IV. Sự tác động của các hiệp định FTA, TTP đến chuỗi cung ứng.
2. Huy động vốn bẳng trái phiếu doanh nghiệp
Khi các doanh nghiệp cần huy động vốn, phát hành trái phiếu cũng là một cách. Một trái phiếu có chức năng giống một khoản vay giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp. Nhà đầu tư đồng ý đưa cho doanh nghiệp một lượng tiền nhất định, trong một thời gian nhất định để đổi lại, họ được trả lãi định kỳ trong khoảng thời gian thoã thuận. Khi khoản vay đến ngày đáo hạn, tiền vốn ban đầu của nhà đầu tư sẽ được hoàn trả.
Quyết định phát hành trái phiếu thay vì chọn phương pháp huy động vốn khác có thể phụ thuộc nhiều yếu tố. Việc so sánh đặc tính và lợi ích của trái phiếu với các phương pháp huy động tiền mặt phổ biến khác giúp ta hiểu rõ lý do các doanh nghiệp thường xem xét việc phát hành trái phiếu khi cần huy động tiền mặt để tài trợ cho các hoạt động của mình.
So với vay ngân hàng, huy động vốn qua trái phiếu có một số ưu điểm như không cần có tài sản thế chấp và được chủ động sử dụng số tiền huy động mà không có sự giám sát của ngân hàng. Doanh nghiệp chỉ phải trả lãi theo kỳ hạn 6 tháng hoặc 1 năm và chỉ trả gốc vào cuối kỳ. Lãi suất trái phiếu không bị khống chế bởi trần lãi suất nên có tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Doanh nghiệp sẽ được giải ngân ngay và toàn bộ thay vì việc giải ngân có lộ trình từng đợt.
Như vậy, doanh nghiệp huy động được tiền từ trái phiếu sẽ chủ động nguồn vốn hơn trong khi các doanh nghiệp đi vay ngân hàng khi muốn giải ngân phải giải trình cụ thể, chờ đợi ngân hàng phê duyệt và trong không ít trường hợp, khi tín dụng được giải ngân thì cơ hội kinh doanh đã đi qua. Với một số trường hợp, đặc biệt là khi lãi suất thấp, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất cố định để tận dụng nguồn vốn với chi phí thấp. Trong khi đối với hình thức đi vay ngân hàng thông thường, lãi suất thường là thả nổi và sẽ được rà soát thay đổi định kỳ.
Về lý do chọn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Trần Minh Hoàng - Chuyên viên phân tích VCBS, bên cạnh lãi suất (coupon) còn phải xét đến chi phí phát hành. Chi phí này sẽ biến động rất khác nhau tùy theo hình thức phát hành và chi phí tư vấn. Do đó, rất khó để chỉ căn cứ vào lãi suất và đi đến kết luận là “đắt” hay “rẻ” so với đi vay ngân hàng. Doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức huy động vốn phù hợp nhất với lợi ích của chính doanh nghiệp đó tại một thời điểm xác định thay vì chỉ đơn thuần dựa vào yếu tố lãi suất.
Vẫn có những bất lợi khi đầu tư trái phiếu
Vấn đề lãi suất tăng, rủi ro bị hoàn trả trước hạn và dĩ nhiên nguy cơ doanh nghiệp phá sản sẽ gây tổn thất một phần hoặc toàn bộ tiền đầu tư của bạn. Khi nhận được tiền lãi phải lo đầu tư số tiền đó vì rất ít công ty có chương trình tái đầu tư tiền lãi trái phiếu. Trong khi đó, nhiều công ty có chương trình tái đầu tư cổ tức. Cổ đông có thể mua thêm cổ phần được miễn sở phí, và có khi còn được mua cổ phần với giá rẻ hơn giá thị trường.
Giá trái phiếu công ty cũng biến động khá mạnh trên thị trường: khi lãi suất thị trường lên cao hơn lãi suất trái phiếu thì giá trái phiếu sẽ hạ. Khi cơ quan đánh giá xếp loại doanh nghiệp, đánh giá công ty phát hành từ loại AAA(3A) xuống AA(2A) hoặc xuống BBB(3B) thì giá trái phiếu cũng sẽ bị hạ. Hoặc khi có sự mất mát thị trường, vỡ nợ… thì giá trái phiếu cũng sẽ bị hạ.
Năm 2014, mặc dù thị trường trái phiếu có nhiều biến động, tuy nhiên với sự điều hành linh hoạt theo sát diễn biến thực tế của thị trường, hoạt động của thị trường trái phiếu đã đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường vốn, từng bước phối hợp nhịp nhàng với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và làm cơ sở cho các hoạt động huy động vốn trong giai đoạn hiện nay.
Nhờ đó, thị trường trái phiếu năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Về khối lượng huy động, tổng số vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu (gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp) là 288.722 tỷ đồng, bằng 7,27% GDP năm 2014. Trong đó riêng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2014 đạt 234.067 tỷ đồng, tăng 30% so với khối lượng huy động năm 2013 và gấp 3,5 lần năm 2010. Khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 17.555 tỷ đồng, trái phiếu chính quyền địa phương là 7.400 tỷ đồng. Khối lượng huy động trái phiếu doanh nghiệp là 26.722 tỷ đồng. Từ đó đã góp phần thực hiện hoàn thành vượt mức dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014 và đáp ứng nhu
cầu vốn cho đầu tư phát triển.
Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đã được kéo dài so với các năm trước. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đạt 4,95 năm (tăng 1,74 năm so với năm 2013), trong đó trái phiếu kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên chiếm 47% tổng khối lượng phát hành năm 2014. Kỳ hạn phát hành bình quân của trái phiếu do Ngân hàng Phát triển phát hành là 3,36 năm (tăng 0,53 năm so với năm 2013) và do Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành là 3,70 năm (tăng 0,71 năm so với năm 2013). Bên cạnh đó, so với cuối năm 2013, mặt bằng lãi suất thị trường trái phiếu tại thời điểm cuối năm 2014 giảm khoảng 1,30%-3,70% đối với các kỳ hạn, phù hợp với điều hành giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN. Tại thời điểm cuối năm 2014, dư nợ toàn thị trường trái phiếu là 864.952 tỷ đồng, bằng 21,77% GDP năm 2014 (năm 2013 là 19%GDP); trong đó riêng dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ là 549.991 tỷ đồng, bằng 13,84% GDP năm 2014 (năm 2013 là 11,26% GDP).
Trên thị trường trái phiếu đã hình thành hệ thống các nhà tạo lập thị trường hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động huy động vốn trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Năm 2014, giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp đã tăng khoảng 2 lần so với năm 2013, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu. Thị trường trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn có hiệu quả cho Chính phủ, các ngân hàng chính sách, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp đã quan tâm lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn phát triển sản xuất kinh doanh.