1. Cho biết thực trạng văn bản pháp luật liên quan đến thay đổi, hủy bỏ di chúc (về thời điểm, cách thức và hình thức thay đổi, hủy bỏ).
- Thứ nhất, về thời điểm thay đổi, hủy bỏ di chúc. Di chúc là hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc và chỉ có hiệu lực sau khi người lập di chúc chết nên trong khi còn sống, người lập di chúc có thể thay đổi, hủy bỏ di chúc bất cứ lúc nào, căn cứ vào khoản 1 Điều 640: “Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào”.
- Thứ hai, về cách thức thay đổi, hủy bỏ di chúc, ta xét khoản 2 và khoản 3 Điều 640 BLDS 2015:
“2. Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. 3. Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ.
Tuy nhiên, về cách thức hủy bỏ di chúc, BLDS chưa cho biết rõ di chúc được hủy bỏ như thế nào. PGS. TS. Đỗ Văn Đại đã chia cách thức hủy bỏ này ra thành hai trường hợp sau: minh thị (xé di chúc…) và ngầm định (lập di chúc khác, giao dịch khác di chúc…).
- Thứ ba, về hình thức thay đổi, hủy bỏ di chúc, ta xét khoản 5 Điều 643 BLDS 2015 và khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng 2014 như sau:
Khoản 5 Điều 643 BLDS 2015:
“5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực”.
Khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng 2014:
“3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó”.
2. Trong thực tiễn xét xử, việc thay đổi hay hủy bỏ di chúc có thể ngầm định (tức người lập di chúc không cần nói rõ là họ thay đổi hay hủy bỏ di chúc) không? Vì sao?
Trong thực tiễn xét xử, việc thay đổi hay hủy bỏ di chúc có thể ngầm định (tức người lập di chúc không cần nói rõ là họ thay đổi hay hủy bỏ di chúc).
Theo PGS. TS. Đỗ Văn Đại, trong thực tế, người lập di chúc thường không hủy bỏ di chúc một cách minh thị mà có hành vi cho phép suy luận rằng họ không muốn giữ di chúc nữa. Chẳng hạn, người lập di chúc định đoạt lại tài sản của mình bằng di chúc khác và thực tiễn xét xử theo hướng di chúc trước bị hủy bỏ (nên không có giá trị).
Trong vụ việc của Quyết định số 175/2010/DS-GĐT ngày 27-4-2010 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao, ngày 1-7-1990 cụ Tảng lập di chúc để lại tài sản cho các con. Tuy nhiên, ngày 15-9-1992 cụ Tảng lại lập một di chúc khác. Về
phía mình, Tòa giám đốc thẩm đã xét rằng: “Trong trường hợp di chúc năm 1992 cụ Tảng tự nguyện lập, khi minh mẫn và không bị lừa dối thì di chúc năm 1990 không có hiệu lực vì đã có di chúc năm 1992”. Điều này cho thấy di chúc năm 1990 bị hủy bỏ bằng việc người lập di chúc lập di chúc mới có nội dung khác liên quan đến tài sản trong di chúc năm 1990.
Tương tự như vậy với vụ việc trong Quyết định số 619/2011/DS-GĐT ngày 18- 8-2011 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao. Cụ Dương Văn Trượng lập “Tờ ủy quyền để lại thay lời chúc ngôn” vào ngày 01-3-1979 (thực tế là năm 1997) để lại tài sản cho con mình. Vào ngày 07-02-1999, cụ Trượng lại lập một di chúc khác.
Việc thay đổi hay hủy bỏ di chúc có thể được ngầm định, bởi không cần người lập di chúc nói rõ thì hành động của họ cũng đủ để ta có thể hiểu được rằng họ đang muốn thay đổi hay hủy bỏ di chúc đó, và pháp luật cũng có điều luật quy định về những hành động này.
3. Trong thực tiễn xét xử, việc thay đổi hay hủy bỏ di chúc có phải tuân thủ hình thức của di chúc bị thay đổi hay hủy bỏ không? Vì sao?
