Hai tổ chiến đấu

Một phần của tài liệu Người mẹ cầm súng Nguyễn Đình Thi liên hệ với chương trình 12 (Trang 27 - 29)

Chiều hôm trước, anh Tịch về nói với vợ:

- Ngày mai "đồng chí vợ" đưa tiểu đội nữ đi phối hợp rải truyền đơn với tôi đi!

- Đi thì đi chớ!

Lúc đó út lại có thai hơn bảy tháng. Muốn vào được sát Cầu Kè để vũ trang tuyên truyền, ta phải qua vòng đai của nó là ba ấp chiến lược Chông Nô, ấp 2 vừa bị phá, bót Tám Thế đóng lại ba lần không được, bót Đường Trâu bị cướp súng giữa ban ngày, bọn giặc ở Cầu Kè ra sức củng cố. Chúng tàn phá khu giáp ranh với ta thành một vùng trắng, tuần tiễu, biệt kích ngày đêm, thấy bóng người là bắn. Vườn cây xơ xác, ô rô, rau muống mọc hoang dại. Địa thế hoàn toàn bất lợi cho ta vì đường rút bị con sông nhỏ Cầu Kè chắn ngang.

Sáng hôm sau, út dặn con Bé ở nhà trông em, khéo léo nịt bao đạn vào cái bụng đang có thai, cùng hai cô Chín và Thà, trưởng và phó tiểu đội nữ, đi phối hợp với tổ vũ trang của chồng.

Chín, Thà nằm lại gác ở bờ bên này. út theo chồng vượt qua sông. Tới gần hết vùng trắng, nơi chia hai ấp 1 và 2, út nói:

- Mấy anh vô rải đi, tôi gác đây cho.

Anh Tịch nhìn vợ, ái ngại:

- Chỗ này em gác không được, bụng vậy làm sao chạy?

- Sao không được? Tôi bảo đảm, anh cứ đi đi!

út ở lại đó. Không khí vùng trắng lặng trang. Những con chim sâu cũng sợ, bay đi làm tổ nơi khác. Xa lắm, từ trong phía Cầu Kè, vẳng tiếng chó sủa. Trước mặt út là một bờ đê dài, giặc rất hay phục kích để chặn đường rút quân của ta. Sanh mạng cả tổ võ trang, của chồng nằm trong tay chị. Đứng gác, út nghĩ: "Mấy thằng lính bây có làm gì để tao ăn xong miếng trầu đã nghe!".

Nhưng chị chưa kịp đưa trầu vào miệng thì hai dọc lính địch đã xuất hiện cả trên và dưới bờ đê, cách chị có vài chục mét.

Đạn lên nòng rồi. Một viên út bắn có thể xỏ xâu cả ba thằng. Chỗ này trống, gác thì dòm dễ, nhưng bắn sẽ không có đường chạy. Nhưng nếu không bắn thì cả tổ võ trang trong kia không ai báo động, nó bao chết. Phải bắn! Mệnh lệnh tự trong lòng út đề ra cho mình. Chị lách sang một bên, lùi xuống một chút, nổ súng. Bị một phát bất thần, giặc nổ cả hai cây trung liên về phía chị. Súng giặc vừa ngớt, chị lủi xuống bìa sông, nổ nữa. Bọn giặc chúi đầu xuống bờ đê bắn nát gốc tre, ngọn cỏ. Chị kèm súng, lội đứng qua sông.

Từ phía ấp 2 bỗng có tiếng súng bắn chéo về phía giặc. út nhận ra tiếng súng của chồng. Chị thở ra một hơi nhẹ nhàng: họ rút ra kịp rồi! Trong lúc giặc quay họng trung liên về phía chồng, út vọt lên bờ, cùng hai cô du kích nã đạn sang chúng. Giặc lại quay họng súng sang chị. Từ bên kia, nghe biết tiếng súng chi viện của vợ, anh Tịch đưa tổ võ trang nhanh chóng rút qua sông. Qua tới bên này, anh lại cho bắn, kéo hỏa lực giặc về mình để tổ nữ du kích rút xa thêm đoạn nữa. út hiểu ý, rút một quãng lại nằm bắn để yểm trợ cho chồng rút theo. Cứ thế cho đến

lúc cả hai tổ võ trang nam nữ, cả đôi vợ chồng gặp nhau ở chỗ an toàn. út cười, nói với chồng:

- Tôi "chia lửa" cho "đồng chí chồng" rút đó, nghen!

Tất cả đều cười. Nhưng còn kế hoạch tuyên truyền chưa làm và bó truyền đơn chưa rải thì tính sao đây?

Hôm sau, họ lại vô nữa. Lần này út chỉ cầm một trái lựu đạn cho gọn. Bờ sông lạnh lẽo, rậm rạp, giặc có thể phục bất cứ chỗ nào. Tới chỗ gác hôm trước, út lại giành nhau với chồng. Anh Tịch sợ vợ chết, vì bụng lớn quá, chạy không kịp. út lại sợ anh em khác, cả anh Tịch nữa, chết, nếu không biết ý đứng gác ở chỗ này.

Anh Tịch đi chưa tới chân vườn ấp 2 bỗng nghe tiếng bọn giặc la ó ở phía vợ đứng gác. Chúng vừa nổ súng, vừa la:

- Vợ thằng Tịch! Bắt sống!

Ở bên này, không để chồng lo ngại lâu, út nhào vào bụi, ném lựu đạn lại giặc. Bị một cú bất thần, bọn giặc nằm im. Một chút chúng ngóc lên, bắn nữa. út chọi luôn ba cục đất rồi lặn xuống sông. Vừa lặn, chị vừa nghĩ: "Quân này chỉ rượt tao bằng đạn, chớ cóc có dám rượt bằng người!"

út đã lặn quá nửa sông, bọn giặc vẫn còn núp tránh ba cục đất, chưa dám bắn.

Như lần trước, tất cả đã ra hết, nhưng còn bó truyền đơn chưa rải được, tính sao đây?

Một phần của tài liệu Người mẹ cầm súng Nguyễn Đình Thi liên hệ với chương trình 12 (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)