thị trường mở). Cùng với các công cụ nói trên, thì tỷ giá và lãi suất cũng trở thành công cụ hỗ trợ có hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu của chính sách tiền tệ.
Để nâng cao hiệu quả của quá trình thực thi CSTT đòi hỏi phải nhanh chóng hoàn thiện và tiếp tục phát triển hệ thống các công cụ bám sát thực tiễn Việt Nam, phục vụ đắc lực cho quá trình đổi mới CSTT. Hệ thống các công cụ phải được xây dựng và hoàn thiện theo hướng hỗ trợ, phối hợp thúc đẩy lẫn nhau tránh tình trạng triệt tiêu hiệu quả của nhau.
Nhìn chung, NHTƯ đã kiểm soát được khối lượng tiền cung ứng phù hợp với mức tăng trưởng của nền kinh tế và chỉ số giá cả; đã đổi mới trong điều hành các công cụ chính sách tiền tệ: chuyển dần sang sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ gián tiếp một cách linh hoạt và có sự phối hợp đồng bộ giữa các công cụ chính sách tiền tệ với nhau. Hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của NHTƯ ngày càng nâng lên, đã góp phần ổn định tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an sinh xã hội.
Song song với các kết quả đạt được nói trên, trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ cũng còn một số vấn đề đặt ra để nghiên cứu xử lý nhằm
nâng cao hơn nữa hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của NHTƯ trong thời gian đến, giai đoạn Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới sụt giảm :
- Đối với công cụ chính sách tiền tệ:
Thị trường mở: thành viên tham gia trên thị trường mở chưa nhiều; hàng hoá giao dịch trên thị trường mở chưa được đa dạng; thị trường mở chưa thực sự là công cụ được sử dụng rộng rãi nhằm duy trì lãi suất chủ đạo “lãi suất liên ngân hàng định hướng”. Cơ chế điều hành lãi suất của NHTƯ mặc dù thời gian đã có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, nhưng chưa thực sự tác động mạnh mẽ đến các ngân hàng thương mại.
- Thị trường tiền tệ chưa thật sự là kênh dẫn có hiệu quả trong cơ chế truyền tải các tác động của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế.
- Sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài chính và một số chính sách kinh tế vĩ mô khác chưa chặt chẽ, do đó dẫn đến giảm hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ.
Giải pháp nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian đến nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần ngăn chặn sụt giảm kinh tế:
- Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ:
Trong điều kiện nước ta hội nhập kinh tế quốc tế và nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang sụt giảm, thì việc tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt; theo kịp sự phát triển của thị trường tiền tệ và trong khả năng kiểm soát tiền tệ là một trong các giải pháp để đạt được chính sách tiền tệ hiệu quả.
Duy trì việc tự do hoá công cụ lãi suất. Để NHTƯ thực sự là người cho vay cuối cùng trên thị trường liên ngân hàng, cần tiếp tục đổi mới cơ chế điều
hành lãi suất theo hướng: sử dụng lãi suất tái chiết khấu như lãi suất sàn; lãi suất cho vay qua đêm và lãi suất tái cấp vốn làm lãi suất trần trên thị trường liên ngân hàng nhằm tác động đến việc huy động vốn và cho vay của các ngân hàng thương mại trên thị trường.
Tiếp tục điều hành công cụ dự trữ bắt buộc một cách chủ động và linh hoạt theo diễn biến của thị trường nhằm kiểm soát tiền tệ; mặt khác tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sử dụng vốn khả dụng linh hoạt và hiệu quả. Trong điều kiện kiềm chế lạm phát, trong năm 2007 và năm 2008 NHTƯ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng từ 5%, lên đến 10% và 11% là cần thiết để chống lạm phát; ngược lại trong bối cảnh ngăn chặn nguy cơ sụt giảm nền kinh tế trong nước do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, do đó cần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng nâng cao sử dụng vốn khả dụng.
Đẩy mạnh việc đổi mới điều hành công cụ nghiệp vụ thị trường mở xem thị trường mở là công cụ được sử dụng rộng rãi nhằm duy trì lãi suất chủ đạo “lãi suất liên ngân hàng định hướng”; mở rộng việc kết nạp thành viên tham gia trên thị trường mở; đa dạng hoá hàng hoá giao dịch trên thị trường mở nhằm đáp ứng thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Tạo điều kiện và thúc đẩy sự phát triển của thị trường tiền tệ liên ngân hàng, thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc và thị trường mua bán lại giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.
Tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt theo quan hệ cung cầu trên thị trường, trong mối quan hệ phối hợp với lãi suất, có sự kiểm soát của Nhà nước nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô: kiểm soát được lạm phát; kích thích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; không ảnh hưởng lớn đến việc doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ; tạo điều kiện quản lý và thu hút nguồn ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng; nâng cao
quỹ trữ ngoại tệ của Nhà nước. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến cho các doanh nghiệp áp dụng các công cụ phòng ngừa, bảo hiểm rủi ro tỷ giá.
- Nâng cao tính độc lập, trách nhiệm của NHTƯ:
Đây là một trong các điều kiện tiên quyết nhằm nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của NHTƯ. Việc nâng cao tính độc lập, trách nhiệm cho NHTƯ phải thích ứng với mức độ hội nhập tài chính thế giới và phù hợp thể chế chính trị ở nước ta. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật NHTƯ theo hướng trao thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho NHTƯ trong xây dựng dự án chính sách tiền tệ; chủ động trong việc sắp xếp cơ cấu tổ chức và nhân sự; tự chủ về tài chính trong bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ NHTƯ; có chế độ đãi ngộ hợp lý để khuyến khích thu hút nhân tài; hiện đại hoá công nghệ quản lý trong việc tổng hợp, thống kê, phân tích, dự báo… phục vụ cho việc điều hành chính sách tiền tệ.
- Đẩy mạnh sự phát triển của thị trường tiền tệ:
Tiếp tục tạo hàng hoá và phát triển nghiệp vụ trên thị trường tiền tệ; mở rộng thành viên tham gia thị trường; nâng cao vai trò điều tiết, hướng dẫn của NHTƯ trên thị trường tiền tệ; hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thị trường tiền tệ phát triển. Sự phát triển của thị trường tiền tệ sẽ là kênh dẫn có hiệu quả trong cơ chế truyền tải các tác động của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế.
- Sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài chính và một số chính sách kinh tế vĩ mô khác:
Để nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác (chính sách tài chính, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài…) Trong điều kiện dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam nhiều như một số năm trước đây (trong đó có dòng vốn ngắn hạn), nếu không kiểm soát tốt dòng vốn này, sẽ
ảnh hưởng đến việc chống lạm phát. Do đó, cần có sự phối hợp chặt giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài chính và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài: đánh thuế hoặc yêu cầu ký quỹ đối với dòng vốn ngắn hạn vào Việt Nam. Hiện nay trong bối cảnh kinh tế thế giới sụt giảm, thì việc điều hành chính sách tiền tệ trong quan hệ phối hợp chính sách tài chính nhằm mục tiêu góp phần ngăn chặn nguy cơ sụt giảm nền kinh tế trong nước, nhưng đồng thời kiểm soát được lạm phát.
KẾT LUẬN
Như vậy, CSTT – đặc biệt là các công cụ của nó có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Việc sử dụng các công cụ đó như thế nào sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của nền kinh tế ở từng thời điểm cụ thể.
Ở Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thì việc áp dụng các công cụ của CSTT luôn đòi hỏi phải có sự phù
hợp, hiệu quả. Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, việc áp dụng các công cụ điều tiết trực tiếp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, thời gian gần đây chúng đã bộc lộ rõ những hạn chế khi bước sang một giai đoạn phát triển mới. Trong khi đó các công cụ điều chỉnh gián tiếp mới được đưa vào sử dụng và chưa thực sự phát huy hết, hoặc chư thể hiện rõ vai trò của nó do nhiều nguyên nhân gắn với thực lực nền kinh tế.
Từ đó đòi hỏi chúng ta phải có những định hướng và giải pháp đúng trong việc hoàn thiện các công cụ đó. Để có được điều này, bên cạnh sự định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cần phải có sự phát triển đồng bộ về năng lực NHTƯ, hệ thống NHTM… và nhiều sự phối hợp đồng bộ khác.
Do vậy việc nghiên cứu tìm hiểu về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam phải được coi là cả một quá trình lâu dài và cần được tiếp tục phát triển về sau.
Một lần nữa, em xin cảm ơn cô ThS. Phạm Thị Bích Duyên đã tận tình hướng dẫn em hoàn thành đề án này.
Em xin chân thành cảm ơn!
Sinh viên thực hiện
Nguyễn Thị Ngọc liên