Trong thực tiễn xét xử, việc thay đổi hay hủy bỏ di chúc không cần phải tuân thủ hình thức của di chúc bị thay đổi hay hủy bỏ.
Trong Bộ luật Dân sự quy định việc sửa đổi hợp đồng phải được tiến hành như hình thức của hợp đồng bị sửa đổi. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 423 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Trong trường hợp hợp đồng được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc cho phép đăng ký thì việc sửa đổi hợp đồng cũng phải tuân theo hình thức đó”. Khoản 3 Điều 421 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định tương tự với nội dung “Hợp đồng sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đâu”. Trong phần di chúc, Bộ luật Dân sự không có quy định tương tự với hủy bỏ di chúc. Điều này chứng minh rằng không phải các nhà làm luật không dự liệu được điều này mà là vì các nhà làm luật đồng ý việc di chúc sau có thể không cần có hình thức giống với di chúc đầu.
Trong vụ việc của Quyết định số 192/2012/DS-GĐT ngày 23-4-2012 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao, vào ngày 15/5/1998, cụ Giảng và cụ Môn lập di chúc có chứng thực. Về phía cụ Môn, cụ Môn đã định đoạt phần tài sản của mình một lần nữa theo “Biên bản cuộc họp gia đình cụ Bùi Hữu Môn” vào ngày
cách giải quyết của Tòa hai cấp là xác định di chúc năm 1998 có hiệu lực vì như vậy là “gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của đương sự”. Như vậy, Tòa chấp nhận việc di chúc sau (Biên bản cuộc họp gia đình cụ Bùi Hữu Môn) vẫn được công nhận dù không cùng hình thức với di chúc đầu (di chúc ngày 15/5/1998). Điều này cũng dễ hiểu, dễ chấp nhận được. Bởi theo Khoản 5 Điều 643 BLDS 2015: Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực. Ở đây, bộ luật không nói di chúc này về hình thức như thế nào, chỉ nói là di chúc, nên có thể ngầm hiểu rằng, di chúc chỉ cần hợp pháp thì di chúc sau cùng là di chúc được công nhận.
4. Cho biết suy nghĩ của anh/chị về hướng giải quyết của Tòa án trong 03 quyết định trên (3 quyết định đầu) liên quan đến thay đổi, hủy bỏ di chúc.
Đối với quyết định đầu tiên (Quyết định số 619/2011/DS-GĐT), hướng giải quyết của Tòa án là hợp lý.
Tòa án yêu cầu xem xét bản “Di chúc thừa kế nhà ở” của bà Lan có tuân thủ các quy định của pháp luật hay không là thích đáng. Ngoài ra, yêu cầu làm rõ bà Lan có biết chữ hay không và thắc mắc về nội dung Đơn xin hủy di chúc có đúng ý chí của bà Lan hay không của Tòa án cũng rất thỏa đáng. Theo quy định pháp luật, người lập di chúc có quyền hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, “Đơn xin hủy di chúc” lại không phải do bà Lan viết mà lại do cháu Nguyệt Anh (con của chị Thu) viết hộ. Nếu bà Lan biết chữ thì tại sao cháu Nguyệt Anh (con của chị Thu) viết hộ Đơn xin hủy di chúc thay cho bà mà không phải tự bà viết. Việc viết hộ này có bảo đảm được hay không ý chí của bà Lan.
Đối với quyết định thứ hai (Quyết định số 767/2011/DS-GĐT), hướng giải quyết của Tòa án là hợp lý.
Ngày 01-3-1979 (thực tế là năm 1997), cụ Dương Văn Trượng lập “Tờ ủy quyền để lại thay lời chúc ngôn” vào ngày để lại tài sản cho con mình. Vào ngày 07-02-1999, cụ Trượng lại lập một di chúc khác. Mặc dù có “Tờ cam kết” là cam kết đối với di chúc đầu là “Tờ ủy quyền để lại thay lời chúc ngôn” nhưng nhìn mắt thường thì thấy chữ ký của cụ Trượng trong 3 văn bản nêu trên là khác nhau. Do vậy, việc Tòa án yêu cầu làm rõ tờ cam kết có phải do cụ Trượng ký hay không là thỏa đáng, bảo đảm được ý chí của cụ Trượng.
