Mặc dù lệch bội NST xuất phát từ quá trình tạo giao tử, tuy nhiên quá trình kích thích hormone và đáp ứng của bệnh nhân có thể ảnh hưởng tới sự hình thành lệch bội NST.
* Bệnh nhân có đáp ứng kém với kích thích buồng trứng (low responders).
Gianaroli năm 2001 thấy rằng những bệnh nhân buồng trứng đáp ứng kém với hormone kích thích thì phôi tạo ra có lệch bội NST là 68%. Năm 2003, De Sutter và cộng sự thấy rằng những người đáp ứng kém với hormone kích thích thì tỉ lệ mang thai thành công thấp hơn rõ rệt so với những người đáp bình thường (17% so với 35%) 48.
* Bệnh nhân quá mẫn buồng trứng (high ovarian response).
Quá mẫn buồng trứng được cho là có liên quan tới sự xuất hiện của các phôi bào đa nhân và điều này có mối quan hệ với hiện tượng rối loạn NST.
Soares và cộng sự năm 2003, nghiên cứu trên những bệnh nhân quá mẫn buồng trứng, tạo ra nhiều noãn, thấy rằng tỷ lệ lệch bội NST cao hơn so với nhóm chứng 49.
* Bệnh nhân có dự trữ buồng trứng giảm (Reduced ovarian reserve).
Có nhiều cách đánh giá khả năng dự trữ buồng trứng, trong đó thường được sử dụng là đánh giá nồng độ FSH vào ngày thứ 3 của chu kì. Nồng độ FSH tăng cao hầu hết như đồng nghĩa với sự suy giảm dự trữ buồng trứng, dẫn đến suy giảm số lượng và chất lượng noãn tạo ra.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ trẻ sinh ra bị Trisomy 21 tăng đáng kể ở phụ nữ trẻ tuổi có khả năng dự trữ buồng trứng giảm. Tăng nồng độ FSH có thể liên quan trực tiếp đến đến tỷ lệ lệch bội NST ở mọi lứa tuổi 50.