Đối với quyết định thứ ba (Quyết định số 194/2012/DS-GĐT), hướng giải quyết của Tòa án là hợp lý.
Ngày 15/5/1998, cụ Giảng và cụ Môn lập di chúc có chứng thực tại UBND xã Đức Thắng nhưng vì cụ Giảng tại thời điểm này không còn đủ tỉnh táo nên không ký tên, điểm chỉ vào tờ di chúc được. Do đó, Tòa xác định cụ Giảng coi như không để lại di chúc là hợp lý. Vì di chúc đã không đủ điều kiện về mặt hình thức theo Điều 633 BLDS 2015 về di chúc không có người làm chứng. Về phía cụ Môn, Tòa chỉ ra được điểm thiếu sót của Tòa án hai cấp về “Biên bản cuộc họp gia đình cụ Bùi Hữu Môn” ngày 11/4/2000 là rất thích đáng. Theo đó, cụ Môn đã định đoạt phần tài sản của mình theo “Biên bản cuộc họp gia đình cụ Bùi Hữu Môn” và biên bản này là hoàn hợp pháp theo Điều 662 BLDS (nay là Điều 640 BLDS 2015). Do đó việc Tòa hai cấp xác định di chúc năm 1998 có hiệu lực đối với phần tài sản của cụ Môn, đồng thời chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản của cụ Giảng là gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của đương sự. Bởi lẽ, cho dù hình thức của hai di chúc này như thế nào, thì di chúc trước (di chúc ngày 15/5/1998) phải bị hủy bỏ và công nhận di chúc sau (Biên bản cuộc họp gia đình cụ Bùi Hữu Môn, ngày 11/4/2000).
Như vậy, hướng giải quyết của cả 3 Tòa đều hợp lý, bảo đảm được quyền và lợi ích của người lập di chúc về thời điểm, cách thức, hình thức việc thay đổi, hủy bỏ di chúc.
5. Đoạn nào cho thấy, trong Quyết định số 363, Tòa án xác định di chúc là có điều kiện? Cho biết điều kiện của di chúc này là gì?
Trích phần Xét thấy của Quyết định cho thấy Tòa án xác định di chúc là có điều kiện:
“Như vậy, di chúc này thuộc loại di chúc có điều kiện, khi xem xét công nhận di chúc hay không, phải xem xét những điều kiện được nêu trong di chúc có được bảo đảm thực hiện hay không”.
Điều kiện của di chúc này là: thờ cúng ông bà tổ tiên; không được cầm cố hoặc chuyển nhượng; phải nuôi dưỡng ông Nguyễn Văn Cu khi ông bị ốm đau, bệnh hoạn hoặc tuổi già.
Trích từ Quyết định: “Theo văn bản này, cụ Nguyễn Văn Nhà cho bà Nguyễn Thị Sáu và bà Nguyễn Thị Lên trọn quyền sử dụng phần đất này, đồng thời có
trách nhiệm thờ cúng ông bà tổ tiên nhưng không được cầm cố hoặc chuyển nhượng và phải nuôi dưỡng ông Nguyễn Văn Cu khi bị ốm đau, bệnh hoạn hoặc tuổi già”.
6. Cho biết thực trạng văn bản quy phạm pháp luật về di chúc có điều kiện ở Việt Nam?
Theo khoản 4 Điều 626 BLDS 2015 quy định về quyền của người lập di chúc, theo đó, người lập di chúc có quyền: “giao nghĩa vụ cho người thừa kế”. Như vậy, “nghĩa vụ” ở đây có thể hiểu là điều kiện của di chúc.
Hiện nay nhiều hệ thống pháp luật chấp nhận di chúc có điều kiện và có cơ chế điều chỉnh khá chi tiết loại di chúc này. Tuy nhiên, trong nghiên cứu chuyên sâu về thừa kế, một tác giả đã cho rằng “pháp luật thừa kế hiện hành của nước ta không có bất kỳ một quy định nào về di chúc có điều kiện”.
Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về “Giao dịch dân sự có điều kiện” tại khoản 1 Điều 125 (tương ứng với Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 1995), theo đó: “Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về diều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ”. Quy định vừa nêu được giữ lại tại khoản 1 Điều 120 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ở đây, giao dịch dân dự là hợp đồng hay hành vi pháp lý đơn phương và di chúc là một hành vi pháp lý đơn phương nên có thể cho rằng di chúc có điều kiện chịu sự điều chỉnh của quy định trên. Thực ra, trong một số trường hợp, chế định giao dịch dân sự có điều kiện này không thể được áp dụng cho di chúc có điều kiện. Bởi lẽ theo điều luật trên, điều kiện phải do “các bên thỏa thuận” nhưng, đối với di chúc có điều kiện phải thực hiện một việc sau khi người lập di chúc chết, thường thì không có việc “các bên thỏa thuận” mà chỉ là ý chí đơn phương của người để lại di sản. Tuy nhiên, chúng ta cũng không loại trừ khả năng người lập di chúc thụ hưởng đã “thống nhất” với nhau về điều kiện của di chúc. Khả năng này tồn tại đối với di chúc có điều kiện phải thực hiện trước khi người lập di chcus chết: ở thời điểm người lập di chúc còn sống, người thụ hưởng phải biết điều kiện để thực hiện và với việc người thụ hưởng thực hiện các điều kiện để được nhận di sản sau này đã thể hiện người thừa hưởng đồng ý với người để lại di chúc.
Bên cạnh đó, theo điểm c khoản 1 Điều 653 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Di chúc phải (…) xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di
sản”. Với quy định như trên thì chúng ta có thể suy luận các nhà lập pháp đã “ngầm” chấp nhận di chúc có điều kiện.
Có thể thấy, di chúc có điều kiện rất phổ biến trong thực tế nhưng Bộ luật dân sự thì đề cập rất ít về vấn đề này.
7. Cho biết hệ quả pháp lý khi điều kiện đối với di chúc không được đáp ứng.
Theo PGS. TS. Đỗ Văn Đại, về việc xử lý việc không thực hiện nghĩa vụ theo di chúc, đầu tiên ta phải xác định xem người thụ hưởng có muốn tiếp tục thực hiện hay không, nếu người thụ hưởng muốn tiếp tục thực hiện thì có nên cho phép tiếp tục hay không? Ở đây, có những vụ không thể tiếp tục thực hiện, và trường hợp này, chúng ta không thể cho phép tiếp tục.
Nếu nghĩa vụ vẫn có thể thực hiện được, cần ưu tiên giải pháp tiếp tục thực hiện vì giải pháp này giúp ý chí của người đã khuất được triển khai trong thực tế (điều kiện được đáp ứng và người thụ hưởng được hưởng di sản).
Trong trường hợp không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo di chúc hoặc khả năng người thụ hưởng thực hiện nghĩa vụ không cao thì không nên theo hướng tiếp tục. Do vậy, nếu điều kiện không được đáp ứng thì có thể suy luận rằng người thụ hưởng theo di chúc không được hưởng di sản theo di chúc.
Như vậy, khi điều kiện không đối với di chúc không được đáp ứng thì hệ quả pháp lý sẽ là người thụ hưởng sẽ không được nhận di sản theo di chúc.
8. Cho biết suy nghĩ của anh/chị về di chúc có điều kiện ở Việt Nam (có nên luật hóa trong BLDS không? Nếu luật hóa thì cần luật hóa những nội dung nào?).
Theo em, di chúc có điều kiện nên được luật hóa trong BLDS. Bởi vì nhu cầu về di chúc có điều kiện cũng như giải quyết về vấn đề ngày ngày càng nhiều. Vậy nên cần phải có những điều luật quy định rõ ràng về vấn đề này để dễ dàng giải quyết cũng như áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Để luật hóa di chúc có điều kiện, cần làm rõ được các vấn đề như: Thế nào là di chúc có điều kiện? Điều kiện để lập di chúc có điều kiện là gì? Hệ quả pháp lý đối với di chúc không được đáp ứng điều kiện? Quy định về các điều kiện?